Kính thưa Quý bạn đọc gần xa,
Loạt bài “Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử” của tác giả Minh Kim vừa kết thúc. Ban biên tập Website www.gdptkiengiang.vn hy vọng bạn đọc gần xa có thêm hiểu biết về tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) để từ đó hiểu và thương hơn đối với tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên của giới cư sĩ Phật Giáo Việt Nam.
Để Quý bạn đọc gần xa có thêm kiến thức xác thực về lịch sử ra đời và phát triển của tổ chức GĐPT, bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi khởi đăng tác phẩm “Tiến trình hình thành và phát triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam” của tác giả Thích Quảng Trí.
Đại đức Thích Quảng Trí thế danh Lê Văn Thiện, là Tăng sinh khóa II (2001 – 2005) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Ông đã nghiên cứu trên 31 tác phẩm có liên quan đến GĐPT của nhiều tác giả khác nhau và biên soạn tác phẩm này để làm luận văn tốt nghiệp. Đây là một tác phẩm được biên soạn rất công phu, chân xác và hiếm thấy từ khi GĐPTVN ra đời đến nay. Đối với đoàn viên GĐPT thì đây có thể được xem là quyển sách “gối đầu giường” của anh chị em; Còn đối với bạn đọc cần tìm hiểu lịch sử của tổ chức GĐPT thì có thể coi đây là một sử liệu chính xác viết về GĐPTVN.
Trong khi tác phẩm “Tìm Hiểu Về GĐPT” của Minh Kim được viết bằng tình cảm của người huynh trưởng đã lăn lộn hơn 50 năm trong sinh hoạt GĐPT, được thể hiện qua nhiều cung bậc xúc cảm của một người yêu GĐPT bằng tất cả con tim và khối óc…
…Thì tác phẩm “Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển GĐPTVN” của Thích Quảng Trí được viết dưới ngòi bút của một sử gia: chân thực và nghiêm túc. Do đó, độc giả sẽ cảm thấy đôi chỗ khô khan, nhưng đàng sau những sử liệu khô khán ấy là cả một sức sống hùng tráng, là cả một trí tuệ Phật giáo ưu việt đã giành giật từng khoảnh khắc lịch sử để xây dựng nên tổ chức GĐPT và bảo tồn cho đến ngày nay.
Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam” của tác giả Thích Quảng Trí với bạn đọc gần xa.
* * *
Đức Phật thành lập Tăng đoàn không ngoài mục đích đem giáo lý của mình đã chứng nghiệm truyền thụ cho mọi người để họ tu tập đạt đến hạnh phúc và an lạc. Phật giáo tùy theo trình độ, căn cơ của đối tượng để thiết lập đường hướng giáo dục. Đường hướng ấy luôn tùy duyên theo diễn tiến của thời gian và không gian.
Sau khi đức Phật nhập Niết bàn, qua các kỳ kết tập, các đệ tử đã tập hợp những lời giáo huấn của Ngài và những lời giảng giải của chư Thánh Tăng hình thành nên tam tạng Kinh – Luật – Luận. Đây là một hệ thống giáo lý có tính giáo dục rất cao của Phật giáo được lưu truyền cho đến ngày nay.
Tư tưởng giáo dục Phật giáo lấy “Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sanh” làm căn bản. Nói một cách tổng quát là, tất cả cùng tuyệt đối về Phật tính bình đẳng, song căn tính chúng sanh vốn sai biệt, nên tư tưởng giáo dục có sự uyển chuyển để thích ứng với mọi căn cơ. Điều này được minh chứng qua suốt thời gian giáo hóa của đức Phật, Ngài đã tùy căn cơ mà phương tiện khai hóa, Chính vì thế mà giáo đoàn của Ngài không bỏ sót một giai cấp nào, dù sang, hèn, già, trẻ v.v… tất cả đều được Ngài hóa độ. Sự hóa độ đó mỗi ngày được nhân rộng thêm, không giới hạn ở xứ Ấn, mà được truyền khắp năm châu theo bước chân du hóa của chư Tăng. Dân tộc Việt Nam đã thừa hưởng được di sản tinh thần quý báu đó, trên hai nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã tồn tại và phát triển gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã sớm hòa mình cùng đất nước, trở thành tôn giáo bản địa. Phật giáo Việt Nam biết thu nhận cái tích cực từ bên ngoài, nhưng bên trong cũng biết giữ gìn và phát triển nét văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, biết hòa mình đồng cam cộng khổ với nhân dân. Điều này đã được lịch sử chứng minh sự đóng góp của Phật giáo đối với nước nhà qua các thời đại.
