Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 8)

Chùa Quán Sứ

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả :  THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 8)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1)Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

( …tiếp theo kỳ trước)

“Tăng Già Trung Kỳ Sơn Môn Huế chính thức thành lập Phật học đường Tây Thiên vào năm 1935 và đã thỉnh ngài Phước Huệ làm chủ giảng nhiều năm ( Đến cuối năm 1938, Ngài về Bình Định).Ngôi trường này đã đào tạo lớp đại học đầu tiên cho các thầy học tăng như : Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Thể, Mật Nguyện, Trí Thủ v.v… Ngoài chư tăng miền Trung và Sơn Môn Huế ra, trường còn đào tạo rất nhiều chư tăng miền Nam ra học, sau này trở thành những người lãnh đạo Giáo hội như : Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Tịnh v.v…” (*)

Trong các nhà lãnh tụ Phật giáo Trung kỳ thời bấy giờ, chủ yếu là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Cư sĩ là một trong những người sáng lập ra Hội An Nam Phật Học và trường Phật học Báo Quốc, lại là người sáng lập ra Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Ông là một nhân vật tân tiến am hiểu hai nền văn hóa Á, Âu. Ông lập trường Phật học để đào tạo tăng ni, truyền bá Phật pháp và cố gắng làm cho Phật giáo hợp với trào lưu tiến bộ.

Vào năm 1938 trở đi, Cư sĩ còn dạy Phật pháp cho một số thanh niên Phật tử trí thức vào những kỳ nghỉ hè. Đến na9m 1940, nhóm thanh niên trí thức này lấy tên là Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Một vài người xuất thân từ nhóm này đến nay (2005) còn sống và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội như : HT Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch HĐTS. GHPGVN, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện trưởng Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh;  Võ Đình Cường, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Đinh Văn Vinh tức giáo sư Minh Chi v.v… Tất cả đều được Cư sĩ Lê Đình Thám dạy.

Năm 1938, chùa Từ Đàm được Sơn Môn Huế nhường lại cho Hội An Nam Phật Học. Hội dời trụ sở từ chùa Từ Quang về đặt tại đây. Chùa Từ Đàm cũng là văn phòng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Thừa Thiên-Huế cho đến ngày nay. Đồng thơi, cư sĩ Lê Đình Thám vận động thành lập Tỉnh hội Phật học toàn xứ Nam kỳ, cư sĩ được suy cử làm Chánh Hội trưởng toàn kỳ để chỉ huy và lãnh đạo mọi mặt. Cư sĩ là linh hồn của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ. Đây là tấm gương sáng muôn đời không sao quên được. Công đức của cư sĩ phải được tín đồ Phật giáo luôn ghi nhớ. Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là hiện thân của Bồ Tát tại gia.

Chùa Quán Sứ

Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập vào năm 1934 với danh hiệu “Bắc Kỳ Phật Giáo Hội”, chủ xướng là cụ Nguyễn Năng Quốc (Cụ là người Nha Trang sanh năm 1870) Ban sáng lập gồm 32 vị cư sĩ. Tổ Vĩnh Nghiêm được thỉnh làm Tòng lâm Pháp chủ. Hội quán đặt tại chùa Quán Sứ. Xuất bản tuần báo “Đuốc Tuệ” số đầu tiên ra ngày 10-12-1935. Ngoài ra còn có tạp chí “Tiếng Chuông Sớm” của Cổ Sơn Môn xuất bản tại Hà Nội do Tăng cang Đỗ Văn Hỷ chùa Bà Đá làm chủ nhiệm.

Tóm lại, Tăng tín đồ Phật tử Việt Nam nên noi gương Ngài Khánh Hòa. Ngài đã chủ xướng lập Hội Phật Giáo Nam Việt để đánh thức giấc ngủ ngàn năm của Phật giáo đồ nước ta.

Người Phật tử Việt Nam cũng cần noi gương Cư sĩ Lê Đình Thám. Tuy là cư sĩ, nhưng Lê Đình Thám đã đảm đang việc đào tạo Tăng tài và truyền trì Phật pháp cho giới trí thức trẻ. Noi chung, trong công cuộc chân hưng Phật giáo tại Trung Kỳ, ngoài Cụ Thám ra thì hàng cư sĩ ít ai làm nên công hạnh vĩ đại như thế.

Như vậy, giai đoạn từ năm 1920 đến 1940, ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa do ngài Thái Hư Đại sư khởi xướng, Phật giáo Việt Nam cũng đã thành công trong công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo nước nhà. Đây cũng là tiền đề cho công cuộc thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1951.

Tóm lại, cuộc vận động chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ có những mục đích sau đây:

-Thứ nhất là noi gương Thái Hư Đại sư nhằm củng cố Sơn môn bấy lâu nay bị tha hóa, với ba phương châm: Cách mệnh giáo lý, Cách mệnh giáo chế, Cánh mệnh giáo sản.

-Thứ hai là để khôi phục nền giáo lý Phật Đà đã bị thất truyền, dùng chữ quốc ngữ để viết sách, dịch kinh, viết báo phổ biến tư tưởng Phật giáo.

-Thứ ba là lập các trường đào tạo tăng ni có căn bản Phật học để tu hành đúng hướng và đủ sức truyền bá Phật pháp, chống lại với những khuynh hướng bài báng Phật giáo của một số tôn giáo khác.

-Thứ tư là đem tinh thần mới của thời đại vào đạo Phật.

-Thứ năm là tập hợp Phật giáo từng vùng miền nhằm tạo tiền đề cho công cuộc thống nhất Phật Giáo Việt Nam sau này.

(Kỳ sau: Giai đoạn hình thành GĐPT Việt Nam)


(*) Vân Thanh: Lược sử Phật Giáo Việt Nam, 1974, trang 223

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.