Kỳ trước, chúng tôi đã trình bày khái quát về nội dung và hình thức sinh hoạt của GĐPT. Trong bài tiếp theo kỳ này, chúng tôi đưa ra một số nhận xét đánh giá lệch lạc về sinh hoạt GĐPT của những người ngoài cuộc lẫn trong cuộc.
Do chưa hiểu rõ về mục đích, nội dung và hình thức sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử nên một số người có những nhận xét và đánh giá sai lệch về GĐPT. Cụ thể như:
Quan niệm này thường có ở các vị tăng ni. Quý vị muốn rằng GĐPT phải tu học theo nội dung và hình thức như người lớn. Về hình thức, các em phải mặc áo tràng, đi đứng nghiêm trang, nói năng nhỏ nhẹ, không được cười giỡn trong chùa, lúc nào cũng phải “thúc liễm thân tâm” y như các ông cụ bà cụ. Về nội dung, các em tu học bằng cách nghe giáo lý do chư tăng thuyết giảng, biết tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, biết hành nghi thức quá đường… giống y như các Phật tử lớn tuổi trong đạo tràng. Nói chung, người ta muốn rằng các em phải là bản sao của người lớn, chỉ khác nhau ở chỗ: người lớn thì “lớn tuổi”, còn các em thì “nhỏ tuổi”.
Thật ra, hình thức tu này đã từng được áp dụng cho thanh thiếu đồng niên trong nhiều thời điểm trước đây tại một số chùa, nhưng kết quả là không thu hút được tuổi trẻ đến với Phật giáo. Do vậy mà các bậc tiền bối trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam mới sáng kiến nghĩ ra hình thức sinh hoạt GĐPT, và thực tế cho thấy hình thức này đem lại kết quả tốt trong việc thu hút giới trẻ đến với đạo Phật suốt hơn 60 năm qua. Vì vậy, không lý gì chúng ta “đổi mới” theo kiểu thụt lùi này.
Quan niệm này thường có ở những người trẻ, sinh ra từ năm 1970 trở về sau. Những người này thường so sánh sinh hoạt GĐPT với những hình thức sinh hoạt thanh thiếu niên ngoài đời hiện nay mà có kết luận như vậy. Theo họ, muốn thu hút thanh thiếu niên thì phải tổ chức những game show đình đám tốn kém, áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại… Họ cho rằng: “Thời đại này mà GĐPT còn dạy Morse, Sémaphore, dấu đi đường, gút dây, phương hướng… làm gì, trong khi đã có Internet, điện thoại thông minh, Google, Facebook, máy vi tính, phần mềm định vị toàn cầu … Như vậy, không phải lạc hậu là gì?”
Bởi vì những người này sinh ra trong thời đại kỹ thuật số và những phát minh khoa học phục vụ con người nhiều đến nỗi loài người đã gần như lệ thuộc tất cả vào máy móc, do đó họ không còn ý thức đào luyện cho mình những đức tính, những kỹ năng trong cuộc sống nữa, bởi vì tất cả đã có máy móc lo!
Trong khi GĐPT là một tổ chức giáo dục với mục đích đào luyện cho đoàn viên trở thành những con người giải thoát khỏi sự nô lệ vào đời sống vật chất, biết tự làm chủ cuộc đời mình. Muốn vậy, đoàn viên GĐPT phải có được những đức tính cần thiết thông qua các môn học. Cụ thể như:
1- Tu học Phật pháp để thấy rõ bản chất thật của cuộc sống, từ đó hình thành nên đạo lý sống hợp với chân lý và đem lại an lạc cho mình, cho người.
2- Thực hành chánh niệm là bước đầu thực tập thiền quán, thiền định nhằm mục đích rèn luyện khả năng làm chủ bản thân
3- Học và thực hành các môn hoạt động thanh niên để làm phát sinh những đức tính và kỹ năng cần thiết, thí dụ:
– Học gút dây để tập tính nhẫn nại, khéo tay, chuyên cần…
– Học các phương pháp truyền tin (Morse, Sémaphore, mật thư…) để phát triển tư duy, óc sáng tạo, ứng phó trước mọi tình huống…
-Học phương hướng, ước đạt, du khảo… để phát triển tình yêu thiên nhiên, tính tháo vát, nhanh trí, sáng tạo…
-Học cứu thương để ứng dụng vào đời sống hiện tại
– Chơi các trò chơi nhỏ để phát triển tinh thần đồng đội, kỷ luật, trung thực, nhanh nhẹn, rèn luyện sức khỏe…
– Cắm trại, lửa trại, trò chơi lớn là những bộ môn làm phát triển óc tổ chức, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội, óc sáng tạo…
4- Học âm nhạc, thi văn, làm báo tường, hội họa… để phát triển óc thẩm mỹ, tình cảm trong sáng, rèn luyện kỹ năng về văn nghệ…
5- Hoạt động xã hội nhằm giáo dục lòng yêu gia đình, xóm làng, đất nước và dân tộc, tăng cường trách nhiệm của bản thân với cộng đồng…
Tóm lại, sinh hoạt GĐPT không phải là sân chơi quy tụ cho thật đông thanh thiếu niên đến để chỉ có vui chơi giải trí trong một, hai giờ rồi thôi. Nếu GĐPT được tổ chức theo kiểu đó thì nó không thể làm tròn sứ mạng giáo dục của mình như nó đã làm trong hơn 60 năm qua.
Một số huynh trưởng trẻ hiện nay bị ảnh hưởng bởi tính cách “làm ăn chụp giựt” và bởi xu hướng “mì ăn liền” của đời sống xã hội bây giờ, tưởng rằng có thể dùng những trò vui tạm bợ nhất thời như: thể thao, văn nghệ… để thu hút đoàn sinh cho đông, như vậy tức là đổi mới.
Đổi mới như thế sẽ đi đến thất bại. Đành rằng tuổi trẻ thường thích những trò vui sôi động nên rất dễ thu hút các em; Vẫn biết trong sinh hoạt GĐPT vẫn cần đến những thể thao, văn nghệ, trò chơi… Nhưng cái tinh hoa của GĐPT, cái quyến rũ của GĐPT khiến tuổi trẻ “lưu luyến” lâu dài với GĐPT không phải nằm ở những trò này.
Thực tế cho thấy, đơn vị nào chỉ thuần túy dựa vào thể thao, văn nghệ, vui chơi… mà không khéo tổ chức tu học. không biết vận dụng cái tinh hoa của sinh hoạt GĐPT, thì chẳng mấy chốc, những đoàn sinh đến với GĐPT bằng những trò vui nói trên sẽ dần dần rơi rụng hết.
(còn tiếp…)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu