Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 12)

G

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả :  THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 12)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1) Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

2) Giai đoạn hình thành (1940 – 1950)

2a. Đồng Ấu Phật Tử

2b. Đoàn Phật Học Đức Dục :

2c.Gia Đình Phật Hóa Phổ

GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ

Trong bài viết vừa qua (kỳ 11), chúng tôi đã trình bày về tình hình sinh hoạt của Gia Đình Phật Hóa Phổ tại Trung phần.

Bài viêt kỳ này xin nói về sinh hoạt GĐPHP tại Bắc phần.

-Ban Đồng Ấu : khoảng năm 1937 – 1938, chư Thượng tọa và một số cư sĩ trong ban quản trị tập họp các em con cháu hội viên thành lập một đoàn gọi là Ban Đồng Ấu. Mỗi dịp đại lễ, các em sẽ làm lễ dâng hoa (dâng lục cúng). Cư sĩ Thiều Chửu hướng dẫn các em tập đánh các loại đàn dân tộc và sáng tác nhiều bài hát (khoảng 15 bài Phật ca), dạy các em hát để dùng trong lệ lược của Hội. Đây là thời kỳ phôi thai của Gia Đình Phật Tử.

-Gia Đình Phật Hóa Phổ:  Với thời gian, các em trong Ban Đồng Ấu lớn dần. Hình thức sinh hoạt, phương pháp hướng dẫn các em cần thay đổi cho phù hợp. Khoảng năm 1947 – 1948, Thượng tọa Tố Liên lập tại chùa Quán Sứ một Cô nhi viện nuôi khoảng 200 em mồ côi và mở trường Khuông Việt cấp tiểu học. Các em cô nhi và học sinh trường Khuông Việt được chia theo đội, đoàn để dễ điều động. Chương trình sinh hoạt đều đặn: Mỗi tối thứ năm học giáo lý (Phật pháp). Sáng chủ nhật lễ Phật và được hướng dẫn ca hát cùng các môn Hoạt động Thanh niên. Huynh trưởng Thông Phương Đặng Văn Khuê được giao trông nom xây dựng Gia Đình Phật Hóa Phổ sơ khởi này.

Khoảng năm 1949 – 1950, Gia Đình Phật Hóa Phổ dần dần có nề nếp, quy củ và lớn mạnh. Các đoàn, đội, chúng được tổ chức cùng với phân ngành nam nữ riêng rẽ, có huynh trưởng phụ trách. Gia Đình Phật Hóa Phổ Minh Tâm ở chùa Quán Sứ là Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên thành lập ở miền Bắc.

Gia đình Phật Hóa Phổ Minh Tâm (ảnh tư liệu)

Nhân ngày lễ Thành Đạo Phật lịch 2495, nhằm ngày 04/1/1952, Gia Đình Phật Hóa Phổ Minh Tâm được chính thức công nhận là Gia Đình Phật Tử Minh Tâm. Sau GĐPT Minh Tâm, các Gia đình Liên Hoa, Phổ Quang, Minh Đạo, Từ Quang lần lượt được thành lập. Gia Đình Phật Hóa Phổ Minh Tâm do cư sĩ Viên Quang hướng dẫn. Gia Đình Phật Hóa Phổ Liên Hoa I tại Hà Nội, Liên Hoa II tại Hải Phòng do anh Lê Văn Lãm và chị Ni (nay là Sư Bà Hải Triều Âm) hướng dẫn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của GĐPT, Hội Việt Nam Phật Giáo thành lập Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt để phụ trách.

Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt gồm có :

-Trưởng ban : Bác Nguyễn Văn Nhã

-Phó trưởng ban : Anh Lê Vinh , chị Tuệ Mai

-Ủy viên Văn-mỹ-nghệ: anh Trần Thanh Hiệp và các ủy viên khác. Về sau có sự tham dự của bác Lê Văn Lãm và chị Ni, v.v…

Tại Sài Gòn, Gia Đình Phật Hóa Phổ đã có mầm mống từ năm 1949 đến năm 1950. GĐPHP Chơn Trí sau đổi thành Chánh Giác trực thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt do Thầy Thích Huyền Dung làm cố vấn, các anh Nguyễn Văn Thục, Trần Ngọc Diệp là huynh trưởng đầu tiên hướng dẫn. Mục đích, châm ngôn và điều luật đều dựa theo GĐPHP tại Huế…

Nói chung, trong giai đoạn 1947 – 1950, Gia Đình Phật Hóa Phổ mới bắt đầu có đồng phục, chia thành đoàn, đội và xếp theo từng lứa tuổi.

Vào tháng 7/1949, bản Nội Quy đầu tiên được soạn thảo cho Gia Đình Phật Hóa Phổ do Hòa thượng Thích Minh Châu (Đinh Văn Nam), Võ Đình Cường, Tráng Thông, Hoàng Thị Kim Cúc Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Xuân Quyền, Đinh Văn Hy, Phan Xuân Sanh, v.v…với nội dung gồm có: mục đích, châm ngôn, luật, phương pháp giáo dục và hệ thống tổ chức.

Mục đích:

-Đào tạo những Phật tử chân chính và xây dựng hạnh phúc trên nền tảng luân lý Phật giáo.

1.Dạy cho các em biết sơ qua giáo lý của đức Phật.

2.Tập cho các em sống theo đạo đức Phật giáo

Chuẩn bị cho các em trở thành những Phật tử chân chính để phục vụ chánh pháp

Châm ngôn : Hòa thuận, Tin yêu, Vui vẻ

Điều luật : gồm 10 điều

  1. Phật tử học kinh niệm Phật
  2. Phật tử kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em
  3. Phật tử nhân từ với người và vật
  4. Phật tử chọn bạn tốt và mến thương bạn
  5. Phật tử vui buồn cùng chia, nhắc nhở nhau làm lành tránh dữ
  6. Phật tử giữ lời nói ôn hòa, ngay thật
  7. Phật tử thật thà, siêng năng, thứ tự, sạch sẽ
  8. Phật tử sống giản dị và điều độ
  9. Phật tử bình tĩnh và lạc quan
  10. Phật tử làm tròn bổn phận

Phương pháp giáo dục:

Giáo dục theo tinh thần Phật giáo, chương trình gồm có: giáo lý, hoạt động thanh niên, văn nghệ, tham gia hộ niệm. “Phần hoạt động thanh niên chịu ảnh hưởng ít nhiều ở phương pháp giáo dục mới của Hướng Đạo như: các dấu đi đường, morse, sémaphore, gút, v.v…

Hệ thống tổ chức:

Đứng đầu mỗi gia đình là Phổ trưởng, bên cạnh Phổ trưởng là Huynh trưởng từng ngành, đoàn viên gọi là phổ viên. Gia Đình Phật Hóa Phổ trực thuộc Giáo hội địa phương.

Khẩu lệnh : Tinh tấn!

Bài ca chính thức : “Trầm Hương Đốt” của nhạc sĩ Bửu Bác

Sinh hoạt : Hằng tuần sinh hoạt vào tối thứ bảy, ngoài ra còn có các buổi sinh nhật cho các em, nhận quà tặng và hứa hẹn sống theo đạo đức Phật giáo, tổ chức các cuộc đi trại, v.v…


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
08
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Ất Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
06
Tháng 08
Kiên Giang