Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 23)

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 23)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1) Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

2) Giai đoạn hình thành (1940 – 1950)

2a. Đồng Ấu Phật Tử

2b. Đoàn Phật Học Đức Dục

2c.Gia Đình Phật Hóa Phổ

II-GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1951 – 1974)

*Năm 1951: đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ I tại Huế

*Năm 1953: đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ II tại Huế

* Năm 1955: đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ III tại Đà Lạt

*Năm 1961:đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ IV tại Sài Gòn

*Năm 1963: GĐPT tham gia cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo

*Năm 1964: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời.
                     Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ V tại Sài Gòn

*Năm 1967: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VI tại Sài Gòn

*Năm 1970: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VII tại Qui Nhơn (Bình Định)

*Năm 1973: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VIII tại Đà Nẵng

III-GIAI ĐOẠN TIỀM ẨN (1975 – 1996)

*Năm 1975 đến 1980 : GĐPT cả nước tạm ngưng sinh hoạt nhưng “ngọn lửa Lam” vẫn âm ỉ trong tim của từng đoàn viên GĐPT.

*Cuối năm 1981: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời.

*Năm 1982 đến 1987 :

Giáo hội tiến hành chỉ đạo tổ chức đại hội thành lập Ban Trị sự các Tỉnh, Thành. Tại hải ngoại, cơ sở Giáo hội được thành lập tại chùa Trúc Lâm, Paris (Pháp) do Hòa thượng Thích Thiện Châu làm Chánh đại diện.

Ngày 02/4/1984, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch, đến cuối năm, Hòa thượng Thích Trí Tinh lên thay.

Ngày 28, 29/10/1987, Trung ương GHPGVN tổ chức đại hội kỳ II tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội với 1.200 đại biểu tham dự. Cư sĩ Tống Hồ Cầm, Ủy viên Kiểm soát và Phó Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử Trung ương đọc bài tham luận trước đại hội, trong đó có đoạn như sau:

“Nói đến vị tri và vai trò của Cư sĩ Phật tử như chúng ta biết, đã được Hiến chương GHPGVN định hình trong ngôi nhà PGVN hôm nay, cũng chỉ để xác lập một thành phần vốn có truyền thống “tứ chúng đồng tu” của đạo Phật, và cũng để xác lập sự đoàn kết tăng cường cơ cấu của Giáo hội đối với một thực thể nhân sự đông đảo nhất mà suốt dòng lịch sử PGVN không ngừng gắn bó với Đạo pháp và Dân tộc.”

*Năm 1992 :

Ngày 03, 04/11/1992, đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội, Hiến chương của 2 kỳ đại hội trước đều không đề cập đến GĐPT, nên trong thời gian ấy, GĐPT Việt Nam không được Giáo hội thừa nhận. Đến đại hội kỳ III, Giáo hội mới nhắc đến trong Hiến chương, ở chương sửa đổi có sự bổ sung là:

“Về vấn đề GĐPT, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN có một số nhận định về vấn đề này:

Nguyện vọng giáo dục giáo lý đạo Phật và đạo đức Phật giáo cho nam nữ Phật tử, trong đó kể cà thanh thiếu niên Phật tử là nguyện vọng chính đáng. Cần phải tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng đó.

Vì thế, Ban Thường trực HĐTS-GHPGVN xác định rõ ràng các cấp lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương, Tình Thành hội đến các cơ sở, tự viện đối với Phật sự quan trọng này.”

GĐPT lúc bấy giờ tuy không được chính thức vào Hiến chương nhưng cũng được sinh hoạt theo Ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử (HDNNCSPT). Tinh thần yêu nước giữ đạo của GĐPT vẫn không thay đổi. Do hòa mình vào chủ trương của đất nước và Giáo hội nên sinh hoạt của GĐPT ngoài vấn đề tu học, còn chú trọng các công tác xã hội. Họ luôn có mặt cùng Ban Trị sự và các cơ sở tự, viện tham gia công tác từ thiện xã hội. Cứ mỗi ngày chủ nhật, Phật tử đến chùa nghe pháp, tu tập hoặc làm công quả nếu chùa có việc. Họ luôn có mặt nhịp nhàng và đều đặn trong những buổi hộ niệm tang lễ, hoặc làm công tác Phật sự đắc lực trong những ngày đại lễ Phật giáo.

Có nhiều nơi sinh hoạt như thường lệ, nhưng theo tính cách nội bộ của những đơn vị cá nhân, sinh hoạt ấy chỉ trong giới hạn của một tỉnh, thành như: mở trại huấn luyện huynh trưởng và trại họp bạn ở các Gia đình trong khu vực dưới sự chứng minh của Ban Trị sự và các vị trong tiều ban HDNNCSPT có GĐPT sinh hoạt.

Dù hình thức nào đi nữa, tất cả không ra ngoài nguyên lý tùy duyên bất biến, khế lý, khế cơ và khế thời của Phật giáo. Cho nên, mọi sinh hoạt của GĐPT cũng không đi ra ngoài mục đích là “tu tập trở thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội”

*Năm 1993:

Ngày 23/12/1993 (11/11 Quý Dậu), Đức Pháp Chủ GHPGVN, Đạo Lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận viên tịch, trụ thế 97 năm.

*Năm 1994:

Ngày 20 đến 26/6/1994, Ban HDNNCSPT Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức trại huấn luyện A Dục – Lộc Uyển tại chùa Tam Bảo-Hà Tiên, có 80 trại sinh tham dự.

Ngày 30, 31/7/1994, Ban HDNNCSPT Thành hội PG TP.Hồ Chí Minh tổ chức trại hè Lục Hòa 2 tại chùa Hoằng Pháp-Hóc Môn, có 350 đoàn sinh tham dự.

Ngày 27/11/1994, Ban Trị sự PG tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) đã mời Ban HDNNCSPT Trung ương về triển khai phương án hoạt động cho gần 100 huynh trưởng đang sinh hoạt tại các địa bàn huyện trong tỉnh.

Vào ngày 03. 04 và 08/12/1994 và 01/01/1995, Ban HDNNCSPT Thành hội PG Tp.Hồ Chí Minh tổ chức trại huấn luyện huynh trưởng A Dục, Lộc Uyển tại chùa Giác Lâm quận Tân Bình với 93 trại sinh tham dự.

Tổng kết công tác trong 11 năm (1981-1992), theo bản báo cáo tổng kết của HĐTS tại đại hội kỳ III, thì những hoạt động của Ban HDNNCSPT có những bước tiến như sau:

“Trong thời gian qua, do yêu cầu khách quan của xã hội, của thời đại, việc hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử thực hiện nếp sống đúng chánh pháp, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã trở thành vấn đề bức thiết. Giáo hội xét thấy cần quan tâm thực hiện tốt yêu cầu này, để góp phần vào việc duy trì bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc (…) Thành quả đạt được trong công tác HDNNCSPT tu học, thời gian qua còn khiêm tốn. Nhìn chung, các hoạt động này chưa thật sự cân đối, còn yếu kém so với thực tế yêu cầu đòi hỏi. Trước yêu cầu to lớn của Phật tử trong cả nước mong muốn thông qua những hoạt động mang tính giáo dục của Phật giáo để xây dựng nếp sống đạo đức trong sáng cho con em mình, vẫn còn nhiều cơ sở tự viện còn lúng túng trong việc hướng dẫn này (…) Trước tồn tại trên, chúng ta phải thẳng thắn nhận xét rằng, Giáo hội chưa thực sự phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, chưa đề ra phương thức và nội dung hướng dẫn cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời tại một số địa phương. Về phía Ban HDNNCSPT, tuy đã sơ thảo tập tài liệu hướng dẫn Phật tử tu học từ thấp đến cao, phù hợp với mọi lứa tuổi và trình độ, nhưng Ban chưa có điều kiện cùng với Văn phòng Trung ương Giáo hội kịp thời xin ý kiến của Ban Thường trực để thực hiện từng bước (…) Do đó, trong đại hội kỳ III chúng ta phải đề ra những hướng dẫn cụ thể linh hoạt…”

Tham luận của Ban HDNNCSPT tại đại hội thì xin thỉnh ý như sau:

:Đã có biên soạn 3 tập tài liệu về nội điển và ngoại khóa cho nhiều trình độ tuổi tác, tất nhiên là có phần dành cho lớp trẻ, cùng với dự thảo mô hình những hoạt động tháo vát đa dạng vui khỏe, rút kinh nghiệm phần sinh hoạt bổ ích của GĐPT trước đây. Chỉ còn chờ Ban Thường trực HĐTS thông qua hay bổ sung ý kiến, rồi xin phép in ấn, phổ biến sử dụng”

Đây là khởi đầu cho Phân ban Hướng dẫn GĐPT sẽ ra đời ở đại hội kỳ IV.

(Còn tiếp)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.