Sau khi Hội An Nam Phật Học được thành lập (1932), các hội viên đi lễ chùa thường dẫn con cháu theo, nhất là trong những ngày lễ lớn. Các em nhỏ đến chùa chưa biết cách lễ bái, các anh chị thanh niên thấy vậy, quy tụ các em nhỏ lại, kể chuyện đạo cho các em nghe, dạy cho các em vui chơi múa hát. Ở chùa Từ Đàm có anh Tráng Thông, một huynh trưởng Hướng Đạo Sinh, cũng là một Phật tử, đã làm công việc này rất thành công. Dần dần, sự kiện này phổ biến, các khuôn hội coi đây là tổ chức hay, có ích, một thực thể mặc nhiên được công nhận dưới danh xưng là “Đồng Ấu”.
Đến năm 1940, Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục được thành lập, một trong những nhiệm vụ chính của đoàn là: thành lập, xây dựng, hướng dẫn các đơn vị Thanh, Thiếu, Đồng niên.
Đoàn lấy một số Gia đình chính làm nòng cốt, cộng thêm một số con em ở các gia đình lân cận để Phật hóa các em bằng cách dạy một ít giáo lý căn bản, tập cho các em sống theo đức dục Phật giáo. Đây là mô hình đầu tiên được thành lập, lấy tên Gia Đình Phật Hóa Phổ.
Vào những năm 1942, 1943 và 1944, các lớp Phật học liên tiếp mở ra cho Thanh Thiếu niên, cùng với sáng kiến của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, các Gia Đình Phật Hóa Phổ (GĐPHP) được thành lập tại Huế như: GĐPHP Tâm Minh do Tâm Minh Lê Đình Thám làm Phổ trưởng, thành lập năm 1940; GĐPHPTâm Lạc do đạo hữu Phạm Quang Thiện làm Phổ trưởng, thành lập năm 1943; GĐPHP Thanh Tịnh do đạo hữu Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng, thành lập năm 1943 và GĐPHP Sum Đoàn do đạo hữu Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng, thành lập năm 1943. Nhân mùa Phật đản năm 1944, một đại hội tổ chức tại đồi Quảng Tế quy tụ các thành phần Thanh niên Phật tử, Đại hội này chính thức khai sinh ra Gia Đình Phật Hóa Phổ.
a-Ý nghĩa :
Gia Đình Phật Hóa Phổ nghĩa là Phật hóa gia đình, là đem đạo Phật đi vào cuộc đời, phổ cập mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi để tất cả cùng chung sống dưới mái nhà Phật Pháp, sống đạo đức theo luân lý đạo Phật.
Sau khi thành lập gần 1 năm, GĐPHP đã đi vào sinh hoạt có quy cũ ổn định. Một năm sau, biến cố xã hội xảy ra, Nhật đảo chánh Pháp, cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 đã giành được độc lập, GĐPHP cùng các tổ chức khác đi vào sinh hoạt theo khuynh hướng mới. Năm 1946, Pháp lại đổ bộ vào Việt Nam, chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ thu hút môt số thanh niên vào chiến khu, dân chúng thì đi tản cư, mọi sinh hoạt của các đoàn thể bị tạm ngưng. Đến năm 1947, một số Phật tử hồi cư về Huế, nghĩ đến chuyện bắt tay xây dựng lại những gì đã bị chiến tranh tàn phá, như: sửa sang lại chùa Từ Đàm – văn phòng của Hội Phật Học, bắt liên lạc với các tỉnh, kết tập hội viên, v.v… Sau ngày hồi cư, các anh chị gầy dựng lại phong trào, hợp cả những tổ chức trước đây lại và duy trì một danh hiệu duy nhất là “Gia Đình Phật Hóa Phổ” trực thuộc hệ thống của Tổng Trị Sự Hội Phật Học Trung Phần.
