Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 53: Lợi Ích Của Nền Giáo Dục GĐPT (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

C – ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC GĐPT

I.Mục đích giáo dục trong GĐPT

II.Nội dung giáo dục trong GĐPT

III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT

IV. Lợi ích của giáo dục GĐPT

1) Lợi ích giáo dục GĐPT đối với sự tu tập của đoàn viên GĐPT

2) Lợi ích giáo dục GĐPT đối với gia đình, xã hội và giáo hội

Kỳ 53:

PHẦN IV: LỢI ÍCH CỦA NỀN GIÁO DỤC GĐPT

I. LỢI ÍCH GIÁO DỤC GĐPT ĐỐI VỚI SỰ TU TẬP CỦA BẢN THÂN ĐOÀN VIÊN GĐPT:

KẾT LUẬN:

Qua 3 bài trước, chúng tôi đã trình bày khái quát về những lợi ích giáo dục GĐPT đối với đoàn viên như sau:

I-Lợi ích trước mắt:

1)Mở ra con đường thiện lành thu hút thanh thiếu niên vào sinh hoạt để tránh sự bủa vây của các tệ nạn xã hội

2)Cung cấp cho các em những giáo lý Phật giáo căn bản làm nền tảng cho sự tu tập lâu dài

II-Lợi ích lâu dài:

1)Giáo dục GĐPT làm thay đổi hành vi các em theo hướng thiện lành

2)Giáo dục GĐPT làm thay đổi ý nghĩ các em khi được tiếp cận những chân lý trong cuộc sống mà từ trước tới nay các em chưa được biết.

Đó là những gì mà nền giáo dục GĐPT tác động lên đời sống đạo đức và tâm linh đoàn viên. Chúng tôi không cho rằng tác động của sự giáo dục trong GĐPT là một phép lạ có thể "cải ác thành thiện" ngay tức khắc. Nhưng nó hoàn toàn có khả năng nuôi dưỡng đoàn viên GĐPT trong một môi trường an lành giữa một xã hội ngày càng có nhiều cái xấu bao vây tuổi trẻ. Một vị lãnh đạo tổ chức GĐPT đã nói đại ý: "Nơi nào rượu chè say sưa, nơi đó không có đoàn viên GĐPT; Nơi nào nghiện ngập ma túy, nơi đó không có đoàn viên GĐPT; Nơi nào trộm cướp, nơi đó không có đoàn viên GĐPT…"

KSKQ 16

II-LỢI ÍCH GIÁO DỤC GĐPT ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH, XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI

1)ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH:

Như lời Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật Giáo Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, phát biểu tại Hội thảo toàn quốc GĐPT năm 2015 mà chúng tôi đã trích dẫn ở phần đầu bài viết, lợi ích mà mỗi gia đình có được chính là sự an tâm của cha mẹ và người thân khi con em mình đi chùa sinh hoạt GĐPT, bởi vì họ biết rằng con em họ đang ở trong môi trường giáo dục theo đạo đức Phật Giáo. Không nói chi đến những kết quả giáo dục xa xôi, chỉ nhìn vào hiệu quả gần gũi trước mắt đã làm cho các bậc cha mẹ an tâm là: trong chùa nhất định không có ma túy, cờ bạc, rượu chè và những trò chơi nguy hại cho thể xác và tâm hồn con em họ.

Một số cha mẹ không cho con đi sinh hoạt GĐPT vì lý do:"Để em nó ở nhà học và làm bài" Suy nghĩ này có phần vô lý, bởi sinh hoạt GĐPT chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ buổi chiều chủ nhật, tức chiếm tỷ lệ 2,3% thời gian của 7 ngày trong tuần. Chúng ta biết rằng, một thời biểu sinh hoạt hợp lý cho con em chúng ta mỗi ngày gồm:

-10 tiếng để học và phụ tiếp việc nhà

-8 tiếng để ngủ, nghỉ

-6 tiếng để giải trí và thực tập các kỹ năng cần thiết trong đời sống

(về kỹ năng, xin xem lại phần nội dung và phương pháp giáo dục GĐPT)

