Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 18)

G

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả :  THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 18)

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

I-GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH (1930-1950)

1) Từ phong trào Chấn Hưng Phật Giáo (1930-1940)

2) Giai đoạn hình thành (1940 – 1950)

2a. Đồng Ấu Phật Tử

2b. Đoàn Phật Học Đức Dục

2c.Gia Đình Phật Hóa Phổ

II-GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1951 – 1974)

* Năm 1953: Đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ II tại Huế

*Năm 1953:  đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ II  tại Huế

* Năm 1955: đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ III tại Đà Lạt

*Năm 1961:đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ IV tại Sài Gòn

*Năm 1963: GĐPT tham gia cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo

*Năm 1964: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời.

*Các hoạt động trong năm 1962 :

Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức xong hội thảo Gia trưởng GĐPT của Tỉnh hội, liền mở tiếp trại họp bạn toàn GĐPT Thừa Thiên từ ngày 27 đến 30/10/1962 tại chùa Từ Hiếu. Qua trại họp bạn và hội thảo đã ghi nhận được nhiều thành quả tốt đẹp.

Ngày 01, 02/07/1982, GĐPT Trung phần tổ chức đại hội tại chùa Từ Đàm – Huế. Qua báo cáo, số lượng đoàn viên GĐPT Trung phần hiện đang sinh hoạt có : 687 đơn vị Gia đình, 3.185 huynh trưởng (chưa tính số lượng 2 tỉnh Quảng Trị và Đăk-Lăk).

Tháng 9/1962, đại hội huynh trưởng toàn quốc thu hẹp tại Nha Trang. Tại đại hội này chỉ có các Trưởng Ban Hướng dẫn các tỉnh (Nam, Trung, Bắc) và một số anh chị huynh trưởng kỳ cựu được mời về tham dự, không có đại biểu dự thính. Đại hội này xét lại tình hình quốc gia, chuẩn bị hướng đi cho GĐPT/VN trong giai đoạn mới. Đề nghị thay đổi danh từ Gia Đình Phật Tử thành Thanh Niên Phật Tử Việt Nam lại được đưa ra, nhưng không được chấp thuận. Đây là lần thứ hai kiến nghị đổi danh hiệu nhưng không thành.

Cũng năm này, Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần đã xuất bản quyển “Cương Yếu Gia Đình Phật Tử” của Như Tâm-Nguyễn Khắc Từ

*Các hoạt động trong năm 1963 :

Năm vận động công khai cho tự do tín ngưỡng, công bình xã hội của Phật Giáo Việt Nam, tranh đấu chống kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Khởi đầu gây sự uất ức cho giới Phật tử Việt Nam là vào đêm 18/4 năm 1955, Huynh trưởng Phan Duy Trinh bị ám sát dã man tại Huế. Tiếp đến năm 1960, chính quyền ngăn cấm không cho tổ chức trại tại Nha Trang. Đây là bước đầu tiên của chính quyền muốn chặn đứng những hoạt động của Phật giáo, mở đầu cho những cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo đang trên đà bộc phát, để rồi bùng vỡ trong mùa Phật đản năm 1963 khi lệnh cấm treo cờ Phật giáo được ban ra từ chính quyền đương thời.

Trong cuộc chống kỳ thị tôn giáo do Phật Giáo Việt Nam chủ trương, GĐPT đã đóng góp xứng đáng và tích cực. Các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT bị bắt, bị giết hại, tù đày đàn áp đến mang thương tích suốt đời không phải là ít. Trong đó, thương tâm nhất là Oanh Vũ Đặng Văn Công cùng các em khác bị tàn sát tại đài phát thanh Huế, Gia trưởng Hoàng Thuyết bị bóp cổ thả xuống sông trước khuôn hội Phú Bình, Thiếu nữ Quách Thị Trang bị bắn chết trước Chợ Bến Thành, Sài Gòn, v.v…

Cuộc tranh đấu cho tự do tín ngưỡng năm 1963 của Phật giáo thành công. GĐPT/VN đã góp phần xương máu cùng Giáo hội. Những mẩu chuyện tranh đấu của GĐPT Trung phần, sau được ghi chép thành sách “Trước Cơn Sóng Gió” do Ban Hướng dẫn Trung phần xuất bản vào dịp lễ tiểu tường các vị Thánh tử đạo năm 1964. Điều đó đã nói lên được sự hộ pháp đắc lực của hàng cư sĩ tại gia và tinh thần yêu nước của GĐPT/VN. Cho nên, trong lời giới thiệu quyển sách “Trước Cơn Sóng Gió”, Hòa thượng Trí Quang đã tán dương rằng:

