Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 58: Những Thuận Lợi Và Thách Thức Đối Với Sinh Hoạt GĐPT Hiện Nay (tt)

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG IV:

NHỮNG THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

ĐỐI VỚI
 SINH HOẠT GĐPT HIỆN NAY

1) Những thuận lợi chủ quan và khách quan

2) Những khó khăn chủ quan và thách thức từ hoàn cảnh khách quan

3) Đổi mới sinh hoạt GĐPT như thế nào?

B. KHÓ KHĂN & THÁCH THỨC

I-KHÓ KHĂN CHỦ QUAN :

Sinh hoạt GĐPT là sinh hoạt tự nguyện của người cư sĩ Phật tử, được hỗ trợ bởi giới Tăng Già (xuất gia). Đối với người cư sĩ, đi sinh hoạt GĐPT là để tiếp cận với giáo lý Phật Đà, được thân cận với các bậc thiện tri thức (Tăng, Ni) để được hướng dẫn tu học và thực hành giáo lý trong đời sống, nhắm đến mục tiêu cứu cánh là trở thành Người Phật Tử Chân Chánh của Phật Giáo Việt Nam.

Vì là sinh hoạt tự nguyện nên GĐPT mang tính chất đóng góp cúng dường Tam Bảo nhằm phụng sự Đạo Pháp của người cư sĩ. Đoàn viên GĐPT cúng dường những gì ? Đó là cúng dường công sức, tiền bạc, thời gian, sức khỏe, trí tuệ cho công cuộc gieo mầm Phật Pháp trong giới Phật tử trẻ với mong muốn đào luyện những người trẻ tin Phật trở thành những Phật tử chân chính góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội, đồng thời cũng với ước nguyện gieo rắc Phật pháp ra khắp thế gian.

1)Trở ngại từ trong gia đình:

Người cư sĩ đi làm Phật sự GĐPT thường bị nhiều người cho là "gánh bàn đọc mướn" hay "ăn cơm nhà đi vác ngà voi hàng tổng", nghĩa là đi làm một việc  chẳng thấy đem lại lợi lộc gì cả, thay vì dùng thời gian đó để phát triển kinh tế gia đình, hoặc ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Chính vì quan niệm như vậy mà người cư sĩ gặp lực cản ngay trong gia đình mình. Do đó tìm được người vừa có tâm vừa có tài để cống hiến cho GĐPT là một việc rất khó khăn. Trở ngại này khiến cho sinh hoạt GĐPT gặp khó khăn triền miên vì thiếu nhân lực.

2)Trở ngại từ trong nội bộ Phật giáo :

Sinh hoạt GĐPT là sản phẩm đầy tâm huyết và trí tuệ của phong trào chân hưng Phật giáo Việt Nam (1930 – 1945), được khai sinh vào năm 1940 tại Huế, do bác sĩ cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám , hội trưởng Hội An Nam Phật Học  sáng lập. Tổ chức này ngày càng thu hút sự tham gia của giới cư sĩ Phật giáo cả nước. Cho đến năm 1974, toàn miền Nam từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, tỉnh nào cũng có sinh hoạt GĐPT với hơn 70 ngàn đoàn viên. Từ năm 1975, GĐPT tạm ngưng sinh hoạt hơn 20 năm, mãi đến năm 1997 mới được Giáo hội PGVN cho phép sinh hoạt trở lại. Trong 20 năm vắng bóng đó đã có một thế hệ tăng, ni mới ra đời và trở thành trụ trì các chùa thay thế cho thế hệ cũ đã viên tịch. Quý vị tăng, ni mới sau này không có nhiều hiểu biết về tổ chức GĐPT, ngoài một nhận thức về GĐPT như là "một bọn trẻ con vô chùa chơi giỡn ồn ào chẳng được tích sự nào".Do vậy, sinh hoạt GĐPT tại nhiều nơi hiện nay vẫn chưa thoát ra khỏi hoàn toàn nhận thức đó, mặc dù ngày càng có nhiều vị trụ trì đã hiểu được lợi ích của sinh hoạt GĐPT đối với sự phát triển của Phậtt Giáo Việt Nam bây giờ và mai sau.

Những Thuận Lợi Và Thách Thức Đối Với Sinh Hoạt GĐPT Hiện Nay

II-NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TỪ NGOẠI CẢNH

1)Trở ngại từ cuộc sống:

Như Đức Phật đã dạy : "Có hai hạng người khó có cơ hội đến với Phật pháp: một là người quá giàu có thường xuyên sống trong dục lạc; hai là người quá nghèo khổ thường xuyên bị bức bách bởi các nhu cầu của sự sống".

Cũng vậy, các khó khăn trong đời sống thường gây trở ngại và làm hao mòn nhiệt tình đối với sinh hoạt GĐPT của người cư sĩ. Trong khi đó Giáo hội không có bất cứ hình thức đãi ngộ hay trợ giúp nào đối với người " cán bộ hoằng pháp" của mình.

Một anh, chị huynh trưởng có thể không còn đi sinh hoạt được nữa khi hoàn cảnh kinh tế gia đình sa sút hoặc do công việc làm ăn phải di chuyển đi nơi khác và không còn thời gian dành cho GĐPT nữa.

Một em đoàn sinh đi sinh hoạt đã được 5 năm, giờ đã đủ tuổi để lên làm huynh trưởng tập sự thì em lại phải tạm rời xa Gia đình, bắt đầu việc học ở bậc đại học ở một tỉnh khác, thế là Gia đình phải mất một đoàn viên trong thời gian 4,5 năm hay cũng có thể là mất em vĩnh viễn.

Ngoài ra, còn khá nhiều lý do khác cũng góp phần cản trở một người có niềm tin nơi Phật pháp không thể đến với sinh hoạt GĐPT.

Tất cả những khó khăn nêu trên để lại hậu quả cho GĐPT là :

-Lúc nào cũng thiếu huynh trưởng hướng dẫn đoàn sinh

-Tình hình số lượng đoàn sinh lên xuống thất thường

Từ đó, đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của GĐPT.

Những Thuận Lợi Và Thách Thức Đối Với Sinh Hoạt GĐPT Hiện Nay

2)Những thách thức từ xã hội hôm nay :

Tổ chức GĐPT ra đời đến nay đã hơn 70 năm (1940 -2017). Trong thời gian đó, đời sống xã hội không ngừng biến đổi. Sự biến đổi ấy diễn ra nhanh chóng nhất từ khi điện thoại thông minh (Smart Phone) ra đời, khiến đời sống bên ngoài lẫn nội tâm của thanh thiếu đồng niên ngày nay không còn giống như cách đây vài ba chục năm nữa. Điều này đòi hỏi nội dung và phương pháp giáo dục cũng như phương thức sinh hoạt của GĐPT cần phải thay đổi cho phù hợp với diễn biến tâm sinh lý của tuổi trẻ hôm nay.

Nói thì dễ, nhưng thay đổi thế nào cho hiệu quả là vấn đề nan giải của tổ chức Áo Lam hiện nay. Nếu những người lãnh đạo Giáo hội và hàng ngũ huynh trưởng GĐPT không kịp thay đổi tư duy và nhất là cần có những biện pháp thích nghi và hữu hiệu, thì e rằng tương lai GĐPT là một bài toán không có lời giải.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 10 năm 2024
08
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 3
Ngày Ất Tỵ
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
06
Tháng 09
Kiên Giang