BLKG 03

Thời biểu này có thể thay đổi tùy theo từng hoàn cảnh gia đình, song, phải bảo đảm cơ cấu "Làm việc – Giải trí – Ngủ nghỉ", trong đó cần hiểu rằng "giải trí" không phải là điều phung phí trong đời sống. "Giải trí" thật cần thiết để nâng vị trí loài người cao hơn các loài động vật khác; "giải trí" là cơ hội cho sự tiến bộ của nhân loại, trong khi giải trí cũng là lúc các em thực tập nhiều kỹ năng cần thiết trong đời sống. Giải trí còn là cơ hội giao tiếp với mọi người để học hỏi những điều mới lạ trong cuộc sống. Vấn đề cần quan tâm là cha mẹ phải biết con em mình giải trí bằng cách nào? Hãy tưởng tượng con em mình sẽ trở thành như thế nào nếu cha mẹ gò ép chúng cả ngày chỉ có học, học và học… mà không có giờ phút nào được nghỉ ngơi giải trí? Nếu các em, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ học tập và phụ giúp việc nhà trong ngày, sử dụng thời gian giải trí cho sinh hoạt GĐPT thì cũng là điều hợp lý và đáng khuyến khích đó chớ!

2)ĐỐI VỚI XÃ HỘI:

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: "Muốn có Chủ nghĩa Xã hội thì phải có con người Xã hội Chủ nghĩa". Câu nói này chính là kim chỉ nam cho đường lối giáo dục của Nhà nước hiện nay, đồng thời cũng xác định một sự thật rằng: con người tốt tạo nên một xã hội tốt, và ngược lại.

Phật giáo không chủ trương tiêu diệt cái xấu, vì tiêu diệt là hành vi tạo nên nghiệp ác. Phật giáo chủ trương xây dựng cái đẹp để dần dần lấn át cái xấu, như trong một khu vườn càng có nhiều hoa thơm trái ngọt thì tất nhiên không còn chỗ cho cây hoang cỏ dại mọc nữa. Đó chính là triết lý giáo dục của Phật giáo dựa trên quan điểm nhân quả và từ bi mà hình thành.

Phật giáo Việt Nam đang nỗ lực đóng góp cho xã hội những con người lương thiện để xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó đoàn viên GĐPT là những hình ảnh cụ thể cho những nỗ lực ấy. Mục đích của GĐPT không phải đào tạo những bậc thánh nhân cao cả cho một thế giới hoang tưởng; mà chính là đào luyện đoàn viên trở thành những Người Phật tử chân chính sống và làm những việc tốt đẹp ngay tại xã hội mà họ đang sống với một lý tưởng cao đẹp là cải tạo đời sống ngày một thiện mỹ hơn.

3)ĐỐI VỚI GIÁO HỘI:

-GĐPT là nhịp cầu bắc qua sông, giúp đưa tuổi trẻ đến với đạo Phật, làm giàu thêm lực lượng Phật tử hiểu đạo cho Giáo hội. Phật Giáo trải qua hơn 2000 năm du nhập vào Việt Nam, nhưng thật tình mà nói, số Phật tử hiểu đạo không nhiều, nhất là giới trẻ thì càng xa lạ với giáo lý nhà Phật. Nếu một tôn giáo mà lực lượng tín đồ không hiểu hoặc hiểu sai giáo lý của tôn giáo đó thì hậu quả đưa đến là tôn giáo đó ngày càng biến tướng sai lạc, không còn giữ được tinh hoa của đạo nữa và cũng không còn giá trị đích thực như thuở ban đầu nữa.

Lại nữa, một tôn giáo mà lực lượng tín đồ chỉ toàn là người "gần đất xa trời" thì tôn giáo đó giống như cây cổ thụ đã sắp đến ngày tàn rụi, chẳng còn sức sống nữa, nói gì đến phát triển, nói gì đến "cứu đời"?

Quả thực, có lúc Phật Giáo Việt Nam đã từng rơi vào hai tình cảnh nói trên. GĐPT ra đời là nhằm bổ sung vào chỗ trống đó.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.