V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT
1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều
2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều
3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam
Theo thiển ý của người viết, thông thường, có ba giai đoạn trong cuộc đời người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (HT.GĐPT):
1-Giai đoạn lột xác từ một đoàn sinh trở thành người HT.GĐPT
2-Giai đoạn huân tập các đức tính tốt đẹp của người HT.GĐPT
2-Giai đoạn chín muồi về lý tưởng và nhân cách, trở thành người huynh trưởng mẫu mực kiên trung của tổ chức GĐPTVN và người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.
Trong mỗi giai đoạn nêu trên, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và hoàn cảnh người HT.GĐPT có sự khác nhau theo từng giai đoạn:
–Giai đoạn 1: sau nhiều năm đến với sinh hoạt GĐPT, các em đã là những đoàn sinh thuần thành, xác lập niềm tin một cách vững chắc nơi Phật Pháp và nền giáo dục GĐPT. Các em đã trở thành quyến thuộc của đại gia đình Phật Giáo tại địa phương, chư Tăng, Ni đã là những hình ảnh thân thương, gần gũi, gợi niềm tôn kính nơi tâm tư các em; Hình ảnh các anh chị huynh trưởng đã trở nên thân quen, đáng tin cậy và tràn đầy tình thương đối với các em.
Sau nhiều năm làm đoàn sinh chỉ biết "nhận" chớ chưa biết "cho", giờ đây, các em tập tành bước lên vị trí làm anh làm chị. Các anh chị trẻ này bắt đầu huân tập tinh thần "cho" và học tập cách "cho". Cống hiến vốn là tinh thần cốt lõi của người HT.GĐPT. Các anh chị trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, kinh nghiệm đường đời chưa được bao nhiêu, nếu không nói là chưa có gì và còn lệ thuộc mọi mặt vào gia đình quyến thuộc.
Được tập sự làm HT.GĐPT, các anh chị cảm thấy vô cùng vinh hạnh, háo hức và vẽ ra nhiều triển vọng tương lai trong nghề huynh trưởng mà không quan tâm đến nhiều chướng duyên đang chờ đợi phía trước. Ao ước của các anh chị trẻ là được tiếp nối bước chân của các anh, chị "thần tượng" đi trước. Các anh chị sẵn sàng bỏ bữa ăn để làm cho xong tờ bích báo của đoàn; các anh chị xông pha không nề mưa nắng để hoàn thành một công trình trại hoặc sẵn sàng vượt hàng trăm cây số đi và về để xây dựng đơn vị mới; các anh chị sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn để gánh vác nhọc nhằn cho đồng đội. Nói chung, tinh thần cống hiến và ham học hỏi của các anh chị trẻ là sung mãn, tràn trề và mãnh liệt vô cùng.
Đây là thời kỳ rất khó khăn của người HT.GĐPT vì có quá nhiều nghịch duyên khiến cho các anh chị trẻ phải xa lìa chiếc Áo Lam; con đường đến với Đạo Pháp có thể đứt đoạn tại đây. Những nghịch duyên đó là:
1-Áp lực của việc học để xây dựng cuộc sống tương lai cho bản thân và cũng để trả ơn cho các bậc sinh thành trong gia đình.
2-Lý tưởng Lam còn chưa sâu dày khiến cho người huynh trưởng trẻ không đủ sức vượt qua nghịch duyên đưa đến.
3-Thiếu sự động viên, khuyến tấn và tạo điều kiện tốt từ những người "lãnh đạo tinh thần" như: thầy trụ trì, ban bảo trợ, bác gia trưởng, anh, chị liên đoàn trưởng và tập thể ban huynh trưởng của đơn vị.
Nếu chúng ta cứ để cho nghịch duyên diễn ra mà không có bất cứ một nỗ lực hóa giải nào, thì tất nhiên hậu quả sẽ làm mất đi một hoặc nhiều huynh trưởng trẻ mà chúng ta đã nhiều năm đào luyện dưới mái chùa; tổ chức GĐPT mất đi những huynh trưởng tương lai; giáo hội mất đi những cán bộ hoằng pháp đắc lực mai sau.
Nhưng nếu chúng ta quan tâm động viên, khuyến tấn và tạo điều kiện cụ thể giúp đỡ các huynh trưởng trẻ này, kết quả là chúng ta sẽ không mất đi con người, mà các anh chị trẻ cũng vẫn hoàn thành tốt bổn phận học tập và tạo dựng tương lai của bản thân. Chúng ta nên nhớ rằng, HT.GĐPT có đời sống kinh tế và đời sống tình cảm ổn định thì mới công hiến xuất sắc cho sinh hoạt GĐPT được.
