Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 5

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
A-KHÁI QUÁT LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTVN

 II.Những chặng đường phát triển

1)Giai đoạn sơ khởi (1930-1950)

2)Giai đoạn phát triển (1951-1974)

3)GĐPT hy sinh bảo vệ Đạo Pháp

4)Giai đoạn tiềm ẩn (1975-1996)

5)Giai đoạn phục hồi sinh hoạt (1997 đến nay)

 

Kỳ 5:
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

 

I-GIAI ĐOẠN SƠ KHỞI (1930 – 1950)

1)CÁC BAN ĐỒNG ẤU PHẬT TỬ :

Năm 1932, phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam lan đến miền Trung. Tại Huế thành lập hội An Nam Phật Học do cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm hội trưởng hoạt động dưới sự chứng minh của Ban Chứng minh Đạo sư gồm các vị cao tăng thạc đức như : Thiền sư Tâm Tịnh (tổ đình Tây Thiên), Huệ Pháp (tổ đình Diệu Đế), Giác Tiên (tổ đình Trúc Lâm), Viên Thành (tổ đình Ba La Mật), Phước Huệ (tổ đình Thập Tháp-Bình Định), Phổ Huệ (chùa Tịnh Lâm-Bình Định), Đắc Ân (chùa Quốc Ân), Phước Hậu (chùa Báo Quốc), Tịnh Hạnh (chùa Tường Vân), Ni sư Diên Trường (chùa Phổ Quang) v.v…

Sau đó, lần lượt các chùa đều quy tụ con em Phật tử của chùa thành lập các nhóm học Phật, gọi là các Ban Đồng Ấu Phật Tử. Chương trình học của Ban Đồng Ấu gồm bốn bậc :

1/Tùy hỷ (học 1 tháng)

2/Tùng chúng (học 6 tháng)

3/Dự bị (học 1 năm)

4/Bậc Sơ đẳng (học 1 năm)

(Bốn bậc học trên, sau này đổi thành bốn bậc : Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng, Tung bay của ngành Oanh Vũ hiện nay)

 

2)ĐOÀN THANH NIÊN PHẬT HỌC ĐỨC DỤC :

Ngày 8-12 Canh Thìn (1940), cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (TNPHĐD) nhằm mục đích xây dựng đạo đức cho giới thanh niên và đào tạo thế hệ kế thừa cho Hội . Bác Tâm Minh trực tiếp hướng dẫn Phật học cho đoàn.

Những thanh niên tân học trí thức tại Huế tham gia đoàn TNPHĐD đầu tiên gồm có các anh : Đinh Văn Nam, Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Phạm Hữu Bình, Phạm Hữu Quán, Ưng Hội, Ngô Điền, Ngô Thừa, Tráng Thông, Lâm Công Định v.v… Trong số những thanh niên gia nhập đầu tiên vừa nêu, đến nay vẫn còn được nhiều người  kính mộ như : Anh Đinh Văn Nam (nay là HT Thích Minh Châu), anh Đinh Văn Vinh (nay là GS Minh Chi), anh Võ Đình Cường (là trưởng Ban Hướng Dẫn Trung ương GĐPTVN liên tiếp từ năm 1951 đến năm 1975).

Nói về lý tưởng của đoàn TNPHĐD, trong bài phát biểu nhân lễ ra mắt đoàn TNPHĐD, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã viết : “Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục do An Nam Phật học Hội thành lập, nguyện thực hành và tuyên truyền đức dục theo giáo lý nhà Phật, một giáo lý thanh cao, huyền diệu và cũng rất phổ thông”

Cũng trong buổi lễ ra mắt, một thành viên sáng lập khác là Anh Đinh Văn Nam đã nói : “… Nếu tâm trí chúng ta được nương theo trí huệ và từ bi của chư Phật mà được rạng rỡ lên, thì lo chi không thức hiện được một xã hội hòa bình, một nền văn minh chân thật và bền vững, một thế giới Cực Lạc…”

Hoạt động của đoàn TNPHĐD gồm có :

-Biên tập bài vở cho tạp chí Viên Âm

-Xuất bản các tác phẩm Phật học để phổ biến rộng rãi trong giới thanh niên

-Hướng dẫn Phật pháp cho các Ban Đồng Ấu


a-Mục đích của đoàn TNPHĐD :

-Một là : tập họp những đội ngũ thanh niên trí thức nghiên cứu Phật Giáo với tinh thần mới dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại.

