Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 33)

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 33)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GĐPT VIỆT NAM

1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
2.MỤC ĐÍCH, CHÂM NGÔN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:

2.1.Mục đích:

Là một tổ chức giáo dục thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam, Gia Đình Phật Tử (GĐPT) được thành lập, tồn tại và phát triển trên 50 năm, tất nhiên phải có mục đích và lý tưởng cao đẹp của nó. Cho nên người huynh trưởng và đoàn sinh mỗi khi tự nguyện gia nhập vào GĐPT cần phải am hiểu và chấp nhận mục đích, lấy đó làm lý tưởng cuộc sống đời mình.

Từ sơ khởi đến nay, GĐPT đã trải qua nhiều thời kỳ biến đổi. Mỗi lần như thế, quy trình tổ chức, nội dung, chương trình tu học, sinh hoạt đều có sự sửa đổi. Trong đó, phần mục đích GĐPT cũng ít nhiều được tu chỉnh, sửa chữa. Thời tiền thân, GĐPT khởi đầu là Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục ra đời năm 1940, mục đích của đoàn được xác định đại lược là :

“Để người thanh niên nghiên cứu, học tập, thực hành theo giáo lý đạo Phật, tu sửa mình cho thanh cao, nêu gương tốt và phổ biến đạo đức Phật giáo ra ngoài xã hội”

Khi các đoàn viên Phật Học Đức Dục thành lập các đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ, thì cũng dựa trên căn bản tinh thần ấy, mục đích được xác lậ là: ”Đào tạo những Phật tử chân chính, xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng luân lý Phật giáo”.

Đến năm 1951, hội nghị các Gia Đình Phật Hóa Phổ cả nước thống nhất đổi danh xưng thành Gia Đình Phật Tử, đồng thời thiết lập Nội quy, vạch chương trình tu học, trong đó, ở chương I điều 2, mục đích GĐPT được xác định cụ thể hơn:

“Mục đích Gia Đình Phật Tử là huấn luyện Thanh Thiếu Đồng niên Phật tử vè ba phương diện Trí dục, Đức dục và Thể dục trên nền tảng Phật giáo để đào tạo những Phật tử chân chánh”

Năm 1957, Hội Việt Nam Phật Học (trước đó là Hội An Nam Phật Học) cải tên thành Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung phần. Đại hội GĐPT Trung phần vào đầu tháng 8/1958 đã tu chính mục đích: “Mục đích của Gia Đình Phật Tử là đào tạo những Thanh, Thiếu và Đồng niên Phật tử thành những Phật tử chân chính để phục vụ chánh pháp và thành những hội viên chính đáng của Hội”

Đại hội GĐPT toàn quốc năm 1964, mục đích lại được tu chỉnh cô đọng lại là : “Đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Mục đích này được duy trì cho đến năm 2000.

Ngày 28, 29/7/2001, hội nghị huynh trưởng cấp Dũng, cấp Tấn GĐPT toàn quốc họp tại chùa Từ Đàm-Huế, thêm một lần tu chỉnh Nội quy và đã được Hội Đồng Trị Sự GHPGVN ban hành bằng Quyết định số 045/QĐ-HĐTS ngày 29/01/2002. Trong Nội quy lần này, phần mục đích GĐPT được thêm, bớt một số từ cho khế lý khế thời, nhưng không ngoài ý nghĩa giáo dục của GĐPT : “Đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội”.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 33 2

Tìm hiểu phân tích về mục đích GĐPT, chúng ta có thể rút ra mấy tính cách chính của mục đích này như sau:

Mục đích GĐPT mang nội dung giáo dục trên nền tảng tinh thần giáo lý đạo Phật. Đạo Phật ra đời là vì mục đích mưu tìm an lạc hạnh phúc cho con người, xã hội và chúng sanh.

Muốn được an lạc hạnh phúc, điều kiện quyết định và căn bản nhất là mỗi con người phải tự chuyển hóa tâm ý cho thuần lương. Muốn có xã hội tốt đẹp bình an phải có những con người sống hiền thiện, đạo đức. Vì vậy, đối tượng giáo dục của đạo Phật là con người, nhằm giúp họ chuyển hóa tự thân và cải tạo xã hội.

GĐPT là một tổ chức thuộc Hội Phật giáo, tất nhiên mục đích của GĐPT trước hết là thể hiện mục đích giáo dục của đạo Phật nói chung, chỉ khác là đối tượng của GĐPT được giới hạn trong phạm vị Thanh Thiếu Đồng niên Phật tử. Do đó, tất cả mọi hoạt động GĐPT qua các hình thức sinh hoạt, các bộ môn tu học Phật pháp, Hoạt động thanh niên, Văn nghệ, Hoạt động xã hội đều là phương tiện mang tính giáo dục, nhắm đến thực hiện mục đích giáo dục vậy.

Mục đích của GĐPT trước sau vẫn không thay đổi. Như đã thấy từ trước đến nay, nội quy nói chung, mục đích GĐPT nói riêng đã qua nhiều lần tu chỉnh, sửa chữa, nhưng đó chỉ là về mặt hình thức, sắp xếp văn tự, còn thực chất mục đích không có gì thay đổi lớn. Nội dung cốt lõi của mục đích GĐPT trước sau vẫn nhằm đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật thấm nhuần những tinh thần giáo lý, có các đức tính, yếu tố căn bản của đạo Phật để làm điều kiện thực hành Phật pháp trong đời sống, đồng thời phụng sự Đạo pháp và góp phần xây dựng xã hội được tốt đẹp. Đó là mục đích duy nhất, minh bạch, trước sau như một của GĐPT.

Ý nghĩa lợi ích trong mục đích GĐPT có hai phần :

a-Tự lợi:

Tự lợi được thể hiện ở vế đầu “Đáo luyện Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chính” Ở đoạn văn này, việc xác định đối tượng giáo dục của GĐPT là thanh thiếu đồng niên tin Phật chính là mục đích đầu tiên của GĐPT. Giáo dục sẽ giúp người thanh thiếu đồng niên tin Phật hình thành những đức tính đạo đức căn bản đúng với danh nghĩa người Phật tử chân chính, chuyển hóa hoàn cảnh tự thân, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, gia đình tức là nhằm tự lợi.

Lợi tha được thể hiện ở vế thứ hai: “Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội”Người Phật tử chân chính không ngừng ở phần tự lợi mà quên đi phần lợi tha. Nếu chỉ biết tự lợi thì chỉ là người ích kỷ, hẹp hòi, vị ngã, chẳng ích lợi gì cho ai, không thể gọi là Phật tử chân chính.

Hai phần Tự lợi và Lợi tha phải gắn kết chặt chẽ và hỗ tương cho nhau. Muốn làm lợi ích cho tha nhân, phụng sự Đạo pháp, xây dựng xã hội, người đoàn viên GĐPT trước tiên phải rèn luyện mình về đạo đức, xây dựng gia đình cho được chu đáo, sau đó mới nói đến việc phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội. Một người tác phong bê tha, gia đình bất ổn thì làm sao có thể làm việc đạo, lo việc đời. Cho nên mục đích GĐPT được bao hàm hai phần tự lợi và lợi tha mới đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa.

Muốn mục đích trọn vẹn cả hai phần tự lợi và lợi tha, người huynh trưởng trước tiên phải thực hiện Năm điều luật GĐPT và sống theo Năm Hạnh của Gia đình. Năm hạnh này (Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi) là năm đức tính cao đẹp trong sáng, thể hiện phước trí vẹn toàn của chư Phật, Bồ tát. Người Phật tử phải học tập, noi gương, thực hành theo hạnh cao đức tốt của Phật mới xứng đáng là Phật tử. Nếu không thì người Phật tử ấy chỉ có trên danh nghĩa.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 33 1

Trong hai phần lợi ích trên, xin mở rộng thêm ý nghĩa của phần Lợi tha.

Phật tử chân chính, ngoài bổn phận đối với bản thân, gia đình còn phải làm tròn bổn phận đối với Đạo pháp và Dân tộc. Tu học và thực hành Phật pháp là thực hành đúng theo chánh pháp, không mê tín dị đoan cũng là thực hành lợi tha, cũng là hoằng dương chánh pháp. Cúng dường Tam bảo, thân cận Tam bảo, tham gia các Phật sự, hoằng dương chánh pháp do Tăng Già lãnh đạo, thực hiện các công đức hộ trì Phật, Pháp, Tăng, chống lại các hình thức xuyên tạc chánh pháp, v.v… Những công hạnh này không những được phước lợi cho bản thân mà còn làm cho Tam Bảo được xiển dương.

Phật pháp không thể xương minh nếu tất cả Phật tử đều tiêu cực với mỹ từ “tu tâm” để biện minh cho thái độ bàng quan, ích kỷ hẹp hòi của mình trước tiền đồ Đạo pháp. Cho nên, muốn xiển dương chánh pháp được tích cực và hiệu quả, người Phật tử phải tùy sức tùy tài mà nỗ lực tham gia vào các hoạt động Phật sự của các tổ chức Giáo hội. Chỉ có hoạt động Phật sự mới thể hiện đạo tâm kiên cố, lòng nhiệt thành, đức hy sinh vì Đạo của người Phật tử.

Người đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT ra sức học tập, tu dưỡng đạo hạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành các nhiệm vụ Giáo hội giao phó tức đã thể hiện tinh thần phụng sự Đạo pháp.

Trong tâm niệm xây dựng xã hội của người Phật tử, Đạo pháp và Dân tộc là hai ý niệm không thể tách rời. Quyền lợi, sự tồn vong hay thịnh suy của Đạo pháp luôn gắn liền với xã hội và đất nước. Cho nên, người Phật tử cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ, vừa góp phần phụng sự Đạo pháp vừa xây dựng xã hội.

Người Phật tử góp phần xây dựng xã hội bằng nhiều hình thức: tu dưỡng đạo đức, sống đời lương thiện chân chính theo đúng giáo lý đạo Phật; tuân thủ pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội và chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước; học tập để nâng cao kiến thức, trau dồi tài năng, nỗ lực phát huy văn hóa, phát triển kinh tế bằng lao động, kinh doanh sản xuất một cách chính đáng, hoàn thành các chức phận xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân, bảo vệ Tổ quốc, góp sức cùng cộng đồng nhân dân làm cho đất nước hòa bình giàu mạnh, đời sống văn minh tiến bộ và hạnh phúc.

Người huynh trưởng, đoàn sinh gia nhập GĐPT có thể do nhiều lý do thúc đẩy khác nhau, nhưng điều căn bản là đều tự giác, tự nguyện và nhiều ít cũng cảm nhận rằng tinh thần mục đích GĐPT là tốt đẹp, phù hợp và lợi ích cho mình. Nhưng mỗi khi gia nhập GĐPT, chúng ta cần tìm hiểu một cách thấu đáo và đúng đắn về mục đích GĐPT để có thể xác định, lựa chọn, chấp nhận mục đích GĐPT của mình là sáng suốt và chính đáng. Trên cơ sở ấy, chúng ta sẽ tiếp bước trên con đường GĐPT để sống và phụng sự.

Hiểu rõ và chấp nhận mục đích GĐPT, chúng ta sẽ đặt trọn niềm tin rằng: GĐPT là con đường xán lạn, giúp chúng ta hướng cuộc đời mình và gia đình mình đến hạnh phúc.

Tin rằng: GĐPT là sức mạnh tinh thần, hướng thượng tâm hồn và thăng hoa cuộc sống, vì mục đích GĐPT là giáo dục không vụ lợi và vô ngã vị tha.

Tin rằng: với lập trường và tôn chỉ giáo dục trên tinh thần Bi – Trí – Dũng của đạo Phật, với mục đích vì Đạo cho Đời, GĐPT sẽ cùng trường tồn với Đạo pháp.

Có lòng tin như vậy, chúng ta sẽ tự hào khi được làm người huynh trưởng, đoàn sinh suốt đời theo đuổi thực hiện mục đích không ngừng rèn luyện và dốc lòng hi sinh, phụng sự.

(Còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.