Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 62: Đổi Mới Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử Như Thế Nào? (tt)

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG IV:

NHỮNG THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

ĐỐI VỚI
 SINH HOẠT GĐPT HIỆN NAY

1) Những thuận lợi chủ quan và khách quan

2) Những khó khăn chủ quan và thách thức từ hoàn cảnh khách quan

3) Đổi mới sinh hoạt GĐPT như thế nào?

KỲ 62

ĐỔI MỚI SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

NHƯ THẾ NÀO?


(Tiếp theo kỳ trước)

III.TINH HOA VÀ NÉT QUYẾN RỦ CỦA SINH HOẠT GĐPT :

1)Chân dung người đoàn viên GĐPT :

2)Những giá trị đích thực của sinh hoạt GĐPT cần phát huy:

2/1-Tình thương :

2/2-Kỷ luật :

Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra một câu hỏi trắc nghiệm và luôn nhận được cùng một kết quả như nhau. Câu hỏi trắc nghiệm như sau :

“Có 2 đội bóng đá A và B.

Đội A là đội có huấn luyện viên giỏi nhưng nghiêm, ông rèn luyện tất cả cầu thủ trong đội A đều là những người có kỷ luật, có kỹ năng tốt và một tinh thần đồng đội rất cao;

Trong khi đó đội bóng B là một đội mà huấn luyện viên có tính dễ dãi nên cầu thủ của ông không có kỷ luật, từ đó thiếu tập luyện thường xuyên nên kỹ năng kém, lại do không có kỷ luật nên toàn đội không tìm được tiếng nói chung, tinh thần đồng đội không có.”

Câu hỏi đưa ra là :

1.Nếu hai đội bóng này đấu với nhau thì đội nào chắc chắn sẽ thắng ?

2.Em thích làm cầu thủ đội nào ? đội có kỷ luật hay đội không có kỷ luật?

Câu trả lời luôn là :

1.Đội A (có kỷ luật) chắc chắn thắng

2.Em thích làm cầu thủ trong đội có kỷ luật (đội A)

Qua mẩu trắc nghiệm trên đây cho chúng ta thấy, tuyệt đại đa số đoàn viên GĐPT đều thích sống trong một tập thể có kỷ luật và các em biết chắc rằng kỷ luật là sức mạnh của tập thể.

Tính kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử
các em biết chắc rằng kỷ luật là sức mạnh của tập thể (ảnh minh họa)

Một số huynh trưởng điều khiển đoàn ngày nay có nhận định sai lầm rằng “Sinh hoạt GĐPT là sinh hoạt tự nguyện, nếu chúng ta kỷ luật nghiêm quá e rằng đoàn sinh sẽ nghỉ hết”. Từ nhận định sai lầm nói trên dẫn đến những phương cách sinh hoạt hết sức tùy tiện, lơi lỏng, buông thả, chẳng có nề nếp, đoàn viên trong đơn vị cứ như một đám quân ô hợp. Chính tâm lý dễ dãi của huynh trưởng dẫn đến tình trạng rã rời trong sinh hoạt của Gia đình, tạo nên tâm lý chán chường trong đoàn viên. Vì thiếu hiểu biết mà chúng ta đã bỏ mất một món quý báu làm nên giá trị của sinh hoạt GĐPT, đó là tính kỷ luật.

a-Thế nào là tính kỷ luật trong sinh hoạt GĐPT ? Đó là :

-Khi mọi người trong đơn vị đều có mặt đầy đủ và đúng giờ sinh hoạt

-Khi tất cả từ anh chị huynh trưởng cho đến em Oanh Vũ, ai cũng đều có ý thức mặc đoàn phục đầy đủ và nghiêm chỉnh, không phải mặc cho lấy có. Ai cũng hãnh diện vì bộ đoàn phục tươm tất của mình.

-Khi đoàn sinh, mặc dù đến trước giờ, nhưng vẫn không bị chư tăng (ni) phiền trách vì làm ồn trong giờ chư tăng (ni) chỉ tịnh.

-Khi mỗi người đều làm tròn nhiệm vụ được giao, từ anh (chị) liên đoàn trưởng cho đến em đội, chúng trưởng và đầu đàn.

-Khi chương trình buổi sinh hoạt đã được quán triệt và được huynh trưởng trực điều khiển một cách trơn tru, nghiêm túc, đúng giờ, đúng tác phong GĐPT và với một thái độ cởi mở, vui tươi.

-Khi anh chị đoàn trưởng (phó) luôn để mắt đến đàn em, sẵn sàng đi đến bên các em động viên, nhắc nhở, giúp đỡ mỗi khi các em cần. (đây chính là giáo dục kỷ luật cho đoàn sinh)

-Khi mà anh chị trưởng có nghiên cứu bài dạy kỹ càng, có soạn giáo án, có chuẩn bị học cụ, thuộc lòng giáo án và hướng dẫn các em một cách rành mạch, hấp dẫn, truyền được ý nghĩa bài học đến với đoàn sinh

-Khi tất cả đoàn sinh, trong giờ học, đều tập trung lắng nghe anh, chị giảng bài một cách say mê, trả lời được các câu hỏi kiểm tra và có vở ghi chép bài học.

-Khi trong giờ chơi tất cả đều có mặt trong vòng tròn, ngoại trừ gia trưởng, còn lại đều phải tham gia trò chơi.