Một số Phật tử cốt cán, trong đó có những người có công lớn là Cư sĩ Võ Đình Cường, Thầy Minh Châu, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Tráng Thông, Lê Cảnh Đạm, v.v… Thầy Minh Châu nghĩ đến một hình thức là kết hợp Phật tử và truyền bá Chánh Pháp bằng cách mở những nhóm, hội học và diễn giảng giáo lý cho Thanh Thiếu niên học sinh. Lớp học đầu tiên mở tại trường Thượng Tứ, hay ở các nhà đạo hữu trong hoàng thành như: đạo hữu Hoàng Mộng Lương, Phan Cảnh Tú, v.v… Đồng thời, tại trụ sở Phật học Trung Việt, các lớp giáo lý cũng được thành lập, do quý Thầy Minh Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chơn Trí, v.v… phụ trách (các bài giảng và soạn thảo này đã được in thành sách “Phật Pháp”, một tài liệu căn bản quý giá nhất từ trước đến nay và được tái bản nhiều lần)
Năm 1948, tại Huế, các GĐPHP được thành lập thêm như: GĐPHP Hướng Thiện sinh hoạt tại nhà bác Phan Cảnh Tú, quy tụ hơn 5o Phổ viên, thầy Minh Châu cố vấn giáo hạnh, bác Phan Cảnh Tú làm Phổ trưởng; GĐPHP Tâm Lạc, GĐPHP Chơn Trí ở khuôn hội Phú Lâu; GĐPHP Tịnh Trang ở Phú Cát; GĐPHP Hương Từ ở Phú Bình; GĐPHP Hương Đạo ở Chi Lăng; GĐPHP Hương Đàm ở chùa Từ Đàm; GĐPHP Gia Thiện sinh hoạt ở Chùa Ông do bác Nguyễn Phiên là Phổ trưởng; GĐPHP An Lạc sinh hoạt tại khuôn Tịnh độ An Lạc (Bãi Dâu), v.v…
Như một hoa sen từ từ vươn cánh nở khắp đất Thần kinh, báo hiệu khởi đầu cho sự tốt lành của Gia Đình Phật Hóa Phổ. Các tỉnh Trung phần cũng lần lượt thành lập như : Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẳng, Quảng Nam, Đà Lạt, Nha Trang, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ngày 25/7/1948 đến 05/8/1948, Hội Phật Học Thừa Thiên tổ chức khóa đào tạo cán bộ, tái lập các khuôn Giáo hội Phật giáo. Khóa học giới thiệu các bài về GĐPHP, có anh Tống Hồ Cầm và Nguyễn Xuân Quyền GĐPHP Hướng Thiện theo học, sau, anh Tống Hồ Cầm vào Nam thành lập Gia Đình Phật Tử thuộc Hội Phật Học Nam Việt.
Mùa Thu 1948, Hội Phật Học Thừa Thiên mượn ngôi nhà của Bà Hoàng Thái Hậu Từ Cung tọa lạc số 1B Nguyễn Hoàng khoảng giữa đầu cầu Phú Xuân và cửa Thượng Tứ, phía tả ngạn sông Hương làm văn phòng Tổng Trị sự và văn phòng của Gia Đình Phật Hóa Phổ. Về sau, GĐPHP Hướng Thiện dời từ nhà bác Tú về đây sinh hoạt.
Năm 1948, do Huế có nhiều GĐPHP nên cần phải có một ban hướng dẫn chung để điều động các sinh hoạt. Do đó, các GĐPHP họp tại trụ sở Hội Phật Giáo Trung Phần bầu Ban Hướng Dẫn và từ đó Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên đầu tiên ra đời, cấp lãnh đạo do Hội Phật Học Trung Việt đề cử. Về Phổ trưởng cũng do Hội đề cử trong số các đạo hữu hội viên. Danh xưng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Hóa Phổ Trung Phần có từ đó, anh Võ Đình Cường làm trưởng ban, các ủy viên như : Phan Cảnh Tuân, Hoàng Thị Kim Cúc, Lê Cao Phan, Lê Cảnh Đạm, Nguyễn Xuân Quyền, v.v… và đây cũng là tiền thân của Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam sau này.
Năm 1949, cần có tài liệu huấn luyện huynh trưởng cũng như giới thiệu tinh thần và mục đích, cách tổ chức của một đoàn, Ban Hướng Dẫn GĐPHP Trung Phần cho ra đời tập san đầu tiên “Mùa Sen Mới” vào ngày lễ Thành Đạo năm Mậu Tý (nhằm ngày 06/01/1949). Cũng ngày này, vào lúc 16 giờ, Ban Hướng Dẫn GĐPHP làm lễ chính thức thành lập tại chùa Từ Đàm, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chứng minh. Sau buổi lễ Phật là lễ gắn huy hiệu GĐPHP tại giảng đường có đông đủ quý vị Tăng già tham dự. Huy hiệu Hoa Sen Trắng trên nền màu xanh lá mạ do các chị thêu tay, được Hòa thượng chứng minh và chư Tôn Giáo phẩm Tăng già gắn lên đồng phục cho anh chị em đoàn sinh và huynh trưởng.
Trên đây là tình hình ở Trung phần.