Nghĩ đến việc đào tạo căn bản và cung cấp một khả năng chuyên môn cho các huynh trưởng, nên vào đầu tháng 3 năm 1951, Ban Hướng dẫn Trung phần đã mở một trại huấn luyện cho các đơn vị trong miền tại Huế, trại có tên “Kim Cang”. Đặc biệt trong trại huấn luyện này, các đơn vị miền Bắc cũng gởi huynh trưởng tham dự như : Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp và Đặng Văn Khê, miền Nam có Nguyễn Hữu Huỳnh (một ban viên trong Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt tham dự và sau này về Nam thành lập Gia Đình Phật Tử đầu tiên thuộc hệ thống Hội Phật học Nam Việt, lấy tên là GĐPT Chánh Tâm)
Cố vấn trại là Hòa thượng Thích Minh Châu, trại trưởng là anh Võ Đình Cường, trại phó kiêm phụ trách hoạt động thanh niên là anh Phan Cảnh Tuân, phụ trách văn nghệ là Lê Cao Phan, quản lý là anh Nguyễn Xuân Quyền.. Đây là trại huấn luyện đầu tiên quan trọng và qui mô nhất. Kể từ ngày có phong trào sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ đến nay, đây là mốc điểm vàng son, đã nói lên sự trưởng thành của tổ chức cũng là tiền đề để chào mừng đại hội huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ toàn quốc vào tháng tới. Đại hội đã thống nhất danh hiệu Gia Đình Phật Tử thay cho Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Năm 1951: Đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ I tại Huế
Ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951, tại chùa Từ Đàm –Huế, một Đại hội Huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được triệu tập với sự tham dự của 9 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẳng, Quảng Nam, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Cam Ranh và Di Linh)
Miền Bắc có anh Lê Văn Lãm, chị Tuệ Mai, chị Ni, chị Diệu Minh, chị Tý, chị Tuệ Ngọc (các GĐPT miền Bắc, Hà Nội, Hải Phòng tuy thuộc hai hệ thống khác nhau là Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Học Bắc Phần, nhưng họ thống nhất thành lập một đoàn chung để vào tham dự Đại hội.)
Miền Trung có anh Võ Đình Cường, Lê Mộng Đào, Nguyễn Đắc An, Mai Quang Hòa, Dương Xuân Nhơn, Dương Xuân Dưỡng, Phan Cảnh Tuân, Cao Chánh Hựu, Nguyễn Xuân Quyền, Nguyễn Khắc Từ, chị Hoàng Thị Kim Cúc, v.v…
Mục đích của Đại hội là báo cáo về tình hình sinh hoạt, phát triển của Gia Đình Phật Hóa Phổ tại các vùng, tỉnh và các phần. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm xây dựng Gia đình, tổ chức đoàn đội và sự liên hệ với tổ chức Phật giáo địa phương, thảo luận nội quy và danh xưng.
Thành quả của Đại hội chính là sự đoàn kết của Thanh, Thiếu niên Phật tử toàn quốc, trên tinh thần Lục Hòa. Tất cả các vùng đều thống nhất danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam thay cho Gia Đình Phật Hóa Phổ, đồng lòng biểu quyết chấp thuận bản Nội Quy Gia Đình Phật Tử, thiết lập cơ cấu tổ chức, nghiên cứu giáo dục và hoạt động thanh niên cho tổ chức Gia Đình Phật Tử.
Về bản Nội Quy, trên pháp lý chỉ là nội quy của GĐPT Trung phần thuộc Hội Phật Học Trung phần, Gia Đình Phật Tử Bắc phần cũng như Nam phần đều có nội quy riêng. Nhưng trên thực tế, tất cả đều giống nhau trên tinh thần, ngoài một ít tiểu tiết cần thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh địa phương. Do vậy, bản Nội quy năm 1951 tại Trung phần được xem như văn kiện căn bản của mọi GĐPT trên toàn quốc lúc bấy giờ.
Bản Nội quy gồm có 5 chương và 15 điều. Chương I thì sửa lại và bổ sung thêm, như : châm ngôn của Gia Đình Phật Hóa Phổ là “Hòa thuận – Tin yêu – Vui vẻ” thì nay, châm ngôn này chỉ dành riêng cho Đồng niên Nam, Nữ và thêm vào đó là “Bi – Trí – Dũng” cho Thanh, Thiếu niên. Còn các điều luật thì từ 10 điều, nay gút lại còn 8 điều: 3 điều cho ngành Đồng và 5 điều cho ngành Thanh, Thiếu niên.
Đại hội Gia Đình Phật Tử thành công mỹ mãn, đem đến sự tín nhiệm của hội viên và đoàn sinh. Một thời gian sau, Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử miền Trung đã tổ chức một đoàn huấn luyện lưu động ở các tỉnh, mở các trại đào tạo Đội, Chúng trưởng và Huynh trương, như :
-Trại Tinh Tấn I cho các tỉnh Đồng Hới, Quảng Trị, Thừa Thiên
-Trại Tinh Tấn II cho Đà Nẳng
-Trại Lục Hòa I, II, III cho Nha Trang, Ninh Thuận và Đà Lạt.
Cũng vào năm này, sau đại hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc 1 tháng, lần đầu tiên, một đại hội được triệu tập từ ngày 6 đến 9 tháng 5 năm 1951 (nhằm ngày mùng 1 tháng Tư năm Tân Mão), thống nhất Phật giáo toàn quốc tại chùa Từ Đàm – Huế gồm 51 đại biểu Tăng già, Cư sĩ của 6 tập đoàn Nam, Trung, Bắc (3 tập đoàn Tăng già, 3 tập đoàn Cư sĩ), khai sinh ra Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Đại hội suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Trong 6 tập đoàn, có một số vị thuộc Tăng già, Cư sĩ được công cử vào ban Tổng Trị sự..
Đặc biệt, trong kỳ đại hội Phật giáo lần đầu tiên này, đại diện Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử đã đọc chúc từ và đồng kính dâng lên đại hội nhạc phẩm “Phật Giáo Việt Nam” do huynh trưởng Lê Cao Phan sáng tác, sau này Giáo hội sử dụng làm Phật giáo ca..
“Kính thưa quý vị Đại biểu, để kỷ niệm ngày lịch sử hôm nay, chúng con xin dâng lên Quý vị một bó hoa mà chúng con mệnh danh là bó Hoa Thống Nhất, và một bài hát mà Gia Đình Phật Tử chúng con vừa mới đặt tặng Đại hội, nhan đề là Phật Giáo Việt Nam”
(Còn tiếp…)