Được như thế là nhờ một phần đóng góp của giáo dục Phật giáo. Vì giáo dục Phật giáo luôn thích ứng với tư tưởng của con người Việt Nam, Bằng những phương châm giáo dục mang tính bình đẳng, nhân bản, tự phát huy tánh sáng suốt tự có của con người, không áp đặt một quyền năng, mặc khải nào của bề trên ban tặng, đó là một lối giáo dục bằng phương pháp không cứng nhắc, cố định, mà là uyển chuyển thu gom trong ba chuyên từ, đó là : khế lý, khế cơ và khế thời .
Ngoài ba đặc chất khế lý, khế cơ và khế thời trên, giáo dục Phật giáo không thể thiếu những tính chất như : tự do tư tưởng, tinh thần tự lực, tinh thần từ bi hỷ xả, tinh thần thực tiễn, tinh thần không chấp thủ v.v… Giáo dục Phật giáo luôn lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người. Giáo dục Phật giáo không chối bỏ con người để đi tìm kiếm một thần linh nào khác ngoài con người. Về phương diện nhân sinh quan, Phật giáo dạy con người hoàn thiện nhân cách ngay trong hiện tại; về phương diện thế giới quan, Phật giáo không dạy con người chán đời, yếm thế để cầu về một cõi hư ảo xa xôi, mà dạy con người hãy sống trong thực tại. Phật dạy : Sinh tử-Niết bàn là một, Phiền não-Bồ đề không hai… Qua đấy cho thấy Phật giáo đề cao phẩm hạnh con người, đề cao tinh thần giáo dục tự thân, tự lực nhằm phát triển trí năng của con người hơn là nhờ vào tha lực.
Chính vì những mục đích giáo dục như thế, nên kể từ ngày đầu du nhập cho đến nay, Phật giáo được dân Việt đón nhận rất thiện cảm. Trải bao cuộc biến thiên của lịch sử, Phật giáo nước nhà cũng thăng trầm theo thế sự, nhưng không vì thế mà đường hướng giáo dục Phật giáo bị phai nhạt; dù thịnh đạt hay suy vong song tinh thần giáo dục Phật giáo vẫn luôn trôi chảy trong dòng lịch sử của dân tộc.
Gần đây, vào đầu thế kỷ XX, ngài Thái Hư Đại sư khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc. Tiếp thu tư tưởng đó nên vào thập niên 1920-1940, Phật giáo Việt Nam đã dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo khắp đất nước, thành lập hội Phật học khắp ba miền như : Nam kỳ có “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” ra đời năm 1931, Trung kỳ có “Hội An Nam Phật Học” thành lập năm 1932, Phật giáo Bắc kỳ thành lập “Bắc Kỳ Phật Giáo Hội” vào năm 1934.
Các Hội thành lập với tôn chỉ là Học và Hành qua ba phương diện : Thứ nhất, học hỏi và nghiên cứu giáo lý cho thâm hiểu; thứ hai, áp dụng giáo lý vào đời sống tu tập cho bản thân, gia đình và xã hội; thứ ba, truyền bá giáo lý cho mọi người. Chẳng hạn, Hội An Nam Phật Học ở Trung kỳ rất chú trọng về giáo dục cho thế hệ thanh thiếu niên với tôn chỉ :
“Hoằng dương Phật pháp lợi lạc hữu tình, nghĩa là đem các phương pháp giác ngộ của Phật truyền bá khắp nơi nơi, cho người người đều hiểu biết và tu trì, thoát ly mọi sự khổ não. Muốn cho nhân loại được hưởng sự hòa bình, thì điều cốt yếu nhất là phải tạo cho nhân tâm có đủ đức tính từ bi, vô ngã, vị tha, xóa bỏ tham, sân, si, mạn, nghi.
Y theo các phương pháp của Phật đã dạy, cùng tôn chỉ lợi tha của Hội, điều này cần nhiều người góp sức, không thể một vài người mà đảm đương nỗi. Vì vậy mà phải cần đến số đông, tất cả cùng nhau lo cho mục đích của Hội được thành tựu. Tất cả hội viên nhận cái tôn chỉ của Hội làm tôn chỉ cho chính mình, cùng phát huy chánh pháp.
Toàn thể hội viên phải tùy theo hoàn cảnh của mình mà tham học Phật pháp, quán sát Phật lý, tu tập Phật hạnh, tinh tấn hành Phật sự. Cần phải xây dựng đội ngũ trí thức trẻ để tham gia và kế thừa phát huy tôn chỉ của Hội đề ra”
Đây là mầm ươm khởi đầu cho sự hình thành Gia Đình Phật Tử, một tổ chức ra đời dưới sự che chở và quan tâm của Hội An Nam Phật Học.
Vì sao phải quan tâm đến tuổi trẻ như thế ? Vì rằng, thanh niên, tuổi trẻ là rường cột tương lai của nước nhà, của Phật giáo. Hơn nữa, muốn giáo dục con người thành công, tức phải định hướng cho họ từ lúc nhỏ. Tuổi trẻ là lứa tuổi đầy năng lực và nhiệt huyết, nhiều mơ ước, khát vọng, nhưng tuổi trẻ lại thiếu kiên nhẫn, thích xông pha nhưng không quen chịu đựng. Cho nên các em dễ bị cám dỗ, sa ngã khi tiếp xúc với cuộc sống khó khăn, phức tạp.
Thực trạng đáng lo ngại của xã hội là một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đang vùi mình trong đam mê dục vọng như : trộm cướp, ma túy, mãi dâm v.v… Trước tình hình đáng báo động này, Phật giáo đã hình thành tổ chức Gia Đình Phật Tử để dạy dỗ con em hội viên, một mặt giúp các em khỏi sa vào các tệ nạn đó, mặt khác trang bị cho các em nền đạo đức theo tinh thần Phật giáo, giúp các em có cuộc sống an vui và hạnh phúc.
Mục đích ra đời của Gia Đình Phật Tử, ngoài sự giáo dục con em trở thành người tốt trong xã hội, một Phật tử chân chánh, còn là điểm khởi đầu, là cánh cửa vào đạo chân chính nhất. Từ đó, nhiều đoàn sinh GĐPT khi lớn lên, người thì xuất gia và trở thành rường cột của giáo hội, kẻ tại gia thì trở thành những cư sĩ phục vụ đắc lực cho giáo hội địa phương, những hoằng pháp viên của Phật giáo.
Tuy nhiên, GĐPT muốn được duy trì và phát triển thì không thể thiếu sự quan tâm của Tăng già đi đôi với sự vận dụng tùy duyên của hàng huynh trưởng. Có như vậy thì nền giáo dục GĐPT mới đi đúng tôn chĩ của Giáo hội. Vì truyền thống của tổ chức GĐPT từ ngày khai sinh đến nay luôn sinh hoạt trong lòng một tổ chức Giáo hội hợp pháp đương thời.
Mục đích của luận văn này là trình bày tổng hợp lại nội dung sinh hoạt xưa và nay của Gia Đình Phật Tử qua các tài liệu đã được viết từ khi ra đời Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục cho đến các năm gần đây, nhằm giúp cho các anh chị Huynh trưởng và các em đoàn sinh GĐPT nhớ về cội nguồn, trân trọng giữ gìn truyền thống Áo Lam. Ngoài ra, người viết cũng mong ước với Tình Lam cao quý mà GĐPTVN có được hơn nửa thế kỷ qua, mỗi ngày càng dang rộng vòng tay dón nhận tất cà anh chị em Lam viên dù đang sinh hoạt dưới danh nghĩa nào, hãy cùng trở về chung một mái nhà Lam để cất lên tiếng hát trầm hùng : “…Đồng thề nguyện một dạ theo Phật – Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết – Đến bao giờ được tày sen ngát – Tỏa hương thơm từ bi tận cùng”
(Còn tiếp…)
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu