Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 26: Ý Nghĩa Ra Đời Nội Quy Gia Đình Phật Tử – Khái Quát Các Chương, Điều

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 26:

Ý NGHĨA RA ĐỜI NỘI QUY GĐPT –

KHÁI QUÁT CÁC CHƯƠNG, ĐIỀU

I-DẪN NHẬP

Bất cứ một tổ chức, một hội đoàn… nào cũng đều cần có hiến chương, nội quy, quy chế, điều lệ … để làm cái nề chung cho các mặt hoạt động của tổ chức, hội đoàn đó. Hiến chương, nội quy, quy chế, điều lệ … gọi chung là văn bản pháp quy. Những văn bản pháp quy này, ngoài công dụng thể hiện tôn chỉ, mục đích, ý chí, nguyện vọng, tổ chức, hoạt động… của toàn thể thành viên trong tổ chức, còn phải được sự đồng ý chấp thuận của Nhà nước đương thời thì mới bảo đảm tính chất pháp lý, đồng thời mới có thể đem ra thực hiện được. Tùy thuận với luật pháp quốc gia là nguyên tắc của Phật Giáo từ khi Đức Phật còn tại thế cũng như từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam suốt hai ngàn năm qua trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… cho đến ngày hôm nay cũng không hề thay đổi.

Nội quy Gia Đình Phật Tử hiện nay được biên soạn trên nền tảng Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước đương thời. Đó là văn bản pháp quy thể hiện tính hợp pháp của tổ chức Áo Lam trong lòng GHPGVN và được luật pháp hiện hành công nhận. Nội quy GĐPT có thể ví như "giấy khai sinh" chứng nhận cho sự có mặt của đứa con GĐPT trong đại gia đình Phật Giáo Việt Nam hôm nay.

Trong phạm vi tìm hiểu về GĐPT, chúng tôi xin cung cấp một số nét khái quát về lịch sử và ý nghĩa sự ra đời của bản Nội quy GĐPT qua các thời kỳ.

 

II-LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA RA ĐỜI NỘI QUY GĐPT

1)Bản Nội quy đầu tiên : vào tháng 7 năm 1949, bản nội quy đầu tiên được soạn thảo cho Gia Đình Phật Hóa Phổ do các vị : Đinh Văn Nam (tức HT Thích Minh Châu sau này), Võ Đình Cường, Tráng Thông, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Văn Đình Hy, Phan Xuân Sanh … Nội dung bản nội quy đầu tiên gồm : mục đích, châm ngôn, luật, phương pháp giáo dục và hệ thống tổ chức.

2)Bản Nội quy năm 1951 : vào các ngày 24,25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại chùa Từ Đàm-Huế. Đại hội Huynh trưởng GĐPHP với sự tham dự của 9 tỉnh miền Trung đã thông qua Nội quy đầu tiên và sửa đổi một số điều.

Trên mặt pháp lý, bản Nội quy 1951 chỉ là nội quy của GĐPT Trung phần, GĐPT Bắc phần cũng như Nam phần đều có nội quy riêng. Nhưng trên thực tế, tất cả các bản nội quy ba miền đều giống nhau trên tinh thần, ngoài một ít tiểu tiết cần thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh địa phương. Cho nên bản Nội quy năm 1951 tại Trung phần được xem như văn kiện căn bản của mọi GĐPT trên toàn quốc.

Nội Quy Trình 1951 gồm 5 chương và 15 điều. Điểm đặc biệt của bản nội quy này là :

-Lấy danh hiệu Gia Đình Phật Tử thay cho Gia Đình Phật Hóa Phổ

-Châm ngôn và điều luật GĐPT được tu chỉnh trong bản nội quy này vẫn còn được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Art Color 265

3)Bản Nội quy năm 1964 : trong lịch sử GĐPT, năm 1964 là một cái mốc quan trọng, vì đó là năm mà GĐPT ba miền thực sự thống nhất dưới một mái nhà chung là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

