Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục hình thành do hai nhu cầu thời bấy giờ:
-Nhu cầu khách quan: vấn đề đức dục trong xã hội đang xuống cấp
-Nhu cầu chủ quan: việc xây dựng Hội An Nam Phật Học về lâu về dài.
Đặc biệt, Hội An Nam Phật Học tại Huế chú trọng đến việc giáo dục thanh thiếu niên, dưới sự chỉ đạo và quan tâm lớp trẻ của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám.
Sau khi ổn định việc tổ chức trường, sở và báo chí, v.v…, tại đại hội đồng thường niên 10/8/1938, trong diễn văn khai mạc, cư sĩ Lê Đình Thám đã tuyên bố: “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu Nhi, họ là người nói tiếp chúng ta trong ngày mai”, đây là mục đích truyền trao Phật học cho Thanh niên, kế thừa và tiếp nối các bậc đi trước.
Bước đầu, cư sĩ Lê Đình Thám đã quy tụ một số thanh niên trí thức như : Phạm Hữu Bình, Ngô Điền, Ngô Thừa, Đinh Văn Nam, Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, v.v…, giảng dạy Phật pháp và chuyên môn cho họ, để họ có khả năng dìu dắt và hướng dẫn các đoàn Đồng Ấu Phật tử. Khởi đầu, sự giáo dục này rất thành công, cho nên Hội An Nam Phật Học có nghị định lập một ban Thanh niên Phật tử mang tên “Đoàn Phật Học Đức Dục” với nhiệm vụ truyền bá đạo Phật trong cả nước.
Đoàn Phật Học Đức Dục chính thức thành lập vào ngày 8-12 năm Canh Thìn (1940), lễ tuyên thệ được tổ chức gồm 9 thành viên. Sau lễ kỷ niệm đệ nhất chu niên của đoàn vào cuối năm 1941, có một số anh em gia nhập thêm, như : anh Ưng Hội, Tráng Thông, Lâm Công Định. Trong số đoàn viên Đoàn PHĐD hồi ấy, hiện giờ có một số người đang lãnh đạo Giáo hội như : Hòa Thượng Thích Minh Châu (Đinh Văn Nam), Giáo sư Minh Chi (Đinh Văn Vinh), Võ Đình Cường (năm 2005- BBT), v.v…
Dưới sự hướng dẫn và dạy dỗ của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Đoàn Phật Học Đức Dục đã nhanh chóng trở thành một tổ chức có uy tín. Hội An Nam Phật Học đã giao phó cho Đoàn việc biên tập tạp chí Viên Âm, cùng xuất bản các sách dành cho tuổi trẻ. Song song với việc tu học, trau dồi đạo đức, tham cứu kinh điển qua nhận thức mới, Đoàn luôn là người đàn anh đứng đầu trong việc tổ chức và dạy dỗ cho các đoàn Đồng Ấu.
Năm 1941, Phật Học Tùng Thư bắt đầu ấn hành những công trình biên khảo, nghiên cứu, sáng tác của anh em học viên trong Đoàn Phật Học Đức Dục, có sự góp ý của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám.
Đường hướng sinh hoạt của Đoàn Phật Học Đức Dục với mục đích và lý tưởng như sau:
*Mục đích:
“Một là, tập họp đội ngũ thanh niên trí thức, nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới, có tính chất tổng hợp và so sánh, đồng thời cũng nhận định tư tưởng Phật giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại;
Hai là,, mở lớp học, học triết học so sánh nghiên cứu 3 tôn giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo dành cho các thanh niên tân học. Dùng những hình thức phổ biến, báo chí, sách truyện, tiến đến thành lập các đoàn thể thanh niên Phật giáo.”
*Lý tưởng:
“Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục do An Nam Phật Học Hội thành lập, nguyện thực hành và tuyên truyền đức dục theo giáo lý nhà Phật, một giáo lý thanh cao huyền diệu và cũng rất phổ thông (theo lời Cụ Lê Đình Thám).
Phát nguyện trước Đức Phật Thích Ca, đem tất cả năng lực tiềm tàng trong con người để xây dựng một nền Đức dục mới, một nền Đức dục thích hợp với bản năng của thanh niên. Chúng tôi mới hợp nhau thành đoàn thể, gây nên một hoàn cảnh thuận tiện cho việc tu học sửa mình (theo lời anh Đinh Văn Nam)
Đoàn thể có một lý tưởng chung: sống nhân ái (Nhân ái là nghĩa hẹp của Từ Bi, chúng tôi nhận thấy đức Từ Bi lớn lao quá không dám nói đến), cùng nhau giữ giới, họp nhau cốt để kiểm soát lòng thành thật của nhau, giúp đỡ nhau, khuyến khích nhau học hành theo chân lý. Mỗi năm chúng tôi họp nhau một lần, tuyên thệ trước Đức Phật uy nghi và từ bi để nhắc nhau chí hướng theo đuổi (…) Nếu tâm trí chúng ta được nương theo trí huệ và từ bi của chư Phật mà được rạng rỡ lên, thì lo chi không thực hiện được một xã hội hòa bình, một nền văn minh chân thật và bền vững, một thế giới Cực Lạc (trích Kỷ yếu “50 Năm GĐPT Việt Nam” của Phân ban GĐPT Thừa Thiên-Huế-2001)
*Châm ngôn:
“Nguyện luôn nêu cho rạng tỏ hai chữ Trong sạch và Nhân ái, châm ngôn của Đoàn Phật Học Đức Dục”
-Giữ giới để được trong sạch
-Từ bi là nghĩa rộng của Nhân ái.
*Sinh hoạt:
-Cá nhân nghiên cứu giáo lý Đức Phật
-Tự sửa mình và nêu gương tốt ngoài xã hội theo phương châm: nhân ái và trong sạch.
-Sáng chủ nhật hằng tuần sinh hoạt chung tại chùa Từ Đàm để nghe Cụ Cố vấn (Lê Đình Thám) giảng giáo lý, duyệt các bài anh em đã viết và phân công việc.
-Tổ chức các cuộc nói chuyện công khai mở rộng tại chùa Từ Đàm
-Tu Bát Quan Trai
-Tổ chức các Gia Đình Phật Hóa Phổ
*Huy hiệu:
Hoa sen trắng trên nền hình tròn màu xanh lá mạ (tác giả: Lê Lừng) Huy hiệu này về sau làm huy hiệu chính thức cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
*Bài ca chính thức:
Bài ca của Đoàn lúc bấy giờ được soạn bằng tiếng Pháp, sau thay lời Việt thành bài “Sen Trắng” . Đây là bài ca chính thức của GĐPT Việt Nam, nhạc Ưng Hội, lời Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán.
“Rangeons nous, mes amis pour chanter gaiement en choeur.
Portons tous vers Bouddha notre foi et notre ardeur.
Engageon-nous à tout prix sure la route qui monte brille
Et ce chant s’élèvera pour unir nos jeunes coeurs”
Lời Việt:
“Kía xem đóa Sen Trắng thơm nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn
Hình dung Bổn Sư chúng ta lòng từ bi trí giác vô cùng
Đồng thề nguyện một dạ theo Phật, nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết
Đến bao giờ được tày sen ngát, tỏ hương thơm từ bi tận cùng”
Năm 1941, Phật Học Tùng Thư bắt đầu ấn hành những công trình biên khảo, nghiên cứu, sáng tác của anh em học viên trong Đoàn Phật Học Đức Dục dưới sự chỉ dẫn, cố vấn của Bác Lê Đình Thám.
Ngoài ra, Đoàn còn biên soạn một số tài liệu giáo dục thanh thiếu niên, nghiên cứu về khoa tâm lý học và ấn hành rời từng tập nhỏ. Chính những tài liệu căn bản then chốt này đã giúp cho các nhà giáo dục sau này bổ sung và kiện toàn để áp dụng giáo dục cho toàn quốc.
Tóm lại, “Nhờ sự hướng dẫn tận tâm và tầm nhìn xa của cư sĩ Lê Đình Thám, nhà nghiên cứu có cơ sở tân học vững chắc, nên quy tụ nhiều thanh niên trí thức lại, nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới, như : Phạm Hữu Bình, Đinh Văn Nam, Lê Bối, Tráng Thông, Võ Đình Cường, Trần Đỗ Cung, Nguyễn Hữu Quán, Ngọc Thừa, Đinh Văn Vinh. Về sau còn có sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, họa sĩ Phạm Đăng Trí” (*)
Trong báo Phụ Nữ Tân San, xuất bản ngày 16/12/1942 có đoạn viết: “Phật Học Đức Dục chính là nền tảng của sự canh tân Phật giáo. Trong thời đại ngày nay, chiến tranh lan tràn, nhiều ý thức hệ xung khắc nhau đến cùng cực, mà Hội An Nam Phật Học (ở Trung Kỳ) lại quan tâm sâu sắc đến một hình thức quảng bá thích nghi như thế, tức là nghĩ đến tiền đồ của đạo pháp. Đó là điều đáng tán dương, khích lệ và chính đó cũng là niềm hy vọng cho tín đồ Phật giáo”.
Trong những năm 1942, 1943 và 1944, các lớp Phật pháp được tiếp tục tổ chức cho thanh niên tân học vào mùa nghỉ hè, cư sĩ Tâm Minh luôn luôn phụ trách việc giảng dạy.
(Kỳ sau : Gia Đình Phật Hóa Phổ)
Chú thích :
(*) Gia Đình Phật Tử Việt Nam-50 Năm Xây Dựng. Hương Quê, California, USA, 1996, trang 3