Đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ hai được triệu tập với đầy đủ các đại diện của 3 miền Nam, Trung, Bắc, gồm 63 đại biểu, họp tại chùa Từ Đàm-Huế trong ba ngày 01, 02 và 03 tháng 01 năm 1953.
Thành phần tham dự:
-GĐPT Bắc Việt có 7 đại biểu, gồm 3 Gia đình : Liên Hoa (Hà Nội), Liên Hoa (Hải Phòng) và Minh Tâm (chùa Quán Sứ-Hà Nội).
-GĐPT Trung Việt có 55 đại biểu
-GĐPT Nam Việt chỉ có anh Nguyễn Văn Thục về tham dự vơi tư cách đại biểu chính thức GĐPT Nam Việt. Mặc dù lúc bấy giờ Nam Việt chưa có Ban Hướng dẫn GĐPT, anh Nguyễn Văn Thục đã đi với sự đồng ý của hai hội: Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt do sự tiến cử của anh Tống Hồ Cầm.
Tại miền Nam, năm 1953, anh Tống Hồ Cầm cùng gia đình từ Huế di chuyển vào Nam. Nhờ uy tin sẵn có tại Trung phần, anh được thầy Quảng Minh, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền –Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt- mời tham gia Hội và thành lập GĐPT Nam Việt. Gia Đình Phật Tử đầu tiên thuộc hệ thống của Hội Phật Học Nam Việt do cư sĩ Tống Hồ Cầm tổ chức được lấy tên là GĐPT Chánh Tín. Bác Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Gia trưởng, anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Liên đoàn trưởng.
Như vậy, bấy giờ tại Nam Việt có 2 GĐPT : GĐPT Chánh Giác (thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt) và GĐPT Chánh Tín (thuộc Hội Phật Học Nam Việt). Tuy tru76c thuộc hai hội khác nhau nhưng hai Gia đình sinh hoạt và liên lạc thống nhất với nhau.
Mục đích của đại hội là duyệt lại Nội quy GĐPT năm 1951, vạch ra chương trình tu học và thống nhất hình thức. Cải thiện sinh hoạt với khẩu hiệu:
a-Đạo trong đời, đời trong đạo
b-Lý thuyết cho thực hành, thực hành cho lý thuyết
c-Áp dụng đúng thời và hợp thế.
Thành quả đại hội đưa đến một số vấn đề thực thi như sau:
-Áp dụng những nguyên lý giáo dục của đạo Phật thích nghi với lứa tuổi Thanh Thiếu Nhi.
-Soạn thảo đại cương về chương trình tu học thống nhất cho các cấp, các ngành.
-Với huynh trưởng, quy định những nguyên tắc, đường lối tu học cho các cấp. Với đoàn sinh, đội chúng soan thảo chương trình sinh hoạt, tu học và phân cấp.
-Thống nhất hình thức căn bản về huy hiệu, phù hiệu.
Chính nhờ đại hội năm 1953 này mà các đại biểu GĐPT Bắc và Nam phần đã thực sự đoàn kết và tiến đến sự thống nhất áp dụng nội quy.
Tại miền Nam, sau đại hội 1953, hai Gia đình Chánh Tín và Chánh Giác sát nhập làm một, đó là GĐPT Chánh Đạo trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt, đoàn quán đặt tại chùa Phước Hòa.
Ngày 26/12/1953, Ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt mở lớp huấn luyện đoàn trưởng mang tên Đại Chí tại hội quán trung ương Hội Phật Học Nam Việt (Bàn Cờ). Ban huấn luyện gồm có : thầy Đức Tâm, Tống Hồ Cầm, Nguyễn Tâm Lạc, Dương Thiện Thành, Dương Thiện Hiền.
Trong bài diễn văn khai mạc khóa huấn luyện này, anh Tống Hồ Cầm (Tống Anh Nghị) đã phát biểu:
“Như chúng ta đã biết, tổ chức GĐPT hiện nay sinh hoạt trong các tập đoàn Phật học là một hội nhỏ trong một hội lớn.Cho nên những hoạt động chính của chúng ta phải tùy thuộc hội mẹ. Nói rõ hơn, vai trò của anh chị huynh trưởng vừa làm việc cho các em mà cũng vừa làm việc cho phụ huynh của các em và cho cả tập đoàn mẹ nữa. Vì vậy, nhân cách, phẩm giá của quý anh chị phải được định đạt cho cân xứng giữa hai thế hệ trẻ và già”
Năm 1954, Ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt được thành lập dươi sự bảo hộ của Hội Phật Học. Anh Tống Hồ Cầm làm trưởng và anh Nguyễn Văn Thục làm phó ban. Việc đầu tiên của Ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt là tổ chức các khóa huấn luyện đội, chúng trưởng, tiến đến thành lập GĐPT tại các tỉnh thành miền Nam song song với Hội Phật học các tỉnh. Các khóa huấn luyện huynh trưởng tại Nam Việt đều lấy tên A Dục. A Dục I mở tại Sài Gòn, A Dục II mở tại các tỉnh lân cận và miền Tây Nam bộ.
Năm 1954 đất nước bị chia đôi, Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền miền Nam, ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu hoành hành lan rộng tại miền Nam.
Tháng 4/1955, trại A Dục II đào tạo thêm một số huynh trưởng tại các tỉnh thuộc Hậu Giang, Nam phần.
Nhờ uy tín của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, nhờ sự nâng đỡ nhiệt thành của chư vị tôn túc trong Hội Phật Hoc Nam Việt nên các GĐPT được hình thành nhanh chóng. Tất cả các Gia đình đều lấy chữ Chánh làm đầu (vì xuất phát từ GĐPT Chánh Đạo) như: Chánh Thiện (Biên Hòa), Chánh Minh (Gia Định), Chánh Tâm, Chánh Đẳng (Cần Thơ), Chánh Trí (Vĩnh Long), Chánh Định (Bạc Liêu), Chánh Tiến (Trà Vinh), Chánh Đức (Sa Đéc), Chánh Tín (Sóc Trăng), Chánh Huệ (Trà Ôn), Chánh Nghiêm (Thủ Đức), Chánh Dũng (Long Xuyên), Chánh Kiến, Chánh Pháp (Vũng Tàu), Chánh Quang (Bình Dương), Chánh Hòa (Cầu Kè), Chánh Quang (Rạch Giá), Chánh Từ (Hà Tiên), Chánh Thọ (chùa Vạn Thọ-Sài Gòn), v.v… Mỗi Gia đình có một vị thầy làm Cố vấn giáo lý. Riêng tại Sài Gòn thì có quý Thượng tọa Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thanh Từ, v.v… làm Cố vấn giáo hạnh.
Tại miền Trung, phong trào đã lan rộng từ thành thị đến thôn quê, hầu hết tại mỗi khuôn hội đều có Gia Đình Phật Tử. Bình quân mỗi tỉnh miền Trung có từ 10 đến 20 Gia đình. (Còn tiếp…)