TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 32)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Người Huynh trưởng là người nam, nữ Phật tử có đạo tâm, nhiệt tình, yêu nghề dạy trẻ, có đạo đức tốt, có uy tín, được Giáo hội tin cậy, giao phó nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn sinh Thanh, Thiếu, Nhi của Giáo hội trong tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Được huấn luyện về kiến thức Phật pháp, kiến thức phổ thông, khả năng chuyên môn, phương pháp tổ chức điều khiển và phát nguyện suốt đời phụng sự Đạo pháp, phục vụ lý tưởng và góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Muốn gánh vác được vai trò và nhiệm vụ, người huynh trưởng cần hội đủ nhiều yếu tố như: Đạo tâm, tinh thần lý tưởng, đạo đức gương mẫu, kiến thức đầy đủ, khả năng chuyên môn vững chắc, trong đó tư cách tác phong và hiểu rõ nhiệm vụ cũng là yếu tố căn bản. Tư cách của người huynh trưởng được xây dựng trên hai yếu tố: tác phong bên ngoài và đức độ bên trong.
Người huynh trưởng bất cứ lúc nào cũng ăn mặc đúng quy định, giản dị, sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, đồng phục chỉnh tề, đúng cách thức huy hiệu, không lòe loẹt, chưng diện kệch cỡm hay chạy theo thời trang.
Có rất nhiều yếu tố tạo nên đức độ người huynh trưởng, tuy nhiên không ngoài năm đức tính căn bản như: Tình thương, đức hy sinh, tính kiên nhẫn, lòng trung kiên và tinh thần cầu học.
Ngoài tư cách và đức độ, người huynh trưởng còn luôn tâm niệm 10 điều sau đây:
GĐPT là đơn vị có tổ chức và có kỷ luật hàng đầu trong các tầng lớp cư sĩ Phật tử. Người huynh trưởng là cán bộ giảng huấn để đào tạo thế hệ kế thừa cho Đạo pháp. Giáo hội cũng như các bậc Tôn đức đã và đang dày công vin trồng, đặt hết kỳ vọng và niềm tin vào huynh trưởng. Do đó, trách nhiệm của huynh trưởng phải sống làm sao cho khỏi phụ lòng các bậc Tôn đức và phụ huynh.
Huynh trưởng phải là những người tiên phong, đầy sức sống trong việc hoằng dương và phục vụ Chánh pháp. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người huynh trưởng cũng phải làm tròn bồn phận của mình đối với đất nước và Đạo Pháp. Có như thế, hình ảnh người huynh trưởng mới gần gũi với các em, là nơi tin cậy của các bậc phụ huynh và là lực lượng hộ pháp đắc lực cho GHPG Việt Nam.
Phải có khả năng và đạo đức, có tinh thần kỷ luật và chịu huấn luyện, có bổn phận, trách nhiệm, không ngừng học hỏi và nỗ lực trau dồi chính bản thân mình để làm tấm gương sáng, thực hành Phật pháp để thanh tịnh thân khẩu ý của mình.
Mỗi chức vụ là mỗi trách nhiệm, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Sự thịnh suy của một đơn vị GĐPT gắn liền với trách nhiệm của huynh trưởng. Người huynh trưởng phải xóa sạch tính ỷ lại, chí rẽ, luôn lấy Lục Hòa làm đầu, tham gia tích cực mọi Phật sự khác của đơn vị theo sự hướng dẫn của Phân ban GĐPT. Nên biết rằng mọi Phật sự trong GĐPT đều mang tính giáo dục.
Ngoài trách nhiệm đối với Gia đình cơ sở, còn phải tham gia vào những Phật sư chung trong chùa, sẵn sàng tham gia các hoạt động do Ban Hướng dẫn Tỉnh yêu cầu hay do Giáo hội tổ chức, làm tất cả các Phật sự khác nhưng không quên trách nhiệm của mình đối với Gia đình nơi mình đang sinh hoạt.
Nói tóm lại, GĐPT muốn vững mạnh và phát triển thì huynh trưởng phải có đủ tinh thần trách nhiệm. Đừng hô hào bằng lý thuyết, không chỉ diễn giảng với lời lẽ hùng hồn mà lời nói luôn đi đôi với việc làm, sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình, vận dụng sáng tạo của mình vào sự lợi ích cho các em, làm tròn trách nhiệm của một người huynh trưởng mà Nội quy và Quy chế GĐPT đã đề ra.
Trên đây là nói chung về huynh trưởng, còn huynh trưởng có cấp, có chức thì ngoài tâm niệm và tư cách đứng đắn của một người huynh trưởng, còn lãnh trách nhiệm xây dựng GĐPT theo quyền hạn và chức năng của một huynh trưởng có cấp. Tùy theo cấp Tập, Tín, Tấn, Dũng mà người huynh trưởng có nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau, nhưng không ngoài mục đích cao cả là tu tập bản thân và hướng dẫn đàn em tu học theo châm ngôn và lý tưởng của GĐPT đề ra.
Ở Trung ương, Tình, Thành có Phân ban GĐPT gồm các huynh trưởng có thâm niên về tuổi đời cũng như tuổi đạo, lo việc tổ chưc và hoạch định chương trình tu học. Việc thực thi chương trình tu học là do các Ban huynh trưởng Gia đình cấp cơ sở.
Tổ chức sinh hoạt của một Gia đình cơ sở, phát triển hay tan rã, ngoài yếu tố khách quan ra còn phần chủ quan thuộc về Ban huynh trưởng. Do vậy, tinh thần và trách nhiệm của Ban huynh trưởng đối với từng Gia đình là hết sức quan trọng, trong đó vai trò của Gia trưởng và Liên đoàn trưởng có tính cách quyết định.
Huynh trưởng nói chung, Gia trưởng và Liên đoàn trưởng nói riêng cần phải có đủ 3 điều kiện căn bản và cốt lõi sau:
Tóm lại, người huynh trưởng, có cấp hay chưa có cấp, không phải chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh tu học, mà chính bản thân người huynh trưởng cũng cần phải tu học và rèn luyện đạo đức. Được như thế thì huynh trưởng mới đủ điều kiện hoàn thành chức năng giáo dục của mình. Do vậy, làm huynh trưởng đã là khó, nhưng làm huynh trưởng có cấp, có chức vụ lại càng khó hơn.
(Còn tiếp…)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1