-Hai là : mở các lớp nghiên cứu triết học của ba tôn giáo lớn là Phật – Khổng – Lão

-Ba là : dùng những phương tiện như : sách truyện, báo chí… truyền bá Phật học để tiến tới thành lập các đoàn thể thanh niên Phật Giáo.`


b-Châm ngôn : châm ngôn đoàn TNPHĐD là : Nguyện luôn luôn nêu cho rạng tỏ hai chữ Trong Sạch và Nhân Ái”

-Giữ giới để được “Trong Sạch”

-Từ bi là nghĩa rộng của “Nhân Ái”


c-Sinh hoạt :

-Từng cá nhân đoàn viên tự mình nghiên cứu giáo lý đức Phật

-Tự sửa mình và nêu gương tốt ngoài xã hội theo phương châm “trong sạch” và “nhân ái”

-Sáng chủ nhật sinh hoạt tại chùa Từ Đàm để nghe Cụ cố vấn (Bác Tâm Minh Lê Đình Thám) giảng giáo lý, duyệt các bài do anh em viết và phân công việc.

-Tổ chức các buổi nói chuyện mở rộng tại hội trường chùaTừ Đàm

-Tu Bát quan trai

-Điều hành sinh hoạt các Ban Đồng Ấu ( về sau là các Gia Đình Phật Hóa Phổ)


d-Huy hiệu: huy hiệu của Đoàn là hình Hoa Sen Trắng tám cánh trên nền tròn xanh lá mạ do anh Lê Lừng, một đoàn viên trong Đoàn sáng tác ( Huy hiệu này về sau trở thành huy hiệu tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam)


e-Bài ca chính thức : Bài ca chính thức của Đoàn là bài “Sen Trắng” nhạc do Ưng Hội sáng tác, lời của Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán (Bài Sen Trắng về sau trở thành bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử)

 

Sự ra đời của đoàn TNPHĐD gây được tiếng vang rộng rãi trong đời sống xã hội bấy giờ. Báo Phụ Nữ Tân San xuất bản ngày 16/12/1942 có đoạn viết : “Phật Học Đức Dục chính là nền tảng của sự canh tân Phật Giáo. Trong thời đại ngày nay, chiến tranh lan tràn, nhiều ý thức hệ xung khắc nhau đến cùng cực, mà hội An Nam Phật Học (ở Trung Kỳ) lại quan tâm sâu sắc đến một hình thức quảng bá thích nghi như thế, tức là nghĩ đến tiền đồ của đạo pháp. Đó là điều đáng tán dương, khích lệ và chính đó cũng là niềm hy vọng cho tín đồ Phật Giáo”

 

3)GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ (GĐPHP) :

Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang: vào mùa Phật Đản năm 1944, tại rừng Quảng Tế (Huế), một đại hội thanh thiếu niên Phật tử được tổ chức, quy tụ tất cả đoàn viên đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục và đoàn viên các Đoàn Đồng Ấu Phật Tử. Tại đại hội này đã khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia Đình Phật Tử sau này.

a-Ý nghĩa : GĐPHP nghĩa là Phật hóa gia đình, là đem đạo Phật đi vào cuộc đời, phổ cập mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi để tất cả cùng chung sống dưới mái nhà Phật Pháp, sống đạo đức theo luân lý Đạo Phật

Trong hai năm 1945 và 1946, chiến sự Việt – Pháp nổ ra, nhiều đoàn viên lên đường gia nhập kháng chiến, số khác theo gia đình tản cư tránh đạn bom nên GĐPHP phải tạm ngưng hoạt động. Đến năm 1947, chiến cuộc tạm lắng xuống, mọi người quay trở về mái nhà xưa gầy dựng lại cuộc sống. Từ đó GĐPHP được tái lập sinh hoạt.

Ngày mùng 8 tháng chạp năm 1948, một buổi lễ được long trọng tổ chức tại chùa Từ Đàm đánh dấu sự ra đời chính thức của tổ chức GĐPHP. Vào thời điểm này, tại Huế có khoảng 8 đơn vị như : Gia đình (GĐ)Hướng Thiện, GĐ Gia Thiện, GĐ Chơn Trí, GĐ Tịnh Trang, GĐ Hương Từ, GĐ Hương Đạo, GĐ Hương Đàm, GĐ An Lạc… Một Ban Hướng dẫn được thành lập gồm các cư sĩ : Võ Đình Cường, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu, Phan Xuân Sanh, Hoàng Thị Kim Cúc, Tịnh Nhân, Tống Hồ Cầm, Đặng Tống, Lê Văn Dũng… Cư sĩ Võ Đình Cường giữ chức vụ trưởng ban.

Một số trại huấn luyện được tổ chức tại Huế để đào tạo huynh trưởng hướng dẫn và điều khiển các đơn vị như : trại A Dục dành cho ngành nam được tổ chức tại trường Thanh Long vào tháng 8/1948; trại Ni Liên Thuyền dành cho ngành nữ được tổ chức tại trụ sở Tổng Hội Phật Học Trung Việt vào tháng 8/1950.

Tổ chức GĐPHP phát triển rất nhanh và lan đến tận miền Nam và miền Bắc. Ngoài Bắc, các đơn vị đầu tiên được thành lập tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong Nam, cư sĩ Tống Hồ Cầm và Nguyễn Văn Thục xây dựng các đơn vị GĐPHP trong phạm vi Hội Phật Học Nam Việt do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm hội trưởng. Trong giai đoạn này các đơn vị GĐPHP ba miền chưa thống nhất thành một khối, mà mỗi miền đều có Ban Hướng dẫn riêng.

Vào tháng 7/1949, bản Nội quy của GĐPHP được soạn thảo bởi Thầy Minh Châu (Đinh Văn Nam) và các anh, chị : Võ Đình Cường, Tráng Thông, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Văn Đình Hy, Phan Xuân Sanh v.v… với nội dung gồm: mục đích, châm ngôn, luật, phương pháp giáo dục, hệ thống tổ chức:

 

*Mục đích Gia Đình Phật Hóa Phổ :

1)Dạy cho các em biết sơ qua giáo lý của đức Phật

2)Tập cho các em sống theo đạo đức của Phật Giáo

3)Chuẩn bị cho các em trở thành những Phật tử chân chánh để phục vụ Chánh pháp

*Châm ngôn của GĐPHP : Hòa thuận – Tin yêu – Vui vẻ

*Mười điều luật của GĐPHP :

1)Phật tử học kinh niệm Phật

2)Phật tử kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em

3)Phật tử nhân từ với người và vật

4)Phật tử chọn bạn tốt và mến thương bạn

5)Phật tử vui buồn cùng chia, nhắc nhở nhau làm lành tránh dữ

6)Phật tử giữ lời nói ôn hòa ngay thật

7)Phật tử thật thà, siêng năng, thứ tự, sạch sẽ

8)Phật tử sống giản dị và điều độ

9)Phật tử bình tĩnh và lạc quan

10)Phật tử làm tròn bổn phận

*Khẩu hiệu của GĐPHP :  Tinh tấn !

*Bài ca chính thức của GĐPHP: bài “Trầm Hương Đốt” của nhạc sĩ Bửu Bác

 

Để hiểu thêm về tổ chức GĐPHP, chúng ta hãy đọc những lời phát biểu dưới đây của Anh Võ Đình Cường, trưởng ban Hướng dẫn GĐPHP Trung Việt , trong buổi lễ ra mắt Gia đình PHP Chân Trí – Huế năm 1948 :

“Từ trước, người ta thường có quan niệm sai lầm: chỉ những kẻ già nua tuổi tác, không biết dùng đời để làm gì nữa, chỉ những kẻ thất chí, bị cuộc đời ruồng bỏ, chỉ những kẻ lầm lỡ muốn hối cải, chỉ những kẻ ấy mới đi tu. Người ta tưởng chỉ có những nét mặt nhăn nheo vì tuổi tác, hay vì khổ đau mới đến chùa v.v…

Từ ngày Gia Đình Phật Hóa Phổ ra đời, quan niệm sai lầm trên đã được cải chính. Từ đây, đạo Phật không phải chỉ dành riêng cho người già, mà còn là của tuổi trẻ thơ. Chữ tu đã được hiểu theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là sửa mình, trau dồi Đức và Trí dục, nghĩa là thực hành một phương pháp giáo dục mà đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta…”

 

Vào tháng 3/1951, một trại huấn luyện huynh trưởng quy mô được Ban hướng dẫn GĐPHP Trung Phần tổ chức tại Huế, trại mang tên Kim Cang. Cố vấn trại là Thầy Thích Minh Châu; trại trưởng là Anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường; trại phó kiêm phụ trách Hoạt động thanh niên là anh Phan Cảnh Tuân; phụ trách văn nghệ là anh Lê Cao Phan, quản lý là anh Nguyễn Xuân Quyền. Ngoài các trại sinh của Huế và các tỉnh miền Trung, còn sự tham dự của các trại sinh miền Bắc như: Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp, Đặng Văn Khê; miền Nam có Nguyễn Văn Huỳnh… (Còn tiếp…)

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang