Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 8: Những Chặng Đường Phát Triển Của Gia Đình Phật Tử Việt Nam (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 A-KHÁI QUÁT LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTVN

II.Những chặng đường phát triển

1)Giai đoạn sơ khởi (1930-1950)

2)Giai đoạn phát triển (1951-1974)

3)GĐPT hy sinh bảo vệ Đạo Pháp

4)Giai đoạn tiềm ẩn (1975-1996)

5)Giai đoạn phục hồi sinh hoạt (1997 đến nay)

Kỳ 8:
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM ( tiếp theo)

 IV- GIAI ĐOẠN TIỀM ẨN ( 1975 – 1996 ) :

1)Giai đoạn 1975 – 1980 :

Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ năm 1975 đến 1980, nói chung, không được phát triển rầm rộ như trước đây mà chỉ tiềm ẩn theo từng địa phương vì một số nguyên nhân như sau :

-Chiến tranh vừa chấm dứt, đất nước đang bận rộn với công cuộc phục hồi đời sống, chánh quyền cách mạng lãnh đạo toàn dân dành tất cả nỗ lực khôi phục sản xuất, ôn định an ninh quốc phòng và khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại quá nặng nề… Từ đó sinh hoạt GĐPT trở thành nhu cầu chưa thật sự cần thiết trong lúc này.

-Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung ương không còn hoạt động. Các anh chị trong BHD TW, một số đã ra nước ngoài, số còn lại gia nhập lực lượng lao động hoặc về vùng kinh tế mới xây dựng nông thôn. Một số không ít chùa chiền bị hư hỏng do chiến tranh, không có tăng ni trụ trì v.v…

-Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, sau ngày giải phóng, cũng không còn điều hành Phật sự cả nước như trước. Do đó, anh chị em huynh trưởng GĐPT ngần ngại về tính pháp lý nên không mạnh dạn quy tụ đoàn sinh đến sinh hoạt. Vì vậy, rất nhiều Gia đình đã tự giải tán, nhất là tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ xem như mất trắng Gia Đình Phật Tử

 

Trong những năm này, tại một vài tỉnh miền Trung và Cao nguyên như : Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẳng, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Lạt…một số ít đơn vị còn cố duy trì sinh hoạt nhưng đã giảm sút rất nhiều về hình thức cũng như nội dung. Chủ yếu là cố giữ cho ngọn lửa màu Lam đừng tắt ngấm mà thôi.

 

2)Giai đoạn 1981 – 1996  :

a-Đại hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ I: được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, 165 đại biểu của 9 tổ chức Phật Giáo trong cả nước nhóm họp tại chùa Quán Sứ – Hà Nội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), Hòa thượng Thích Đức Nhuận được suy tôn vào ngôi vị pháp chủ; Hòa thượng Thích Trí Thủ làm chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương..

Tại Kiên Giang, đầu năm 1982, các hệ phái Phật Giáo Nam tông Khmer và Bắc tông người Việt ngồi lại  thành lập Ban trị sự Tỉnh hội Phật Giáo Kiên Giang do HT Danh Nhưỡng (Nam tông) làm trưởng Ban trị sự, HT Thích Bổn Châu (Bắc tông) là phó trưởng ban thường trực.

b-Đại hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ II: GHPGVN nhóm đại hội toàn quốc lần II vào các ngày 28.29.30/10/1987 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô – Hà Nội với 1.200 đại biểu. Cư sĩ Tống Hồ Cầm, ủy viên Kiểm soát và là phó trưởng ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử trung ương GHPGVN đọc tham luận trước đại hội, trong đó có đoạn như sau :

“…Nói đến vai trò của Cư sĩ Phật tử như chúng ta biết, đã được Hiến chương GHPGVN định hình trong ngôi nhà PGVN hôm nay, cũng chỉ để xác lập một thành phần vốn có truyền thống “tứ chúng đồng tu” của đạo Phật và cũng để xác lập sự đoàn kết tăng cường cơ cấu của giáo hội đối với một thực thể nhân sự đông đảo nhất mà suốt dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam không ngừng gắn bó với Đạo pháp và Dân tộc…”

 

