Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 36)

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 36)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GĐPT VIỆT NAM

1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
2.MỤC ĐÍCH, CHÂM NGÔN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
  2.1. Mục đích:
2.2. Châm Ngôn:
3.SỰ LỚN MẠNH CỦA TỔ CHỨC:
4.VỊ TRÍ VÀ SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

(…Tiếp theo kỳ trước)

C.KẾT LUẬN

1. Xác Định Lại Vấn Đề :

Quá trình hình thành và phát triển của Gia Đình Phật Tử, người viết đã trình bày, không phải vì có cảm tình qua một thời kỳ vàng son với những thành tựu sáng chói, mà người viết chỉ muốn ghi lại một quá trình hoạt động lợi đạo, ích đời, khẳng định tinh thần hộ pháp của GĐPT, để có sự đánh giá và quan tâm đúng mức của những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, nhằm xây dựng GĐPT ngày một lớn mạnh hơn. Mặt khác, sự trình bày trên giúp cho những người muốn tìm hiểu về GĐPT có được những dữ kiện khách quan, đánh giá được thực chất về đoàn thể này, cũng như những người đi sau biết được nguồn gốc, quá trình hoạt động của nó, từ đó rút ra kinh nghiệm cho tổ chức và bản thân.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 36 1

Đây là một tổ chức giáo dục đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Trong hội nghị chuyên đề về Cư sĩ ngày 16/4/2004 tại chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh, Hòa Thượng Thích Hiển Pháp thay mặt Trung ương Giáo hội, ban đạo từ với lòng tin tưởng vào Phật tử các giới:

“Gia đình Phật Tử được thành lập nhằm mục đích hướng dẫn Phật tử hoàn thiện đạo đức cá nhân để xây dựng một gia đình hạnh phúc theo truyền thống dân tộc và truyền thống Phật giáo, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ thuần phong mỹ tục, văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Tôi tin tưởng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một thế hệ Phật tử vừa kính tin Tam Bảo vừa hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của một công dân trong việc hộ đạo giúp đời”.

Sở dĩ có được những thành quả như vậy là nhờ GĐPT vốn có truyền thống tốt đẹp từ ngày khai sáng cho đến hôm nay. Sinh hoạt GĐPT đều thống nhất theo một thể thức như sau:

1) “GĐPT không phải là một đoàn thể chánh trị – xã hội của Phật giáo. Thực chất và tổng thể GĐPT là một phương thức giáo dục và tu học Phật pháp. Trước năm 1975, có lúc GĐPT tham gia các hoạt động chống Mỹ, Diệm, Thiệu v.v… những điều ấy không phải là do tính chất và chức năng “chinh trị” của tổ chức quy định, thúc đẩy. Trong điều kiện xã hội lịch sử lúc đó, GĐPT cũng như hầu hết Giáo hội Phật giáo cùng các Tăng Ni, các chùa, tịnh xá v.v…là những lực lượng thuần túy Phật giáo đã buộc phải làm mít- ting, xuống đường phản kháng vì sự sống còn bức thiết của tín ngưỡng tôn giáo và của dân tộc mình; hoàn toàn không phải là hành động của một tổ chức tự thân có tính chất, động cơ và mục tiêu chính trị (*)

2) GĐPT luôn trung thành với lý tưởng, luôn thực hiện đúng đường lối chủ trương để hướng tới mục đích. Đặt nền tảng trên tinh thần giáo lý đạo Phật, GĐPT có mục đích chính đáng, lý tưởng tốt đẹp, có đường lối giáo dục chân chánh, khoa học và phù hợp với tuổi trẻ.

3) GĐPT luôn coi mình là máu thịt trong cơ thể Giáo hội, ở trong lòng Giáo hội, đồng thời nêu cao tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, tự lực tự cường để giữ mình trong sạch, không để cho các thế lực bên ngoài mua chuộc, dụ dỗ bằng vật chất mà làm nô lệ phản bội Tổ quốc

4) GĐPT xem tinh thần Lục Hòa là yếu tố quyết định sự tồn vong của tổ chức. Điều này được minh chứng qua tinh thần thống nhất của GĐPT.

Trước khi 6 tập đoàn Phật giáo thống nhất thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thì GĐPT đã thống nhất với danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam trước đó một tháng.Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 36 2

Đầu năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời tập họp 11 tập đoàn Phật giáo lại thành một thể thống nhất. Sáu tháng sau, GĐPT cũng tổ chức đại hội toàn miền Nam.

Năm 1967, Phật giáo đồ miền Nam mở cuộc vận động đòi Quốc hội và chánh quyền Quốc gia hủy bỏ sắc lệnh 23/67 của Ùy Ban Lãnh đạo Quốc gia do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu ấn ký, đấu tranh bảo vệ Hiến chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, không chấp nhận Hiến chương mới của Hòa Thượng Tâm Châu. Mặc dù điều này đã làm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tách làm hai: Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, nhưng GĐPT miền Vĩnh Nghiêm(**) vẫn sinh hoạt trong hệ thống chung của GĐPT Việt Nam và dưới sự hướng dẫn của Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Ương.

Năm 1981, nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã được trọn vẹn. Đến kỳ đại hội lần thứ IV GHPGVN năm 1997, từ đó GĐPT mới có cơ hội để thực hiện và phát huy sự nghiệp cao cả thiêng liêng của Phật Tổ, vì lý tưởng và mục đích của GĐPT là: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội”

5) GĐPT từ ngày thành lập, luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của tổ chức Phật giáo được nhà nước chấp nhận, như Hội An Nam Phật Học, Hội Phật Học Nam Việt, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nay, sinh hoạt GĐPT cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, có như thế mới mong có đủ cơ duyên thuận lợi để phát huy tổ chức GĐPT ngày càng phát triển hơn.  (Còn tiếp….)


(*) Nguyễn Chính, tập Văn Vu Lan số 51, Ban Văn Hóa Trung ương GHPGVN, NXB Tôn Giáo 2001, trang 108

(**) GĐPT miền Vĩnh Nghiêm là những GĐPT do Phật tử miền Bắc di cư (1954-1955) vào Nam thành lập tại Sài Gòn. Phật giáo miền Vĩnh Nghiêm được coi là đồng quan điểm với HT Thích Tâm Châu vào thời điểm đó.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.