Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 40: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, Hình Ảnh Người Phật Tử Chân Chánh Của Phật Giáo Việt Nam (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 40:

HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ,

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(tiếp theo)

VII-TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG, HOÀN CẢNH

CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPT

Nếu ở giai đoạn 1, người huynh trưởng trẻ phải đối phó với ngoại cảnh để giữ vững niềm tin và lý tưởng, thì ở giai đoạn 2 này, các anh, chị phải đối phó với cả nghịch duyên từ ngoại cảnh lẫn nghịch duyên xuất hiện từ chính bản thân mình:

1.Nghịch duyên đầu tiên vẫn đến từ cuộc sống thường ngày như :

-Áp lực từ công việc làm ăn

-Áp lực từ ý kiến của những người thân trong gia đình quyến thuộc

-Áp lực từ cơ quan, tổ chức, nơi anh chị đang công tác

-Áp lực từ hôn nhân với người khác đạo

2.Nghịch duyên thứ hai xuất hiện từ chính bản thân người HT.GĐPT :

-Thói kiêu căng, tự mãn

-Thói ích kỷ, ngã mạn

-Thói ỷ lại, chây lười v.v…

Có biết bao góc khuất xấu xí kết tinh từ muôn kiếp ẩn tàng trong mỗi con người chúng ta, giống như các hạt cỏ dại tiềm ẩn trong đất, hễ có điều kiện là xuất hiện ngay.

3.Nghịch duyên thứ ba cũng xuất phát từ ngoại cảnh :

-Sự đối đãi vô tâm, thiếu trách nhiệm của những người "lãnh đạo tinh thần" trong GĐPT

-Sự thờ ơ vô cảm của đại gia đình Phật Giáo địa phương đối với sinh hoạt GĐPT

-Những va chạm của những thói xấu giữa đồng đội với nhau.

Vân vân và vân vân …

Tất cả những loại nghịch duyên nói trên "bủa vây" người huynh trưởng như "thiên la địa võng". Nếu anh, chị không khéo tu dưỡng thì rất dễ rủ bỏ mọi thứ : lý tưởng, sự nghiệp, đàn em, đồng đội v.v… nghĩa là chọn con đường… rời bỏ tổ chức Áo Lam. Bởi vậy, trong bất cứ bài diễn văn nào, trong bất cứ bản báo cáo nào, trong bất cứ bài tham luận nào… nói về sinh hoạt GĐPT, người ta cũng thường xuyên nghe nhắc đi nhắc lại về khó khăn trở ngại, phong ba bão táp, vượt thác vượt ghềnh v.v… Đấy không phải là cách nói "thậm xưng" cho vấn đề thêm hấp dẫn người nghe, hoặc để cho cử tọa thấy rằng sinh hoạt GĐPT là quan trọng; mà đấy là sự thật trong cuộc đời đi sinh hoạt GĐPT của người huynh trưởng.

Tuy nhiên, chính trong những khắc khoải lo toan, những trở ngại triền miên từ ngoại cảnh lẫn nội tâm ấy và những nỗ lực miệt mài vượt khó để trưởng thành đã làm cho người huynh trưởng mỗi ngày một thành nhân, như hoa sen vươn lên dâng hiến cho đời sắc hương ngào ngạt chính từ lớp bùn mà ai cũng cho là nhơ bẩn ấy. Đó chính là đặc thù trong SỰ TU của người huynh trưởng GĐPT . Đó cũng chính là phương pháp giáo dục của tổ chức GĐPT vậy.

Giai đoạn 3 : Ở vào giai đoạn này của người huynh trưởng, các anh chị đã vượt qua biết bao "thác ghềnh" , "giông bão" của cuộc đời . Những khó khăn nội tại và ngoại lai cẫn còn đó, nhưng anh chị đã quen với chúng, không còn sợ hay ghét chúng nữa, mà đã dửng dưng với chúng mỗi khi chúng kéo đến, tỉnh táo đối phó với chúng như người nông dân đối phó với con trâu trong nhà đang lúc trở chứng vậy.

Vào giai đoạn này, người huynh trưởng cũng đã bước vào cái tuổi "tri thiên mệnh" như Đức Khổng Từ từng nói. Nhân cách, trí tuệ và sự khôn ngoan mỗi ngày một chín muồi. Kinh nghiệm sống đã có thừa. Anh, chị nhìn cuộc đời qua "kính chiếu yêu" mà Đức Phật đã ban cho, do đó mà mỗi một sự vật, sự việc cứ hiện ra rõ mồn một không thể nhầm lẫn vào đâu. Những đề tài giáo lý đã tiếp thu, thể nghiệm và thực hành trong mấy chục năm qua, giờ đây đã phát huy kết quả trong mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm của anh, chị.

Đây là lúc các anh chị học bậc học cao nhất trong đời huynh trưởng : bậc Lực. Chương trình bậc Lực cho phép anh chị tiếp cận với những bộ kinh Đại thừa như : Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Di Giáo, Bát Nhã v.v… để bồi dưỡng tâm linh mỗi ngày một thăng hoa hơn. Thời gian học bậc Lực là 5 năm. Ngoài những bộ kinh lớn (Nội minh), các anh chị còn phải học khá nhiều kỹ năng như : tổ chức các buổi lễ lạt, nghệ thuật nói trước quần chúng, phương pháp Nhân minh luận của Phật Giáo v.v…

Nền giáo dục GĐPT khác với nền giáo dục nhà trường ở chỗ :

-Nền giáo dục nhà trường chỉ đào luyện 4 phương diện : trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục.

-Nến giáo dục GĐPT, ngoài 4 phương diện trên, còn có thêm phần nuôi dưỡng tâm linh qua thực hành Chánh Niệm (Thiền) và quán chiếu mọi sự vật, sự việc qua nhãn quan Phật Giáo.

Đây là thời điểm chín muồi về mọi mặt của người huynh trưởng GĐPT :

-Về lý tưởng, không có một trở lực nào, một sức cám dỗ nào có thể khiến cho các anh chị từ bỏ thân phận người Phật tử & huynh trưởng GĐPT của mình.

-Về miềm tin nơi Chánh pháp, không có bất cứ một thứ tà giáo, ngoại đạo nào có thể xâm nhập vào tư tưởng và hành vi của các anh chị.

-Về đời sống, những ý niệm thiện lành đã huân tập vào ý nghĩ, lời nói và việc làm trong cuộc sống thường nhật của các anh chị, tạo nên hình ảnh một ông, bà mẫu mực trong gia đình, một người công dân khả kính ngoài xã hội.

-Về cống hiến cho GĐPT, đây là lúc các anh chị toàn tâm toàn ý phụng sự  cho sinh hoạt GĐPT mà không còn một trở lực nào ngăn cản, ngoài trở lực duy nhất là sức khỏe.

Càng suy xét về chỗ này, càng thấy "Khổ Đế" Phật nói ra thật là quá đúng với chân lý kiếp sống con người. Lúc trẻ ăn cái gì cũng ngon mà không có tiền để ăn cho phỉ. Đến tuổi già dư dả tiền bạc, muốn ăn thứ gì cũng có thì lại là lúc ăn không còn thấy ngon nũa rồi. "Người giàu cũng khóc" là như vậy !

Cuộc đời không có gì là trọn vẹn. Khi có điều kiện cống hiến thì tuổi tác và sức khỏe đã suy giảm, làm hạn chế sức cống hiến của người huynh trưởng. Bây giờ chính là lúc các anh chị phải cần nhanh chóng đào tạo thế hệ kế thừa kẻo không còn kịp. Vì lẽ đó, người ta thấy đôi khi các huynh trưởng già lại siêng năng, cần cù hơn lớp huynh trưởng trẻ.

Sáu mươi năm là thời điểm đánh dấu con người đi giáp một vòng đời trên thế gian và trở lại đúng thời điểm mà mình cất tiếng khóc chào đời khi vừa lọt lòng mẹ. Trong một đời người ấy, huynh trưởng GĐPT có diễm phúc gặp được Phật Pháp và nhờ Phật Pháp dẫn đường mà cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đạo Phật làm cho cuộc sống này cao đẹp hơn, đạo Phật không xúi người ta quay lưng lại với cuộc sống để đi tìm Niết Bàn ở một nơi xa xăm nào khác ngoài hành tinh chúng ta đang sống.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.