-Ngày 30/6/1964, đại hội thống nhất GĐPT toàn quốc tu chỉnh Nội quy 1951, cho ra đời  bản Nội Quy GĐPT 1964 gồm : Lời nói đầu, 5 chương và 19 điều

Tiếp theo vào các kỳ đại hội toàn quốc các năm : 1967, 1973 cũng có tu chỉnh một số điều, nhưng nhìn chung không có thay đổi gì quan trọng. Những điểm cơ bản trong Nội quy 1964 là :

Lời Nói Đầu : trong phần Lời Nói Đầu có đoạn như sau : "…Trong quá trình hoạt động, GĐPT đã hiến cho Đạo những vị Thánh Tử Đạo, những tín đồ trung kiên, phóng xã; đã góp cho Đời những công dân xứng đáng khắp mọi lãnh vực…"

Mục đích : điều 2, chương I ghi mục đích GĐPT là :"Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật tử chân chánh – Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo"

Tổ chức : tại điều 6, chương II quy định :

a)Trung ương : GĐPT là 1 Vụ (gọi là GĐPT Vụ) trực thuộc Tổng Vụ Thanh Niên, thuộc Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương là Vụ trưởng GĐPT Vụ.

b)Cấp Miền : từ Quảng Trị đến Cà Mau chia ra 8 Miền :

-Miền Vạn Hạnh : Bắc trung nguyên Trung phần

-Miền Liễu Quán : Nam trung nguyên Trung phần

-Miền Khuông Việt : Cao nguyên Trung phần

-Miền Khánh Hòa : Đông Nam phần

-Miền Huệ Quang : Tiền Giang Nam phần

-Miền Khánh Anh : Hậu Giang Nam phần

-Miền Vĩnh Nghiêm : GĐPT miền Bắc tại Sài Gòn

-Miền Quảng Đức : Sài Gòn

c)Cấp tỉnh : tỉnh nào có từ 5 đơn vị GĐPT trở lên mới có Ban Hướng dẫn GĐPT do đại hội huynh trưởng Tỉnh bầu lên.

Khuôn dấu : tại điều 15, chương IV quy định : các cấp sau đây được sử dụng khuôn dấu : Trung ương – Miền – Tỉnh – Quận (Huyện) – Gia đình.

Nhiệm vụ : tại mục C điều 7 chương II quy định :Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh có nhiệm vụ thành lập các Gia đình mới trong tỉnh và báo cáo lên Ban Hướng dẫn Trung ương ra Quyết định công nhận.

Qua bản Nội quy 1964 cho chúng ta thấy một sự trưởng thành vượt bực của tổ chức GĐPT Việt Nam chỉ sau 25 năm hoạt động từ hình thức thô sơ là Ban Đồng Ấu (1940), rồi tiến lên một bước là Gia Đình Phật Hóa Phổ (1944) và trở thành Gia Đình Phật Tử (1951). Sau cùng là giai đoạn thống nhất trọn vẹn của GĐPT Việt Nam (1964). Tuy nhiên, sự trưởng thành ấy không phải suôn sẻ. dễ dàng, như trong Lời Nói Đầu đã viết: "…Đây là một công trình cân não và xương máu của toàn thề đoàn viên GĐPT từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau…"

Cũng qua bản Nội quy 1964 cho chúng ta thấy tính chất "khế thời", "khế lý" của tổ chức Áo Lam qua các thời kỳ. Chính Bi – Trí – Dũng đã là kim chỉ nam cho các bậc tiền bối tùy cơ, tùy thời mà tìm cách đưa con thuyền Lam vượt bao ghềnh thác để vững tiến ra đại dương bao la : khi nào thuận tiện thì ta tiến nhanh tiến mạnh; khi nào khó khăn thì ta tiến chậm hoặc ngưng lại và có lúc quá nghiệt ngã thì ta cho thuyền lùi một bước hoặc tìm con đường khác v.v…

Trong bài viết kỳ tới, chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này. (còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang