Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 24)

G

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 24)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1) Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

2) Giai đoạn hình thành (1940 – 1950)

2a. Đồng Ấu Phật Tử

2b. Đoàn Phật Học Đức Dục

2c.Gia Đình Phật Hóa Phổ

II-GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1951 – 1974)

*Năm 1951: đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ I tại Huế

*Năm 1953: đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ II tại Huế

* Năm 1955: đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ III tại Đà Lạt

*Năm 1961:đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ IV tại Sài Gòn

*Năm 1963: GĐPT tham gia cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo

*Năm 1964: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời.
                     Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ V tại Sài Gòn

*Năm 1967: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VI tại Sài Gòn

*Năm 1970: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VII tại Qui Nhơn (Bình Định)

*Năm 1973: Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ VIII tại Đà Nẵng

III-GIAI ĐOẠN TIỀM ẨN (1975 – 1996)

*Năm 1975 đến 1980 : GĐPT cả nước tạm ngưng sinh hoạt nhưng “ngọn lửa Lam” vẫn âm ỉ trong tim của từng đoàn viên GĐPT.

*Cuối năm 1981: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời.

IV-GIAI ĐOẠN TÁI PHÁT TRIỂN (từ năm 1997 đến nay)

*Năm 1997:

“Với 500.000 đoàn sinh Phật tử trong toàn quốc, nhiệm vụ trọng tâm của Ban HDNNCSPT là hướng dẫn sinh hoạt tu học cho các giới Nam Nữ Cư sĩ Phật tử, trong đó có GĐPT bao gồm các Thanh Thiếu Nhi. Khi được Hội đồng Trị sự ra quyết định bổ nhiệm thành phần nhân sự Ban HDNNCSPT nhiệm kỳ III, chúng tôi đã phân công phân nhiệm, vạch phương hướng hoạt động ngắn hạn,, dài hạn, dựa trên nhận thức tình hình cụ thể (…) Tuy nhiên, chỉ thời gian đầu, còn thời gian về sau, vì lý do cơ bản, các vị ủy viên đều cư trú rải rác khắp các tỉnh, thành, cho nên hoạt động thiếu đồng bộ, chỉ thu gọn có Thường trực Ban Hướng Dẫn, do vậy chỉ có tính cách điều hành chung, chứ chưa thực hiện công tác gì đáng nêu (trích lời của Thượng tọa Thích Đạt Đạo, Chánh Thư ký Ban HDNNCSPT Trung ương GHPGVN).

Thành quả của Ban HDNNCSPT nhiệm kỳ I, II và III như sau: “Đây là phương hướng của Ban HDNNCSPT Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng có thể áp dụng phương hướng này cho toàn quốc về GĐPT nhiệm kỳ tới:

a.Từng bước thống kê một cách chính xác số lượng GĐPT và các đoàn sinh toàn thành phố và ra quyết định công nhận

b.Từng bước triển khai chương trình hoạt động của Ban HDNNCSPT

c.Tạo điều kiện mở các lớp NNCSPT sinh hoạt và tu học theo từng giới

d.Tổ chức hội thảo chuyên đề cho các ngành

e.Tổ chức các khóa bồi dưỡng và đào tạo huynh trưởng GĐPT thuộc ngành HDNNCSPT.”

“…Thiết nghĩ, đối với chư vị tôn túc lớn tuổi đã từng đóng góp nhiều thành tích tốt đẹp cho Đạo pháp và Dân tộc, chúng ta vẫn cần trân trọng, đặt vào vị trí hàng cố vấn chứng minh. Tuy nhiên, nên mạnh dạn và gấp rút trẻ trung hóa hàng ngũ lãnh đạo hay ít nhất là bộ phận thường trực tương đối còn trẻ, có năng lực, có đạo đức. Nêu không, giới Phật giáo chúng ta khó đứng vững, không thể sánh vai cùng xã hội trong thế kỷ tới (…), từ đó, chẳng mấy chốc dẫn đến sinh hoạt Phật giáo không còn thích hợp với con người thời đại mới. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại tinh ba Phật dạy: đạo Phật là sự sống luôn vận hành, hiện hữu trên cuộc đời vì hạnh phúc, vì an lạc cho mọi loài” (Trên đây là trích các bài báo đăng trong các số báo Giác Ngộ ngày 29/3/1997 và 27/9/1997)

