Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 25: Nguyên Nhân Cội Rễ Về Tình Trạng Phân Hóa Hiện Nay Trong Tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

IV.Tính gắn bó mật thiết của GĐPT với Giáo hội

1)Sự nương tựa tâm linh của đoàn viên GĐPT vào ngôi Tam Bảo

2)Mối quan hệ tương duyên giữa GĐPT với Thầy trụ trì và các cấp lãnh đạo Giáo hội địa phương

3)Nguyên nhân cội rể về tình trạng phân hóa hiện nay trong tổ chức GĐPTVN

Kỳ 25:

NGUYÊN NHÂN CỘI RỄ

VỀ TÌNH TRẠNG PHÂN HÓA HIỆN NAY

TRONG TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-DẪN NHẬP

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) luôn tự hào với truyền thống đoàn kết suốt 25 năm hoạt động (1951-1975). Trải qua 8 kỳ đại hội toàn quốc, nhân sự lãnh đạo (Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung ương) không có sự thay đổi nào đáng kể. Có những lần đại hội, mặc dù Anh Trưởng BHD Trung ương không có mặt do bị chánh quyền thời đó cầm giữ, nhưng Đại hội vẫn tin tưởng bầu Anh vào trách vụ đứng đầu tổ chức Áo Lam.

Điều đó nói lên tinh thần thương yêu, gắn bó, đoàn kết của gần 20 vạn (*) đoàn viên GĐPT từ Quảng Trị đến Cà Mau suốt một chặng đường lịch sử của tổ chức GĐPTVN.

 

II-YẾU TỐ CỦA SỰ ĐOÀN KẾT

Nếu phân tích cho thật đầy đủ những yếu tố dẫn đến sự đoàn kết gắn bó suốt 25 năm của GĐPT thì không sao nói cho hết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin nêu những yếu tố căn bản theo thiển ý của người viết, chứ không dám cho là chính xác và đầy đủ tuyệt đối.

Theo chúng tôi, những yếu tố đó là :

 

1)Bản chất của tổ chức GĐPT : là một đoàn thể của những con người hướng thiện lấy đạo Phật làm ánh sáng soi đường cho cuộc đời. Tuyệt đại đa số đoàn viên đến với GĐPT bằng cái tâm trong sáng, bất vụ lợi và hoàn toàn tự nguyện. Đạo Phật là đạo Vô Ngã-Vị Tha; người Phật tử là người sống tri túc-kiệm ước, được hướng đạo bởi lối sống Lục Hòa , lúc nào cũng gìn giữ thân-khẩu-ý. Môi trường sinh hoạt của GĐPT là môi trường thiện lành được xây dựng hàng ngàn năm qua bởi các bậc chân tu khả kính.

Tất cả đoàn viên GĐPT, khi đã là huynh trưởng có cấp thì  ít hay nhiều đều có chung những tính cách giống nhau, như : kính yêu Tam Bảo, sống hướng thiện và hằng ngày thực hành các hạnh lành như : bố thí, yêu trẻ, hy sinh, nhẫn nại, hòa ái, khiêm cung v.v… Những con người như thế, nếu ở chung nhau dưới một mái nhà thì đó sẽ là mái nhà bình yên hạnh phúc.

2)Động cơ đến với GĐPT : là động cơ trong sáng, hướng thiện và tự nguyện. Trong tổ chức GĐPT không có vinh hoa phú quý để mọi người phải tranh giành nhau; không có quyền lợi vật chất nào để níu kéo, mê hoặc và làm hư hỏng những con người trong đó. Thỉnh thoảng có một số ít người đến với GĐPT để mong cầu chức tước, quyền hạn, lợi danh… thì sớm hay muộn cũng bị đào thải ra khỏi hàng ngũ Áo Lam.

3)Giai cấp trong GĐPT: giai cấp trong GĐPT là "không có giai cấp nào cả". Trong tổ chức Áo Lam chỉ có tình thương, lòng kính trọng và sự tự nguyện tuân phục. Đàn anh, đàn chị muốn đàn em kính trọng và tuân phục thì chỉ có một cách duy nhất là sống có phẩm hạnh, chịu khó, thương yêu và hy sinh cho đàn em. Những người, tuy "sống lâu lên lão làng" nhưng nếu thiếu phẩm hạnh thì cũng không bao giờ được đàn em kính trọng và tuân phục.

Không đâu như trong GĐPT : anh chị lớn phải luôn làm gương đi đầu trong mọi công việc, phải nhận trách nhiệm nặng hơn, phải làm những việc cực hơn, phải đóng góp tiền bạc nhiều hơn đàn em v.v… Hành vi "chỉ tay năm ngón" không được mọi người chấp nhận trong GĐPT. Nói chung là không có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị trong GĐPT.

Đã như vậy thì ai ham tranh giành chức lớn làm gì ?

4)Không có ý thức hệ phe nhóm chính trị : GĐPT trong suốt 25 năm ấy chỉ có một ý thức hệ duy nhất, đó là : đem Đạo vào Đời để cải thiện đời sống tinh thần cho giới trẻ, trong đó Đạo là tinh hoa của nhân loại, Đời là cuộc sống miên viễn của con người, mà không có bóng dáng của phe nhóm chính trị vốn là cái gì hư ảo nhất của những cái hư ảo trên đời này. Vì chỉ có chung một lý tưởng và không bị ý thức hệ chính trị chi phối nên đại gia đình Áo Lam không nẩy sinh mâu thuẩn nào trong suốt 25 năm đó.

Trên đây là bốn mắc xích trọng yếu làm nên sự đoàn kết, thương yêu và gắn bó của đại gia đình Áo Lam trong 25 năm qua (1951-1975). Nếu bất cứ một mắc xích nào bị bẻ gãy thì  ngôi nhà đoàn kết sẽ sụp đổ ngay lập tức.

12417810 1242691415746975 1285633263666904451 n

III-CỘI RỄ CỦA SỰ CHIA RẺ

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh chấm dứt và sau đó đất nước thống nhất. Tháng 11/1981, được sự giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, chín hội đoàn Phật Giáo trong nước đã họp đại hội tại thủ đô Hà Nội, thống nhất lại trong một tổ chức giáo hội duy nhất là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN).

Một số tăng ni và Phật tử Việt nam đang định cư tại nước ngoài lên tiếng phản đối việc ra đời của GHPGVN và đòi hỏi Nhà nước cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (được thành lập từ năm 1964 tại miền Nam Việt Nam) tiếp tục được hoạt động. Đòi hỏi này không được Nhà nước chấp nhận.  Số người nói trên tuyên bố không chấp nhận GHPGVN và họ gọi GHPGVN là "giáo hội quốc doanh". Tiếp đến, họ xách động một thiểu số tăng ni và phật tử trong nước "tẩy chay" GHPGVN và tiếp tục đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Họ lập ra các chi nhánh GHPGVNTN tại Mỹ, Úc, Châu Âu … và hỗ trợ tài chánh cho GHPGVNTN trong nước tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhằm lôi kéo quần chúng về phía họ. Thế mạnh của họ là tài chánh với phương châm "tiền bạc làm ra tất cả".

Trong phạm vi bài này, chúng tôi không tiện đánh giá việc làm của họ là sai hay đúng và nhắm đến mục đích gì. Chúng tôi chỉ đưa ra sự kiện trên đây để cho thấy nguồn gốc sự chia rẻ trong GĐPT từ sau năm 1975, nhất là vào giai đoạn 1995 đến nay, giai đoạn GĐPTVN có đủ điều kiện sinh hoạt trở lại sau 20 năm vắng bóng chiếc áo lam trên đường phố.

Như chúng tôi đã trình bày xuyên suốt trong loạt bài "Tìm Hiểu Về GĐPT" là : GĐPT là chồi non trên cây đại thụ Phật Giáo Việt Nam. Vì vậy, cây đại thụ sống thế nào thì chồi non cũng sống theo thế ấy; cây đại thụ Phật Giáo chia thành hai cây khác nhau thì GĐPT cũng bị chia ra hai thành  phần khác nhau :

1.Thành phần đa số sinh hoạt trong nước đi theo GHPGVN và tuân thủ luật pháp Nhà nước Việt Nam.

Thành phần này sinh hoạt dưới sự quản lý của GHPGVN các cấp, được luật pháp công nhận, được sinh hoạt công khai tại các tự viện trong cả nước, không ngừng phát triển về lượng và chất sau 20 năm tái lập sinh hoạt. Hiện tại , GĐPT đã có mặt trên 34 tình, thành trong cả nước với số lượng đoàn viên trên dưới 75.000 người (**).

2.Thành phần thiểu số đi theo GHPGVN Thống nhất, không tuân thủ luật pháp Nhà nước Việt Nam.

Cũng như GHPGVN Thống nhất, họ thành lập các Ban hướng dẫn GĐPTVN tại Mỹ, Úc và một vài nước ở Châu Âu, nơi có đông người Việt định cư. Họ lôi kéo và hỗ trợ tài chánh cho một thiểu số huynh trưởng GĐPT trong nước thành lập cái gọi là "Gia Đình Phật Tử Truyền thống", sinh hoạt ngoài sự quản lý của GHPGVN và không tuân theo bất cứ quy định luật pháp nào của Nhà nước.

Vì sự chia rẻ trong nội bộ GHPGVN Thống nhất từ hải ngoại cho đến quốc nội nên cái gọi là "GĐPT truyền thống" trong nước cũng không đoàn kết nhau được. Hiện nay, trong nước có đến 3 ban lãnh đạo "GĐPT truyền thống", 3 ban này thường xuyên nói xấu và tranh cãi nhau, ai cũng tự cho mình là đúng là phải.

Không thể thống kê số lượng đoàn viên của "GĐPT truyền thống" vì họ sinh hoạt ngoài vòng pháp luật, lúc ẩn lúc hiện, nơi nào giáo hội địa phương lỏng tay thì họ xuất hiện, khi nào có sự để mắt đến của cơ quan chức năng thì họ biến mất. Một vị lãnh đạo GHPGVN tại một địa phương, trước tình trạng biến-hiện này, đã lắc đầu nói rằng :"Đi sinh hoạt GĐPT mà cứ phải lo chạy trốn công an như thế thì còn tinh thần đâu mà sinh hoạt cho tốt được!"

Từ vài năm trở lại đây, thiểu số "GĐPT truyền thống" đã quay về sum họp khá nhiều với đại gia đình áo Lam trong vòng tay yêu thương của GHPGVN, càng cho chúng ta thấy đâu là con đường khế lý, khế thời của tổ chức GĐPTVN trong thời đại mới.

KẾT LUẬN

GĐPT thực sự rất cần gắn bó mật thiết với giáo hội và chư tôn đức tăng, ni. Sự gắn bó ấy được biểu hiện bằng hình tượng :

-Con cái với Cha mẹ

-Chồi non của cây đại thụ

Nếu GĐPT không còn gắn bó với giáo hội và tăng ni tức cũng như đứa con côi cút, không ai nuôi dưỡng và dạy bảo; cũng như một chồi non bị bứng ra khỏi thân cây mẹ, không còn đủ dưỡng chất để sống còn.

Ngược lại, cha mẹ nào cũng cần có con nối dỏi tông đường và cây cổ thụ nào cũng cần những chồi non tươi tốt để kéo dài tuổi thọ và sự sung túc của cây.

Để cho mối quan hệ máu thịt này luôn bền vững, mang lại lợi ích cho Phật Giáo và xã hội Việt Nam , cần đòi hỏi mỗi bên phải ý thức thực hiện bổn phận và nghĩa vụ của mình. Trong Kinh Thiện Sinh, đức Phật đã dạy rằng :

1)Các bậc cha mẹ chăm sóc con cái với năm bổn phận. Một là ngăn chận con làm việc ác. Hai là chỉ dạy con làm việc lành. Ba là thương con đến tận xương tủy. Bốn là sắp xếp hôn phối tốt đẹp. Năm là chu cấp những thứ cần dùng.

2)Người con hiếu thảo phải kính cha mẹ với năm đạo đức, nhờ đó an ổn, không lo sợ gì:

Một là phụng dưỡng, không để thiếu thốn. Hai là trình báo và xin lời khuyên. Ba là không chống điều cha mẹ dạy. Bốn là không trái điều cha mẹ làm. Năm là không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ làm.

Ứng dụng lời Phật dạy trong Kinh Thiện Sinh vào mối quan hệ GĐPT với giáo hội và chư tăng, ni, chúng ta tạo nên một môi trường thiện lành để GĐPT sinh hoạt được nhiều thuận duyên, góp phần hoàn thành mục đích :"Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội"

 

(*) Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – NXB Lá Bối 1972: trước năm 1975, GĐPT có tổng cộng gần 200.000 đoàn viên từ Quảng Trị đến Cà Mau

(**) Số liệu theo Báo cáo tổng kết Phật sự năm 2015 của Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT Trung ương.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.