Tại chùa Tam Bảo, Rạch Giá-Kiên Giang, vào ngày lễ Thành Đạo Phật lịch 2.533 tức ngày mùng 8 tháng Chạp năm Mậu Thìn (nhằm ngày chủ nhật 15/1/1989), một cuộc họp mặt các anh chị huynh trưởng GĐPT Kiên Giang và một số vị cư sĩ trí thức đặt dưới sự chứng minh của HT Thích Bổn Châu, phó trưởng ban thường trực BTS Tỉnh Hội PG Kiên Giang cùng với sự hiện diện của toàn thể Ban Thường trực BTS Tỉnh Hội. Kết quả cuộc họp mặt này đã khai sinh Tiểu Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử, mở đầu cho phong trào sinh hoạt của Phật tử trẻ tại 12 ngôi chùa ở thị xã Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và thị trấn Tân Hiệp . Có thể coi phong trào này là tiền thân của Gia Đình Phật Tử tại Kiên Giang sau này.

Mùa hè năm 1990, Tiểu ban đã xin phép  mở trại huấn luyện Lộc Uyển lần thứ I tại chùa Tam Bảo-Hà Tiên cho 65 trại sinh dưới danh nghĩa “Lớp bồi dưỡng giáo lý cho huynh trưởng”.

 

c-Đại hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ III: đại hội đại biểu GHPGVN toàn quốc lần III được tổ chức tại  Hà Nội vào các ngày 3, 4/11/1992. Đại hội tu chính một số điều trong Hiến chương GHPGVN, trong đó có ghi :

“Về vấn đề GĐPT, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN có một số nhận định về vấn đề này :

Nguyện vọng giáo dục giáo lý đạo Phật và đạo đức Phật Giáo cho nam, nữ Phật tử, trong đó kể cả thanh thiếu niên Phật tử là nguyện vọng chính đáng. Cần phải tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng đó.

Vì thế, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xác định rõ ràng các cấp lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương, Tỉnh, Thành hội đến các cơ sở tự viện đối với Phật sự quan trọng này…”

Tháng 7/1992, Tiểu ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử thuộc Tỉnh hội Phật Giáo Kiên Giang được sự đồng ý của chánh quyền, đã mở trại huấn luyện A Dục I – Lộc Uyển II tại chùa Tam Bảo-Hà Tiên cho 80 trại sinh dưới danh nghĩa “Lớp bồi dưỡng giáo lý cho huynh trưởng”

 

3)Ban Tôn Giáo Chánh Phủ ra Thông báo cho phép GĐPT tái sinh hoạt :

Tháng 01/1995, Ban Tôn Giáo Chánh phủ ra Thông báo số 001/TB-BTG-CP với nội dung “Cho phép Gia Đình Phật Tử trong cả nước được tái sinh hoạt dưới sự quản lý của Tỉnh, Thành hội Phật Giáo”. UBND Tỉnh Kiên Giang triển khai cụ thể Thông báo nêu trên bằng công văn số 927/NĐ-UBND  với nội dung “Cho phép những đơn vị GĐPT có trước năm 1975 được phục hồi sinh hoạt”.  Ngày 28/1/1996, Tiểu ban HDNNCSPT tổ chức hội nghị huynh trưởng tại chùa Tam Bảo-Rạch Giá nhằm triển khai hai văn bản nói trên dưới sự chứng minh của Ban Thường trực BTS Tỉnh hội PG Kiên Giang và có sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng như : UBND, Mặt trận TQ, Ban Tôn giáo, Công an v.v… Hội nghị này mở đầu cho thời kỳ phục hưng của GĐPT tại Kiên Giang sau nhiều năm trầm lắng.

Sau hội nghị này, 6 đơn vị GĐPT được Ban trị sự Tỉnh Hội cho phép chính thức sinh hoạt lại, gồm :

1)GĐPT Chánh Quang, chùa Phổ Minh, Rạch Giá

2)GĐPT Chánh Đạo, chùa Tam Bảo, Rạch Giá

3)GĐPT Chánh Thiện, chùa Phật Quang, Rạch Giá

4)GĐPT Chánh Pháp, chùa Tam Bảo, Hà Tiên

5)GĐPT Kiên Thệ, chùa Kiên Tân, huyện Tân Hiệp

6)GĐPT Bửu Minh, chùa Bửu Sơn, huyện Tân Hiệp  

(Còn tiếp …)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.