Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 30: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, Hình Ảnh Người Phật Tử Chân Chánh Của Phật Giáo Việt Nam

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 30:

HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ,

HÌNH ẢNH NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

A- DẪN NHẬP

Muốn hiểu giá trị đích thực của người huynh trưởng GĐPT, chúng ta cần nắm rõ :

1)Bản chất của đạo Phật

2)Ý nghĩa và mục đích phong trào "Chấn Hưng Phật Học" của Phật Giáo Việt Nam ( 1930 – 1945)

3)Khởi nguyên của tổ chức GĐPT

4)Thế nào là Phật tử chân chánh ?

5)Huynh trưởng GĐPTVN đã phụng sự  cho Phật Giáo Việt Nam như thế nào?

6)Huynh trưởng GĐPTVN đã góp phần xây dựng xã hội như thế nào ?

7)Tâm tư, nguyện vọng của người huynh trưởng GĐPTVN

 

Người viết bài này, hoàn toàn dựa vào quan điểm cá nhân của một người đeo huy hiệu Sen Trắng hơn 60 năm, cùng với những bài học tự mình đã "tiêu hóa" trong nền giáo lý vi diệu của Đức Thế Tôn mà mình có diễm phúc được tiếp nhận, tu học, tư duy, quán chiếu, thực hành, và được khai thị bởi những bậc xuất gia chân chính khắp nơi mà người viết đã hân hạnh gặp gỡ hoặc chưa từng diện kiến trong suốt cuộc đời cầu học của mình.

Đã nói là quan điểm cá nhân , đồng thời "sự tiêu hóa" Phật pháp của mỗi người không ai giống ai, cho nên những gì chúng tôi viết ra trong bài này có thể không hoàn toàn được sự chấp nhận của tất cả mọi người . Tuy vậy, sự khác biệt chính là yếu tính của cuộc đời, và là yếu tố cần thiết cho mọi tiến bộ của cuộc sống. Vì vậy, tôi mạnh dạn bộc lộ quan điểm của mình về giá trị người huynh trưởng GĐPT mà chính tôi là một người trong số đó, với mục đích :

-Mong rằng những ai chưa hiểu về giá trị của huynh trưởng GĐPT có thể nhìn lại một cách xác thực hơn về chúng ta

-Mong rằng anh chị em huynh trưởng chúng ta xác định được giá trị (dù nhiều hay ít) của mình để tự tin, tự trọng, mạnh dạn dấn thân trong cái nghề đầy khó khăn thử thách này.

B. ĐI SÂU TÌM HIỂU NHỮNG GIÁ TRỊ GẮN LIỀN VỚI

NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

I-BẢN CHẤT ƯU VIỆT CỦA ĐẠO PHẬT

Ngay sau khi giác ngộ thành Phật, Đức Bổn Sư Thích Ca đã cất tiếng hống sư tử vang động khắp ba ngàn thế giới, công bố bản tuyên ngôn của Phật Giáo về cuộc đời. Bản tuyên ngôn mang tên "Tứ Diệu Đế", được thuyết giảng tại vườn Lộc Uyển xứ Benares (Ba-la-nại) . Trong bản tuyên ngôn này, Đức Phật tuyên bố về Bốn Sự Thật Khó Thấy của đời sống là :

1-Khổ đau

2-Nguyên nhân của khổ đau

3-Niết bàn, nơi không còn khổ đau

4-Tám con đường chấm dứt khổ đau.

Năm anh em Ông Kiều Trần Như là những người đầu tiên nghe xong bản tuyên ngôn Tứ Diệu Đế liền chứng Thánh quả, nguyện quy y làm đệ tử xuất gia theo Phật. Từ thời điểm đó, ba Ngôi báu được hình thành, Tăng đoàn được thiết lập và Đạo Phật ra đời.

Từ đó đến nay, Đạo Phật đã có mặt trên thế gian hơn 2.600 năm, lúc nào cũng trung thành với tinh thần bản tuyên ngôn Tứ Diệu Đế nhằm mục đích xây dựng Niết bàn ngay trong đời sống này bằng cách cải tạo con người từ Vô minh trở thành Giác ngộ; từ đau khổ trở thành an lạc dựa trên nền tảng thực hành Bát Chánh Đạo.

Dù Đức Thế Tôn có thuyết giảng thiên kinh vạn quyển, hoặc có ai cho rằng đạo Phật có tới 84.000 pháp môn gì gì… đi nữa, thì bản chất Đạo Phật vẫn không ra ngoài tinh thần bản tuyên ngôn đầu tiên ấy.

 

II-Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT HỌC

CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(1930 – 1945)

Đạo Phật, vào cuối đời Trần, một phần là do các tăng sĩ hưởng thụ quá nhiều mà trở nên tha hóa, tăng tài không còn xuất hiện; một phần do đạo Nho đang hồi thịnh hành, bọn người khoa bảng, quan lại đều xuất thân từ cửa Khổng sân Trình (Nho giáo) ra sức bài bác đạo Phật quyết liệt, cho nên đạo Phật dã suy yếu dần suốt thời kỳ lệ thuộc nhà Minh và các triều Hậu Lê, Mạc và Nguyễn sau đó. Tiếp theo là cuộc xâm lược của thực dân Pháp đi kèm với sự phát triển ồ ạt của đạo Thiên Chúa do người Pháp đem vào nước ta, đạo Phật gần như mất hẳn vị trí trong xã hội Việt Nam suốt hơn 500 năm (1400 – 1930).

Mãi cho đến khi các phong trào kháng chiến như : Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân, Đông Du… đều thất bại và vai trò của các nho sĩ đã lu mờ, người ta mới chợt nhớ đến Phật Giáo với bề dày giữ nước và dựng nước vào các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Từ đó phong trào "Chấn Hưng Phật Học" mới được giới trí thức yêu nước quan tâm phát động với mục tiêu "khai hóa dân trí" và xác định "ý thức hệ dân tộc" (*) Đây là phương cách chống Pháp công khai, bất bạo động và lâu bền mà những người sáng lập ra phong trào này hy vọng nhờ đó mà công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp sẽ thành công.

Tóm lại, phong "Chấn Hưng Phật Giáo" trên cả ba miền đất nước khởi đầu từ năm 1930 và kết thúc vào năm 1945 nhằm hai mục tiêu :

-Một là, chấn chỉnh lại nền Phật học, dùng Phật học để khai hóa dân trí và phục hồi lòng tự trọng dân tộc trong quần chúng Việt Nam

-Hai là, lấy kết quả của phong trào làm vũ khí đấu tranh lâu dài, bất bạo động, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp , giành lấy độc lập cho dân tộc.

Như vậy, công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời cận đại, bản chất là một phong trào yêu nước nhằm mục đích khôi phục sức mạnh dân tộc để đánh đuổi thực dân, hơn là một Phật sự thuần túy của riêng Phật Giáo. (Còn tiếp…)

CHÚ THÍCH :

(*)  Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận , quyển III – Nguyễn Lang – NXB Lá Bối 1972.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang