Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 2

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

KỲ 2

A-KHÁI QUÁT LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTVN

I.Ý nghĩa, mục đích ra đời của tổ chức GĐPTVN

1- Bối cảnh xã hội Việt Nam vào thời điểm trước khi Gia Đình Phật Tử Việt Nam khai sinh

Từ khi thực dân Pháp thôn tính toàn bộ nước Việt Nam và áp đặt nền cai trị lên cả ba miền Nam – Trung – Bắc (1885) thì hằng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân ta nổi lên đều khắp. Khởi đầu là phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi lãnh đạo, tuy nhiên phong trào này cũng chỉ được một vài năm rồi cũng bị Pháp dẹp tan. Tiếp theo lần lượt nhiều cuộc khởi nghĩa đơn lẻ của giới sĩ phu Nho gia cũng bị thất bại như : Đề Thám ở Yên Bái, Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy, Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, Nguyễn Thái Học ở Thái Nguyên v.v…

Trong các cuộc khởi nghĩa riêng lẻ cũng có mặt tăng ni và Phật tử như : cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân ở Phú Yên-Bình Định mà dân gian gọi là “Giặc Thầy Chùa”, cuộc khởi nghĩa do Tăng sĩ Vương Quốc Chính, trụ trì chùa Ngọc Long Động ở Chương Mỹ, Hà Nội lãnh đạo quy tụ được hàng nghìn tăng sĩ và hàng vạn Phật tử kể từ Nghệ An ra đến Bắc Ninh. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại thì hàng vạn tăng sĩ và Phật tử từ Bắc Ninh đến Nghệ An bị bắt bớ xử tử hoặc lưu đày , hàng trăm ngôi chùa bị tàn phá, cướp bóc, nhiều ngôi chùa bị đập bỏ để lấy đất xây nhà thờ Thiên Chúa.

Không thể kể hết các cuộc khởi nghĩa của dân ta từ khi giặc Pháp đặt chân xâm chiếm đất nước ta. Tuy nhiên, có một kết quả mà ai cũng biết là, những cuộc khởi nghĩa chống Pháp dù lớn hay bé; dù chóng hay chầy, cũng đều bị thất bại. Nguyên nhân thất bại quá rõ : một là vì giặc Pháp quá mạnh về phương tiện và vũ khí; hai là vì giặc Pháp được sự hỗ trợ đắc lực của một bộ phận người Việt đã bán linh hồn cho Chúa.

Cùng lúc ấy, bên Trung Hoa vừa diễn ra cuộc cách mạng tư tưởng do Khương Hữu Vi và Lương Khải Siêu chủ xướng. Phật Giáo Trung Hoa cũng có Thái Hư đại sư chủ xướng cải cách. Ở Nhật Bản, nhờ có canh tân mà nước Nhật đánh bại nước Nga và trở nên một cường quốc. Tất cả những tấm gương ấy đã thôi thúc giới trí thức yêu nước Việt Nam khởi xướng phong trào Duy Tân và Đông Du do các nhà chí sĩ Phan Bội Châu,  Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng … lãnh đạo.

Đồng thời giới sĩ phu cũng không quên bài học “bán mình cho chúa” của một bộ phận người Việt. Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Giặc Pháp dùng đạo của họ để mua lấy linh hồn một bộ phận người Việt, khiến những người này vì đạo mà phản lại Tổ Quốc. Trong khi ấy, giới Nho gia cầm quyền chúng ta lại không biết dựa vào nền đạo của ông bà mình mà chống lại thực dân Pháp. Bấy lâu nay, chúng ta ra sức bài bác, công kích và lợi dụng vai trò cầm quyền để làm suy vi đạo Phật, việc làm của nho gia chúng ta đã đem lại lợi ích gí cho công cuộc đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp? Chúng ta đã quên bài học lịch sử đời Lý-Trần hay sao?” Tâm trạng băn khoăn thắc thỏm ấy của giới sĩ phu yêu nước, cuối cùng dẫn tới quyết định :”Cần phải chấn hưng Phật Giáo Việt Nam để làm chỗ dựa cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”

Giờ đây, sau nhiều năm chỉ trích Đạo Phật, các nho sĩ đã ngồi lại bên các thiền sư trong những ngôi chùa quê để bàn quốc sự. Sự quay lại với Đạo Phật của giới nho sĩ  là dấu hiệu duy tân đầu tiên sau nhiều năm Đạo Phật bị công kích. Trong thời gian này, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nho gia từ Nghệ An tìm vào Nam bộ với kế hoạch chấn hưng Phật Giáo. Cụ đã bỏ nhiều ngày, đi nhiều nơi để gặp gỡ các vị thiền sư có tiếng thời bấy giờ như : thiền sư Từ Phong (Chợ Lớn), thiền sư Khánh Hòa (Bến Tre), thiền sư Chí Thành (Châu Đốc), thiền sư Huệ Quang , Khánh Anh (Trà Vinh) v.v… để vận động chấn hưng Phật Giáo.

Những nỗ lực cải cách văn hóa, xiểng dương quốc học và phục hưng Phật Giáo đã được các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân xem là những hoạt động công khai nhằm tiếp nối tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục với đường lối đấu tranh ôn hòa nhằm mục đích khai hóa dân trí; tìm kiếm và xác địch một ý thức hệ dân tộc.

Kết quả từ những thao thức, trăn trở của giới sĩ phu trí thức yêu nước và từ những cuộc vận động ngấm ngầm không ngừng nghỉ của chư Tôn Thiền Đức ba miền, công cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam được hình thành.

2- Công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam

a)Tại Nam kỳ :

Phong trào bắt đầu bằng sự vận động của thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh-Bến Tre và các đồng chí của Ông. Năm 1923, nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vào ngày 19/9 âm lịch (Quí Hợi), Ông vận động mời tất cả các vị tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần dự lễ, đồng thời họp để bàn về vấn đề chấn hưng Phật Giáo. Kết quả là hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập và tất cả các vị tôn túc có mặt trong buổi họp như : Huệ Quang, Chí Thành, Từ Phong, Trí Thiền, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp v.v… đều đồng ý tham gia. Mục đích của Hội là vận động thành lập một hội Phật Giáo toàn quốc. Sau đó, mục đích này không thành tựu vì nhiều lý do.

tạp chí Từ Bi ÂmMục đích vận động thành lập hội Phật Giáo toàn quốc không thành, các vị lãnh đạo hội Lục Hòa Liên Hiệp chuyển sang thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học vào năm 1930, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Thiền sư Từ Phong làm hội trưởng, thiền sư Khánh Hòa làm hội phó I, cư sĩ Trần Nguyên Chấn làm hội phó II Hội cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm nhằm truyền bá Phật học trong quần chúng. Ngoài ra, hội còn xây trường Phật học nội trú và lập thư viện Phật học để truyền bá đạo Phật…

Do có sự bất hòa trong hàng lãnh đạo hội, thiền sư Khánh Hòa từ chức phó hội trưởng và về Trà Vinh lập ra hội Lưỡng Xuyên Phật Học vào năm 1934. Hội mở Phật học đường đào tạo tăng tài; xuất bản sách Phật Học Giáo Khoa và tạp chí Duy Tâm để truyền bá Phật Pháp.

Thiền sư Thiện Chiếu xuất thân từ hàng tân học, từng cộng tác nhiều năm với thiền sư Khánh Hòa. Tuy nhiên, Ông bất mãn với cung cách làm việc của thiền sư Khánh Hòa mà ông cho là cổ hủ. Vì vậy năm 1936, ông tìm về Rạch Giá gặp thiền sư Trí Thiền để bàn việc thành lập một hội Phật học nhằm tiếp nối con đường duy tân đạo Phật, góp phần vào phong trào canh tân đất nước, mở mang dân trí. Năm 1937, hội Kiêm Tế Phật Học ra đời, trụ sở đặt tại chùa Tam Bảo, làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá (nay thuộc phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang). Thiền sư Trí Thiền (tức Nguyễn Văn Đồng) làm chánh tổng lý, hai chức phó tổng lý được giao cho hai vị Nguyễn Văn Ngọ (trụ trì chùa Thập Phương) và Ngô Thành Nghĩa (trụ trì chùa Phước Thạnh). Hội xuất bản tạp chí Tiến Hóa , thành lập viện nuôi trẻ mồ côi và lập nhà dưỡng lão nuôi người già neo đơn cùng với nhiều hoạt động từ thiện xã hội được hội thực hiện.

Ngoài ra, phong trào chấn hưng Phật Giáo miền Nam còn cho ra đời những hội Phật học khác như : hội Tịnh Độ Cư Sĩ ra đời năm 1936 tại chùa Tân Hưng Long (Chợ Lớn) xuất bản tạp chí Pháp Âm; hội Thiên Thai Thiên Giáo Tông Liên Hữu do thiền sư Huệ Đăng sáng lập năm 1934 tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa); hội Phật Giáo Liên Hữu ra đời năm 1932 tại chùa Bình An (Long Xuyên); hội Phật Giáo Tương Tế ra đời năm 1934 tại chùa Thiên Phước (Sóc Trăng). Đáng kể có sự ra đời nhà xuất bản Phật Học Tùng Thư do cư sĩ Đoàn Trung Còn thành lập năm 1932 tại Sài Gòn. Từ khi ra đời cho đến năm 1965, Phật Học Tùng Thư đã ấn hành được 39 tác phẩm Phật học, trong đó nổi bật nhất là bộ Phật Học Từ Điển vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay. Ngoài Phật Học Tùng Thư, cư sĩ Đoàn Trung Còn sau này (1955) còn sáng lập thêm một tổ chức lấy tên là Tịnh Độ Tông Việt Nam đặt trụ sở tại chùa Giác Hải, Phú Lâm, Chợ Lớn (sau dời về chùa Liên Tông, 145 đường Đề Thám, Sài Gòn) Hội có nhiều chi nhánh rải rác khắp miền Nam.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.