Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 36: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, Hình Ảnh Người Phật Tử Chân Chánh Của Phật Giáo Việt Nam (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 36:

HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ,

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(tiếp theo)

VI – HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN

ĐÃ GÓP PHẦN XÂY DỰNG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?

NHỮNG CHÂN LÝ MÀ NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPT CHẤP NHẬN, TIẾP THU VÀ THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY ĐEM LẠI NHỮNG GIÁ TRỊ GÌ CHO CUỘC SỐNG?

(tiếp theo)

Trước khi tiếp tục đề tài: Sau khi bài viết thứ 35 được đăng tải trên mục "Tìm Hiểu Về GĐPT", người viết có nhận được thư bạn đọc trao đổi về danh từ "chân lý" trong bài viết vừa qua. Bạn đọc viết rằng: "…Tôi không đồng ý tác giả dùng danh từ "chân lý" mà phải dùng danh từ "giáo lý" thì mới phù hợp, vì đây là điều do vị giáo chủ Phật Giáo (tức Đức Phật Thích Ca) nói ra. Nếu sử dụng danh từ "chân lý" ở đây e rằng tác giả có ý "lạm dụng" từ ngữ chăng?…"

Người viết xin trả lời chung cho bạn đọc như sau:

Chúng tôi không dùng danh từ "giáo lý" trong bài viết này vì hai lý do:

1) Người viết muốn đến với độc giả bằng tinh thần khoa học, chứ không bằng GIÁO ĐIỀU của một tôn giáo (Đức Phật đã nhiều lần khẳng định, cũng như các nhà nghiên cứu Phật học đều xác nhận là Phật Giáo không hề có giáo điều)

2) Đức Phật luôn luôn nói rằng: những gì Ngài nói ra là do GIÁC NGỘ mà có. Qua câu nói ấy, người học Phật hiểu rằng: những gì Đức Thích Ca Mâu Ni giảng dạy trong suốt cuộc đời của Ngài, sau đó được ghi vào tam tạng kinh điển mà các Phật tử ngày nay gọi là giáo lý hay Phật Pháp, chính là những CHÂN LÝ có sẵn trong vũ trụ và đời sống nhân loại. Đức Phật, bằng trì tuệ siêu việt của bậc đại giác, đã phát kiến ra và đem truyền dạy cho con người, giúp họ hiểu biết và thực hành theo những chân lý ấy với mục đích sau cùng là giác ngộ và giải thoát, biến trần gian này thành cõi Niết Bàn, trong đó tất cả mọi người đều là những vị Phật.

Do đó, chúng ta có thể nói rằng: Phật Pháp không phải là một dạng sản phẩm "mặc khải" của thần linh, cũng không phải là triết học hay thần học do Đức Phật tưởng tượng ra rồi viết thành những giáo điều và bắt mọi tín đồ phải tin một cách mù quáng. Mà, Phật Pháp chính là những chân lý có sẵn bao trùm cả vũ trụ và nhân sinh. Nếu Đức Thích Ca có ra đời và thành Phật hay không, hoặc có phát hiện ra chúng hay không, thì những chân lý ấy cũng vẫn luôn luôn có mặt và chi phối chặt chẽ mọi mặt đời sống nhân loại.

Đức Phật không "sáng chế" ra các chân lý, Ngài chỉ "phát hiện" ra các chân lý ấy.

Vì vậy, khi dùng danh từ "chân lý" để nói về các giáo lý của nhà Phật, đó chẳng qua là nói đến tận "cái gốc" của từ ngữ mà thôi.

* * *

Buddha1

Giờ đây, chúng tôi xin tiếp tục đề tài:

3)Chân lý Duyên Khởi: Người HT.GĐPT tin và thực hành chân lý Duyên Khởi vào đời sống. Tin rằng:

"Với sự có mặt của cái này nên cái kia có mặt

Với sự mất đi của cái này nên cái kia mất đi"

Hoặc:

"Với sự có mặt của cái này nên cái kia mất đi

Với sự mất đi của cái này nên cái kia có mặt"

V.v….

Nghĩa là mọi sự vật, sự việc trên đời này đều tương quan, tương duyên nhau mà có mặt hay mất đi; không có một vật gì hay điều gì tự nó sanh ra hay hoại diệt mà không có sự đóng góp trực tiếp hay gián tiếp của một hay nhiều sự vật, sự việc khác. Sự có mặt hay mất đi của một sự vật, sự việc luôn kéo theo hệ lụy hoặc nhiều hoặc ít của một hay nhiều sự vật, sự việc khác.

