Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 29: Ý Nghĩa Ra Đời Nội Quy Huynh Trưởng – Khái Quát Các Chương, Điều (tt)

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 29:

Ý NGHĨA RA ĐỜI NỘI QUY HUYNH TRƯỞNG GĐPT –

KHÁI QUÁT CÁC CHƯƠNG, ĐIỀU

(tiếp theo kỳ trước)

V-NHẬN XÉT

1) Nội quy Huynh trưởng 2011 là bản Quy chế Huynh trưởng toàn diện nhất kể từ khi bản Quy chế đầu tiên ra đời năm 1955. Nó thể hiện đầy đủ các quy định về người huynh trưởng theo những yêu cầu trong thời điểm hiện tại, phù hợp với Hiền chương GHPGVN và pháp luật nhà nước hiện hành. Nói chung, Nội quy Huynh trưởng 2011 là có tính khả thi cao.

2)Nội quy Huynh trưởng cho thấy việc tu học và huấn luyện của người huynh trưởng được quan tâm hàng đầu. Người huynh trưởng là cán bộ thực hiện mục đích của tổ chức GĐPT "Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh – Góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội", nhưng đồng thời các anh chị cũng là đối tượng được đào luyện theo mục đích của tổ chức Áo Lam. Vì vậy, bản thân huynh trưởng phải không ngừng tu học và huấn luyện qua một chương trình từ sơ cấp (Kiên) cho đến cao cấp (Lực) trải dài 10 năm, tương đương với thời gian học tập của một học sinh từ lớp 7 cho đến hết đại học. Nếu một huynh trưởng không tu học và huấn luyện thì anh chị ấy sẽ không đủ vốn liếng về kiến thức Phật học và kỹ năng chuyên môn để hướng dẫn cho đoàn sinh, và tự bản thân anh chị ấy cũng không đủ điều kiện để trở thành "Người Phật tử chân chánh" được.

3)Cấp bậc huynh trưởng không quan trọng bằng tu học và huấn luyện nên được xếp vào chương II; Hay nói cách khác, cấp bậc là kết quả của việc tu học và huấn luyện nên được đề cập sau vấn đề tu học và huấn luyện.

Nhưng có một điều khá đặc biệt, dường như chỉ có trong tổ chức GĐPT, là cấp bậc không phải là quyền lợi của người huynh trưởng, mà là trách nhiệm và quyền hạn, trong đó, quyền hạn là để làm tốt trách nhiệm chứ không phải để tạo ra quyền hành và lợi dưỡng nhờ vào cấp bậc.

Tất cả quyền hạn của một huynh trưởng mang cấp chỉ là để phục vụ cho tập thể và thăng tiến cho tổ chức. Huynh trưởng cấp bậc càng cao thì trách nhiệm càng nặng, bổn phận càng nhiều và quyền hạn được đóng góp cho tổ chức cũng tăng lên theo.

4) -Từ một huynh trưởng tập sự, muốn được xếp cấp đầu tiên là cấp Tập, anh chị ấy phải phấn đấu trong thời gian ít nhất là 5 năm ( từ 18 đến 23 tuổi). Trong 5 năm đó, anh (chị) phải trúng cách hai bậc học Kiên, Trì và phải tốt nghiệp hai trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục.

-Từ một huynh trưởng cấp Tập, muốn được xếp cấp Tín, anh chị ấy phải phấn đấu ít nhất 5 năm nữa ( từ 23 đến 28 tuổi). Trong thời gian đó, anh (chị) phải trúng cách tu học bậc Định (học trong 3 năm) và tốt nghiệp trại huấn luyện Huyền Trang. Ngoài ra, anh chị ấy phải thể hiện một tình yêu nhiệt thành đối với màu Áo Lam và phải có thành tích cống hiến xuất sắc cho tổ chức thì mới được xét cấp Tín, chứ chỉ căn cứ vào thâm niên, tu học và huấn luyện không là chưa đủ.

-Từ một huynh trưởng cấp Tín, muốn được xếp cấp Tấn, anh chị ấy phải phấn đấu ít nhất 8 năm nữa (từ 28 tuổi đến 36 tuổi). Trong thời gian đó, anh (chị) phải trúng cách tu học bậc Lực (học trong 4 năm) và tốt nghiệp trại huấn luyện cao cấp Vạn Hạnh. Ngoài ra, anh (chị) phải có những cống hiến nổi bật trong vai trò ban viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh, chứ chỉ căn cứ vào thâm niên, tu học và huấn luyện thôi là chưa đủ.

-Từ một huynh trưởng cấp Tấn muốn được xếp cấp Dũng, anh chị ấy phải phấn đấu trong 10 năm nữa ( 36 – 46 tuổi). Trong thời gian đó, anh (chị) phải thể hiện xuất sắc vai trò, trách nhiệm bản thân trong việc đưa tổ chức GĐPT trong tỉnh tăng trưởng không ngừng; bản thân anh (chị) phải có đủ tài năng và đức độ được tập thể tín nhiệm vào chức vụ trưởng hoặc phó Ban Hướng Dẫn Tỉnh. Ngoài ra anh (chị) phải có công trình, luận án… về Phật học, về GĐPT… được Trung ương công nhận.

Có thể nói, từ một đoàn sinh hiện tại muốn trở thành một huynh trưởng cấp Dũng trong tương lai là cả một cuộc "leo núi" vất vả, gian khó dường nào. Suốt quãng đường hơn 30 năm phục vụ cho tổ chức Áo Lam ấy, biết bao chướng ngại đã hiện ra để thử thách lòng trung kiên đối với  tổ chức ; biết bao mồ hôi và nước mắt – đôi khi cả xương máu- đã đổ xuống trong tủi hờn; và cả những giây phút vinh quang ngắn ngủi cũng có thể làm cho anh chị tự mãn kiêu căng…

Tóm lại, trên suốt lộ trình "leo núi" ấy, bát phong (*) luôn xuy động khiến cho hàng ngũ huynh trưởng chúng ta rơi rớt khá nhiều.  Chúng ta có thể hình dung "ngọn núi" ấy như sau:

nui

5)Nội quy Huynh trưởng cũng thể hiện vai trò, vị trí, chức năng, trách vụ của mỗi cấp huynh trưởng. Cụ thể như :

a/-Huynh trưởng cấp Tập :

-Làm đoàn trưởng 1 đoàn

-Trách nhiệm về sự thịnh suy của đoàn

-Liên đới chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của 1 đơn vị GĐPT

-V/v…

 

b/-Huynh trưởng cấp Tín :

-Làm Liên đoàn trưởng  Gia đình

-Làm ban viên Ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh

-Chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình

-Liên đới chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT trong tỉnh

-V/v…

 

c/-Huynh trưởng cấp Tấn :

-Làm trưởng Ban hướng dẫn GĐPT tỉnh

-Làm ban viên BHD.GĐPT Trung ương

-Có trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT trong tỉnh

-Liên đới trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT Việt Nam

-V/v…

 

d/-Huynh trưởng cấp Dũng :

-Làm Trưởng BHD.GĐPT Trung ương

-Có trách nhiệm về sự thịnh suy của GĐPT Việt Nam

-V/v…

NoiQuy2

Từ đó suy ra, muốn "leo" lên nấc thang cấp bậc phía trên, người huynh trưởng phải hoàn thành tốt vai trò, trách vụ ở cấp bậc hiện tại. Và cứ mỗi lần được lên tới nấc thang trên, ta lại mang nặng thêm trách vụ đối với tổ chức GĐPT mà thôi, chứ chẳng có bổng lộc, quyền hành hay lợi dưỡng nào cả. Vì vậy, một vấn đề luôn đặt ra cho hàng ngũ huynh trưởng GĐPT : đó là phải thường xuyên xét lại mình đã xứng đáng với cấp bậc mình mang trên vai hay chưa ? Đây còn là chuyện "Tàm-Quý" (**) đối với hàng huynh trưởng GĐPT nữa.

 

6)Một đặc thù khác của Nội quy Huynh trưởng GĐPT là : chỉ có kỷ luật mà không có khen thưởng. như điều 17, chương IV đã quy định. Điều đó nói lên một ý nghĩa hết sức quan trọng mà không phải huynh trưởng nào cũng quán triệt. Ý nghĩa đó là : "Huynh trưởng đến với tổ chức GĐPT không phải để hưởng thụ quyền lợi do tổ chức mang lại; Chúng ta tự nguyện đến với GĐPT là để cúng dường tài năng, sức lực giúp cho đạo pháp được lan truyền rộng rãi trong giời trẻ theo lời di giáo của Đức Bổn Sư Thích Ca. Chúng ta không màng lương bổng hay bất cứ một hình thức đãi ngộ nào từ Giáo Hội. Phần thưởng duy nhất mà chúng ta có thể có, đó là sự thăng tiến của tổ chức Áo Lam, đi đôi với sự phát triển lượng và chất của các đơn vị GĐPT trên khắp đất nước.

Tinh thần tự nguyện ấy là động lực duy nhất giúp cho mỗi người huynh trưởng chúng ta kiên cường đối mặt với mọi thử thách gian khổ, mọi phiền não, chướng duyên để vượt qua bao thác ghềnh, đưa con thuyền Lam tới bến bờ tươi sáng.

Minh Kim

 

CHÚ THÍCH:

(*)Bát phong : trong cuộc sống thế gian có 8 điều khiến cho lòng người phiền động thương, ghét; ví như 8 ngọn gió thổi vào khiến con người nghiêng ngã . 8 điều đó là : 1. Lợi (lợi lạc đến với mình)- 2. Suy (mất mát, suy sụp)  – 3.Hủy (nói xấu sau lưng) – 4.Dự (khen sau lưng) – 5.Xưng (khen tặng trước mặt) – 6.Cơ (chê trước mặt) – 7.Khổ (hoạn nạn) – 8.Lạc (vui sướng)

(**) Tàm quý : Người, khi làm lỗi, tự biết lỗi mình mà sinh hỗ thẹn thì gọi là người có tàm quý

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.