–Giai đoạn 2: trong thực tế, có không ít huynh trưởng trẻ, sau khi hoàn tất việc học ở các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học, đã trở về tiếp tục con đường sinh hoạt GĐPT. Sự trở lại này là kết quả của những nỗ lực từ tổ chức và từ bản thân huynh trưởng trẻ, chớ không ngẫu nhiên mà có.
Đây là giai đoạn mà các huynh trưởng trẻ huân tập những đức tính tốt đẹp của người HT.GĐPT để dần dần định hình nên mẫu người HT.GĐPT mẫu mực trong tương lai. Trong giai đoạn này, các anh chị phải tu học các bậc Kiên (1 năm), Trì (2 năm), Định (3 năm) và phải tham dự các trại huấn luyện từ thấp lên cao: Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang. Giai đoạn này kéo dài trong ít nhất là 6 năm.
Chương trình tu học vừa nêu nhằm trang bị kiến thức Phật học giúp các anh chị vững vàng trong nhiệm vụ giáo dục đoàn sinh; đồng thời cũng nhằm giúp các anh chị tự tu để hoàn thiện nhân cách một người Phật tử chân chánh trong tương lai. Bên cạnh chương trình tu học chính khóa, các trại huấn luyện và tất cả những sinh hoạt ngoại khóa khác cũng đều hướng tới mục đích giúp các huynh trưởng trẻ huân tập các đức tính cần có của một người HT.GĐPT mẫu mực.
Trước hết, các anh chị tu tập đức tính cống hiến, hy sinh, bố thí, vì chỉ những người có các đức tánh này mới có thể trụ vững lâu bền trong nghề HT.GĐPT và mới thấy được hết ý nghĩa cao đẹp của sinh hoạt GĐPT. Những ai không có các đức tánh vừa nêu, thường chê bai HT.GĐPT là "kẻ điên".
Ngoài ra, những đức tính cần có trong nghề HT.GĐPT cũng dần dần được hình thành thông qua việc tu học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa như: kỷ luật, tuân phục, sống vì mọi người, trách nhiệm, siêng năng, chuyên cần, năng động, sáng tạo, khéo tay v.v… cùng với một số kỹ năng sống như: nghệ thuật nói trước đám đông, nghệ thuật chỉ huy lãnh đạo, nghệ thuật nhiếp phục quần chúng v.v…
Ở giai đoạn 2 này, tuyệt đại đa số các huynh trưởng trẻ hướng về tương lai với bao ước mơ tốt đẹp bằng những kết quả học tập và công việc mà mình đạt được. Màu ưa thích của các anh chị là mâu hồng và màu xanh, biểu hiện cho cái gì tươi sáng, hy vọng và tràn đầy sức sống. Dù vậy, qua học lời Phật dạy, các anh chị hiểu được nhân quả, vô thường và duyên khởi của vạn pháp, vì thế các anh chị đã phần nào thấy được mặt thật của cuộc sống, từ đó lòng tham đắm cũng vơi đi một chút, nhường chỗ cho các hạnh lành phát khởi.
Đây là quãng đời cống hiến nhiều nhất của một người HT.GĐPT. Để phát huy hết sức cống hiến của các anh chị, cần có thầy giỏi bạn tốt (thiện tri thức) luôn đồng hành bên cạnh để động viên, khuyến tấn, nhắc nhở khi cần.
Đây cũng là giai đoạn hình thành lý tưởng "phụng sự đạo pháp và góp phần xây dựng xã hội" nơi người huynh trưởng trẻ, tuy chưa sâu sắc lắm, nhưng thông qua tình yêu và lòng gắn bó mật thiết với màu Lam GĐPT đã cho chúng ta thấy được lý tưởng lớn đã hình thành trong anh chị em huynh trưởng trẻ.
Tuy nhiên, anh chị em còn khá nhiều nhược điểm cố hữu nên rất cần được giúp đỡ, uốn nắn từng ngày như một cây bonchai mới được trồng vô chậu. Nếu hàng "lãnh đạo tinh thần" địa phương như: Giáo hội, Ban Hướng dẫn Phật tử, Phân ban GĐPT, Thầy trụ trì, tập thể ban huynh trưởng đơn vị đều đặn có những nỗ lực lãnh đạo đúng đắn, phù hợp, tạo ra nhiều cơ hội cho huynh trưởng trẻ phát huy sở trưởng, hạn chế tối đa khuyết nhược điểm thì chúng ta sẽ có được những huynh trưởng giỏi hiện tại và tương lai. (xin xem tiếp kỳ sau…)