B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN
I.Cấp trung ương
1)Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương
2)Phân ban GĐPT trung ương
II.Cấp tỉnh, thành phố
1)Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành
2)Phân ban GĐPT tỉnh, thành
III.Cấp cơ sở
1)Thầy trụ trì
2)Ban huynh trưởng GĐPT
3)Hệ thống tổ chức 1 đơn vị GĐPT
4)Điều kiện thành lập 1 đơn vị GĐPT
5)Cơ sở vật chất cần thiết cho sinh hoạt GĐPT
6)Chương trình một buổi sinh hoạt thường xuyên (hằng tuần)
7)Các hoạt động ngoại khóa của 1 đơn vị GĐPT
8)Ban bảo trợ GĐPT
Tại mục C điều 14 chương III Nội Quy Gia Đình Phật Tử năm 2013 quy định :
C.Cấp cơ sở:
– Thành phần nhân sự Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử gồm có: Gia trưởng, Liên Đoàn trưởng, Liên Đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ, các Đoàn trưởng và Đoàn phó.
– Gia trưởng là một Huynh trưởng trên 40 tuổi có đạo đức, uy tín, am hiểu mục đích Gia đình Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Ban Huynh trưởng Gia đình mời, được vị Trú trì hoặc Trưởng Ban hộ tự chấp thuận.
– Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử do tập thể Huynh trưởng cấp Tập trở lên bình chọn, và được Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh thành công nhận bằng quyết định.
– Nhiệm kỳ Ban Huynh trưởng Gia đình là 3 năm.
– Tại mỗi đơn vị Gia đình Phật tử có mời một vị tu sĩ làm cố vấn giáo hạnh và một số đạo hữu tham gia Ban bảo trợ.
* Thành phần nhân sự một đơn vị Gia đình Phật tử gồm có Ban Huynh trưởng và Đoàn sinh các Đoàn.
– Mỗi đơn vị Gia đình Phật tử có ít nhất là 2 Đoàn, mỗi Đoàn ít nhất là 2 Đội, hoặc 2 Chúng (ngành Thanh, Thiếu), hoặc 2 Đàn (ngành Đồng).
– Mỗi Đoàn có một Đoàn trưởng, một hoặc hai Đoàn phó điều khiển. Số lượng nhiều nhất của mỗi Đoàn là 4 Đội, 4 Chúng, hoặc 4 Đàn. Trường hợp một ngành có số lượng Đoàn sinh đông thì nên lập thêm Đoàn và có Đoàn trưởng, Đoàn phó riêng.
– Mỗi Đội, Chúng, Đàn có từ 6 đến 8 Đoàn sinh do Đội trưởng, Chúng trưởng, Đầu đàn và Đội phó, Chúng phó, Thứ đàn điều khiển.
* Lứa tuổi Đoàn sinh
– Ngành Đồng: (Nam, Nữ Oanh vũ) từ 6 đến 12 tuổi.
– Ngành Thiếu: (Nam, Nữ) từ 13 đến 18 tuổi.
– Ngành Thanh: (Nam, Nữ) từ 19 tuổi trở lên.
Dưới đây là sơ đồ hệ thống tổ chức một đơn vị Gia Đình Phật Tử cơ sở :
DIỄN GIẢI:
-Nếu chùa có đông tăng (ni), thầy trụ trì có thể cử một vị tăng (ni) khác làm Cố vấn Giáo hạnh.
-Ban Bảo trợ do thầy trụ trì và ban huynh trưởng mời trong số Phật tử đạo tràng, hoặc trong những thân hữu, đồng nghiệp, cựu huynh trưởng Gia Đình Phật Tử v.v… có cảm tình với sinh hoạt Gia Đình Phật Tử tham gia. Ban Bảo trợ có chức năng ủng hộ giúp đỡ đơn vị từ tinh thần cho đến vật chất, tài chánh… để đơn vị có điều kiện hoạt động hiệu quả theo mục đích của tổ chức Gia Đình Phật Tử đề ra. Các thành viên BBT cử ra một ban thường trực gồm : trưởng ban, phó ban, thư ký, thủ quỹ, kiểm soát để điều hành hoạt động của Ban Bảo trợ.
-Trưởng Ban Bảo trợ Gia đình ngang hàng với gia trưởng, Cả hai cùng chịu trách nhiệm trước thầy trụ trì.
-Liên đoàn trưởng chịu trách nhiệm trước gia trưởng
-Liên đoàn phó, thư ký và thủ quỹ ngang hàng với nhau và cùng chịu trách nhiệm trước liên đoàn trưởng
-Liên đoàn trưởng điều động các đoàn trưởng và đoàn phó các đoàn. Trong trường hợp liên đoàn trưởng vắng mặt, hoặc có ủy quyền thì liên đoàn phó có thể thay mặt liên đoàn trưởng điều động các đoàn trưởng, đoàn phó.
-Các đoàn trưởng chịu trách nhiệm trước liên đoàn trưởng
-Các đoàn phó chịu trách nhiệm trước đoàn trưởng của mình
-Đoàn trưởng trực tiếp điều khiển các đội, chúng trưởng hoặc đầu đàn thuộc đoàn của mình
-Trong trường hợp đoàn trưởng vắng mặt, hoặc có ủy quyền thì đoàn phó có thể thay mặt đoàn trưởng điều khiển các đội, chúng trưởng hoặc đầu đàn thuộc đoàn của mình
-Các đội, chúng trưởng và đầu đàn điều khiển đoàn sinh thuộc đội, chúng, đàn của mình và chịu trách nhiệm trước đoàn trưởng đoàn mình
-Các đội, chúng phó và thứ đàn phụ giúp cho đội, chúng trưởng và đầu đàn. Đội, chúng phó và thứ đàn chịu trách nhiệm trước đội, chúng trưởng và đầu đàn của mình.
Cung cách làm việc của toàn thể đoàn viên trong một đơn vị Gia Đình Phật Tử như trong một gia đình huyết thống : người dưới phục tùng người trên, người trên giữ gìn tư cách đạo đức để được người dưới kính phục và noi gương. Trong Gia Đình Phật Tử không có kiểu “ra lệnh như quân đội”. Người trên muốn người dưới tuân phục thì phải biết thuyết phục họ bằng uy tín của mình, bằng sự công minh chính trực trong công việc và bằng tính hợp lý, khả thi, lợi ích của vấn đề mình muốn tập thể hưởng ứng làm theo. Do vậy, ban huynh trưởng phải thường xuyên ứng dụng pháp môn Lục Hòa trong sinh hoạt mọi lúc mọi nơi.
Sợi dây gắn bó những đoàn viên trong một đơn vị Gia Đình Phật Tử với nhau, đó là :
-Tình thương chân thật của huynh trưởng đối với đoàn sinh
-Sư biết ơn và niềm yêu kính của đoàn sinh đối với huynh trưởng
Tất cả mọi người được cột chặt với nhau bằng một sợi dây vô cùng bền chắc gọi là Tình Lam. Chính điều này đã lý giải tại sao một tổ chức không danh lợi, không quyền lực gì hết như Gia Đình Phật Tử mà lại tồn tại hơn 60 năm qua, mặc cho thời cuộc bên ngoài đổi thay như chong chóng quay. Anh chị em Lam viên thương yêu gắn bó dưới một Mái Nhà Chung, không ai lật đổ ai, không ai tranh giành quyền bính với ai.
Trong một tập thể đơn vị Gia Đình Phật Tử không có mặt danh lợi, không có mặt quyền lực, chỉ có hy sinh. Đối tượng để cho mọi người hy sinh chính là Đạo Pháp. Tất cả mọi hoạt động của Gia Đình Phật Tử đều không ngoài mục đích làm cho Đạo Pháp xương minh, phát triển rộng khắp quần sanh, đem lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca đến với mọi người để xã hội thêm vui bớt khổ. Mục tiêu tổ chức Gia Đình Phật Tử hướng đến là : càng có nhiều người biết và làm theo lời Phật dạy thì xã hội càng thêm vui bớt khổ.
Huynh trưởng và đoàn sinh là hai thành phần chính của một đơn vị Gia Đình Phật Tử , trong đó đoàn sinh là thành phần hưởng thụ giáo dục; Huynh trưởng là thành phần thực hiện giáo dục theo mục đích của tổ chức Áo Lam đề ra. Huynh trưởng là những cán bộ của Giáo Hội, là những người tự nguyện gánh vác nhiệm vụ do Giáo Hội tin tưởng giao cho mà không đòi hỏi bất cứ một hình thức đãi ngộ nào. Người huynh trưởng, ngoài việc làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình, thời gian còn lại dành hết cho Gia Đình Phật Tử, xem như một cách để báo ân Tam Bảo và coi đó là niềm vui, là phần thưởng trong cuộc đời đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử của mình.
Đoàn sinh cũng là những người tự nguyện đến với tổ chức Áo Lam. Các em đến sinh hoạt mỗi tuần là vì thích vui chơi trong một tập thể hiền hòa, tươi vui và cùng một niềm tin nơi Đức Bổn Sư Thích Ca. Các em đến với Gia Đình Phật Tử là để “học mà chơi-chơi mà học” những điều không được dạy ở nhà trường. Các em thích sự giáo dục nhẹ nhàng, tùy duyên và có tính huân tập trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử để quên đi những giờ phút học tập vất vả, đầy áp lực nơi nhà trường phổ thông. Trong sinh hoạt hiện nay tại các đơn vị Gia Đình Phật Tử, số lượng đoàn sinh lên xuống thất thường, nguyên nhân chính là vì các em phải đi học thêm vào ngày chủ nhật (Nội cái việc phải đi học thêm vào ngày nghỉ cũng đủ chứng minh cho áp lực của sự học ngày nay !)
Gia Đình Phật Tử không có bất cứ một hình thức ràng buộc nào như là một thứ kỷ luật của tổ chức áp đặt lên đoàn viên để giữ chân họ sinh hoạt mãi mãi trong tổ chức mình. Vì vậy, một đoàn viên có thể sinh hoạt một vài năm rồi không đi nữa; hoặc cũng có người đủ thuận duyên sinh hoạt từ khi còn là đoàn sinh cho tới ngày bước lên vị trí người huynh trưởng (thời gian này, tối thiểu là 5 năm, tối đa là 12 năm). Thời gian dễ rời xa tổ chức nhất của một đoàn viên Áo Lam là từ 19 đến 25 tuổi, độ tuổi mà con người bận bịu với việc tạo lập cuộc sống tương lai cho chính mình. Nhưng nếu là người đã thâm nhập với lý tưởng màu Lam rồi thì việc tạm xa rời chiếc áo lam không phải là quan trọng lắm, các anh chị em vẫn có thể trở lại sinh hoạt ở một đơn vị gần nơi mình công tác sau khi công ăn việc làm đã tạm ổn định.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1