Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 17: Chương Trình Một Buổi Sinh Hoạt

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

I.Cấp trung ương

          1)Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương

          2)Phân ban GĐPT trung ương

II.Cấp tỉnh, thành phố

          1)Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành

          2)Phân ban GĐPT tỉnh, thành

III.Cấp cơ sở

          1)Thầy trụ trì

          2)Ban huynh trưởng GĐPT

          3)Hệ thống tổ chức 1 đơn vị GĐPT

          4)Điều kiện thành lập 1 đơn vị GĐPT

          5)Cơ sở vật chất cần thiết cho sinh hoạt GĐPT

          6)Chương trình một buổi sinh hoạt thường xuyên (hằng tuần)

          7)Các hoạt động ngoại khóa của 1 đơn vị GĐPT

          8)Ban bảo trợ GĐPT

Kỳ 17:
CHƯƠNG TRÌNH MỘT BUỔI SINH HOẠT HẰNG TUẦN

Nói về thời gian, một đơn vị GĐPT có hai phần sinh hoạt: sinh hoạt thường xuyên và sinh hoạt không thường xuyên.

-Sinh hoạt thường xuyên là những nội dung sinh hoạt đã thành nề nếp như : tu học hằng tuần, sám hối mỗi tháng hai lần, cắm trại, tham quan, dã ngoại mỗi quý một lần, thi lên bậc mỗi năm một lần v.v…

-Sinh hoạt không thường xuyên là những hoạt động không nằm trong nề nếp thường ngày như : tham dự trại họp bạn, trại huấn luyện, các lớp học huynh trưởng… do Ban Hướng Dẫn (BHD) Tỉnh tổ chức ; hoặc các lễ lạt do Gia đình tổ chức.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi trình bày chương trình sinh hoạt tu học vào mỗi chiều chủ nhật hằng tuần của một đơn vị GĐPT, nằm trong phần sinh hoạt thường xuyên.

 

1)Về thời điểm sinh hoạt: Buổi chiều chủ nhật hằng tuần được xem là thuận tiện nhất cho sinh hoạt GĐPT, vì vậy từ ngày ra đời cho tới nay, GĐPT đều sinh hoạt vào mỗi chiều chủ nhật. Thời lượng sinh hoạt tùy theo từng chùa, nhưng không thể dưới 3 tiếng đồng hồ.

Sau đây là chương trình một buổi sinh hoạt hằng tuần :

13.00 : Huynh trưởng và đoàn sinh vân tập về chùa

13.15 : Lễ Phật – Thực tập Chánh niệm

14.00 : Chào huy hiệu – Câu chuyện dưới cờ

14.15 : Họp đoàn tự trị

14.30 : Học Phật pháp

15.00 : Học Hoạt động thanh niên

(tuần này học HĐTN thì tuần sau học Văn nghệ)

15.30 : Trò chơi nhỏ

16.00 : Kết dây thân ái – Đoàn sinh ra về

16.15 : Ban huynh trưởng hội ý

 

2)Diễn giải về chương trình sinh hoạt :

a-Đến chùa :Huynh trưởng phải có mặt ở chùa trước khi đoàn sinh tới để quản lý các em, không để các em chạy giỡn, la hét làm náo động chư tăng đang chỉ tịnh. Tốt hơn là nếu chùa có sân sinh hoạt dành cho GĐPT cách biệt với khu tăng xá thì sẽ hạn chế được sự ồn ào của các em làm ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của chùa. Còn một cách tốt hơn nữa là dạy cho các em khi đến chùa thì họp ngay đội, chúng, đàn tự trị. Nội dung họp bao gồm : thu tiền quỹ, ôn tập bài học tuần trước, ca hát những bài hát mới… Hình ảnh đoàn sinh đến chùa không chạy giỡn lung tung, mà ngồi lại bên nhau theo từng đội, chúng, đàn …là một hình ảnh tuyệt với nhất trong sinh hoạt GĐPT, bất cứ ai trông thấy cũng đều thương mến.

b-Lễ Phật : Khi lên chánh điện, tuyệt đối không xô đẩy, không giành chỗ, không trò chuyện râm ran, muốn trao đổi diều gì thật cần thiết thì chỉ dùng lời nói nhẹ nhàng vừa đủ nghe. Trong buổi lễ Phật, huynh trưởng chủ lễ không nên bắt chước bên đạo tràng Phật tử lớn tuổi bày vẽ nhiều nghi thức rườm ra đi ngược lại với nghi thức của GĐPT. Chủ lễ phải thuộc làu nghi thức để dẫn chúng cho suông sẻ. Tụng kinh không nên quá cao hoặc quá trầm khiến hội chúng không tụng theo được. Hai em trợ lễ phải tập dượt đánh chuông mõ cho thuần thục, đánh vừa đủ nghe, không nhỏ quá cũng không lớn quá; mõ không đánh nhanh quá cũng không chậm quá. Trong lúc hành lễ, huynh trưởng nên quỳ phía sau các em để quan sát và nhắc nhở khi thấy cần. Lúc thực tập chánh niệm, chủ lễ nên nhắc lại những động tác điều thân và  tâm thế nào cho đúng với bài học về chánh niệm. Nhớ động viên các em ngồi kiết già vì ở tuổi thiếu nhi rất dễ ngồi.

c-Chào huy hiệu :

-Từ trước tới giờ, theo thói quen xưa, huynh trưởng trực thường hô (Thí dụ: tên Gia đình là Chánh Quang) : “Chánh Quang sẵn! Chánh Quang Tiến, Chánh Quang! Nay, theo thống nhất cả nước, chúng ta sửa lại cách hô như sau :”Chánh Quang sẵn! Chánh Quang!” (bỏ cụm từ “Chánh Quang Tiến”). Khi chào huy hiệu cũng thế, chỉ hô :”Phật tử sẵn! Phật tử!” mà thôi. Chào cờ đoàn cũng hô như thế.

-Trong buổi sinh hoạt, hình ảnh người huynh trưởng chính là bài học về “thân giáo” cho đoàn sinh. Vì thế, đòi hỏi huynh trưởng phải mặc đoàn phục may đúng kiểu và đúng màu  : mang giáy có vớ, đội nón Tứ Ân, đeo đầy đủ huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, bảng tên…Người huynh trưởng trực phải có thái độ nghiêm túc, không được cợt nhã trong lúc cầm còi trực; ra hiệu lệnh cần phải mạnh và dứt khoát; kịp thời nhắc nhở những đoàn sinh lơ đảng hay nói chuyện riêng trong lúc tập họp v.v…Nên chú ý cho một vài bài hát vui trong khi tập họp chung

-Khi báo cáo sĩ số có mặt của mỗi đoàn, bắt buộc người báo cáo phải là đoàn trưởng hoặc đoàn phó, không nên để đội chúng trưởng hay đầu đàn báo cáo thay. (Có ý kiến cho rằng khi tập họp Gia đình nên bỏ phần báo cáo để bớt rườm ra mất thì giờ. Tuy nhiên, thực hành nghi thức báo cáo đầu buổi sinh hoạt cũng có lợi mà thời gian cũng tốn không nhiều, cho nên vẫn cần duy trì nghi thức báo cáo này)

-Câu chuyện dưới cờ thường do Gia trưởng nói. Nội dung nhắc nhở huynh trưởng và đoàn sinh những điều cần quan tâm thực hiện tốt ; Hoặc nói về một vấn đề có liên quan đến sinh hoạt của đơn vị v.v…Trong khi Bác nói thì nên cho các em ngồi để đỡ mỏi chân.

d-Họp đoàn tự trị : Do đoàn trưởng, hoặc đoàn phó chủ trì. Thời gian họp chỉ có 15 phút, vì thế đoàn trưởng không nên rề rà kéo dài thời gian vô ích. Buổi họp gồm các nội dung:

-Chào cờ đoàn

-Các đội (chúng, đàn) báo cáo sĩ số đi họp

-Thủ quỹ đoàn thu tiền quỹ

-Đoàn trưởng kiểm tra và nhắc nhở những việc cần làm

Chào cờ đoàn và thực hiện nghi thức báo cáo sĩ số cũng là cách giáo dục đoàn sinh tập tác phong chững chạc, tự tin và có kỷ luật. Huynh trưởng chớ xem thường những nghi thức này mà bỏ qua trong giờ họp đoàn tự trị.

e-Học Phật pháp : Nếu có điều kiện, nên chọn chỗ thoáng đảng dưới gốc cây trong sân chùa hay dưới chân tháp hoặc trong vườn tượng… nói chung là khung cảnh thiên nhiên. Kẹt lắm mới học trong phòng, vì học trong phòng làm cho đoàn sinh liên tưởng tới giờ học trong một lớp học ở trường, từ đó có thể gây cho các em cảm giác nhàm chán.

g-Học hoạt động thanh niên : huynh trưởng cố gắng chuẩn bị đầy đủ học cụ, bài học nào phải có đủ học cụ cho bài học đó. Học môn HĐTN và môn Văn nghệ xen kẻ (tuần này học HĐTN thì tuần sau học văn nghệ.

h-Trò chơi nhỏ : đây là sinh hoạt được đại đa số đoàn sinh yêu thích. Huynh trưởng cần cho các em chơi những trò chơi đã “Phật hóa” để giờ chơi cũng có tác dụng giáo dục. Nên nhớ, chơi cũng là một trong 4 phương pháp giáo dục của GĐPT.

i-Kết dây thân ái : Sau 30 phút trò chơi, huynh trưởng trực tập họp toàn Gia đình thành vòng tròn để chuẩn bị kết dây thân ái. Trước khi kết dây thân ái, huynh trưởng trực cần có vài nhận xét về buổi sinh hoạt. Sau đó bác gia trưởng có đôi lời nhắc nhở về những việc cần thực hiện cho tuần sau.

Huynh trưởng trực nên nhắc nhở các em nên về nhà ngay mà không được la cà nơi này nơi kia khiến cha mẹ phải trông chờ.

k-Ban huynh trưởng hội ý : Nhiều đơn vị không họp huynh trưởng ngay sau buổi sinh hoạt, mà ấn định một ngày khác trong tuần để họp. Như thế cũng được, nhưng theo kinh nghiệm của người viết bài này thì họp ban huynh trưởng ngay sau buổi sinh hoạt được cái ưu điểm là :

-Nếu cần nhận xét, đánh giá để rút kinh nghiệm về buổi sinh hoạt thì thời điểm này là thích hợp nhất. Nếu để qua vài ngày sau mới nhắc lại thì có khi quên trước quên sau, ý kiên nhận xét không còn chính xác nữa.

-Có những việc cần bàn gấp mới kịp chuẩn bị cho tuần sau. Nếu không bàn ngay mà đợi ngày hôm khác e rằng sẽ mất đi tính kịp thời cần thiết.

 

Trên đây là chương trình một buổi sinh hoạt hằng tuần của một đơn vị. Buổi sinh hoạt này được hướng dẫn bởi một chương trình sinh hoạt quý ( 3 tháng) do anh liên đoàn trưởng soạn sẵn và được in ra nhiều bản phát cho huynh trưởng mỗi người một bản để cùng thông suốt thực hiện. Rút kinh nghiệm qua nhiều năm sinh hoạt, người viết bài thấy rằng nên soạn chương trình tu học 3 tuần/ 1 tháng, tuần thứ tư không học bài mới mà để ôn tập lại bài đã học trong 3 tuần trước.

Tuần thứ tư dùng để ôn tập này rất hệ trọng, nó ví như một cái “van an toàn” để điều tiết  một vài sự “bất như ý” vì lý do chủ quan hay khách quan trong quá trình thực hiện chương trình tu học quý. (Thí dụ: trong 3 tuần trước có một tuần không học theo đúng chương trình vì Gia đình có công việc đột xuất nào đó, thì bài của tuần đó sẽ được dạy bù ở tuần thứ tư này)

Ngoài ra, chúng ta còn có thể sử dụng tuần thứ tư này vào một số việc rất hay như :

-Tổ chức  Game show  nhằm mục đích ôn tập các bài đã học trong tháng, quý

-Tổ chức sinh hoạt đoàn tự trị

-Tổ chức tham quan, dã ngoại, trại bay, du khảo… cho đoàn

-Sinh hoạt về một chủ đề nào đó nhằm thay đổi không khí cho đoàn sinh đỡ nhàm chán

-V.v…

Theo chương trình tu học hiện nay ở tất cả các môn học và bậc học, tổng cộng vào khoảng từ 20 – 30 tiết học trong một năm, trong khi đó 1 năm có đến 52 tuần. Do vậy, chúng ta không ngại các em không có đủ thời gian để hoàn tất chương trình trong năm .

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.