Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 44: Nội Dung Giáo Dục Của Gia Đình Phật Tử (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

C – ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC GĐPT

I.Mục đích giáo dục trong GĐPT

II.Nội dung giáo dục trong GĐPT

1) Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử (Trí dục – Đức dục)

2) Kỹ năng sống (Hoạt động thanh niên) (Thể dục – Đức dục)

3)Hoạt động xã hội (Đức dục)

4) Văn nghệ (Mỹ dục)

5) Tu tập tự thân (giáo dục Tâm linh)

III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT

1) Phương pháp huân tập

2) Phương pháp lý giải

3) Phương pháp hoạt động

4) Phương pháp quán niệm

Kỳ 44:

NỘI DUNG GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Trong hai kỳ vừa qua, người viết đã trình bày đến quý độc giả về hai nội dung giáo dục của GĐPT: Trí dục và Đức dục. Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục trình bày nội dung thứ 3 và 4: THỂ DỤC – MỸ DỤC

III-THỂ DỤC:

 

Ngoài môn học Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử, đoàn sinh GĐPT còn học các môn Hoạt động thanh niên như: gút dây, phương hướng, truyền tin, dấu đi đường, mật thư, ước đạc, cứu thương, kỹ thuật trại v.v… Các đơn vị thường xuyên tổ chức những chuyên cắm trại dã ngoại cho đoàn sinh để các em thực tập các kỹ năng đã học. Trong mỗi lần đi trại như thế, đoàn sinh thực hành các kỹ năng như: đi bộ từ 5 đến 10 cây số trong trò chơi lớn; dựng lều và thiết kế các công trình trại đòi hỏi sức lực dẻo dai, sự đảm đang khéo léo và làm tăng trưởng sức chịu đựng cho trại sinh. Ngoài ra, các em còn chơi những trò chơi vận động có tác dụng tăng cường sức khỏe. Chính thời gian trọn ngày gần gũi với cỏ cây hoa lá thiên nhiên, hít thở không khí trong sạch nơi đồng nội… đem lại lợi ích lớn cho sức khỏe các em.

Trong môn Hoạt động xã hội, đoàn sinh thực tập lao động công ích, vừa luyện tập thể dục vừa phát triển tinh thần bảo vệ môi sinh và ý thức cộng đồng cũng được nâng cao ở các em.

Mỗi buổi sinh hoạt, đoàn sinh được thực hành Chánh Niệm (ngồi thiền) theo dõi hơi thở và đếm hơi thở (quán sổ tức). Đây là một phương pháp thể dục rất hiệu quả của các dân tộc Đông phương nói chung, Phật Giáo nói riêng. Giờ thực tập thiền có tác dụng tốt đối với bộ não các em. Nếu vận động làm nẩy nở thể xác, thì những giờ phút chánh niệm lại có tác dụng tốt cho trí não. Theo kinh nghiệm của các thiền sư thì sự định tĩnh của tâm trí lại có ảnh hưởng tốt đến thể xác.

Môn Hoạt động thanh niên và Hoạt động xã hội, ngoài tác dụng về mặt thể dục, nó còn làm nẩy nở các đức tính tốt đẹp trong đoàn sinh như: tháo vát, cần cù, sáng tạo, chịu khó, tinh thần đồng đội, đoàn kết, tính trung thực, tính kỷ luật v.v…

IV-MỸ DỤC:

HLHT5 17

Trong chương trình tu học của GĐPT có môn Văn nghệ bao gồm: âm nhạc, văn học, điêu khắc, thủ công… nhằm giáo dục cái đẹp cho đoàn sinh. Âm nhạc GĐPT có đặc tính:

-Về giai điệu thường đơn giản, dễ hát. Điệu thức thường êm ái, vui vẻ, phấn khởi mà không kích động,

-Về nội dung là ca ngợi nét đẹp tâm hồn trong sáng, lành mạnh, mang đạo lý Phật Giáo nhằm đề cao chân-thiện-mỹ trong cuộc sống.

Về văn học, GĐPT chủ yếu giới thiệu các tác phẩm thơ văn, ca dao nói về lòng hiếu thảo và những nét đẹp thanh cao, thánh thiện trong đời sống v.v…

Mỹ dục trong GĐPT không chỉ nằm ở lãnh vực văn học, âm nhạc và nghệ thuật. Mỹ dục chính là nét đẹp tâm hồn của đoàn sinh thể hiện qua sự chính chắn của ý nghĩ, lời nói và việc làm, đó mới là cái đẹp lâu dài và chắc thật. Nét đẹp này có được là nhờ huân tập các đề tài giáo lý được tiếp nhận trong môn học Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử.

Tóm lại, mỗi một môn học trong chương trình giáo dục của GĐPT đều hàm chứa tất cả các yếu tố trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.