-Khi huynh trưởng quản trò thông suốt cách thức điều khiển trò chơi, truyền được cảm hứng đến người chơi và khi tất cả người chơi đều tham gia trò chơi một cách vui thích và đầy hứng khởi.

-Khi buổi sinh hoạt chưa kết thúc thì không một ai bỏ về trước khi kết dây thân ái vì bất cứ lý do gì.

-Khi sau giờ sinh hoạt, ban huynh trưởng luôn ngồi lại rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, kiểm điểm công việc đã làm và bàn thực hiện công việc tuần sau trong không khí Lục Hòa và có kỷ luật.

Một buổi sinh hoạt hoàn hảo như thế cũng giống như một đội bóng vừa kết thúc trận đấu với thắng lợi thuộc về đội mình. Tất cả mọi người đều hoan hỷ chia tay trong niềm lưu luyến đượm chút ngất ngây của một đội bóng vừa  chiến thắng. Mặt trời đã khuất sau tháp chuông chùa mà nhiều anh chị em vẫn còn lưu luyến chưa nỡ ra về.

“Chiến thắng” này là thành quả của tính kỷ luật trong từng đoàn viên của đơn vị. Tính kỷ luật đưa đến tinh thần trách nhiệm ở mỗi người, dù làm việc lớn như liên đoàn trưởng hay việc nhỏ như một đầu đàn, tất cả đều nỗ lực hoàn thành tốt vai trò của mình trong buổi sinh hoạt.

tính kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử
Tính kỷ luật đưa đến tinh thần trách nhiệm ở mỗi người (ảnh minh họa)

b-Làm sao để mọi thành viên trong Gia đình huân tập được tính kỷ luật?

-Kỷ luật trong GĐPT là thứ kỷ luật tự giác, được hình thành bằng cách noi gương kỷ luật của những người chung quanh (huynh trưởng và đồng đội.)

-Kỷ luật GĐPT tuyệt đối không phải thứ “kỷ luật sắt” của quân đội vừa khắc nghiệt vừa xem thường nhân phẩm con người.

-Kỷ luật GĐPT được duy trì thường xuyên bằng cách thân ái nhắc nhở, động viên , nhưng mang tính cực kỳ nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả theo kiểu “nước chảy đá mòn hoặc lạt mềm buộc chặc

-Kỷ luật GĐPT được hình thành qua tư cách, tác phong, việc làm (thân giáo) của hàng huynh trưởng.

-Kỷ luật của hàng huynh trưởng được hình thành bằng cách tu học, huấn luyện và nhất là thông qua việc bản thân huynh trưởng phải tự học tự tu một cách trường kỳ, miên mật.

c-Vì sao việc thực thi kỷ luật trong Gia đình không thành công ?

Phần trên chúng tôi có nêu quan điểm thường thấy của đa số huynh trưởng cho rằng kỷ luật nghiêm khắc quá sẽ mất đoàn viên. Vâng, đây là một thực tế trong sinh hoạt GĐPT khi mà hàng huynh trưởng chưa thấm nhuần về tính chất kỷ luật của tổ chức Áo Lam. Vì chưa thấm nhuần nên việc thực hiện kỷ luật trong đơn vị còn nóng vội. Thay vì sử dụng kỷ luật để thúc đẩy sinh hoạt đi lên thì ngược lại, vì kỷ luật mà mất đoàn viên.

Tính kỷ luật trong Gia Đình Phật Tử
Vì sao việc thực thi kỷ luật trong Gia đình không thành công? (ảnh minh họa)

Thực thi kỷ luật không thành công có thể tìm thấy trong những trường hợp dưới đây:

-Huynh trưởng không chấp hành kỷ luật như : đi trễ về sớm, không nắm vững nội dung chương trình buổi sinh hoạt, không thuộc lòng giáo án, đoàn phục lôi thôi, tác phong bê bối, ăn nói cục cằn với đoàn sinh v.v…Nếu trong đơn vị mà có những huynh trưởng như vậy thì việc thực hiện kỷ luật trong Gia đình sẽ rất khó thành công.

-Áp dụng kỷ luật “sắt” đối với đoàn viên khiến người có lỗi bị xúc phạm nhân phẩm nẩy sinh lòng bất mãn

-Huynh trưởng nắm đoàn đối xử không công bình với đoàn sinh

-Huynh trưởng nắm đoàn thiếu sự quan tâm về tính kỷ luật của đoàn sinh, thường dễ dãi bỏ qua những lỗi nhỏ của đoàn sinh, không kịp thời chấn chỉnh ngay khi các em vi phạm.

-Ban huynh trưởng nể nang nhau, không dám chi cho nhau những sai sót trong các mặt tác phong và việc làm của nhau.

-Đơn vị thiếu một huynh trưởng có đạo đức, tài năng và bản lĩnh để làm trung tâm đoàn kết mọi người và làm tấm gương sáng cho mọi người noi chung.

-Tâm lý của người đứng đầu đơn vị sợ đoàn viên bỏ sinh hoạt mà không dám thực hiện kỷ luật tại Gia đình mình.

Chúng tôi vừa trình bày hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị của sinh hoạt GĐPT. Dó là Tình ThươngKỷ Luật.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang