Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 19: Sinh Hoạt Nội Khóa và Ngoại Khóa của một Đơn vị Gia Đình Phật Tử

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

I.Cấp trung ương

          1)Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương

          2)Phân ban GĐPT trung ương

II.Cấp tỉnh, thành phố

          1)Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành

          2)Phân ban GĐPT tỉnh, thành

III.Cấp cơ sở

          1)Thầy trụ trì

          2)Hệ thống tổ chức 1 đơn vị GĐPT

          3)Ban huynh trưởng GĐPT      

          4)Điều kiện thành lập 1 đơn vị GĐPT

          5)Cơ sở vật chất cần thiết cho sinh hoạt GĐPT

          6)Chương trình một buổi sinh hoạt thường xuyên (hằng tuần)

          7)Sinh hoạt nội khóa và ngoại khóa của 1 đơn vị GĐPT

          8)Ban bảo trợ GĐPT

Kỳ 19:

SINH HOẠT NỘI KHÓA VÀ NGOẠI KHÓA

CỦA MỘT ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ  (Tiếp theo)

II-SINH HOẠT NGOẠI KHÓA :

Là những sinh hoạt không thường xuyên của đơn vị. Tuy nhiên, sinh hoạt ngoại khóa có tác dụng giáo dục không nhỏ trong quá trình đào luyện một đoàn sinh trở thành “Phật tử chân chánh”.

Sinh hoạt ngoại khóa gồm các loại hình sinh hoạt như sau:

1) CẮM TRẠI – DÃ NGOẠI – THAM QUAN – DU KHẢO :

Loại hình này đem lại sinh khí cho sinh hoạt GĐPT, đáp ứng nhu cầu hoạt động của tuổi trẻ nên rất được các em ưa thích. Sinh hoạt này, ngoài đem lại lợi ích vui chơi giải trí và phát triển thể lực, còn mang đến hiệu quả giáo dục cho đoàn sinh. Trong quá trình tham gia các hoạt động này, đoàn sinh thực tập được các tính tốt như : tính kỷ luật, tinh thần đồng cội, óc tháo vát, óc tổ chức, sự khéo tay, óc sáng tạo v.v… đồng thới cũng là cơ hội giúp các em phát huy các năng khiếu vốn có.

Mỗi đơn vị, tùy theo khả năng và hoàn cảnh, thỉnh thoảng nên tổ chức loại hình này cho đoàn sinh. Theo chúng tôi, tốt nhất là tổ chức mỗi quý một lần. Địa điểm tổ chức không cần đi xa lắm, nhưng phải ra ngoài phạm vi ngôi chùa mà hằng ngày đơn vị sinh hoạt. Nội dung chương trình một ngày cắm trại dã ngoại cần được lồng ghép với việc ôn tập những bài đã học trong quý gồm đủ các bộ môn : Phật pháp, HĐPT và văn nghệ.

10403365 488149991330766 8046439790073917962 n

2)VĂN NGHỆ – THỂ THAO :

Bộ môn văn nghệ trong GĐPT gồm nhiều loại hình, nhưng đối với sinh hoạt của một đơn vị thường chú trọng tổ chức hai loại hình là làm báo tườngbiểu diễn văn nghệ (ca, múa, kịch…)

Văn nghệ có tác dụng giáo dục tình cảm trong sáng và nét đẹp (mỹ học) trong tâm hồn con người. Văn nghệ còn có sức thu hút thanh thiếu niên đến với GĐPT.

2-1/Báo tường : Mỗi đơn vị cần thực hiện ít nhất bốn (4) tờ báo tường trong 1 năm vào những dịp lễ lớn như : xuất gia, Phật đản, thành đạo, vu lan,xuân Di Lạc, chu niên Gia đình…Việc làm báo tường mang lại sự thích thú, cơ hội phát triển năng khiếu viết văn, năng khiếu hội họa, khả năng sử dụng vi tính; làm tăng trưởng tinh thần đồng đội, nét đẹp trong tâm hồn… và là động lực thúc đẩy toàn đơn vị hăng say trong sinh hoạt GĐPT. Ngoài báo tường, đơn vị có thể ra đặc san hay kỷ yếu vào dịp chu niên kỷ niệm 20 năm, 30 năm, 50 năm…ngày sinh của Gia đình v.v…

2-2/Biểu diễn văn nghệ : biểu diễn văn nghệ luôn kích thích đoàn sinh đi sinh hoạt đông đủ hơn, đồng thời cũng là cơ hội quảng bá sinh hoạt GĐPT đến với đông đảo thanh thiếu nhi trong vùng. Biểu diễn văn nghệ còn là một phương pháp giáo dục hữu hiệu trong 4 phương pháp giáo dục của GĐPT.

Đơn vị thường tổ chức biểu diễn văn nghệ trong những thời điểm sau đây : các ngày lễ lớn trong Phật Giáo, chu niên Gia đình, các lễ lạt trong GĐPT, lễ tổng kết năm học, phục vụ khóa an cư kiết hạ và lễ lạt của các chùa trong tỉnh …

2-3/Thể thao: hoạt động thể thao như : bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, vũ cầu, cờ vua…có sức thu hút giới trẻ, nhất là thiếu niên. Ngoài tác dụng nâng cao thể lực, nó còn là môn giải trí lành mạnh và giáo dục các đức tính tốt như : tính đồng đội, tính trung thực, tính phóng khoáng cỡi mở       v.v…

Vào những dịp lễ, tết hoặc những tháng hè, đơn vị nên tổ chức thi đấu thể thao trong nội bộ hoặc thi đấu với đơn vị bạn để làm phong phú cho sinh hoạt, tạo cơ hội thu hút đoàn sinh mới.

12274391 841575615962486 8081192838953592781 n

3)TƯƠNG TRỢ ĐOÀN VIÊN VÀ TỪ THIỆN XÃ HỘI :

Hoạt động tương trợ và từ thiện xã hội nhằm giáo dục đoàn sinh lòng thương người và tinh thần chia sẻ với cộng đồng. Hoạt động tương trợ và từ thiện xã hội còn tạo cho đoàn viên GĐPT tình cảm thân thương đối với mái nhà lam của mình để từ đó gắn bó lâu dài với đồng đội, góp phần xây dựng đại gia đình Áo Lam ngày càng phát triển.

3-1/Tương trợ đoàn viên : đây là việc làm từ thiện mang tính nội bộ trong đơn vị. Đó là sự giúp đỡ nhau trong mọi mặt đời sống như: thăm viếng, săn sóc, hỗ trợ tiền thuốc khi đau ốm; giúp đỡ đoàn viên  công ăn việc làm; trao học bổng hỗ trợ cho đoàn viên nghèo; hỗ trợ gia đình khi hữu sự v.v… Thầy trụ trì làm từ thiện xã hội hằng năm nên dành ra một khoản tiền cho việc tương trợ đoàn viên GĐPT. Nếu việc tương trợ được làm tốt sẽ mang lại hiệu quả là đoàn viên sẽ gắn bó với đơn vị lâu dài và thanh thiếu niên cũng sẽ tìm đến gia nhập GĐPT nhiều hơn.

3-2/Từ thiện xã hội : đơn vị nên khuyến tấn đoàn sinh tiết kiệm chi tiêu mỗi ngày để đóng góp gây quỹ từ thiện. Lâu lâu, đơn vị có thể tổ chức một chuyến từ thiện kết hợp với tham quan dã ngoại cho đoàn sinh. Nơi đến có thể là trại mồ côi, nhà dưỡng lão… Tại đây, đoàn sinh sẽ trao những món quà nho nhỏ và chăm sóc hoặc giao lưu trò chuyện với các em mồ côi hay các cụ lão.

Hoạt động từ thiện xã hội nằm trong 4 phương pháp giáo dục của tổ chức GĐPT.

39

4)HỘ TRÌ TAM BẢO :

Đoàn viên GĐPT luôn gắn bó với ngôi chùa mình đang sinh hoạt, vì vậy việc tham gia các Phật sự do nhà chùa tổ chức là một bổn phận không thể thiếu. Hộ trì Tam Bảo bao gồm nhiều hình thức tùy theo nhu cầu Phật sự từng lúc từng nơi. Thí dụ : giúp đỡ chư tăng, ni trong công việc hằng ngày hợp với khả năng của đoàn viên, làm tạp dịch hay biểu diễn văn nghệ, dâng hoa cúng dường trong những dịp lễ , rằm lớn do chùa tổ chức v.v…

Hoạt động hộ trì Tam Bảo làm cho Gia đình gắn bó hơn và được cảm tình của chư tăng, ni và Phật tử trong chùa. Hoạt động này còn làm tăng trưởng tình cảm thân thương của đoàn viên với đạo pháp, tạo nên một sức mạnh thiêng liêng suốt cuộc đời người đoàn viên khiến họ khó lìa bỏ ngôi chùa hay dễ dàng cải sang đạo khác.

Ngoài 4 hình thức sinh hoạt ngoại khóa nêu trên, còn có những hình thức sinh hoạt ngoại khóa khác mà đơn vị cần quan tâm tổ chức thực hiện chu đáo như : các loại lễ lạt trong GĐPT (lễ phát nguyện vào đoàn, lễ cắt dây lên đoàn, lễ tổng kết năm học, lễ chu niên Gia đình v.v…); các lần giao lưu hiếu hỷ với đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh v.v…

Tóm lại, tất cả các hình thức sinh hoạt ngoại khóa đều có tác dụng giáo dục cao nhằm đào luyện đoàn viên trở thành Phật tử chân chánh. Nên nhớ: Phật tử chân chánh không phải là một người xuất gia, mà là một con người tu hạnh bồ tát giữa cuộc đời với bao trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội và đất nước. Đó chính là mục đích tối hậu của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.