“Trong cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam, người được bí mật ủy nhiệm viết và mang biểu ngữ mở đầu cho phong trào, là GĐPT. Tám vị Thánh tử cho Đạo pháp tại đài phát thanh Huế, làm cho phong trào cao hẳn lên, là GĐPT. Những người can đảm chắp tay ngồi giữa đường dầu, dưới nắng hè, nhận lấy sự khủng bố đầu tiên, có kế hoạch và vô cùng dữ dội. Kết quả là, với hàng trăm lựu đạn a-xít, họ phải điên loạn và thương tích thê thảm, v.v… Trong tinh thần thuần túy vì Đạo pháp, GĐPT đã không có một chút hổ thẹn nào khi nhìn vào các giới Phật tử đồng hành, khi nhìn vào liệt vị “thiêu thân vì Chánh Pháp”, GĐPT cũng có thể có được sự không hổ thẹn đó”

*Các hoạt động trong năm 1964 :

Sau cuộc Cách mạng ngày 01/11/1963, Phật Giáo Việt Nam chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn thống nhất với danh hiệu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và bản Hiến chương của Giáo hội ra đời vào ngày 04/01/1964.

Đại hội thống nhất Phật giáo được diễn ra tại chùa Xá Lợi-Sài Gòn từ ngày 30/12/1963 đến 04/01/1964. Đây là lần thứ hai Phật giáo được thống nhất (lần thứ nhất vào ngày 08/04 Tân Mão – 1951 tại chùa Từ Đàm-Huế) gồm 51 đại biểu của 6 tập đoàn Phật giáo, đã đăt những viên đá đầu tiên cho tòa nhà Phật giáo Thống nhất Việt Nam.

Bước sang đầu năm 1964, tại chùa Xá Lợi, trên 100 đại biểu chính thức của 11 tập đoàn Phật giáo, gồm cả Nam tông lẫn Bắc tông, Tăng già lẫn Cư sĩ đã hoàn thành tòa nhà Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Công tác lịch sử đánh dấu một bước tiến dài trên bước đường hoằng dương chánh pháp tại Việt Nam, đã gây một tiếng vang lớn lao không những tại nước nhà, mà cả đến thế giới Phật giáo nữa.

Bài diễn văn khai mạc do Ngài Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam đọc ngày 31/12/1963 đã nói lên được nguyện vọng thống nhất của PGVN :

“Thưa quý vị, trở lại với hiện tình của Phật giáo Việt Nam, với hoàn cảnh xã hội của dân tộc Việt Nam, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự đoàn kết thống nhất của mọi tầng lớp Thanh niên, Phật tử không phân biệt tông phái, không phân biệt địa vị xã hội. Ở đây không còn Đại thừa hay Tiểu thừa; không còn Ông này hay Ông kia. Tất cả chỉ là con người có Phật tánh. Mỗi người là một điểm sáng nhỏ, hôm nay từ mọi nơi quy tụ về đây hội hợp để mong thắp lên một bó đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam, vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam không phải mới đặt ra ngày hôm nay, nhưng đây là thời cơ thuận lợi nhất và cũng là khẩn thiết nhất”

Đại hội thảo luận đúc kết đến ngày 04/01/1964 (20/11 Quý Mão) hoàn thành bản Hiến chương cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hiến chương gồm có 11 chương, 36 điều, được 11 vị trưởng phái đoàn các giáo phái, hội đoàn ký tên tại chùa Xá Lợi-Sài Gòn.

Bản Hiến chương đầu tiên ngày 04/01/1964 được công nhận bởi sắc luật số 158-SL/CT ngày 14/05/1964 do chính phủ Nguyễn Khánh ban hành. Hiến chương được tu chỉnh lần thứ nhất tại đại hội lần thứ II của GHPGVNTN ngày 14/12/1965. được chuẩn y bởi sắc luật 005/66 ngày 26/02/1966 do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu ký tên ban hành.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên dị cá biệt, mà đặt sự tồn tại a61ytrong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc (trích Lời nói đầu Hiến chương GHPGVNTN, 1964)  (Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang