Ngoài tín ngưỡng "cúng sao", người Tàu còn đem sang Việt Nam rất nhiều thứ tín ngưỡng "tạp nhạp" (nói theo ngôn ngữ của Như Huyễn Thiền Sư) như : tin vào hà bá dưới sông, thổ địa, thần tài, ngọc hoàng thượng đế, cửu thiên huyền nữ, lấy số tử vi, coi ngày giờ tốt xấu, xin xăm, bói toán, đốt vàng mã cho người chết v.v… mà loạt bài này sẽ lần lượt phân tách trên trang báo này, nhằm giúp cho huynh trưởng trẻ phân biệt đâu là chánh kiến của đạo Phật, đâu là tà kiến ngoại đạo xâm nhập vào Phật Giáo.
Đạo Phật vốn dĩ lấy hai chữ "tùy duyên" và "phương tiện" làm phương châm hành đạo, nghĩa là đạo Phật đi đến đâu thì phải tùy thuận với phong tục, tập quán, tín ngưỡng… ở nơi đó để thu hút Phật tử.
Ngoài tùy duyên, người làm đạo còn phải sử dụng phương tiện để độ quần sanh, nghĩa là dù biết đó là tà kiến ngoại đạo nhưng vẫn chấp nhận sử dụng để thu hút tín đồ, rồi dần dần hướng họ về chánh pháp.
Nói như vậy, ai nghe cũng chấp nhận được, và người nghe hy vọng rằng "giai đoạn tùy duyên và phương tiện" sẽ kéo dài không xa, vì rồi đây Phật Giáo Việt Nam sẽ độ cho tất cả người đi chùa trở về với chánh pháp và những thứ rác rưởi mê tín dị đoan ấy sẽ bị quăng bỏ như thứ đồ nhơ nhớp mà giặc phương Bắc đã cố tình gieo vào đầu óc một dân tộc để làm cho dân tộc ấy trở thành mê muội hầu dễ cai trị.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế không diễn ra như vậy, mà dường như hai chữ "tùy duyên" và "phương tiện" đã bị lợi dụng suốt mấy ngàn năm qua, từ khi dân ta thoát khỏi một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, dẫn đến một trăm năm nô lệ giặc Tây, rồi trải qua thời kỳ chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, cho đến tận thế kỷ XXI hiện nay. Vậy mà Phật Giáo Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn "tùy duyên" và "phương tiện", mà trái lại, những thứ tà kiến ngoại đạo, di chứng của "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" ấy, vẫn còn gắn chặt với các phương pháp hành đạo của đa số chùa ở nước ta. Thậm chí, còn có một tông phái Phật Giáo lấy những thứ tà kiến ngoại đạo ây làm nghề mưu sinh suốt nhiều năm qua, khiến cho đạo Phật chịu oan ức là đạo mê tín dị đoan, khiến cho hàng ngũ Phật tử chân chánh ngậm đắng nuốt cay đối mặt với bao lời phê phán, chỉ trích của ngoại đạo và khiến cho tầng lớp trí thức trong xã hội chán chê, xa rời đạo Phật.
Người Phật tử có quyền đặt câu hỏi : "Bao giờ thì PGVN mới hoàn thành giai đoạn tùy duyên và phương tiện để trở về với giáo pháp chân chính? " Và người Phật tử cũng có thể suy nghĩ rằng : "Một bộ phận tu sĩ PGVN giống như tay lang băm cố tình "nuôi bệnh" chứ không phải quyết tâm trị bệnh cho quần chúng"
Trở lại với hủ tục cúng sao giải hạn, giới trẻ có học ngày nay đều thấy rõ tính chất sai lầm của nó bởi các lý lẽ sau đây :
-Chỉ có một số ít người thuộc các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mới tin vào thuyết cúng sao giải hạn; còn lại đại đa số nhân loại ở châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, châu Úc v.v… đều không tin vào thuyết này, hằng năm đều không có cúng sao. Vậy, nếu tin rằng cúng sao giải hạn sẽ đem đến đời sống tốt đẹp cho mình trong năm, vậy có phải là những người cúng sao ở Đông Nam Á đều là người giàu sang, khỏe mạnh sống lâu, tài giỏi, có đời sống sung túc hạnh phúc hơn người dân các nước khác chăng ?
-Đức Phật ngày xưa đã từng nói thuyết Duyên Khởi để chứng minh mọi thứ trong vũ trụ này đều có mối tương quan, tương duyên nhau. Khoa học ngày nay cũng đã đi đến kết luận là các định tinh, hành tinh trong vũ trụ đều có ảnh hưởng ít nhiều với nhau, cự ly của chúng càng gần thì ảnh hưởng càng dễ thấy (thí dụ: Mặt Trăng ảnh hưởng trực tiếp đến thủy triều trên Trái Đất); hoặc một ngôi sao (định tinh) càng lớn thì ảnh hưởng của nó lên các hành tinh xung quanh càng thấy rõ (thí dụ: Mỗi khi có vụ bùng nỗ trên Mặt Trời thì Trái Đất có thể xảy ra thiên tai nơi này nơi kia) v.v… Vậy, anh hưởng của các vì sao đến Trái Đất là có và do đó ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống nhân loại cũng là điều hiển nhiên, nhưng lý luận theo thuyết sao hạn cho rằng mỗi năm có một vì sao chi phối lên toàn bộ cuộc sống của một người là điều hoang tưởng, không hề có thật. (Thí dụ : thiên tai sóng thần tại Nhật Bản làm chết hàng vạn người, vậy có thể nào trong vạn người ấy đều cùng một tuổi và bị chi phối bởi cùng một sao xấu chăng ?)
-Đức Phật thường dạy rằng : Nếu có người ném một tảng đá to xuống giếng, sau đó có hàng trăm người đến cầu khấn cho tảng đá ấy nổi lên, vậy có kết quả chăng? Ngày nay, chúng ta cũng đặt thí dụ: Nếu một người gặp sao tốt, đã cúng sao đúng nghi thức với đầy đủ lễ vật và đã được sư trong chùa chú nguyện một cách chu đáo, nhưng người ấy vừa ra khỏi chùa lái xe vượt đèn đỏ thì ngôi sao tốt cùng với lễ nghi cúng sao vừa xong có giúp cho người đó không bị Công an phạt không? Vì vậy, đạo Phật dạy chúng ta sống theo luật nhân quả chứ không nên cầu khấn với bất cứ một thứ thần thánh nào hết.
Tư duy và quán chiếu như thế, chúng ta sẽ thấy hết tính chất hoang tưởng vô lý của niềm tin vào sao hạn.
Cố nhiên cúng sao giải hạn chắc chắn không phải là một pháp môn của Phật Giáo nhằm giúp cho con người giác ngộ và giải thoát rồi ! Rất may cho đạo Phật, chứ không thì khó trả lời trước nhận xét của Các – Mác : "Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng"