Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 35)

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 35)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GĐPT VIỆT NAM

1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
2.MỤC ĐÍCH, CHÂM NGÔN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
  2.1. Mục đích:
  2.2. Châm Ngôn:
3.SỰ LỚN MẠNH CỦA TỔ CHỨC:

(…Tiếp theo kỳ trước)

4.VỊ TRÍ VÀ SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

a- Vị trí :

Ban Đồng Ấu, Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, bốn Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên đều do các vị lãnh đạo Hội An Nam Phật Học sáng lập và hướng dẫn. Từ năm 1948 đến nay, Gia Đình Phật Tử là một ngành hoạt động trong tổ chức của Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ:

  • Thời kỳ Hội Việt Nam Phật Học (theo Nghị định số 15) , trong khoản 10, các tiểu ban của khuôn hội, Gia Đình Phật Tử là một trong 5 ngành hoạt động của khuôn phù hợp với Tỉnh hội, gồm có: Nghi lễ, Văn hóa, Gia đình Phật hóa phổ, Từ thiện và Tương tế
  • Thời kỳ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam: (Quyết định số 722/HC-TTS), Gia Đình Phật Tử là một trong tám ngành: Trị sự, Khuôn hội, Hội viên, Phật học viện, Trường Bồ Đề, Gia Đình Phật tử, Tương tế và Từ thiện.
  • Thời kỳ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong Viện Hóa Đạo có 7 Tổng Vụ: Tăng sự, Hoằng pháp, Văn hóa Giáo dục, Xã hội, Cư sĩ, Thanh niên và Tài chánh. Tổng vụ Thanh niên lại chia thành 6 vụ: Gia Đình Phật Tử, Sinh viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử Thiện Chí và Hướng Đạo Phật Tử. Chiếu theo điều thứ 16 chương 2 của Hiến Chương lập ngày 14/12/1965, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có một tổ chức giáo dục thanh niên lấy danh hiệu là Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tổ chức này nằm trong Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa Đạo.
  • Sau ngày đất nước thống nhất, đến năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, qua 4 kỳ đại hội (1981, 1987, 1992, 1997) thì kỳ đại hội lần thứ IV, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mới được Giáo Hội chính thức công nhận. Căn cứ chương V, điều 19, Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tu chính ngày 22, 23/11/1997, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có trách nhiệm quản lý các đơn vị giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử lấy danh hiệu là Gia Đình Phật Tử do Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) Trung ương đảm trách. Theo Hiến chương GHPGVN hiện nay, trong Hội Đồng Trị Sự có 9 ban: Tăng sự, Giáo dục tăng ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế tài chánh, Từ thiện xã hội và Phật giáo Quốc tế. Trong Ban HDPT có 2 phân ban: Phân ban Cư sĩ Phật tử và Phân ban Gia Đình Phật Tử.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 35 2

b- Sứ mạng

Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử là làm sao để giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên trở thành Phật tử chân chánh, trở thành công dân tốt, kế thừa đội ngũ cán bộ Phật tử  có đạo đức và thâm tín Phật pháp để duy trì mạng mạch Phật giáo về lâu về dài.

Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đồng thường niên ngày 10/8/1938, bác sĩ hôi trưởng Tâm Minh Lê Đình Thám đã dõng dạc tuyên bố; “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu Nhi. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai”.

Chính vì sứ mạng thiêng liêng đó mà Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục ra đời và là tiền thân của Gia Đình Phật Hóa Phổ và Gia Đình Phật Tử sau này.

Để khẳng định vị trí và vai trò của tổ chức Gia Đình Phật Tử, trong đó trách nhiệm và sứ mạng của người huynh trưởng là tiên phong, trong lễ trao cấp hiệu đầu tiên cho huynh trưởng GĐPT tại chùa Từ Đàm, ngày 23/7/1956, Hòa thượng Thích Trí Quang, Chánh hội trưởng Tổng trị sự hội Việt Nam Phật Học đã huấn từ như sau:

“Hội chúng ta vốn là một tổ chức có thầy có trò, có chú có bác, có anh có em, một tổ chức có tính chất đại gia đình được điều khiển bởi chính Đức Phật và những lời giáo huấn thanh tịnh của Ngài. Sống trong tổ chức đó, anh chị em có một sứ mạng rõ rệt, ấy là thay hội dìu dắt đàn em của mình bước từng bước vững vàng theo dấu chân của đức Từ Phụ.

Sứ mạng chính yếu đòi hỏi ở anh chị em một tinh thần phục vụ với tất cả ý nghĩa chứa đựng trong từ ngữ đó.

Nhưng Hội lại biết rằng, có một số anh chị em nông nổi, dùng danh từ phục vụ để làm việc với tác phong “muốn làm thì làm, làm gì tùy ý” , không chịu sự phân công đúng lúc và đúng chỗ. Tác phong đó không còn là sự phục vụ nữa mà chính là sự làm rối loạn tổ chức, cho nên hễ tinh thần phục vụ ở đâu là tinh thần kỷ luật phải kèm theo ở đó, một tinh thần đòi hỏi rất nhiều ở anh chị em (…)

Căn bản của tinh thần “phục vụ trong kỷ luật” là tâm lý không cầu an, ỷ lại. Phải ý thức việc Hội, trong đó có việc GĐPT, tự nó đã có định nghĩa hy sinh. Anh chị em hãy can đảm, tiếp nhận mọi sự khó khăn. Hãy loại bỏ tâm lý thích dễ dãi, thích nâng đỡ. Hãy điều luyện sự kiên nhẫn và chịu đựng để khắc phục và tiến bộ.

Đó là những căn bản mà Tổng Trị sự gửi cho anh chị em. Cấp hiệu mà anh chị em thọ nhận hôm nay sẽ luôn nhắc nhở anh chị em những điều căn bản đó. Nó sẽ nâng đỡ anh chị em lúc chán nãn, sẽ chỉnh anh chị em lúc lệch lạc. Nó là sứ mạng của Hội, hơn nữa là của đức Phật trao cho các anh chị em”

Vị trí và sứ mạng của GĐPT đã được khẳng định, là một tổ chức cư sĩ Phật tử trong lòng Giáo hội, Giáo hội không chỉ có Tăng già mà là tứ chúng đồng tu, nên trách nhiệm của người Phật tử nói chung, người Huynh trưởng nói riêng, cũng như quý vị Tăng già của Giáo hội phải có trách nhiệm chung đối với phận sự, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi cương vị đối với Phật giáo.

Tien Trinh Hinh Thanh Va Phat Trien Gia Dinh Phat Tu Viet Nam Bai 35 1

Trong lễ trao cấp hiệu huynh trưởng GĐPT tại chùa Từ Đàm ngày 27/3/1997, Hòa thượng Thích Thiện Siêu dạy như sau:

“Các anh chị em Phật tử, trước khi làm huynh trưởng có cấp bậc thì anh chị em đã là đoàn sinh GĐPT, trước khi là đoàn sinh GĐPT các anh chị đã là người quy y Tam Bảo. Như vậy, quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới là căn bản, là cội gốc từ đó mà nẩy nở ra đoàn sinh, nẩy nở ra huynh trưởng, rồi huynh trưởng có cấp bậc. Và cũng như vậy, anh em đủ thấy trong sinh hoạt đoàn thể của mình, cái gì là gốc, cái gì là ngọn, cái gì là chính, cái gì là phụ. Nếu giả sử một mai đây, anh em không làm huynh trưởng có cấp bậc thì anh em cũng đừng bỏ mất cái đoàn sinh GĐPT của mình. Nếu vì một lẽ gì đó, anh em không làm đoàn sinh GĐPT được thì cũng đừng bỏ mất mình là một Phật tử đã quy y Tam Bảo.

Ngày hôm nay, các anh em theo như tôi biết đã bao nhiêu năm tháng vào với GĐPT, sinh hoạt với GĐPT, đã dày công học tập, anh em cũng đã nhận thức được rằng mình có bổn phận phải dìu dắt lớp đàn em đi sau, cho nên mới khẳng khái phát nguyện nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn cho các đàn em GĐPT. Đây là một lời nguyện quý báu, một lời phát nguyện cao cả, phát nguyện để chịu lấy thêm sự nhọc nhằn, sự lo lắng. Mà nhận lãnh sự nhọc nhằn lo lắng đó là để phụng sự lý tưởng tôn thờ Tam Bảo của mình, để làm cho Đạo pháp của mình ngày càng được phát huy, ngày càng được nhiều lợi lạc cho hữu tình theo như đức Phật mong mỏi.

Trong khi sinh hoạt, anh em cũng nên thận trọng trong tâm ý, trong ngôn ngữ, trong hành động, trong cử chỉ của mình. Làm thế nào để luôn luôn là một huynh trưởng Phật tử, một người có cấp bậc gương mẫu cho đàn em noi theo. Lòng tin không lay chuyển, sự hiểu biết không lay chuyển, đức hạnh không lay chuyển, có như vậy, tức nhiên anh em sẽ đóng góp được một phần lớn lao quý báu vào sự nghiệp xây dựng phát huy Đạo pháp”.

Chính vì sứ mạng thiêng liêng của người Phật tử, nên vấn đề Lục Hòa trong GĐPT luôn được áp dụng triệt để. Chỉ có Lục Hòa mới đem đến tình thương và sự đoàn kết gắn bó giữa con người với con người, mới làm cho con người sớm trở nên thánh thiện. Chỉ có Lục Hòa mới đem đến tổ chức GĐPT ngày thêm phát triển về lượng và chất. Mới đây trong lễ trao cấp hiệu cho huynh trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã dạy rằng:

“Không ai thương mình bằng chính mình thương mình. Cũng vậy, không ai thương GĐPT bằng chính các anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT thương lấy GĐPT của mình, người khác có thương GĐPT cũng chỉ vì lợi mà thương, còn các anh chị em thương GĐPT thì không vụ lợi, bởi vì mục đích của GĐPT là phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.

Do đó, các anh chị em là người có học, có trí thức, có bầu nhiệt huyết phải biết nhìn lại nhau, cảm thông những lỗi lầm cho nhau, ôm lấy nhau đoàn kết một lòng để cùng nhau xây dựng ngôi nhà Chánh pháp:

(Còn tiếp…)

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.