Như vậy, để trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo, thì cần phải xây dựng từ tăng ni trẻ và Phật tử trẻ. Điều này, Giáo hội cần quan tâm đến tín đồ Phật tử Thanh Thiếu niên, đó chính là GĐPT, mà chương trình “Hướng về chào mừng đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ IV” được các ban ngành và các vị lãnh đạo Giáo hội quan tâm.

Ngày 29/10/1997 , Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký HĐTS/ GHPGVN, là thành viên của ban sáng lập GĐPT, đã triệu tập 4 vị huynh trưởng cấp Dũng là : Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Nguyễn Châu và Nguyễn Xuân Quyền về thiền viện Vạn Hạnh để họp nhằm “tìm cách cho GĐPT được sinh hoạt đều đặn và có hiệu quả phù hợp với tình hình mới của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam”

Nội dung cuộc họp nhất trí về 5 nhận định như sau :

1.Sinh hoạt GĐPT nhằm đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội. Sinh hoạt này trước đây đã đạt được những thành quả tốt đẹp, nay cần phải được phát huy.

2.Từ ngày được thành lập, GĐPT luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo được Nhà nước chấp nhận, như Hội An Nam Phật Học, Hội Phật Học Nam Việt, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nay sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử cần được thức hiện trong khuôn khổ pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

3.Một số ít điều trong Nội quy và Quy chế Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cần được tu chính cho phù hợp với Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

4.Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT cần chung sức chung lòng, cùng nhau đẩy mạnh sinh hoạt GĐPT để đóng góp vào sự nghiệp chung của Phật giáo và Đất nước.

5.Gia Đình Phật Tử cần tranh thủ để được sự quan tâm giúp đỡ cụ thể của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong các sinh hoạt.

Tham luận của Thượng tọa Thích Toàn Đức, đại biểu Phật giáo huyện Di Linh tại đại hội kỳ V Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng:

“Vấn đề giáo dục con em Phật tử ươm mầm hạt giống, đào tạo tầng lớp kế thừa, lúc nào cũng được quan tâm đúng mức. Trong xã hội hiện nay, những tệ nạn đang lan tràn trong tầng lớp Thanh Thiếu niên, càng khiến chúng ta gia tâm lo lắng hơn bao giờ hết. Là một tổ chức thường xuyên gắn bó với Giáo hội trong nhiều công tác Phật sự, thì việc duy trì và phát triển GĐPT phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Giáo hội chúng ta”

Thượng tọa Thích Đạt Đạo, Chánh Thư ký Ban HDNNCSPT nhận định:

“Nam nữ Phật tử là lực lượng hộ pháp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (…) Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn 1992-1997 hoạch định cho nhiệm kỳ tới như sau:

Thứ nhất, kế hoạch thực chương trình tu học cho các đạo tràng và GĐPT.

Thứ hai, đúc kết các ý kiến đóng góp bổ sung cho Nội quy GĐPT đề Ban HDNNCSPT nhiệm kỳ mới tiếp tục làm việc bằng cách thành lập một bộ phận gồm các huynh trưởng có cấp thâm niên, có kinh nghiệm, để hoàn chỉnh và thông qua các thủ tục cần thiết trước khi trình Hội Đồng Trị Sự phê chuẩn.”

Trong một bài đăng trên báo Giác Ngộ ra ngày 20/9/1997, Luật sư Đăng Huy góp ý  với Giáo hội :

“Bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào, cơ sở vững mạnh thì tổ chức mới tồn tại và phát triển. Cơ sở Giáo hội không thể mạnh nếu bỏ quên một thành phần quan trọng là Cư sĩ, và cũng không thể mạnh nếu họ không được tổ chức để được thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Giáo hội không thể bỏ quên một thành phần tế bào của mình là Cư sĩ. Giáo hội không thể chỉ có Tăng Ni”

Ngày 22,23/11/1997, đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ gần 500 đại biểu của 49 đơn vị Tỉnh, Thành Hội Phật Giáo trong cả nước.

Theo báo cáo tổng kết của Hội Đồng Trị Sự tại đại hội kỳ IV, thì những hoạt động của Ban HDNNCSPT có những bước tiến như sau:

“Thực hiện tinh thần tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm qua, Ban HDNNCSPT Trung ương, Tiểu ban HDNNCSPT các Tỉnh, Thành hội đã triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II, đặc biệt là nhiệm kỳ III, với Hiến chương Giáo hội đã được tu chính cũng như chương trình hoạt động và Nội quy của Ban HDNNCSPT Trung ương, các Nghị quyết, Thông bạch 455, 570, 577 của Trung ương Giáo hội về việc củng cố v2 ổn định sinh hoạt GĐPT dưới sự lãnh đạo chung của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

Được sự chỉ đạo của ngành HDNNCSPT và các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng tại địa phương theo Thông tư 01 của Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, tổng kết sơ khởi đã có khoảng 650 đơn vị GĐPT đăng ký với Tỉnh, Thành hội Phật giáo, với 44.407 đoàn sinh và 5.409 huynh trưởng sinh hoạt trong Giáo hội. Đồng thời, chương trình sinh hoạt GĐPT được triển khai có hệ thống như ra quyết định tạm thời công nhận GĐPT, mở các khóa huấn luyện Huynh trưởng, Đội-Chúng trưởng, Đầu-Thứ đàn, trại sinh hoạt hè, trại truyền thống v.v…tại các Tỉnh, Thành hội như: TP,Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẳng, Đăk-Lăk , Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Bình Dương, Cà Mau v.v…với hàng chục ngàn đoàn sinh tham dự.”

Cũng trong Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc lần IV, đoàn đại biểu Phật Giáo TP.Đà Nẳng có bài tham luận nói về GĐPT như sau:

“GĐPT đã được hình thành tại đất Đà Thành từ trước năm 1950 đến nay đã gần nửa thế kỷ.Trong suốt 50 năm qua, GĐPT đã gắn bó với Giáo hội trong mọi sinh hoạt như: tu học, hoằng dương Phật pháp, công tác xã hội từ thiện, xây dựng các Phật sự văn hóa, lễ lược v.v…

Nói chung, GĐPT đã cung cấp nhiều đoàn viên ưu tú nay trở thành Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni cho Giáo hội trên toàn quốc và đã đào tạo được nhiều cư sĩ tham gia và lãnh đạo các cơ sở Giáo hội phường, xã, Ban Đại diện Quận, Huyện và Ban Trị sự Tỉnh, Thành.

Nhưng, đáng kể nhất là tổ chức GĐPT đã giúp đào tạo bao thế hệ trẻ trở thành người con ngoan trong gia đình, người công dân tốt cho Tổ quốc, người cư sĩ hộ đạo cho Giáo hội hiện nay. Do đó, Ban Trị sự chúng tôi nhận thấy:

Để xây dựng nền thống nhất lãnh đạo của Giáo hội một cách toàn vẹn, Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Đà Nẳng trân trọng đề đạt lên Chư Tôn Đức và Đại hội:

+Về pháp lý: đưa tổ chức GĐPT Việt Nam vào Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

+Về pháp nhân: xác định vị trí của GĐPT trong cơ cấu tổ chức các cấp Giáo hội từ Trung ương xuống các tỉnh như là một ngành hoạt động trong điều 19 và có một Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT như điều 20 của Hiến chương GHPGVN. Vì hiện nay trên toàn quốc có nửa triệu đoàn viên với nề nếp sinh hoạt khá hoàn chỉnh, chương trình tu học giáo dục đặc thù phù hợp với văn minh thời đại” (Còn tiếp…)

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang