Ngày nay, nếu ai đó còn nói câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” thì mọi người chung quanh sẽ cười và cho rằng người ấy thật là cổ hủ, vì bây giờ không ai còn có suy nghĩ lạc hậu ấy nữa. Thực tế, không phải chỉ ngày nay, những người tiến bộ mới có suy nghĩ mới mẻ ấy, mà ngay tại thời điểm mở ra phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam (1930) , các bậc tôn túc lãnh đạo phong trào đã thấy được tầm quan trọng của việc đưa Phật Pháp đến với tuổi trẻ.
Việc đưa Phật Pháp đến với thanh thiếu niên có ý nghĩa và hướng đến mục đích gì ? Chúng ra hãy cùng phân tích và lý giải sự kiện này vì nó là cội rễ của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
1)KHỞI NGUYÊN PHONG TRÀO THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ :
Người đầu tiên có ý tưởng đưa Phật Pháp đến với thanh thiếu niên chính là cư sĩ bác sĩ Lê Đình Thám pháp danh Tâm Minh, hội trưởng Hội An Nam Phật Học (Huế). Trong một bài phát biểu trước đông đảo chư tôn đức chứng minh và cư sĩ hội viên, Bác Tâm Minh đã nói : “…Không có thành tựu bền vững nào mà không nhắm đến thanh thiếu niên vì họ sẽ là những người tiếp nối chúng ta trong mai hậu…”
Từ năm 1932, các chùa tại Huế đã quy tụ các em lứa tuổi thiếu niên thiếu nữ để thành lập các nhóm học Phật gọi là Ban Đồng Ấu.. Đến năm 1940, Bác Tâm Minh quy tụ một số thanh niên trí thức tại Huế lập ra Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (TNPHĐD). Đích thân Bác hướng dẫn Phật Pháp cho đoàn. Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục lúc ấy tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới” bởi họ học những bài giáo lý được soạn bằng chữ quốc ngữ thay vì chữ Nho như trước đây; trong sinh hoạt tu học có kèm nhiều bài tân nhạc làm cho không khí thêm vui tươi hào hứng.
Hằng tuần vào mỗi ngày chủ nhật, đoàn viên đoàn TNPHĐD chia nhau đến các chùa hướng dẫn giáo lý cho các ban Đồng Ấu. Đoàn còn tổ chức Phật học Tùng thư và xuất bản nhiều sách Phật học, trong đó có cuốn Phật Học Và Thanh Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình và cuốn Phật Giáo Và Đức Dục của Đinh Văn Vinh đều nhắm đến xây dựng phong trào thanh thiếu niên Phật tử. Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức các lớp Phật Pháp cho thanh thiếu niên vào mùa nghỉ hè, các lớp này đều do cư sĩ Tâm Minh trực tiếp giảng dạy.
Vào ngày Phật Đản năm 1944, một đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử được tổ chức tại rừng Quảng Tế. Đại hội này khai sinh Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.
2)TIỂU SỬ CƯ SĨ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM :
Cư sĩ Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại Quảng Nam, con của thượng thư bộ Binh Lê Đỉnh dưới triều Tự Đức. Từ nhỏ, Ông đã được học Nho, lớn lên theo tân học. Ông đỗ thủ khoa Đông Dương Y Sĩ khóa 1916 và đỗ Y khoa Bác sĩ năm 1930.
Năm 1926 Ông làm việc tại bệnh viện Hội An. Năm 1928 Ông về công tác tại Viện Pasteur Huế. Ông quy y thọ Năm Giới với thiền sư Giác Tiên, được pháp danh Tâm Minh, pháp tự Châu Hải.. Ông phát nguyện ăn chay trường từ đó. Từ năm 1929 đến 1932, Ông học Phật với hai vị cao tăng thời bấy giớ là Giác Tiên và Phước Huệ. Trình độ Phật học của Ông được các bậc tôn túc công nhận là uyên thâm, vì vậy Ông đã được mời giảng dạy Phật Pháp cho tăng, ni sinh tại các trường Phật học Trúc Lâm và Tường Vân (Huế).
Năm 1932, Ông vận động các nhà trí thức Phật Giáo thành lập hội An Nam Phật Học và được công cử vào chức hội trưởng. Ông đã giúp hội An Nam Phật Học đặt được những nền tảng khá vững chắc cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo sau này. Ông cũng là linh hồn của tạp chí Viên Âm do hội xuất bản. Nhiều bài viết của Ông dưới bút hiệu Châu Hải và TM đã được giới trí thức đón nhận nồng nhiệt, góp phần cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo tại Trung kỳ đạt nhiều thành tựu tốt đẹp.
Năm 1946, cuộc chiến Pháp-Việt bùng nổ. Ông đưa gia đình về Quảng Nam. Thời gian từ 1947 đến 1949 Ông làm chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ. Tại liên khu V của vùng kháng chiến, Ông tập họp một số đoàn viên Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục có mặt trong vùng và thành lập tổ chức “Phật Giáo Và Dân Chủ Mới” tại Bồng Sơn, Bình Định, nghiên cứu việc tổng hợp giáo lý Phật Giáo và lý thuyết Mác-Lê.
Mùa hè năm 1949, Ông được lệnh ra Bắc. Ở đây, Ông được đề bạt làm chủ tịch Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới. Năm 1956, ông được cử đi dự lễ Buddha Jayanti tại Ấn Độ với pháp sư Thích Trí Độ. Năm 1961, bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm mà Ông khởi công phiên dịch và chú giải từ ngày còn phụ trách tạp chí Viên Âm được xuất bản tại miền Bắc.
Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mất vào ngày 23/4/1969 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi.
3)Ý NGHĨA RA ĐỜI CỦA TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM (GĐPT) :
Qua những gì chúng ta biết được trong quá trình hình thành và phát triển Gia Đình Phật Tử từ năm 1940 đến nay, có thể rút ra một số ý nghĩa quan trọng về tổ chức Áo Lam :
–Ý nghĩa thứ I : GĐPT là sản phẩm của phong trào chấn hưng Phật Giáo; chấn hưng Phật Giáo là con đường của những nhà chí sĩ yêu nước nhằm cải tạo xã hội để phục hồi tinh hoa Việt Nam đã bị thực dân Pháp làm cho lu mờ. Sau khi dân Việt đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi thì tinh thần chấn hưng Phật Giáo được tiếp nối để xây dựng một nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tóm lại, GĐPT là con đường nhập thế hộ quốc an dân của Phật Giáo Việt Nam, tiếp nối truyền thống Phật Giáo đời Lỳ – Trần.
–Ý nghĩa thứ II : GĐPT là một tổ chức giáo dục lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản với đầy đủ ba đức tính Bi – Trí – Dũng. Đoàn viên GĐPT thực hành “bỏ ác làm lành” để được “chuyển mê khai ngộ” và cuối cùng đạt tới chỗ “thoát khổ được vui”. Tổ chức GĐPT vừa là phương tiện truyền bá chánh pháp, vừa là kết quả của việc thực hành chánh pháp trong đời sống, góp phần xây dựng xã hội.
-Ý nghĩa thứ III : GĐPT không phải là một cơ quan lo tuyên truyền cho đạo Phật để lôi cuốn thanh thiếu nhi làm vây cánh đối lập với đoàn thể khác. GĐPT không dựa vào áp lực chính trị, không dùng danh lợi vật chất để dụ dỗ thanh thiếu nhi. GĐPT chỉ giới thiệu một cách vô tư tôn chỉ và mục đích của mình cho những ai cảm thấy thích hợp với chí hướng của mình, có lợi cho chính mình nên sanh lòng yêu thích và lấy làm hạnh phúc khi được mặc chiếc áo lam và sống với GĐPT. (“Vì Sao Gia Đình Phật Tử Ra Đời”- Thích Minh Châu – nguyệt san Viên Âm số 109 – 110).
–Ý nghĩa thứ IV : GĐPT không phải là nơi luyện tập cho các em tụng kinh gõ mõ cho giỏi để đi cầu siên, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma; GĐPT không phải là một nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ở trường để tổ chức những trò chơi vô nghĩa; GĐPT không phải là một tổ chức thanh niên có mục đich chính trị, hay một tổ chức hướng đạo trá hình. GĐPT chỉ mượn một ít phương pháp thanh niên hay hướng đạo mà thôi, còn tinh thần vẫn là tinh thần của Phật Giáo, nghĩa là : Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Hỷ xả và Thanh tịnh (“Cần hiểu đúng đắn ý nghĩa GĐPT” – Võ Đình Cường – Liên Hoa nguyệt san số 1, 2, 3- 1960)
4)MỤC ĐÍCH CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :
Tổ chức GĐPT từ khi ra đời và trải qua hơn 70 năm phát triển, đều luôn trung thành với mục đích được ghi trong Nội Quy như sau : “Mục đích GĐPT là đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự Đạo Pháp và xây dựng xã hội”.
Câu văn này, qua những lần tu chính Nội quy, có lúc được thêm hay bớt một đôi từ, nhưng nội dung chính vẫn không thay đổi. Phân tách sâu về mục đích GĐPT, chúng ta cần hiểu rõ những thành tố tạo nên mệnh đề nói trên :
*Đào luyện : nghĩa là huấn luyện lâu dài bền bĩ cho một đối tượng nào đó để người đó thấm nhuần về một lý tưởng, một tôn chỉ, một lối sống… hình thành nên nhân cách , một mẫu người theo một hướng nào đó (ở đây là mẫu người Phật tử chân chánh).
Vì vậy, đoàn viên GĐPT phải chịu theo một thứ kỷ luật tự giác rất cao để có thể đi hết cuộc hành trình đào luyện ấy. Ngoài ra, những hình thức tập họp đông đảo thanh thiếu nhi với mục đích vui chơi và “tu học cấp tốc” trong vài ba ngày rồi giải tán “ai về nhà nấy”, thì không thể gọi là đào luyện được, và hiệu quả của việc làm này cũng chẳng đi tới đâu ngoài việc thỏa mãn cho một số người ham chuộng hình thức
*Phật tử chân chánh : người Phật tử chân chánh là mẫu người hội tụ đầy đủ các yếu tố lý tưởng nhất, tốt đẹp nhất của một người con Phật. Đó là mẫu người, trong suốt cuộc đời mình, đã thực hiện trọn vẹn lộ trình sau đây:
1)Quy y Tam Bảo, giữ Năm giới của người cư sĩ và sống theo Chánh mạng (tức chọn nghề nghiệp chân chánh).
2)Tinh tấn tu học theo đạo Phật chân chánh, lánh xa các thứ tà đạo mê tín hoang đường và mọi hình thức lợi dụng đạo Phật để “buôn thần bán thánh”
3)Thực hành Năm Hạnh trong đời sống hằng ngày : Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi
4)Đem tinh thần Bi-Trí-Dũng vào Đời, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.
5)Phụng sự cho Đạo pháp và hy sinh vì Đạo pháp khi cần
*Góp phần phụng sự Đạo Pháp : từ phụng sự ở đây có ý nghĩa cao quý hơn từ phục vụ mà bên ngoài xã hội thường hay dùng.
Phục vụ mang ý nghĩa “tổ chức hay cá nhân nào trả lương, hay cho mình một quyền lợi dù ngắn hạn hay dài hạn, thì mình sẵn sàng phục vụ cho tổ chức hay cá nhân đó trong một thời gian nhất định đến khi nào chấm dứt hợp đồng hay khế ước giữa hai bên thì kết thúc việc phục vụ đấy”
Phụng sự mang ý nghĩa tự nguyện phục vụ của một cá nhân đối với một tổ chức hay đoàn thể thông qua lý tưởng mà người ấy tôn thờ. Phụng sự không đặt điều kiện phải có lương bổng hay quyền lợi kèm theo, trái lại, người phụng sự đôi khi còn hy sinh cả tài sản hay tính mạng của mình cho tổ chức hay đoàn thể mà mình phục vụ.(Thí dụ: năm 1963, khi tham gia cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo dưới thời Ngô Đình Diệm, hàng trăm đoàn viên GĐPT đã bị tù đày hoặc hy sinh tính mạng cho Đạo pháp)
Đoàn viên GĐPT phụng sự Đạo Pháp qua rất nhiều hình thức như :
-Thừa sự cho Tăng, Ni trong mọi Phật sự hằng ngày đòi hỏi đến chuyên môn hay kỹ thuật của người tại gia mà tăng ni còn hạn chế
-Hộ trì và bảo vệ Đạo pháp bằng nhiều phương thức phù hợp với từng hoàn cảnh
-Đem Phật Pháp đến với thanh thiếu nhi , góp phần cùng Giáo hội trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh.
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu, một trong những vị sáng lập tổ chức GĐPT đã xác định vai trò của GĐPT khi phát biểu : “Gia Đình Phật Tử là cánh tay đắc lực của Giáo Hội trong việc hoằng dương Giáo pháp cho giới trẻ”
*Góp phần xây dựng xã hội : người Phật tử chân chánh muốn “ góp phần xây dựng xã hội” thì tự bản thân người ấy phải học và tu theo lời Phật dạy để bản thân mình có đủ những đức tính tốt đẹp. Người ấy xây dựng gia đình huyết thống của mình trở thành một tế bào hiền thiện để góp phần làm nên một thân thể xã hội thiện lành; Người ấy đem những đức tính tốt đẹp của mình ra đối xử với hàng xóm láng giềng, và rộng hơn nữa là ra ngoài đời sống xã hội bằng sự giao tiếp trong công việc tại cơ quan, trường học hay trên thương trường, trong nghề nghiệp v.v…
Tóm lại, người ấy đem tinh hoa đạo Phật ứng dụng vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống , đem lại niềm vui cho mọi người và ít nhiều cũng được mọi người noi gương theo.
Đấy chính là cách mà người Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội vậy.
Tóm lại :
-GĐPT ra đời nhằm cung ứng cho Đạo Phật những Phật tử chân chánh, làm cầu nối vững chắc giữa đạo và đời; là công cụ hoằng dương Chánh pháp phù hợp với mọi thời đại.
-GĐPT cung ứng cho Giáo Hội những cánh tay đắc lực thừa hành các Phật sự thuộc nhiều lãnh vực chuyên môn trong đời sống; là lực lượng hộ pháp trung kiên và dũng cảm trong mọi tình huống. Đoàn viên GĐPT, mà lịch sử 70 năm qua đã chứng minh, là những đứa con hiếu không bao giờ rời bỏ Tam Bảo dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Rất nhiều đoàn viên GĐPT đã xuất gia và trở thành những bậc cao tăng thạc đức trong hàng ngũ Chúng Trung Tôn.
-GĐPT cung ứng cho xã hội những công dân gương mẫu, những con người thiện lành, có sức lan tỏa những gì tốt đẹp của đạo đức Phật Giáo ra môi trường chung quanh, góp phần đem lại an vui cho đời sống, xây dựng Tịnh Độ ngay trong cõi đời này.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu