B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN
I.Cấp trung ương
1)Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương
2)Phân ban GĐPT trung ương
II.Cấp tỉnh, thành phố
1)Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành
2)Phân ban GĐPT tỉnh, thành
III.Cấp cơ sở
1)Thầy trụ trì
2)Ban huynh trưởng GĐPT
3)Hệ thống tổ chức 1 đơn vị GĐPT
4)Điều kiện thành lập 1 đơn vị GĐPT
5)Cơ sở vật chất cần thiết cho sinh hoạt GĐPT
6)Chương trình một buổi sinh hoạt thường xuyên (hằng tuần)
7)Các hoạt động ngoại khóa của 1 đơn vị GĐPT
8)Ban bảo trợ GĐPT
Điều 41, chương VIII Nội quy Ban Tăng Sự Trung ương GHPGVN quy định: “Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở Tự, Viện theo đúng Chánh pháp, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì là người chủ hộ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động Phật sự tại cơ sở Tự, Viện.”
Trong hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT), thầy trụ trì là Cố vấn Giáo hạnh cho đơn vị GĐPT đang sinh hoạt nơi ngôi chùa thuộc sự quản lý của thầy.
Thầy trụ trì là người cha, người mẹ đã khai sinh và nuôi dưỡng các đơn vị GĐPT cơ sở. Ngoài đời, cha mẹ hoài thai, sinh dưỡng một đứa con lớn lên khó khăn, khổ cực như thế nào thì khi cho ra đời một đơn vị GĐPT, vị trụ trì cũng chịu nhiều vất vả, khó nhọc như thế ấy:
Thấy trẻ con trong khu vực quanh chùa sống hồn nhiên vô tư, nhưng cũng vì sự hồn nhiên vô tư ấy mà các em thường phạm phải những lỗi lầm tội nghiệp, thầy thương lắm. Với trách vụ “Trụ Như Lai xứ – Trì Như Lai tạng”, thầy cảm nhận được trách nhiệm của mình đối với tương lai đạo đức của các em. Thầy muốn kêu các em vô chùa để nghe thầy dạy bảo vài câu nhưng ít có em nào chịu vô chùa, vì hồi nào tới giờ chùa là nơi dành riêng cho các cụ già mà các cụ già thì thường khó tánh, khó gần; vả lại, nếu có trẻ con nào vào chùa thì cũng thường bị người trong chùa xua đuổi để giữ nét thanh tịnh chốn tôn nghiêm.
Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, thầy thử thuyết phục các Phật tử dẫn con cháu theo mỗi khi đi chùa để các cháu quen dần với không khí sinh hoạt trong chùa. Thầy thường cho quà bánh mỗi khi các em đến chùa… Ngày qua ngày , số trẻ em đến chùa càng đông. Thầy cảm thấy có gì đó không ổn, bởi không ai quản lý, hướng dẫn số trẻ em này. Hơn nữa, thầy nhận ra rằng các trẻ em này cần phải được hướng dẫn tu học theo cách riêng của chúng và bởi những cư sĩ huynh trưởng được huấn luyện bài bản thì việc đến chùa của chúng mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Thầy quyết định chọn một ngày lễ nào đó có đông Phật tử đến chùa, tập trung đông đủ các em thanh thiếu nhi và mời vài huynh trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT trên tỉnh xuống chùa tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên với các em. Thế là thầy đã “thai nghén” một đứa con GĐPT trong “Như Lai Tạng” của mình.
Trong thời gian này, thầy phải lo nhiều việc : từ việc làm Tờ Trình gởi chánh quyền sở tại đến việc vận động Phật tử may đoàn phục cho các em ; từ việc tìm kiếm nhân sự để đào tạo thành huynh trưởng trong tương lai đến việc thuyết phục các bậc phụ huynh trong vùng hiểu biết về tổ chức GĐPT và đồng ý cho con em họ đi sinh hoạt.
Để cho sinh hoạt GĐPT không làm ảnh hưởng tới sự thanh tu của chư tăng (ni) trong chùa, thầy cho san bằng một khu đất trống trong khuôn viên chùa, cất lên đó một gian nhà khá rộng bằng vật liệu nhẹ, một phần làm đoàn quán, phần còn lại làm nơi sinh hoạt, vui chơi cho đoàn sinh .
(Về việc này, người viết bài được biết một trường hợp “vô tiền khoán hậu” là : Ni Trưởng Thích Nữ Như Định, trụ trì chùa Kim Quang, phường An Bình, Tp.Rạch Giá, Kiên Giang đã làm giấy tặng đất cho GĐPT Kim Quang xây Đoàn quán. Trong giấy cho đất, thầy viết rằng: “Nếu ngày nào GĐPT còn sinh hoạt thì các đời trụ trì sau tôi không ai được lấy phần đất này lại để sử dụng vào mục đích khác…”)
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các huynh trưởng trên tỉnh xuống, đơn vị GĐPT nơi chùa thầy dần dần ổn định nề nếp, vững chãi trong sinh hoạt; các huynh trưởng tập sự cũng trưởng thành từng ngày; hoan hỷ nhất là thầy đã mời được một bác cư sĩ làm gia trưởng cho Gia đình. Các trẻ em ngày nào còn xa lạ với chùa, nay đã biết lễ phép chắp tay xá chào chư tăng (ni) và các cô bác Phật tử trong chùa; biết đi thưa về trình, ăn nói nhỏ nhẹ với mọi người và được thầy cô nhà trường khen là có tiến bộ về hạnh kiểm lẫn học tập.
Đơn vị sinh hoạt đã được hơn 6 tháng. Nhận thấy nhân sự đã ổn định, sinh hoạt tu học của Gia đình đã đi vào nề nếp, thầy làm đơn xin Giáo hội Tỉnh công nhận và cho phép Gia đình được chính thức sinh hoạt. Vào một dịp lễ lớn, thầy và ban huynh trưởng tổ chức lễ ra mắt đơn vị với sự tham dự của đại diện Ban trị sự, Ban Hướng dẫn Phật tử, Phân ban GĐPT Tỉnh hội, chánh quyền địa phương cùng đông đảo phụ huynh đoàn sinh đến dự. Thế là sau bao ngày thai nghén vất vả, một đơn vị GĐPT đã được sinh ra đời trước niềm hoan hỷ của mọi người.
Thành lập một đơn vị GĐPT đã vất vả, nhiêu khê, nhưng duy trì sinh hoạt đơn vị cho nề nếp, ổn định, huynh trưởng và đoàn sinh đừng rơi rụng dần lại là một nỗi nhọc nhằn khác, chứ đâu đơn giản. Để giữ đoàn sinh thường xuyên đến chùa sinh hoạt, thầy bắt buộc phải dùng nhiều phương tiện như : tặng tập, viết cho các em chép bài, cho quà bánh ăn mỗi buổi sinh hoạt, lâu lâu cũng phải cho các em đi tham quan dã ngoại. Vào các dịp lễ, tết, thầy thường tổ chức liên hoan cho Gia đình để đoàn sinh thay đổi không khí, cho phù hợp với tâm lý ham vui mau chán của các em. Mỗi năm, Ban hướng dẫn Tỉnh thường tổ chức một số trại như : trại huấn luyện huynh trưởng; trại Lục Hòa họp mặt ngành Thanh, Thiếu; trại Dũng truyền thống ngành Thanh, Thiếu nam; trại Hạnh truyền thống ngành Thanh, Thiếu nữ v.v… Muốn cho huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình mình có dịp gặp gỡ giao lưu, học hỏi với các Gia đình bạn để ngày thêm trưởng thành, thầy đã không quản tốn kém mua sắm lều trại, chi phí tiền tàu xe… cho các em đi tham dự.
Đối với các huynh trưởng, thầy luôn quan tâm tìm hiểu để giúp đỡ các anh chị trong việc học, việc làm ăn nhằm tạo điều kiện cho huynh trưởng an tâm gắn bó với nhiệm vụ hướng dẫn đàn em. Thầy thường tâm sự với bác gia trưởng rằng: “Trong kinh Pháp Hoa, Phật còn phải tùy duyên đặt ra năm loại cỗ xe để cho chúng sanh ham thích mà chịu ra khỏi ngôi nhà lửa. Tôi, nay cũng chẳng qua bắt chước theo Phật mà thôi”
Thầy quan niệm: tổ chức sinh hoạt GĐPT tức là đầu tư cho công việc giáo dục “trồng người”, mà như cổ đức đã dạy “Vì sự nghiệp trăm năm thì phải lo trồng người từ hôm nay” Tịnh tài tịnh vật của đàn na tín thí cúng dường cho Tam Bảo để làm gì ? Cũng chẳng qua dùng đồng tiền ấy mà tổ chức các mặt hoạt động hoằng truyền chánh pháp, giúp cho quần chúng Phật tử biết tu tập để được an lạc ngay trong cuộc sống này, chứ còn để làm gì khác nữa ? Vì vậy, thầy cho rằng đầu tư vào sinh hoạt GĐPT là chánh đáng nhất, ít phí phạm nhất.
Thầy thường nói: “Thay vì dùng tiền của Phật tử đi làm từ thiện đâu đâu, thì tôi dùng tiền ấy chăm lo giáo dục đạo đức cho các trẻ em quanh chùa để xóm làng nơi đây có được những đứa con ngoan hiền, nhà chùa có thêm những Phật tử hiểu đạo, góp phần cho cuộc sống thêm phần an vui hạnh phúc”
(Đề cập về hạnh bố thí để nuôi dưỡng GĐPT, người viết bài vô cùng tán thán công đức Ni Sư Thích Nữ Như Thiện, trụ trì chùa Bửu Sơn, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Năm nào Ni Sư cũng phát nhiều học bổng cho đoàn viên GĐPT Bửu Sơn, riêng năm học 2015-2016, Ni Sư đã phát 30 suất học bổng cho đoàn viên GĐPT Bửu Sơn, mỗi suất học bổng trị giá 2.000.000 đồng – Hiện nay, GĐPT Bửu Sơn là đơn vị có số lượng đoàn sinh đi sinh hoạt thường xuyên là trên 100 em , các mặt hoạt động tu học và ngoại khóa đều không ngừng phát triển, xứng đáng là con chim đầu đàn của GĐPT Kiên Giang)
Ni sư Thích Nữ Như Thiện Phát Quà cho các em đoàn sinh GĐPT
Phật dạy : “Chúng sanh đang sống trong cõi Ta Bà”. Vì còn trong cõi Ta Bà nên không có việc gì suôn sẻ, êm đềm dài lâu. Sinh hoạt GĐPT cũng không ngoại lệ. Tuy bản chất cao đẹp của một tổ chức giáo dục Phật Giáo như GĐPT là không thể phủ nhận, nhưng trên thực tế quá trình sinh hoạt cũng không tránh khỏi thỉnh thoảng xuất hiện một số sự việc “bất như ý” đến với thầy, như :
-Đoàn sinh thường đến chùa sinh hoạt sớm quá, làm ảnh hưởng giờ giấc nghỉ trưa của chư tăng (ni)
-Lắm lúc, các em đùa giỡn quá trớn ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của chùa
-Nhiều em gặp chư tăng (ni) trong chùa không biết xá chào
-Đoàn sinh xả rác gây mất vệ sinh trong chùa; hết giờ sinh hoạt không biết cầm cây chổi quét chùa rồi hãy ra về
-Huynh trưởng trẻ ăn nói thiếu lễ độ với chư tăng (ni) và Phật tử lớn tuổi trong chùa
-Không tắt đèn tắt quạt mỗi khi rời khỏi chánh điện
-Một số em lên chánh điện mà không lột nón ra
-Lười biếng công quả mỗi khi chùa cần đến
-Ban huynh trưởng bất lực, không biết dạy đoàn sinh
-Thậm chí, có người còn gọi các em GĐPT là “lũ quỷ phá chùa”
Và còn rất nhiều thứ linh tinh vặt vãnh khác, được cho là “nhược điểm” của sinh hoạt GĐPT !
Những “điều không tốt đẹp” trên đây do chúng trong chùa than phiền, thỉnh thoảng bay đến tai thầy trụ trì khiến thầy suy nghĩ nhiều . Chẳng lẽ GĐPT chỉ toàn là không tốt như vậy sao ? Hay thầy đã sai lầm khi thành lập GĐPT trong chùa này ? Thầy đã đưa những băn khoăn này thành đề tài thiền quán trong nhiều đêm. Kết cục, thầy đã thấy được sự thật của vấn đề và tìm ra cách giải quyết những “điều bất như ý” ấy. Sự thật là :
Cũng như tất cả các đứa con trên thế gian này, lúc nào cũng vô tâm làm điều gì đó cho cha mẹ buồn; Cũng như tất cả bậc cha mẹ trên thế gian này, luôn mong muốn các con mình được ngoan hiền nhưng cho đến ngày nhắm mắt từ giã cõi đời cũng chưa bao giờ có bậc cha mẹ nào được hoàn toàn hài lòng với các con của mình. Mối quan hệ ấy cũng giống như mối quan hệ giữa thầy trụ trì và đoàn sinh GĐPT trong ngôi chùa. Nó đã trở thành một chân lý không bao giờ có thể sửa đổi được. Nếu thầy muốn rằng tất cả các đứa con áo Lam của thầy ngoan hiền hơn cả người lớn ( vì người lớn đôi khi cũng còn phạm sai lấm mà!) trong ngôi chùa này, thì đó là một ước muốn không thể trở thành hiện thực được! Do đó, thầy chấp nhận sống chung với sự thật này.
GĐPT là một tổ chức giáo dục, do vậy, công việc thường xuyên của thầy trụ trì và ban huynh trưởng là “giáo dục” đoàn sinh. Tuổi trẻ là “tờ giấy trăng” của quyển sách mang tên “Vô Minh” mà nghiệp lực đã gắn chặt lên thân phận của mỗi con người sinh ra giữa cuộc đời này. Nhiệm vụ của thầy là ghi lên tờ giấy trắng đó những điều tốt đẹp để cải tạo vô minh thành ra trí tuệ. Nếu chỉ phê phán, chê trách mà không dạy dỗ thì làm sao có thể gọi là hoàn thành bổn phận của người “Sứ giả Như Lai” ?
Từ đó, thầy không quan trọng hóa nhưng cũng không làm ngơ trước những lỗi lầm của các em. Về phần huynh trưởng và đoàn sinh trong Gia đình nhờ được thầy quan tâm uốn nắn nên ít tái phạm các lỗi lầm nêu trên. Do vậy mà hiệu quả giáo dục của đơn vị ngày càng rõ nét. Tiếng xầm xì của chúng trong chùa cũng bớt đi nhiều.
Trong phẩm “Giác ngộ và Phát nguyện” Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi lại lời phát nguyện của ngài A Nan mà chư tổ đã đưa vào nghi thức công phu sáng tại các chùa, có câu :
Hườn độ như thị hằng sa chúng.
Tương thử thâm tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân.
Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh,
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.
Như nhứt chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
Tạm dịch :
Nguyện nay chứng quả thành Bảo Vương,
Lại hóa độ như thế cho hằng sa chúng.
Đem thâm tâm phụng sự các cõi nước như vi trần,
Được như vậy mới gọi là báo ân Phật.
Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho chúng con,
Nguyện dấn thân vào ngũ trược ác thế.
Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật đạo,
Thì chúng con quyết không chứng quả Niết Bàn.
Lời nguyện mỗi buổi sáng là như vậy, thầy há dễ quên ? Phật dạy: hàng Bồ tát phải xông vào cuộc đời đầy nhơ bẩn này để độ cho tất cả chúng sanh, thầy há vì một chút ồn ào, một chút vô tâm, một chút lỗi lầm của trẻ thơ mà quên đi lời dạy ấy hay sao ?
Để kết thúc phần nói về Thầy Trụ Trì trong hệ thống tổ chức GĐPT cấp cơ sở, người viết bài xin trích ca từ nhạc phẩm Kinh Mến Thầy mà đoàn sinh GĐPT nào cũng thuộc nằm lòng, để kính dâng lên quý thầy trụ trì đã một đời bảo bọc chở che cho đàn con Áo Lam thơ dại :
Thầy là ánh sáng dắt dìu lòng son.
Thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng con đến bờ thơm hương.
Thầy theo hạnh nguyện Pháp Vương, treo gương tràn sáng soi ngàn phương”
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1