Như trên đã nói, tại Huế năm 1932, Hội An Nam Phật Học được thành lập, sáng lập ra Hội là 5 vị Hòa thượng chứng minh và 11 vị Cư sĩ, hội trưởng là Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Năm sau 1933, tạp chí Viên Âm được xuất bản và liên tục cho đến năm 1951. Năm 1935, Hội đã thành lập được Phật Học Viện gồm đủ Cao đẳng, Trung đẳng và Sơ đẳng. Đến năm 1936, các tỉnh miền Trung và Cao nguyên Trung phần đều thành lập Tỉnh hội, tất cả các Tỉnh hội đều chung lại một Tổng hội đồng, chính thức thành lập Tổng hội, trụ sở chính đặt tại chùa Từ Đàm – Huế.
“Từ năm 1932 đến năm 1945, tại miền Trung, Hội hoạt động dưới danh nghĩa An Nam Phật Học Hội. Đến năm 1945 mới đổi danh hiệu thành Việt Nam Phật Học Hội” (1). Tôn chỉ của Hội là học và hành giáo lý của Phật, cụ thể với 3 phương châm: thứ nhất, học hỏi và nghiên cứu giáo lý cho thâm hiểu; thứ hai, áp dụng giáo lý vào đời sống tu tập cho bản thân, gia đình và xã hội; thứ ba, truyền bá giáo lý cho mọi người.
Với ba phương châm như thế, Hội đã thiết lập một chương trình hướng dẫn tu tập cho lớp trẻ, tạo điều kiện cho các em học Phật và tu Phật, trở thành con người có nhân cách đạo đức tốt, một Phật tử chân chánh, là con ngoan trò giỏi và làm người hữu ích cho xã hội. Cư sĩ Lê Đình Thám, ngoài những công việc là bác sĩ, thầy thuốc tây, quản đốc Bệnh viện Bài lao ở Huế, dù công việc rất bận rộn nhưng Cụ không bỏ qua các buổi sinh hoạt của Hội, chẳng những bên Tăng già, học đường, báo chí v.v… mà còn bên cư sĩ và hội viên. Cụ kết hợp lại các tổ chức như Đoàn Thanh niện Phật học Đức dục, Đồng Ấu Phật tử, Gia Đình Phật Hóa Phổ (nay là Gia Đình Phật Tử) tạo ra mối liên hệ chặt chẽ trong tổ chức.
Nguyên nhân thành lập:
“… – Đối với đạo, nếu đạo Phật là đạo của mọi loài, mọi người, thì đạo Phật cũng là đạo của thiếu nhi, đạo của tuổi trẻ. Đức Phật đã hóa độ cho La Hầu La và 500 thiếu nhi; Đức Phật đã nhận lãnh sự cúng dường của một em bé chơi đất bên vệ đường, Ngài cũng thuyết Thiếu Niên Kinh v.v… Điều này cũng đủ chứng tỏ đạo Phật đặc biệt lưu tâm đến tuổi trẻ.
– Hội Phật Giáo có hai tầng lớp: hội viên và con em của hội viên. Cho nên cần phải lo xây dựng tín ngưỡng thuần chánh cho hàng con em của hội. Hai nguyên nhân trên đây là hai động cơ thúc đẩy Gia Đình Phật Tử ra đời…” (2)
“…Đạo Phật là đạo của mọi người, đạo Phật cũng là đạo của thiếu nhi, của tuổi trẻ, Gia Đình Phật Tử ra đời, các đoàn thể thiếu nhi hoạt động, mục đích áp dụng đạo Phật trong sự giáo dục thiếu nhi, đào tạo thiếu nhi thành những Phật tử chân chánh, sống đúng tinh thần đạo Phật, sống lợi ích cho các em, cho gia đình, cho mọi người.Sự giáo dục ở đây hoàn toàn chú trọng hướng dẫn các em sống theo hạnh Tinh tấn, Thanh tịnh, Hỷ xả, Trí tuệ, Từ bi” (3)
Tác giả Nguyễn Lang đã viết trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận như sau:
“Năm 1932, hội An Nam Phật Học ở Trung kỳ, những tổ chức thiếu niên, thiếu nữ đã có mặt rồi, được gọi là Ban Đồng Ấu.Như ở miền Trung thì do các vị như Bửu Bác… chăm sóc dạy dỗ; ở miền Bắc thì do các vị như Công Chân… luyện tập. Tuy nhiên, những Ban Đồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo phương pháp mới…”
Những em nhỏ đồng ấu này là con em của các hội viên đến chùa vào các dịp lễ lớn. Hình ảnh của các em được dân chúng biết đến và ấn tượng nhất là vào ngày lễ Phật Đản đầu tiên được tổ chức quy mô tại Huế năm 1935.
“…Trong đoàn rước Phật Thích Ca sơ sinh từ chùa Báo Quốc về chùa Diệu Đế, tràng phan và đèn lồng, dàn lỗ bộ, nhạc trổi bát âm đi hai hàng, khởi hành từ 7 giờ tối cho đến 10 giờ đêm. Kế đến rước Lưỡng Tôn Cung (Tiên Cung và Thánh Cung), Bảo Đại. Ban Đồng Ấu của Hội Phật Học gồm có 52 em nam lẫn nữ trong trang phục đồng bộ, áo mũ “Mã Tiên” vai gắn đèn hoa sen vừa đi vừa hát bài “Hải Triều Âm” (Trầm Hương Đốt), “Ngày Vía Đản Sanh”, v.v…của nhạc sĩ Bửu Bác, Bửu Ấn, v.v…với dàn kỵ mã, trổi nhạc bát âm cùng với những bài hát mang làn điệu cổ truyền thanh nhã như: Đăng Đàn Cung, Ngũ Đối, Long Ngâm, v.v… của nhã nhạc cung đình Huế. Làn điệu này được dùng vào những dịp cung đón nhà vua thăng triều, hồi cung, tế lễ, v.v…” (4)
Với hình ảnh tươi đẹp của tuổi thơ trong những bài hát dâng hương, dâng hoa vào các ngày đại lễ Phật giáo, các em được các hội viên quan tâm nhiều hơn. Từ đó, các em thường sinh hoạt với danh nghĩa “Ban Đồng Ấu Phật Tử” , trong sự đùm bọc của Hội và sự dẫn dắt của các anh Đoàn Phật Học Đức Dục. Hội An Nam Phật Học đã ấn định hằng năm, nhân ngày Khánh đản Đức Phật Tổ, Hội sẽ tổ chức cuộc đại hội các Ban Đồng Ấu. Lễ này đã cử hành nhiều năm từ 1935 cho đến khi Gia Đình Phật Hóa Phổ chính thức thành lập 1944. Tất cả đều được kết quả mỹ mãn, đem lòng tin mạnh và vui tươi đến cho Hội và các em. Đến mùa Phật Đản năm 1942, Tỉnh hội Thừa Thiên đã tổ chức tất cả được 15 Ban Đồng Ấu.
*Mục đích của các ban Đồng Ấu là giúp các em trở thành những Phật tử chân chánh. Các em là đoàn Thiếu niên Phật tử tiên phong, các em sẽ gắng xứng với danh dự ấy.
*Tổ chức : Ban Đồng Ấu đặt dưới sự quản trị của Tỉnh hội Phật giáo. Tại mỗi khuôn hội chỉ có 2 đến 4 ban Đồng Ấu. Thành phần lãnh đạo gồm:
Mỗi ban Đồng Ấu gồm có 4 chúng. Mỗi chúng có kiểm và phó kiểm chúng. Mỗi chúng không quá 8 em. Chương trình học chia ra bốn bậc:
(Bốn bậc này, ngày nay được đổi thành Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng, Tung bay của ngành Đồng) (Xin mời xem tiếp kỳ sau…)
Chú thích :
(1)HT Thích Trí Quang: Tâm Ảnh Lục tập 3.Hội Phật Giáo Tăng Già Trung phần xuất bản 1962, trang 184
(2)Nguyễn Khắc Từ: trong nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, Tổng hội PGVN phát hành, số 24 ra ngày 15/8 Mậu Tuất (1958)
(3)Minh Châu-Thiên Ân-Đức Tâm-Chơn Trí: Phật Pháp GĐPT. NXB Tôn Giáo tái bản năm 2000, trang 10
(4)Vân Thanh: Lược khảo Phật Giáo Sử Việt Nam, 1974, trang 220.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1