TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 30)
CHƯƠNG III
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC
I-Ý NGHĨA GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO
1)Tư tưởng giáo dục Phật giáo
2)Lý tưởng giáo dục Phật giáo
3)Phương pháp giáo dục Phật giáo
4)Mục đích giáo dục Phật giáo
II-MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Ta xét lợi ích của giáo dục trong GĐPT dựa theo 3 nội dung đã đề cập trên, đó là Phật pháp, văn nghệ và hoạt động thanh niên:
Giáo dục trong GĐPT đã góp phần đưa Đạo vào đời, hướng dẫn con em sống theo tinh thần đạo Phật, nhất là Phật tử trẻ. Đây là giềng mối “tre già măng mọc” để sau này các em tiếp bước các bậc tiền nhân, tu tập và góp phần xiển dương Chánh pháp. GĐPT là nơi để các em am hiểu Phật pháp từ đó chánh tín xuất gia, điều này đã chứng minh qua hình ảnh những vị Tăng, Ni xuất thân từ GĐPT, đa số là những vị tu hành hoạt động đắc lực và giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo hội. Những vị tại gia đã trở thành những bác Khuôn trưởng, Gia trưởng có đủ năng lực để hành đạo tại địa phương cũng như tham gia các lãnh vực ngoài xã hội.
GĐPT đóng góp cho Giáo hội rất nhiều trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn nghệ. Hầu hết các bài hát GĐPT đã ăn sâu vào lòng người con Phật. Dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi, dù đi đâu chăng nữa, mỗi khi có ai đó hay một tập thể hát lên ca khúc “Sen trắng” hay “Trầm hương đốt” v.v… và cả ca khúc “Phật Giáo Việt Nam” được xem là đạo ca của PGVN, thì chúng ta nghĩ ngay rằng đây là GĐPT. Cho nên, nhạc sĩ Hằng Vang, cũng là một huynh trưởng, đã nói rằng:
“Âm nhạc Phật giáo có tác dụng hữu hiệu trong việc góp phần chuyển tải tư tưởng giáo lý Phật giáo và có thể nói là phương tiện tối ưu, nên mỗi người con Phật chúng ta cần chung tay vun xới cho vườn hoa âm nhạc Phật giáo tốt hơn”.
Bằng lời ca tiếng nhạc, những ca khúc Phật giáo tạo cho Thanh, Thiếu niên một cuộc sống tâm linh tao nhã, đồng thời diễn tả được nội tâm của mình qua ca từ, âm khúc.
“Đời là cõi tạm, kiếp người như một giấc mộng huyễn, nhưng cũng xin quý vị hãy bước theo ánh Đạo vàng để yêu đời, yêu người, yêu quê hương, nhân loại. Dù đời gặp nhiều ngang trái khổ đau, nhưng đạo đức và tình thương yêu lẫn nhau vẫn là con đường giải thoát cao đẹp nhất” (Trích lời giới thiệu của cassette Ánh Đạo Vàng)
Các Huynh trưởng nhạc sĩ đã tích cực góp phần cho nền âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, mọi lễ hội của Giáo hội hay tại các Tổ đình, tự viện có tổ chức văn nghệ, thì hầu hết GĐPT luôn tham gia tích cực, góp phần tạo nên sinh khí lễ hội có phần long trọng và hoành tráng hơn, đã làm nhiều người trẻ có thiện cảm hơn khi họ đến với Đạo.
Do vậy, các ca khúc Phật giáo hiện nay phần lớn do các anh chị huynh trưởng GĐPT sáng tác. Về cổ nhạc như: Nhã nhạc cung đình Huế, những bài ca ngợi Phật Pháp Tăng được nhiều huynh trưởng GĐPT sáng tác theo điệu Cổ Bản, Kim Tiền, Tứ Đại Cảnh, Hò Giã Gạo, Hò Mái Nhì, Nam Ai, Nam Bằng v.v…Trong đó, huynh trưởng Tâm Thông Trần Ngọc Cơ đã có công lớn làm phong phú cho nền âm nhạc Phật giáo mang âm hưởng của nền âm nhạc cổ truyền vào thập niên 50, 60 của thế kỷ 20.
Tân nhạc Phật giáo thì được rất nhiều huynh trưởng sáng tác những ca khúc Phật giáo đi vào lòng người bất hủ, như huynh trưởng nhạc sĩ Lê Lừng, Bửu Bác, Ưng Hội, Lê Cao Phan, Thiện thành, Thiện hiền, Hoàng Cang, Bửu Ấn, Phạm Mạnh Cương, Lê Mộng Nguyên, Đỗ Kim Bảng, Nguyên Thông, Hằng Vang…
Trong lời giới thiệu tập Nhạc Sống do BHD.GĐPT Trung ương xuất bản năm 1965, Hòa thượng Thích Minh Châu, vị sáng lập viên GĐPT và cũng là cố vấn giáo hạnh GĐPT đã viết:
“Con đường vào Đạo có hai lối, một là suy tưởng để trực nhận Chân lý, hai là thông cảm để dọn đường cho Tình cảm. Đường trên là lối vào bằng Phật pháp, đường dưới là nẻo đi bằng văn nghệ.
Mục đích của GĐPT nhằm đào luyện con người toàn diện về cả Thân, Tâm, Trí. Về Phật pháp khai phóng trí tuệ, về Hoạt động Thanh niên phát triển năng khiếu và về Văn nghệ là trau dồi tình cảm trong sáng.
Trong lĩnh vực này, nhạc là tiếng nói, là hơi thở của tuổi trẻ, tôi nhiệt thành ca ngợi công đức của anh chị em trong Ban Văn nghệ GĐPT Việt Nam đã ý thức được đường lối và hy sinh nhiều cho Nhạc Sống ra đời, đem niềm an vui cho tuổi thơ và gạt bỏ ưu phiền cho nhân thế”
Cũng trong tập Nhạc Sống này, Cư sĩ Võ Đình Cường, Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT Việt Nam đã viết trong Lời tựa:
“Việc huấn luyện văn nghệ mặc dù ở hàng thứ yếu sau Giáo lý và Hoạt động Thanh niên nhưng không ngoài bổ túc cho sự học hỏi của Đoàn sinh ngoài đời và nhất là đưa đạo Phật vào đời sống hằng ngày của họ”.
Đào tạo những con người chuẩn mực trong lao động và nghề nghiệp của mình, đây không phải là trường dạy nghề mà chỉ tạo điều kiện cho các em tiếp xúc để khi lớn lên có định hướng đúng đắn.
* * *
Chính trong 3 phần giáo dục vừa nêu trên, GĐPT đã tích cực góp phần trong giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng. Lợi ích giáo dục này đã minh chứng qua lịch sử và những gì mà GĐPT đã làm cho đât nước và Phật Giáo Việt Nam.
Thực trạng xã hội ngày nay, trước đà phát triển văn minh vật chất cùng với sự bành trướng của khoa học hiện đại, trình độ dân trí ngày càng cao, kinh tế phát triển. Thực trạng đó đã thu hút không ít thành phần con em trẻ tuổi, đam mê dục vọng chạy theo vòng xoáy của cuộc đời, tạo nên một tệ nạn đáng lo ngại đối với các bậc phụ huynh. Cho nên việc giáo dục văn hóa cổ truyền, xây dựng nếp sống theo thuần phong mỹ tục của Á Đông, giữ gin và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là việc cần phải quan tâm hơn. Có như vậy, nền văn hóa Việt Nam mới phát triển mà không mất gốc.
Do vậy, chỉ có tổ chức GĐPT mới là nơi thuận tiện nhất để giáo dục con em Phật tử, một tổ chức có thể giáo dục các em tốt về mọi mặt. Trong buổi lễ khai mạc trại Lục Hòa của GĐPT Thừa Thiên-Huế năm 1999, Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu dạy:
“…Nếu ai đó bị sa ngã trong cần sa ma túy thì Gia Đình Phật Tử không có mặt ở đó. Những nơi nào cờ bạc rượu chè bê bối thì những nơi đó GĐPT không có mặt. Những nơi nào có quán xá nhậu nhẹt say sưa, gây lộn, đả thương nhau bằng binh khí, giành giựt chém giết nhau thì những nơi đó GĐPT không có mặt. Chúng ta biết tránh xa những tội lỗi, tội ác xã hội trước, rồi chúng ta dần dần sẽ dứt bỏ những tội lỗi sâu xa chính ngay trong thành viên cộng đồng và trong tâm tư của chúng ta”.
Những bài học về Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện…và các phương pháp giáo dục của GĐPT giúp con em trở nên ngoan hiền, tạo nên sự ổn định trong đời sống gia đình, góp phần làm đẹp khu dân cư. Mọi người biết sống đẹp, biết tôn trọng, thân thiện với nhau vì quyền lợi tập thể, không ích kỷ riêng tư thì chắc chắn điều xấu không có điều kiện phát sinh.
Giáo dục trong GĐPT giúp cho huynh trưởng và đoàn sinh ý thức về nguồn cội tổ tiên ông bà, quốc gia dân tộc để có trách nhiệm với xã hội, thấy rõ bản thân là tế bào nhỏ cấu thành nên xã hội, xã hội có tốt hay không thì tự mỗi người phải thấy trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, để có được thành quả giáo dục, GĐPT không thể tự mình làm tất cả, mà cần phải có sự hỗ trợ của yếu tố bên ngoài, đó là: GĐPT luôn sinh hoạt trong vòng tay thương yêu của các cấp Giáo hội tại địa phương. GĐPT rất cần sự quan tâm chăm sóc của Giáo hội, nhất là quý Thầy trụ trì các tự viện.
(Còn tiếp…)