Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 3

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

KỲ 3

A-KHÁI QUÁT LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTVN

I.Ý nghĩa, mục đích ra đời của tổ chức GĐPTVN

2. Công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam (tiếp theo kỳ trước)

b)Tại Trung kỳ :

Thiền Sư Thích Giác Tiên
Thiền sư Thích Giác Tiên

Thiền sư Giác Tiên được xem là người khởi xướng công trình phục hưng Phật Giáo tại miền Trung. Năm 1929, Ông trụ trì chùa Trúc Lâm (Huế) và mở Phật học đường tại đây đào tạo rất nhiều tăng tài cho Phật Giáo Việt Nam. Trong số những người theo học tại Trúc Lâm, có một vị cư sĩ tên là Lê Đình Thám, y sĩ trưởng tại Viện Pasteur Huế. Cư sĩ Lê Đình Thám là đệ tử của Giác Tiên từ năm 1928, pháp danh là Tâm Minh. Ông vâng lệnh Giác Tiên triệu tập các đồng lữ thành lập hội An Nam Phật Học năm 1932, trụ sở đặt tại chùa Từ Quang (Huế).

Thiền sư Giác Tiên làm cố vấn hướng đạo cho Hội từ khi thành lập cho đến năm 1937 thì viên tịch. Trong thời gian ấy, Ông đã điều hành Phật học đường Trúc Lâm đào tạo nhiều thế hệ tăng tài cho PGVN. Ngoài ra, Ông còn cho mở trường tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước; trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm.

Phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Trung kỳ còn có công đóng góp của nhiều vị cao tăng thạc đức như các thiền sự Tâm Tịnh, Mật Khế, Tuệ Pháp, Viên Thành, Giác Nhiên, Phước Hậu, Đắc Ân, Tịnh Hạnh, Ni sư Diên Trường v.v…

Ngoài việc tích cực đào tạo tăng tài, Hội còn chỉnh lý tăng chế bằng cách thành lập hội đồng luật sư gồm nhiều bậc Tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng.

Đối với hạng thầy cúng chuyên tụng đám, hội quy định chỉ được mặc áo màu xám năm thân, không được mặc áo tràng như chư tăng.

Hội khuyến khích hàng cư sĩ tham gia chỉnh lý tăng chế bằng cách : Không nên nhận người phá giới là tăng sĩ; Đốt bỏ những chứng điệp quy y thọ giới do những ông thầy tu phá giới cấp cho; Công bồ các bằng chứng về việc phạm giới của tăng sĩ; Bảo hộ và cúng dường các vị tinh nghiêm giới luật…

Tạp chí Viên Âm là tiếng nói của Hội, do cư sĩ Lê Đình Thám chủ biên. Ông viết nhiều bài Phật pháp bằng Pháp văn đăng trên Viên Âm. Hội thường xuyên tổ chức các buổi diễn giảng Phật pháp tại chùa Từ Quang. Tạp chí Viên Âm xuất bản liên tục từ năm 1932 cho đến năm 1951.

Một sự kiện gây tiếng vang lớn do hội tổ chức là đại lễ Phật Đản năm 1935 tại Huế với sự tham dự của hàng vạn tăng ni và Phật tử và đặc biệt được vua Bảo Đại cùng rất đông quan chức triều đình đến dự.

Hội An Nam Phật Học, ban đầu chỉ hoạt động ở Huế, đến năm 1936 hầu hết các tỉnh Trung nguyên và Cao nguyên Trung phần hưởng ứng thiết lập các tỉnh hội, chi hội và khuôn hội tại khắp các tỉnh thành ở Trung kỳ. Đến năm 1940, cơ sở tổ chức của hội đã vững chãi từ thành thị đến thôn quê. Từ năm 1945, hội đổi tên thành Việt Nam Phật Học Hội. Năm 1957, hội hoạt động với danh hiệu Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần.

Hội An Nam Phật Học hoạt động bền bỉ và hiệu quả suốt từ khi ra đời ( 1932) cho đến ngày thay đổi danh xưng (1957), qua đó đã đào tạo rất nhiều tăng tài cho PGVN , đồng thời đem Phật pháp đến với bao tầng lớp dân chúng suốt dọc các tỉnh miền Trung. Một trong những cống hiến xuất sắc của Hội cho PGVN là đã sáng lập ra tổ chức Gia Đình Phật Tử còn hoạt động cho đến ngày nay.

c)Tại Bắc kỳ :

Sau khi thấy ở Nam và Trung làm được việc, các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo từ Hà Đông lên Hà Nội vận động thành lập một hội Phật Giáo ở đất Bắc. Cùng với nhà văn Sở Cuồng Lê Dư lúc ấy đang làm quản lý cho chùa Quán Sứ, các vị bàn việc triệu tập một cuộc họp tại đây để làm nền tảng cho việc lập hội. Các ông Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Văn Quang Thùy, Nguyễn Cang Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh … đều được mời tới họp buổi này. Tất cả đều đồng ý thành lập một hội lấy tên Bắc Kỳ Phật Giáo Hội và thành lập một ban quản trị tạm thời.

Ngày 23/12/1934, hội tổ chức đại lễ suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm thiền gia pháp chủ và ra mắt Ban Quản trị hội do ông Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng. Lễ này có sự tham dự của tất cả các sơn môn lớn ở Bắc kỳ. Nhiều viên chức của Nam triều và Bảo hộ tới dự. Hà Nội thời ấy là thủ đô văn hóa của đất nước. Sự tham gia của các nhà văn, nhà học giả vào hội Bắc Kỳ Phật Giáo không phải là một chuyện tình cờ. Các nhà làm văn hóa thường cảm thấy một cách tự nhiên rằng Đạo Phật là một viên đá nền tảng của nền văn hóa Việt Nam, cho nên sự tham gia của họ vào công trình chấn hưng Phật Giáo là một điều đương nhiên, không cần bàn cãi.

Việc đầu tiên của hội là xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ nhằm truyền bá giáo lý đạo Phật rộng rãi trong xã hội miền Bắc. Với sự cộng tác bài vở của nhiều văn nhân, trí thức nên nội dung tờ báo phong phú, thu hút độc giả, tạo được nhiều hiệu quả hơn các tạp chí Phật học ở miền Nam và miền Trung.

Sau đó hội tiếp tục mở hai trường học tăng, một tại chùa Quán Sứ và một tại chùa Bồ Đề. Tiếp theo đó, hai trường tiểu học Phật học được mở tại chùa Cao Phong (Phúc Yên) và chùa Côn Sơn (Hải Dương). Rồi một lớp đại học được mở ở chùa Bằng Sở (Hà Đông)

Ngoài việc đào tạo tăng tài, Hội ra sức trùng tuyên và ấn hành nhiều kinh sách và tác phẩm văn học Phật Giáo như : Khóa Hư Lục, Thuyền Uyển Tập Anh, Kinh Nhật tụng, Pháp Hoa Đề cương Bát Nhã Trực giải v.v…

Một số sơn môn miền Bắc không đồng ý với hội Phật Giáo Bắc Kỳ với lý do “Ban trị sự của hội toàn là cư sĩ” “đường lối của hội rời xa truyền thống tu tập thiền môn”, do đó các sơn môn này tách ra xuất bản một tờ báo khác lấy tên Tiếng Chuông Sớm. Sự bất hòa kéo dài từ giữa năm 1935 cho đến cuối năm 1935. Trong thời gian đó, các tổ đình Bà Đá, Hồng Phúc và Hòa Giai phối hợp với các chùa chi nhánh tại Hà Nội và các tỉnh thành lập hội Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn, đường lối là phát triển Phật Giáo trong tinh thần duy trì truyền thống sinh hoạt cổ điển của thiền môn.

Tuy nhiên, sự bất hòa này kéo dài không lâu nhờ vào sự hòa giải của thiền sư Thanh Hanh. Ngài viên tịch vào ngày 11/1/1936. Hai hội Bắc Kỳ Phật Giáo và Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn đồng suy tôn thiền sư Thanh Tường lên ngôi Thiền gia Pháp chủ.

d)Thành quả của phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam (1930 – 1945)

Trong cuốn  Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (quyển III), giáo sư Nguyễn Lang đã nhận định về thành quả của công cuộc chấn hưng Phật Giáo , chúng tôi xin tóm lược như sau :

-Trong các hội Phật Giáo lần lượt ra đời tại ba miền, hội An Nam Phật Học tại miền Trung đã tạo nên tiếng vang lớn nhất cho phong trào chấn hưng Phật học.

-Sư kiện gây tiếng vang lớn nhất của phong trào là đại lễ Phật Đản năm 1935 tại Huế do hội An Nam Phật Học tổ chức, quy tụ hàng mấy vạn tăng ni, Phật tử tham gia và có sự tham dự của vua Bảo Đại cùng toàn thể quan chức triều đình Huế.

-Về phương diện Phật học, phong trào đã đạt nhiều kết quả. Sự có mặt của các tạp chí Phật học và việc ấn hành một số kinh sách… đã làm cho sự học Phật trở nên phổ biến đối với quần chúng. Ngoài ra, các buổi thuyết giảng giáo lý được các hội Phật học tổ chức thường xuyên đã tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận với Phật Pháp.

-Các hội Phật học quy tụ được nhiều nhà học giả, văn nhân, trí thức và văn nghệ sĩ đến tìm hiểu và biên khào, sáng tác nhiều công trình nghiên cứu, dich thuật và văn học nghệ thuật về Phật Giáo góp phần xiểng dương các giá trị của Phật Giáo trong cả nước, đặc biệt là đối với giớ trẻ tuổi vốn từ lâu còn xa lạ với đạo Phật.

-Về đào tạo tăng tài, thành quả có phần khiêm nhường, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu tài chánh. So với số lượng tăng ni thất học lớn lao trong xứ, số tăng ni được đào tạo tại ba miền không thấm vào đâu. Số lượng tăng ni được trực tiếp đào tạo không quá con số 500 vị, trong số đó chỉ có khoảng một phần mười được gọi là xuất sắc. Tuy vậy, trong khoảng 1945 – 1975, thiểu số này đã tạo nên được sóng gió trong sinh hoạt văn hóa và chính trị quốc gia.

-Về mặt văn hóa, phong trào đã góp phần đáng kể trong việc xác định rằng Phật Giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho văn hóa Việt Nam. Qua các bài báo được đăng tải trong các tờ tạp chí của Phật Giáo ba miền đã khiến dư luận rộng rãi trong nước hiểu rằng những hình thức cầu nguyện, cúng lạy lâu nay họ thấy chỉ là một phần hình thức của đạo Phật bình dân; tằng chân tinh thần của đạo Phật rất hợp với khoa học

-Một thành quả rất đặc biệt của phong trào chấn hưng Phật Giáo là hướng nền giáo dục Phật Giáo đến với tầng lớp thanh thiếu nhi. Trước đây, người ta cho rằng đạo Phật chỉ dành cho người già, nhưng nay, bằng nhiều phương tiện, các hội Phật Giáo ba miền đã đem Phật pháp đến với tuổi trẻ. Thành công nhất trong việc này là hội An Nam Phật Học tại miền Trung được minh chứng qua việc thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục và các đoàn Dồng Ấu tại các chùa. Các đoàn này là tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.

Ở loạt bài tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày về ý nghĩa, mục đích sự ra đời của tổ chức giáo dục đặc thù của Phật Giáo, con đẻ của phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam: đó là tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.