Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 7)

G

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả :  THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 7)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1)Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

“Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam đã hơn hai ngàn năm. Ngay từ rất sớm, Phật giáo đã được tiếp nhận và trở thành tư tưởng chủ đạo trong nền văn hóa dân tộc.Suốt hai ngàn năm lịch sữ, Phật giáo luôn đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của đất nước, trong công cuộc chống ngoại xâm,cũng như sự nghiệp dựng nước, mở mang bờ cõi đánh bạt âm mưu xâm lăng và nô dịch về văn hóa của thế lực phương Bắc trong nhiều giai đoạn”  (1)

Chính vì thế mà Phật giáo cũng trải qua nhiều thời kỳ khác nhau theo vận mệnh của đất nước. Như : thời kỳ du nhập truyền bá từ thế kỷ II đến thế kỷ VI. Thời kỳ hưng thạnh từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV. Thời kỳ suy đồi từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Trong thời kỳ suy đồi này, Phật giáo bị Nho giáo công kích và không được triều đình trọng dụng. Lâu dần, Phật giáo trở thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức hệ thống gì nữa, các Tăng, Ni phần nhiều ít học, bày ra các mối dị đoan, các nghi lễ phiền phức, còn giáo lý cao siêu của nhà Phật thì ít người biết đến. Giai đoạn này, Phật giáo Đàng Trong được các Chúa Nguyễn sùng kính nên cũng được phát triển tại một số vùng ở miền Trung và miền Đông Nam bộ. Nhưng đến thời Tây Sơn (1778-1802), vì công cuộc đánh quân Thanh phương Bắc nên một số Tăng sĩ đã bị bắt buộc hoàn tục để nhập ngũ. Chùa chiền bị hoang phế, tượng Phật và pháp khí bị mang đi đúc làm binh khí.

Các nhà sư thời Nguyễn (nguồn: Internet)

“Khi nhà Nguyễn thống nhất từ thời Gia Long cho đến đầu thế kỷ XX, Phật giáo trở thành lợi khí chính trị trong tay các vua chúa để củng cố xây đắp ngôi báu của mình, còn Tăng sĩ thì bị trục xuống hàng thủ tự (ông từ giữ chùa) hay thầy cúng. Phật giáo bây giờ chỉ còn cái xác. Một số chùa, tăng ni phạm trai phá giới là chuyện bình thường” (2)

Trong bối cảnh như thế, các nhà chân tu thật học và hàng lớp trí thức có thiện chí với đạo Phật đã trăn trở và luôn mong muốn làm sao để chấn hưng Phật giáo thoát khỏi tệ nạn này. May mắn thay, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào phục hưng Phật giáo diễn ra trên nhiều nước như : Tích Lan, Ấn Độ v.v… Đặc biệt cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Trung Quốc do Thái Hư Đại Sư chủ trương từ năm 1912 đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

“Thái Hư Đại Sư là nhân vật lịch sử của Phật giáo, trên lịch sử truyền bá của Phật giáo thế giới, là người vạch một giai đoạn mới mẻ vĩ đại. Chính Đại Sư là người khởi xướng và chỉ đạo cuộc tân vận động của Phật giáo cận đại và hiện đại. Tư tưởng và hành động, trí tuệ và đức hòa của Đại Sư ảnh hưởng đến toàn thể tín đồ Phật giáo thế giới,nhất là Âu, Mỹ. Riêng tại Việt Nam, ảnh hưởng ấy rất lớn. Đại sư Trí Độ, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám có thể là học trò bằng sách của Ngài. Ngay cả Ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định, người dẫn đầu nghĩa học Phật giáo Việt Nam cũng tiếp nhận tư tưởng của Thái Hư Đại Sư không ít. Hẳn Thái Hư Đại Sư không bao giờ nghĩ và biết được lời của mình viết, việc của mình làm có thể vượt ngoài biên cương nước Trung Hoa, tràn ra chi phối đến tất cả các tầng lớp nghĩa học của Phật giáo toàn thế giới.” (3)

Thái Hư Đại Sư (1890-1947)

Thái Hư Đại Sư đứng lên lãnh đạo cuộc tân vận động Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo thế giới. Ngài đã xướng lên công cuộc chấn hưng với ba phương diện : Cách mệnh giáo lý – Cách mệnh giáo chế – Cánh mệnh giáo sản (4)

Ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo của Trung Hoa, các vị cao tăng tâm huyết với đạo pháp nước nhà đã dấy lên phong trào  chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.

Khởi đầu là tại miền Nam (1920-1929), người đóng vai trò chủ xướng và vận động chấn hưng Phật giáo là Hòa thượng Khánh Hòa. Chính Hòa thượng là linh hồn của phong trào này. Lúc bấy giờ, Hòa thượng nhận thấy Tăng-Tín đồ chỉ một số ít hiểu đạo, còn giềng mối giới luật thì bị xem thường. Vì thế, Hòa thượng phải lo làm thế nào để phục hưng lại Phật giáo.

“Hơn nữa, đương thời Cụ, có tân triều cách mạng Tân Hợi (1911), phong trào chấn hưng Phật giáo của Trung Hoa qua các báo từ Thượng Hải, Hồng Kông đưa sang. Hòa thượng kêu gọi Tăng-Tín đồ Nam kỳ mau mau tỉnh thức để xây dựng lại cái nhà chung của Phật giáo đã bị đổ nát, hoang tàn.” (5)

Năm 1928, Hòa thượng cùng với các vị cao tăng Nam kỳ thành lập “Phật Học Viện Thư Xã”  tại chùa Linh Sơn –Sài Gòn. Sau khi thành lập, Sư Thiện Chiếu thỉnh Đại tạng kinh về tôn trí tại đây. Năm 1929, Thư xã khởi công biên tập, xuất bản tạp chí Pháp Âm và khánh thành Tàng Kinh Các. Cũng tại chùa Linh Sơn năm 1930, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học lâm thời được thành lập, nhưng vào đầu năm 1931, hội này mới được chính thức công nhận và tạp chí Từ Bi Âm mới ra mắt độc giả. Đồng thời, hội còn ra tờ báo “Phật Hóa Tân Thanh Niên” với sự cộng tác của cây bút Trần Huy Liệu. Sau đó “Lưỡng Xuyên Phật Học Đường” khai giảng và xuất bản tạp chí “Duy Tâm”  vào ngày 10 tháng tư năm 1935.

Từ ảnh hưởng của phong trào nghiên cứu Phật học ở Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa chủ xướng, Hội Phật Giáo Trung Kỳ thành lập vào năm 1932. Hòa thượng Giác Tiên và Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám bắt đầu khai đạo tràng ở chùa Trúc Lâm, mời Ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định làm chủ giảng.

Đầu năm 1932, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ xướng và thảo điều lệ xin phép chính thức thành lập Hội An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm. Khởi đầu, hội có 5 vị hòa thượng chứng minh (như Ngài Giác Tiên, Giác Nhiên v.v…) và 11 cư sĩ, trong đó Cư sĩ Lê Đình Thám làm Chánh Hội trưởng. Sau một thời gian ngắn, vì xa nên các ngài mượn chùa Từ Quang làm trụ sở.

Cư sĩ Lê Đình Thám còn xin phép chánh quyền xuất bản tờ Viên Âm nguyệt san và chính cư sĩ làm chủ nhiệm. Số 1 của nguyệt san này ra đời vào ngày 01/2/1933.

Năm 1933. Hội mượn chùa Vạn Phước để thiết lập trường học, mở lớp sơ cấp cho học Tăng, do Thầy Mật Khế làm chủ giảng. Khi Hòa thượng Mật Khế viên tịch (08/4 Ất Hợi – 10/5/1935), trường này dời về xây dựng tại mé bên phải sân chùa Báo Quốc, lễ đặt đá vào ngày 27/10/1935. Hòa thượng Trí Độ làm Đốc giáo . Đến cuối năm 1944, lớp Cao đẳng tốt nghiệp. Tháng Chạp cùng năm, trường dời về Kim Sơn và đổi tên là Đại Tòng Lâm. Xuất thân từ trường này có các vị cao Tăng như : HT Trí Quang, Thiện Minh, Trí Tịnh, Thiện Siêu v.v… (Còn tiếp…) 


Chú thích:

  • Thích Tâm Hải: Phật Học Cơ Bản tập 3 Nxb TPHCM -1999, trang 9
  • Tuệ Giác : Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử Nxb Hoa Nghiêm-1964, trang 74
  • Thích Trí Quang : Tâm Ảnh Lục tập 1 Tổng Hội Tăng Già Trung phần, trang 256
  • Theo HT Trí Quang giải thích trong Tâm Ảnh Lục
  • Vân Thanh: Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt Nam – 1974, trang 204


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang