II.Những chặng đường phát triển
1)Giai đoạn sơ khởi (1930-1950)
2)Giai đoạn phát triển (1951-1974)
3)GĐPT hy sinh bảo vệ Đạo Pháp
4)Giai đoạn tiềm ẩn (1975-1996)
5)Giai đoạn phục hồi sinh hoạt (1997 đến nay)
III- GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HY SINH BẢO VỆ ĐẠO PHÁP
Tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam. Tại miền Nam, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về Sài Gòn lập ra chánh quyền hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Gia tộc họ Ngô theo đạo Thiên Chúa từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm chiếm Việt Nam; anh ông ta là Ngô Đình Thục được tòa thánh Vatican phong đến chức tổng giám mục.
Ngay sau khi yên vị trên chiếc ghế tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa, ông ta thi hành nhiều thủ đoạn tàn ác và thâm độc để tiêu diệt Phật Giáo như :
-Ban hành đạo dụ số 10 để tạo cơ sở pháp lý chèn ép Phật Giáo
-Phân biệt đối xử với quân nhân, công chức theo đạo Phật bằng cách đày họ đi phục vụ ở những nơi xa quê nhà hoặc nơi có chiến sự ác liệt nhất
-Chụp mũ “Việt Cộng” cho những tăng ni và Phật tử để có cớ bắt bớ giam cầm hoặc thủ tiêu bí mật (Anh Võ Đình Cường, trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương bị chánh quyền bắt giam nhiều lần cũng nằm trong thủ đoạn này)
-Cho mật thám theo dõi hoạt động ở những nơi thờ tự, chùa chiền để hù dọa không cho Phật tử đến chùa
-Năm 1955 chánh quyền Diệm gạt bỏ ngày lễ Phật Đản ra khỏi danh mục những ngày nghỉ lễ trong năm của giáo viên,công chức vả quân nhân
-Năm 1963, chính quyền Diệm không cho Phật tử treo cờ Phật Giáo tại nhà để đón mừng Phật Đản v.v…
Sau khi Ngô Đình Diệm bị phe quân đội lật đổ vào ngày 01/11/1963, những chánh quyền kế tiếp do Mỹ dựng lên vẫn tiếp nối con đường tiêu diệt Phật Giáo mà Ngô Đình Diệm chưa hoàn thành.
Trước những thủ đoạn vừa lộ liểu tàn ác, vừa kín đáo thâm độc của nhà cầm quyền, tăng ni và Phật tử tại miền Nam dưới sự lãnh đạo của Giáo hội qua các thời kỳ, đã kiên trì đấu tranh bảo về Đạo Pháp xuyên suốt từ năm 1955 cho đến năm 1974. Tham gia công cuộc đấu tranh bảo vệ Đạo Pháp trong gần hai mươi năm ấy, Gia Đình Phật Tử luôn sát cánh bên Giáo hội trong những giờ phút nguy hiểm khó khăn nhất. Đến nay, sử sách vẫn còn ghi lại những tấm gương hy sinh oanh liệt của đoàn viên GĐPT trong công cuộc bảo vệ Đạo Pháp :
– Anh Phan Duy Trinh pháp danh Tâm Khiết sinh năm 1925 tại Huế, đã bị một nhóm đảng viên Cần Lao của Ngô Đình Diệm lợi dụng đêm tối chận bắt anh trên đường viếng thăm Gia Đình Phật Tử Phú Thạnh và Gia Đình Phật Tử An Hòa về khuya ở Kim Long đánh chết ngay tại chổ đêm đó là 18/4 /Al(1955)
– Tối 15/4/AL (1963) Phật giáo đồ Thừa Thiên tụ tập trước đài phát thanh Huế để nghe phát thanh tại buổi lễ Phật Đản như mọi năm trước và để theo dõi kết quả cuộc hội kiến giữa các vị đại diện Phật giáo và chính quyền để giải quyết việc cấm treo cờ Phật giáo thì chính quyền đã ra lệnh Thiếu tá Đặng Sĩ đem quân đội, xe bọc thép kéo đến đàn áp vô cùng dã man, làm hàng chục người thiệt mạng, hàng chục người bị thương nặng, trong đó có tám em đòan sinh thuộc Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên chết ngay tại chỗ, đó là các em : Đặng Văn Công, Trần Thị Phước Trí, Nguyễn thị Yến, Huyền tôn nữ Tuyết Hoa, Lê Thị Kim Anh, Dương Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Phúc, tuổi đời chỉ từ 12-20
-Cư sĩ HOÀNG THUYẾT pháp danh Hồng Lý, sinh năm 1901, gia trưởng GĐPT Hương Từ, Phú Bình, Huế. Ngày 20/8/1963, bọn cảnh sát dã chiến tấn công chùa Từ Đàm, bắt bác Hoàng Thuyết đi, tra tấn dã man mấy ngày rồi thả về. Đêm 31/8/1963, bác đi thăm một vài người bạn, trên đường đi đã bị mật thám bắt giết và thả trôi sông.
– QUÁCH THỊ TRANG sinh năm 1948 tại Thái Bình, Bắc việt, sinh hoạt tại Gia Đình Phật Tử Minh Tâm Sài Gòn đã tham gia cuộc biểu tình của nhiều đoàn thể Phật giáo đã diễn ra trước chợ Bến Thành Sài Gòn ngày 25/8/1963 để yêu cầu chính quyền thả ngay tất cả các Tăng Ni Phật Tử đã bị bắt trong cuộc tấn công vào các chùa chiền khắp toàn miền Nam cùng một đêm 20/8/1963 bị cảnh sát Đô Thành Sài Gòn đàn áp vô cùng dã man, nhiều loạt đạn của cảnh sát bắn tới tấp vào đoàn biểu tình, em QUÁCH THỊ TRANG đã gục chết ngay tại chổ.Ngày nay cứ đi ngang qua chợ Bến Thành Sài Gòn nhìn tượng đài Quách Thị Trang trên bùng binh trước cổng chợ mà không khỏi ngậm ngùi thương tiếc và bái phục lòng dũng cảm vì đại nghĩa quên mình của người con gái tuổi 15.
– ĐÀO THỊ YẾN PHI pháp danh Nguyên Thường tự Diệu Mai sinh năm 1946. Đoàn phó đoàn Nữ Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử Chánh Quang Nha Trang đã tự thiêu trước tòa hành chánh Tỉnh Khánh Hòa lúc 14g30’ngày 24/12/AL ( 1965 ) để chống chính quyền đàn áp Phật giáo.
– NGUYỄN ĐẠI THỨC pháp danh Tâm Dũng sinh năm 1929 tại Quảng Bình. Đòan phó thiếu nam Gia Đình Phật Tử Tịnh Bình, anh là trung úy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang cùng với lực lượng quân nhân Phật tử chốt ở Mang Cá đã bị đạn từ trên máy bay bắn xuống gây tử thương ngày 27/3/AL (1966).
– LÊ THANH SÔ pháp danh là Minh Tiên sinh năm 1938 tại Quảng trị Gia Đình Phật Tử Hòa Thuận đang cùng một số phật tử bảo vệ Tam Bảo tự thì ngày 21/5/AL(1966) một toán thủy quân lục chiến và lính dù đến uy hiếp bắn vào chùa, anh Sô đã bị tử thương.
– NGUYỄN THỊ VÂN, pháp danh Không Gian, sinh ngày 12/4/1950 tại thành phố Huế, chúng phó thiếu nữ Gia Đình Phật Tử Thành Nội tự châm lửa thiêu thân trước sân chùa Thành Nội lúc 3g10’ ngày 12/4 /AL (1966), đã để lại dưới cột cờ chiếc áo Lam với huy hiệu hoa sen mà em vẫn thường mặc để sinh hoạt Đoàn và phía dưới chiếc áo có 3 bức thư : – 1 gởi cho Tổng Thống Mỹ Nixson – 1 gởi cho Thiệu – Kỳ. – 1 gởi thân phụ.
-Cùng trong thời gian này, đoàn sinh Thiếu nữ ĐÀO THỊ TUYẾT vị pháp thiêu thân tại Sài Gòn.
– Đoàn sinh Thiếu nữ Phan Diệu Mai pháp danh Diệu Quỳnh ( Nhất Chi Mai ) đã thể hiện “ Đại học tu thân cốt để hành ” bằng cách chặt một bàn tay để cúng dường bảo vệ Chánh pháp.
– Huynh trưởng PHAN GIA LY pháp danh Nguyên Liễu, đoàn phó Oanh Vũ Nam GĐPT Bình Hòa, chùa Tường Vân, Huế. Ngày 30/4/1971, sau khi đi sinh hoạt GĐPT về, anh đi thăm một số bạn Lam cho đến 19 giờ cùng ngày, anh vào chùa tụng xong thời kinh, rồi ra trước cột cờ tẩm xăng tự thiêu. Trong bức thư để lại có câu :
Kính bạch Thế Tôn,
Con xin phát nguyện thiêu thân
Tránh xa khổ nhục theo chân Đạo mầu.
Ngoài những huynh trưởng và đoàn sinh hy sinh vì bảo vệ Đạo Pháp nêu trên, còn biết bao trường hợp khác mà chúng ta chưa biết đã bị nhà cầm quyền bắt bớ tra tấn giam cầm, bị thương tật vĩnh viễn, hoặc chết một cách âm thầm chỉ bởi vì họ dám đương đầu với kẻ muốn hủy diệt Phật Giáo Việt Nam ngay trên đất nước này…
Thượng tọa Thích Trí Quang, một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào đấu tranh năm 1963 đã viết về những tấm gương hy sinh bảo vệ Đâo Pháp của đoàn viên GĐPT như sau : “Trong cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam, người được bí mật ủy nhiệm viết và mang biểu ngữ mở đầu cho phong trào, là GĐPT. Tám vị Thánh tử đạo tại Đài phát thanh Huế làm cho phong trào cao hẳn lên, là GĐPT. Những người can đảm chắp tay ngồi giữa đường dầu dưới nắng hè, nhận lấy sự khủng bố đầu tiên, có kế hoạch và vô cùng dữ dội. Kết quả là với hàng trăm lựu đạn a-xít, họ phải điên loạn và thương tích thê thảm v.v…Trong tinh thần thuần túy vì Đạo Pháp, GĐPT đã không có một chút hỗ thẹn nào khi nhìn vào các giới Phật tử đồng hành; khi nhìn vào liệt vị “thiêu thân vì Chánh pháp”, GĐPT cũng có thể có được sự không hỗ thẹn đó…”