Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 34: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, Hình Ảnh Người Phật Tử Chân Chánh Của Phật Giáo Việt Nam (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 34:

HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ,

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(tiếp theo)

V-HUYNH TRƯỞNG GĐPT

ĐÃ PHỤNG SỰ ĐẠO PHÁP NHƯ THẾ NÀO?

Có quan điểm cho rằng phụng sự Đạo Pháp khác với phục vụ Giáo hội, vì đạo pháp là muôn đời, giáo hội chỉ hình thành trong một giai đoạn chính trị xã hội ngắn ngủi. Có những giai đoạn lịch sử đất nước ta, Phật Giáo Việt Nam xuất hiện cùng lúc nhiều giáo hội có quan điểm hành đạo khác nhau, từ đó xuất hiện nhiều đường lối, tôn chỉ, mục đích cũng khác nhau. Người Phật tử phục vụ giáo hội nào, tất nhiên phải theo tôn chỉ, đường lối và mục đích của giáo hội đó. Vì vậy có quan điểm cho rằng muốn phụng sự đạo pháp một cách chân chính thì phải không tham gia bất cứ một giáo hội nào để khỏi phải vì lợi ích riêng của giáo hội mà bỏ quên lợi ích cao quý thiêng liêng của đạo pháp.

Tuy nhiên, phụng sự đạo pháp cũng không thể tách rời với việc phục vụ giáo hội vì giáo hội là người đại diện cho đạo pháp trong một giai đoạn nhất định nào đó. Đạo pháp là vô hình trong khi giáo hôi là hữu hình. Sự hộ trì, sự bảo vệ, sự cúng dường, sự hy sinh… tất nhiên phải nhằm vào một đối tượng cụ thể nào đó chứ không thể nhằm vào một đối tượng vô hình. Vấn đề là ở chỗ giáo hội mà ta phục vụ đó có đại diện cho lợi ích của đạo pháp và dân tộc hay không ? Có thể hiện được nguyện vọng chánh đáng của tuyệt đại đa số tăng ni và Phật tử Việt Nam hay không ?

Để dung hòa hai quan điểm trên, người huynh trưởng GĐPT chọn con đường trung đạo, nghĩa là : Lấy việc phục vụ giáo hội để làm phương tiện  phụng sự đạo pháp. Vả chăng, chính giáo hội đã khai sinh và nuôi dưỡng tổ chức GĐPT, vậy đoàn viên Áo Lam không phục vụ giáo hội thì phục vụ ai đây ? Do đó, theo quan điểm tổ chức GĐPT từ khi ra đời đến nay là luôn thân cận, thừa sự, hộ trì và bảo vệ giáo hội hợp pháp qua các thời kỳ, xem đó là phương tiện để phụng sự đạo pháp theo như mục đích tổ chức GĐPT đã đề ra.

 

Vậy, huynh trưởng GĐPT trong 70 năm qua đã phụng sự những gì cho đạo pháp ?

Xin thưa, người huynh trưởng GĐPT phụng sự đạo pháp bằng cách phục vụ giáo hội qua các thời kỳ bằng những hình thức như:

1)Thân cận : bất cứ nơi đâu có mặt người huynh trưởng GĐPT, các anh chị cũng tự nguyện tìm đến với giáo hội tại địa phương đó. Sự có mặt của các anh chị dù được tiếp đón niềm nỡ hay với thái độ lạnh nhạt, thì các anh chị vẫn có mặt để góp phần làm đông đảo thêm hàng ngũ cư sĩ Phật tử cho giáo hội địa phương.

2)Hộ trì : khi đã được chấp nhận vào hàng ngũ cư sĩ địa phương, người huynh trưởng không lúc nào quên bổn phận hộ trì Tam Bảo . Mặc dù các anh chị không phải là những người giàu có về vật chất, nhưng tinh thần cúng dường Tam Bảo lúc nào cũng dào dạt như "Bà Già Cúng Đèn".

3)Thừa sự : người huynh trưởng GĐPT là toán quân xung kích luôn xung phong đi đầu trong mọi Phật sự. Các anh chị luôn sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ do giáo hội giao cho và luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

4)Trung thành và bảo vệ : Người xưa có câu :

Gia bần tri hiếu tử

Quốc loạn thức trung thần

Nghĩa là :

Nhà nghèo mới biết (ai là) con hiếu

Nước có giặc mới biết (ai là) tôi trung

Huynh trưởng GĐPT bình thường cũng giống như nhiều người cư sĩ khác, cũng thân cận, hộ trì và thừa sự với Tăng Già, có khi nhìn bên ngoài còn có phần kém nhiệt tình hơn các cư sĩ khác. Nhưng đến khi giáo hội gặp pháp nạn thì mới thấy sự trung thành và bảo vệ đạo pháp của huynh trưởng GĐPT cao đẹp như thế nào.

Sau đây tôi xin đơn cử một số trường hợp đoàn viên GĐPT hy sinh trong mùa pháp nạn 1963 tại miền Nam Việt Nam để chứng minh cho điều này:

phan duy trinh

1.Huynh trưởng Phan Duy Trinh tử vì đạo : anh Phan Duy Trinh pháp danh Tâm Khiết, một huynh trưởng tại Huế. Năm 1962, chánh quyền Ngô Đình Diệm theo đuổi chánh sách triệt tiêu Phật Giáo, sau nhiều lần đe dọa lẫn dụ dỗ không thành công, chúng đã bắt và thủ tiêu anh trong một đêm anh đang trên đường từ chùa về nhà.

di anh thanh tu dao dai pt hue

2. Đoàn sinh GĐPT hy sinh vì đạo pháp :Tối 15/4/AL (1963) Phật tử  tụ tập trước đài phát thanh Huế  để theo dõi kết quả cuộc hội kiến giữa các vị đại diện Phật giáo và chính quyền để giải quyết việc cấm treo cờ Phật giáo thì chính quyền đã ra lệnh cho quân đội đem xe bọc thép kéo đến đàn áp vô cùng dã man, làm hàng chục người thiệt mạng, hàng chục người bị thương nặng, trong đó có tám em đòan sinh thuộc Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên chết ngay tại chỗ, đó là các em : Đặng Văn Công, Trần Thị Phước Trí, Nguyễn thị Yến, Huyền tôn nữ Tuyết Hoa, Lê Thị Kim Anh, Dương Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Phúc, tuổi đời chỉ từ 12-20

DieuNghiemQuachThiTrang 01

3.Đoàn sinh GĐPT Quách Thị Trang hy sinh bảo vệ Đạo pháp: QUÁCH THỊ TRANG sinh năm 1948 tại Thái Bình, Bắc việt, sinh hoạt tại Gia Đình Phật Tử Minh Tâm Sài Gòn đã tham gia cuộc biểu tình của nhiều đoàn thể Phật giáo đã diễn ra trước chợ Bến Thành Sài Gòn ngày 25/8/1963 để yêu cầu chính quyền thả ngay tất cả các Tăng Ni Phật Tử đã bị bắt trong cuộc tấn công vào các chùa chiền khắp toàn miền Nam cùng một đêm 20/8/1963 bị cảnh sát Đô Thành Sài Gòn đàn áp vô cùng dã man, nhiều loạt đạn của cảnh sát bắn tới tấp vào đoàn biểu tình, em QUÁCH THỊ TRANG đã gục chết ngay tại chổ.

DaoThiYenPhi 04

4.Huynh trưởng Đào Thị Yến Phi tự thiêu :ĐÀO THỊ YẾN PHI pháp danh Nguyên Thường tự Diệu Mai sinh năm 1946. Đoàn phó đoàn Nữ Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử Chánh Quang Nha Trang đã tự thiêu trước tòa hành chánh Tỉnh Khánh Hòa lúc 14g30’ngày 24/12/AL ( 1965 ) để chống chính quyền đàn áp Phật giáo.

5.Huynh trưởng Nguyễn Đại Thức hy sinh vì bảo vệ Đạo pháp : NGUYỄN ĐẠI THỨC pháp danh Tâm Dũng sinh năm 1929 tại Quảng Bình. Đòan phó thiếu nam Gia Đình Phật Tử Tịnh Bình, anh  hổ trợ với Tăng Ni Phật Tử bảo vệ các chuà chiền tại Huế, đã bị đạn từ trên máy bay bắn xuống gây tử thương ngày 27/3/AL (1966).

6.Huynh trưởng Lê Thanh Sô hy sinh trong khi bảo vệ chùa :  LÊ THANH SÔ pháp danh là Minh Tiên sinh năm 1938 tại Quảng trị Gia Đình Phật Tử Hòa Thuận đang cùng một số phật tử bảo vệ Tam Bảo tự (Đà Nẳng) thì ngày 21/5/AL(1966) một toán thủy quân lục chiến và lính dù đến uy hiếp bắn vào chùa, anh Sô đã bị tử thương.

KhongGianNguyenThiVan

7.Đoàn sinh Nguyễn Thị Vân tự thiêu : NGUYỄN THỊ VÂN, pháp danh Không Gian, sinh năm 1947 tại thành phố Huế, chúng phó thiếu nữ Gia Đình Phật Tử Thành Nội tự châm lửa thiêu thân trước sân chùa Thành Nội lúc 3g10’ ngày 12/4 /AL (1966), đã để lại dưới cột cờ chiếc áo Lam với huy hiệu hoa sen mà vẫn thường mặc để sinh hoạt Đoàn và phía dưới chiếc áo có 3 bức thư :

          – 1 gởi cho Tổng Thống Mỹ Nixson

          – 1 gởi cho Thiệu – Kỳ.

          – 1 gởi Thân phụ.

 

Trên đây chỉ là một số trường hợp được ghi vào trang sử pháp nạn của PGVN chứ chưa phải là tất cả các trường hợp đoàn viên GĐPT hy sinh vì bảo vệ Đạo pháp. Ngoài ra, con số huynh trưởng tham gia bảo vệ Đạo pháp suốt những năm dưới chế độ Ngô Đình Diệm và cả những năm sau này bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thủ tiêu… nhiều đến nỗi không có giấy mực nào ghi cho hết. Có những trường hợp chỉ cần anh hay chị chịu ký tên xác nhận mình không phải là huynh trưởng GĐPT thì được tha, nhưng dù súng kề tai, gươm kề cổ, người huynh trưởng GĐPT Việt Nam không bao giờ tham sống sợ chết mà chối bỏ thân phận người Phật tử – huynh trưởng GĐPT của mình.

Đó chính là giá trị của NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH vậy.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.