Chân lý Duyên Khởi nâng cao ý thức cộng đồng của người HT.GĐPT tới mức tuyệt đỉnh, đó là trách nhiệm và thái độ của con người đối với môi trường sống chung quanh chúng ta.  Do đó, người Phật tử hết sức tôn trọng sự sống của muôn loài từ con người đến con vật, từ cỏ cây đến không khí và mọi tài nguyên trên hành tinh xanh này. Ý thức bảo vệ môi trường sống của người Phật tử nói chung, huynh trưởng GĐPT nói riêng, đã góp phần rất lớn vào việc gìn giữ tính cân đối hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Sống với chân lý Duyên Khởi, người HT.GĐPT luôn lạc quan chấp nhận sự thay đổi của hoàn cảnh, xem mọi sự thay đổi trong cuộc sống như một cánh cửa khác mở ra cho tương lai của mình, không cố chấp ôm giữ một cái gì được coi là tốt đẹp nhất không thể rời bỏ nó, không tiếc nuối quá khứ và cũng không mơ tưởng ảo ảnh tương lai.

Golgul Zen Buddhist Temple Monk Meditating Maya Tathagata Buddha Statue Area Gyeongju South Korea

4)Chân lý Trung Đạo: chân lý Trung Đạo được Đức Thích Ca phát hiện vào những giờ phút kề cận cái chết do Ngài tu theo lối khổ hạnh cực đoan. Lịch sử viết rằng:…"Sau khi tầm sư học đạo và đạt được những kết quả tu học ngang bằng với các thầy của mình, sa môn Cồ Đàm (tức đức Thích Ca) vẫn không tìm thấy giác ngộ và giải thoát. Ngài rất thất vọng, bèn chuyển sang lối tu khổ hạnh. Theo quan niệm của các phái tu khổ hạnh thời bấy giờ là: thân thể này đòi hỏi hưởng thụ quá nhiều thứ như: ăn ngon, mặc đẹp, chăn êm nệm ấm, thơm tho sạch sẽ, xúc chạm khoái lạc v.v…Từ đó mà con người ngày càng sa đọa, không thê nào giải thoát được. Vậy, muốn được giải thoát để thành một bậc thánh thì phải cắt đứt mọi nhu cầu hưởng thụ của cái thân này. Ngài tu khổ hạnh trong sáu năm, đến nỗi một ngày kia thân thể héo gầy, sức lực mòn mỏi, trí lực cạn kiệt, mạng sống như ngọn đèn hết dầu sắp tắt lúc nào không biết…"

Sách sử viết tiếp:…"Trong lúc "thập tử nhứt sanh", bỗng Ngài nghe tiếng dạy con của một người hát rong đang trú nắng dưới một gốc cây gần đó: Này con, cây đàn này, nếu con để dây chùn quá thì âm thanh sẽ không hay, ngược lại, nếu con lên dây căng quá thì dây đàn sẽ đứt, cũng không đàn được. Vậy, muốn đàn nghe được hay thì không nên để dây đàn chùn quá mà cũng không cho dây đàn căng quá! Con yêu của ta, con nghe rõ rồi chứ?

Sa môn Cồ Đàm vừa nghe xong lời nói của người hát rong, bỗng tâm thần chấn động, trí tuệ bừng sáng như mặt trời xé tan bóng tối. Ngài phát hiện ra chân lý Trung Đạo. Từ đó, Ngài suy nghĩ: Thân thể này, nếu ta cung phụng cho nó hưởng thụ quá nhiều thì con người ta sẽ hư hỏng, ích kỷ, ươn hèn… Nhưng nếu ta không cung cấp những thứ cần thiết cho nó thì sức lực suy kiệt, trí tuệ cùn mằn, sinh mạng khó bề giữ được. Nếu chết rồi thì lấy ai là người giác ngộ, lấy ai là người giải thoát đây?

Suy nghiệm như thế xong, Ngài liền thọ dụng bát cháo sữa do mục nữ Sujata dâng cúng. Bát cháo sữa làm cho sức lực Ngài phục hồi, Ngài liền xuống sông Ni Liên Thiền tắm gội sạch sẽ, rồi mặc vào tấm y cũ, trải cỏ làm nệm dưới gốc cây Tất Bát La, thiền định trong bốn mươi chín ngày, đến ngày cuối cùng, khi sao mai vừa mọc, Ngài chứng đắc Tam Minh và Lục Thông, thấu triệt tất cả mọi chân lý của vũ trụ và nhân sinh, trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Phạn ngữ viết là Buddha, phiên âm thành Phật Đà, đọc tắt là Phật."

Huynh trưởng GĐPT sống theo Trung Đạo nghĩa là sống một đời sống không tham đắm hưởng thụ, không sa đọa trác táng, không xa xỉ phóng túng. Người HT.GĐPT luôn tự kiềm chế hưởng thụ và sống đời sống thiểu dục tri túc, ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm, sử dụng các nhu cầu cần thiết một cách vừa đủ không phung phí. Với quan niệm và cách sống Trung Đạo, người HT.GĐPT đã góp phần xây dựng một xã hội trong sạch, giàu có, an ổn và lành mạnh.

(Còn tiếp….)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.