Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 66: Ước Nguyện Sum Vầy

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG V:

TÂM TƯ NGUYỆN VỌNG CỦA ĐOÀN VIÊN

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I- Cần tạo điều kiện cho Phật tử trẻ có cơ hội tham gia sinh hoạt GĐPT

KỲ 66:

II-ƯỚC NGUYỆN SUM VẦY


(tiếp theo)

3)Đừng theo gương Bá Di, Thúc Tề:

Sách sử kể rằng: “Vào thế kỷ XI trước Công nguyên, tại Trung Hoa, cuối đời nhà Thương có vua Trụ thuộc hạng hôn quân vô đạo, đắm mê nữ sắc, giết hại trung thần…làm cho đất nước suy tàn. Ông Cơ Phát dấy quân khởi nghĩa, lật đổ vua Trụ, phế bỏ nhà Thương, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Châu.

Đại đa số cựu thần nhà Thương thông hiểu đạo lý, đã “bỏ Trụ, về Châu”, tiếp tục phục vụ đất nước dưới triều đại mới. Duy chỉ có hai ông cựu thần là Bá Di và Thúc Tề, do lòng trung thành mù quáng với vua Trụ, tiếc nuối chế độ cũ nên không chịu phục vụ triều đại mới, mà bỏ vào rừng sống “ngoài vòng pháp luật”. Hằng ngày, hai ông hái rau rừng mà ăn, lấy cây rừng làm nhà mà ở, nhất định không ăn gạo của Nhà Châu. Hai ông tưởng làm như vậy là cao thượng, là có nghĩa khí, là tỏ lòng trung quân ái quốc lắm!

Một hôm, có một bà già đi lượm củi, gặp hai ông đang lang thang trong rừng, bèn hỏi nguyên do. Sau khi nghe hai ông nói lên chí khí “không ăn gạo nhà Châu” của mình, bà già thắc mắc:

-Hai ông nói “không ăn gạo nhà Châu”, nhưng cây rừng này, cá dưới suối này, nước trong giếng này v.v… đều ở trên đất nhà Châu, vậy há không phải của nhà Châu ư?

Bái Di và Thúc Tề nghe bà già nói, cả thẹn, từ đó nhịn đói mà chết.

Người đời sau cho rằng Bá Di và Thúc Tề chết là do quá chấp nhứt, quá câu nệ. Bản thân hai ông đã không thể vực dậy một triều đại đã hũ bại tiêu vong, lại còn phí cả tài năng và cuộc đời của chính mình, không làm được lợi ích gì cho dân tộc”

Ước nguyện sum vầy
Bá Di và Thúc Tề (ảnh minh họa) 

Đối với người Phật tử, chúng ta đã thuộc lòng giáo lý Tứ Ân mà Phật đã dạy. Đó là:

-Ân cha mẹ

-Ân thầy bạn

-Ân quốc gia xã hội

-Ân Tam Bảo

Trong đó, Ân quốc gia xã hội được hiểu là:

-Ân của Nhà nước giữ gìn trị an cho đất nước…

-Ân của tất cả mọi ngành nghề trong xã hội đã làm ra lương thực, thực phẩm và các thứ nhu yếu phẩm ta dùng hằng ngày…

Với giáo lý Tứ Ân, người Phật tử sống theo pháp luật và làm một công dân lương thiện để ra sức đóng góp xây dựng đất nước mình. Người Phật tử không bao giờ theo gương hai ông Bá Di và Thúc Tề sống một cuộc sống “ngoài vòng pháp luật”.

4)Ước nguyện sum vầy:

Suốt 20 năm qua (1997 – 2017), tình trang phân hóa trong sinh hoạt GĐPT đã gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn cho tất cả những người Áo Lam:

-Một là, sức mạnh của tổ chức Áo Lam ở cả hai mặt lượngchất chỉ còn bằng phân nữa so với trước đây. Chúng ta đã phung phí tài năng, sức lực vào những việc không cần thiết và không mang lại kết quả gì, thay vì dùng tài năng và sức lực ấy để xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh hơn xưa.

-Hai là, sự phân hóa của GĐPT khiến chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp không còn đặt niềm tin nơi tổ chức Áo Lam nữa. Do vậy mà nhiều hạn chế, nhiều trở ngại khách quan cũng như nội tại luôn xuất hiện trên con đường phát triển GĐPT trong suốt 20 năm qua.

-Ba là, tinh thần và hiệu quả giáo dục GĐPT không còn được nguyên vẹn như xưa vì thực tế đang đi ngược lại với giá trị của bài học về sự hòa hợp đoàn kết, cùng những giáo lý cao đẹp khác mà huynh trưởng vẫn hướng dẫn đoàn sinh trong mỗi buổi sinh hoạt.

Tóm lại, sự phân hóa trong hàng ngũ GĐPT suốt 20 năm qua là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến sự băng hoại của GĐPT trong thời gian không xa, nếu chúng ta, những người Áo Lam, không kịp thời điều chỉnh quan điểm, thái độ và hướng đi ngay từ bây giờ.

ước ngyện sum vầy
Con đường duy nhất trước mắt để chúng ta chọn, đó là con đường Sum Vầy – Hòa Hợp

(ảnh minh họa – nguồn: GĐPT Giác Hạnh)

Hai mươi năm là khoảng thời gian quá đủ để chúng ta nhìn lại những gì chúng ta đã làm. Hãy trung thực xem xét việc làm trong 20 năm qua đã mang lại kết quả gì cho đến ngày hôm nay? Và, hãy suy gẫm về những hệ lụy đau buồn của việc ta làm mà ta vì cứ mãi nhắm mắt chạy theo “Cái Ta” “Cái Của Ta” mà không thấy được?

Con đường duy nhất trước mắt để chúng ta chọn, đó là con đường Sum Vầy – Hòa Hợp – Anh Em Một Nhà do chính chúng ta tự thực hiện với nhau. Đó là con đường rộng rãi, đầy ánh sáng, công khai, hợp pháp mà Bác Tâm Minh đã chọn cho chúng ta trong bối cảnh đất nước ta khí ấy còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp.

Anh chị em Áo Lam nên nhớ rằng: không ai thương chúng ta bằng chính chúng ta. Không ai muốn điều tốt đẹp cho chúng ta bằng chính bản thân chúng ta. Vì vậy, đừng chờ đợi phép màu đến từ bất cứ nơi đâu. Chỉ có chúng ta, bằng chánh kiến, chánh tư duy và chánh tinh tấn mới có thể đem lại phép mầu cho tổ chức Áo Lam.

Đâu có hay đẹp gì mà còn phân biệt “Truyền thống” với “Phân ban”; Đâu có hay đẹp gì mà còn phân biệt “Trong lòng GHPGVN” hay “Ngoài GHPGVN”? Đẹp nhất cho đến giờ này vẫn chỉ là “Gia Đình Phật Tử Việt Nam”. Tất cả cũng chỉ là Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà thôi!

Kỷ niệm 20 năm GĐPT tái lập sinh hoạt (1997-2017), là thời điểm để chúng ta đánh giá lại đoạn đường đã qua và đặt hướng di cho tương lai. Vì lý tưởng màu Lam; vì trách nhiệm tiếp nối con đường do tiền nhân đã vạch ra và vì tình yêu đối với các em đoàn sinh , chúng tôi kêu gọi: ”Tất cả anh chị em Áo Lam cả nước, không phân biệt danh xưng, hãy đoàn kết lại, thực hiện cuộc Sum Vầy để:

Làm cho Phật nhựt tăng huy,

Làm cho Sen Trắng càng khi vững bền”

 

Kiên Giang, mùa Phật Đản

PL.2.561 – DL.2017

MINH KIM

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.