Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 34)

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 34)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GĐPT VIỆT NAM

1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
2.MỤC ĐÍCH, CHÂM NGÔN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
  2.1. Mục đích:

2.2-Châm ngôn

Châm ngôn “Bi – Trí – Dũng” bắt nguồn từ ba tiếng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi trong phẩm Tựa Kinh Lăng Nghiêm – Thập chú. Châm ngôn là một câu nói ngắn gọn nêu lên những điều làm chuẩn mực, gương mẫu về đạo đức, phẩm hạnh, lối sông, tinh thần cao thượng nhằm chuyển hóa, khích lệ con người làm theo và truyền cho nhau học tập để thực hiện con người đức hạnh, có giá trị.

GĐPT là một tổ chức giáo dục thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam, có nhiệm vụ đào tạo thanh, thiếu, đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chánh trên nền tảng giáo lý đạo Phật. Giáo lý đạo Phật thì vô lượng vô biên, nhưng nói chung có thể bao quát vào ba điều căn bản nhất là ba đức tính, yếu tố hay ba tinh thần cốt lõi, đó là Từ bi, Trí tuệ và Dũng lực, gọi tắt là Bi – Trí – Dũng.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 34 A
(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đạo Phật nêu cao tình yêu thương rộng lớn nên lấy Từ bi làm động lực cho mọi hành động vì đời, vì mọi người, vì chúng sanh. Mục đích tối hậu của đạo Phật là giác ngộ chân lý và giải thoát khổ đau nên lấy Trí tuệ làm gốc, vì Trí tuệ là ánh sáng xua tan bóng tối của vô minh,phiền não. Trên đường giác ngộ và hành thiện lợi tha, người tu hành sẽ gặp muôn vàn chướng ngại, đạo Phật tất yếu phải có tinh thần Dũng lực làm sức mạnh để chiến thắng mọi trở lực của nội ma, ngoại chướng nhằm đạt tới mục đích giác ngộ. Có thể nói gọn, Bi – Trí – Dũng là ba đức tính biểu trưng cho tinh thần đạo Phật.

Một Phật tử chân chánh là người đã thọ trì Tam quy, Ngũ giới và thực hành Năm Hạnh: Tinh tấn, Hỷ xã, Thanh tịnh, Trí huệ và Từ bi, tất nhiên đã bao hàm ba đức tính Bi, Trí, Dũng.

Một Phật tử sống và hành động theo ba đức tính Bi – Trí – Dũng, tất nhiên sẽ có lợi cho chính mình, lại giúp ích cho người và như thế là con người hạnh phúc và có giá trị. Vì vậy GĐPT chọn Bi, Trí, Dũng làm châm ngôn, tiêu biểu cho mọi hoạt động tổ chức tu học và làm kim chỉ nam cho huynh trưởng, đoàn sinh trong mọi sinh hoạt GĐPT cũng như trong đời sống.

Ba đức tính này có mối tương quan mật thiết, bổ sung và hỗ tương lẫn nhau, không thể thiếu, được như vậy mới có thể tạo thành sức mạnh toàn diện và làm cho cuộc sống con người đầy đủ ý nghĩa.

Châm ngôn Bi – Trí – Dũng không chỉ là tiêu chuẩn căn bản mà còn là ba đức tính cần thiết cho người Phật tử.

Về phương diện khách quan, không có Từ bi thì không có tình người, tình nhân loại, tình quê hương dân tộc. Không có Trí tuệ thì mọi hành động trở nên mù quáng, sai đường, phản chân lý. Không có Dũng lực thì không có sức mạnh tinh thần để đưa đạo vào đời.

Về phương diện chủ quan, không có Từ bi thì dễ sa vào đường ác. Không có Trí tuệ thì mê mờ không thể giác ngộ. Không có Dũng lực thì dễ trở nên hèn nhát, thiếu nghị lực.

Về phương diện thực tế, người nào sống trong đời không có chất liệu yêu thương (Từ bi) thì cay đắng, độc ác sẽ xâm chiếm tâm hồn, người ấy đã tự đẩy cuộc đời mình đi vào địa ngục băng giá. Người nào sống trong đời mà không có lý trí (Trí tuệ), người đó sẽ đi sai đường lạc lối, không nhận rõ được đâu chánh đâu tà, tự trói cuộc đời mình vào khổ lụy chung thân. Người nào sống trong cuộc đời mà không dũng cảm, nghị lực (Dũng lực), người đó sẽ khó đạt đến kết quả, khó thành công trên đường đời. Ba yếu tố tình thương, hiểu biết và dũng cảm nghị lực luôn gắn bó với nhau không thể tách rời, nó như kiềng ba chân, nếu thiếu một trong ba chi phần trên thì không thể đứng vững. Cũng vậy, trong ba yếu tố này nếu thiếu một thì không thể hoàn thiện nhân cách, nhất là đối với người huynh trưởng.

3.SỰ LỚN MẠNH CỦA TỔ CHỨC:

Nhờ sự hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và châm ngôn, cho nên người Huynh trưởng GĐPT mới ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, giáo hội và đoàn sinh. Tất cả cùng tu cùng học mới đưa đến sự lớn mạnh của tổ chức. Nếu căn cứ vào số lượng đông đảo mà cho là sự lớn mạnh của tổ chức thì chưa đúng, mà cần phải có thực chất mới đúng ý nghĩa của sự lớn mạnh. Muốn có đủ lượng và chất thì mỗi Phật tử chúng ta phải đồng học, đồng tu, đồng xây dựng Giáo hội trong tinh thần “Lục hòa cộng trụ” . Điều này nói lên được sự tương quan giữa “Tứ chúng đồng tu” và sự thịnh suy của Đạo pháp.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 34 B

Sự tương quan giữa “Tứ chúng đồng tu” ở đây là nói về 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia (Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di). Về hình thức thì có phân định theo thứ lớp cao thấp khác nhau, song sự tu tập 4 chúng không ngoài quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm làm căn bản.

Trong 4 chúng thì hai chúng tại gia là lực lượng hộ pháp đắc lực cho chúng xuất gia, cũng như góp phần cho sự phát triển của Giáo hội. Hộ pháp không chỉ có cúng dường tứ sự mà còn phải cùng hàng ngũ xuất gia chung lo Phật sự. Hộ pháp là tự thân phải học giáo lý, tu tập để chuyển hóa thân tâm trở nên trong sáng, để cùng với chư Tăng hộ trì và tuyên dương Chánh pháp. Hiểu rõ được như vậy thì sự tu học và hộ trì của Phật tử mới đúng ý nghĩa.

“Phật giáo Việt Nam muốn phát triển, thì các tổ chức Giáo hội cần phải có 4 chúng như cái ghế có 4 chân. Đối với 2 chúng tại gia, cần dành một chức năng và một chỗ đứng cho Cư sĩ trong cả ba vai trò: Hoạch định chính sách, Quản lý tổ chức và Điều hành nhiều Phật sự, mới tạo thêm được những thuận lợi cho việc hoằng dương Phật pháp. Ngược lại, cái ghế chỉ còn một hoặc hai chân, đứng còn chưa vững, nói gì đến phát triển?” (*)

Do vậy, sự hưng thịnh và đứng vững của Đạo pháp, ngoài yếu tố chân lý, cần phải có tinh thần của tứ chúng. Chính nhờ điều đó mà Phật giáo Việt Nam, ngoài chư Tăng Ni tuyên dương chánh pháp, còn có một lực lượng đông đảo cư sĩ tại gia bảo đảm chức năng hộ pháp đắc lực cho Giáo hội. Trong đó GĐPT, một thế hệ trẻ nối tiếp sự nghiệp hộ pháp và đóng vai trò “Tre già măng mọc” cần thiết cho sự phát triển  và hoằng dương Chánh pháp.

Theo thống kê của Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương GHPGVN, cuối năm 2004 toàn quốc có 21 tỉnh thành phía Nam có GĐPT sinh hoạt trong pháp lý của GHPGVN, gồm 825 đơn vị Gia đình với 70.000 huynh trưởng và đoàn sinh. (**)

(Còn tiếp…)


Chú thích:

(*) Tiến sĩ Hồng Quang “Mười vấn đề cấp thiết của PGVN” Kỷ Yếu Đại hội PG toàn quốc lần V- NXB Tổng hợp TP.HCM 2003 –trang 241

(**)Theo thống kê năm 2019 của BHD.GĐPT Trung ương: Toàn quốc có 35 tỉnh thành (miền Bắc có 4 tỉnh,thành) có GĐPT sinh hoạt với 1.061 đơn vị Gia đình, 9.270 huynh trưởng và 60.222 đoàn sinh.

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.