Tìm hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 6

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

A-KHÁI QUÁT LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN GĐPTVN


II.Những chặng đường phát triển

1)Giai đoạn sơ khởi (1930-1950)

2)Giai đoạn phát triển (1951-1974)

3)GĐPT hy sinh bảo vệ Đạo Pháp

4)Giai đoạn tiềm ẩn (1975-1996)

5)Giai đoạn phục hồi sinh hoạt (1997 đến nay)

Kỳ 6:
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
( tiếp theo)

II-GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1951 – 1974)

 

1)GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM RA ĐỜI :

Vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951, tại chùa Từ Đàm-Huế, một đại hội Huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được triệu tập với sự tham dự của 9 tỉnh miền Trung gồm : Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Cam Ranh (Can Rang) và Di Linh (Lâm Viên).

Miền Bắc có các đại biểu đến từ Hà Nội và Hải Phòng như : anh Lê Văn Lãm, chị Tuệ Mai, chị Ni (sau này là Sư Bà Hải Triều Âm), chị Diệu Minh, chị Tuệ Ngọc …

Ban hướng dẫn GĐPHP Trung phần gồm các anh : Võ Đình Cường, Lê Mộng Đào, Nguyễn Đắc An, Mai Quang Hòa, Dương Xuân Nhơn, Dương Xuân Dưỡng, Phan Cảnh Tuân, Cao Chánh Hựu, Nguyễn Xuân Quyền, Nguyễn Khắc Từ , chị Hoàng Thị Kim Cúc v.v…

Thành quả của đại hội chính là :

1)Thống nhất lấy tên Gia Đình Phật Tử thay thế cho danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ trên phạm vi toàn quốc.

2)Bản Nội Quy Trình Gia Đình Phật Tử đầu tiên được ra đời gồm có 5 chương và 15 điều. Xin trích dẫn một số điều quan trọng của bản Nội Quy đầu tiên của tổ chức GĐPTVN :

*Mục đích Gia Đình Phật Tử : Mục đích của Gia Đình Phật Tử là  huấn luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử về ba phương diện: Trí dục – Đức dục – Thể dục trên nền tảng Phật Giáo để đào tạo thành những Phật tử chân chánh.

*Châm ngôn:

-Bi – Trí – Dũng  (dành cho thanh, thiếu nam nữ)

-Hòa thuận – Tin Yêu – Vui vẻ (dành cho Đồng niên nam nữ)

*Điều luật :

-Ngành thanh, thiếu gồm 5 điều :

1.Phật tử quy y Phật-Pháp-Tăng và giữ giới đã phát nguyện

2.Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống

3.Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật

4.Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm

5.Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Đạo

 

-Ngành đồng gồm 3 điều :

1.Em tưởng nhớ Phật

2.Em kính mến cha mẹ, thuận thảo với anh chị em

3.Em thương người và vật.

*Huy hiệu: hình Hoa Sen trắng tám cánh trên nền tròn màu xanh lá mạ

*Bài ca chánh thức : bài Sen Trắng, nhạc Ưng Hội, lời Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán

*Cách chào nhau khi cùng mặc đồng phục GĐPT : Ấn Kiết Tường

V.v…

Bản Nội Quy Trình này được đại diện các tỉnh thành có mặt đồng ký tên và được duyệt y bởi Thượng tọa Thích Trí Thủ, Chánh hội trưởng Hội Việt Nam Phật Học (tên gọi mới của hội An Nam Phật Học kể từ năm 1945).

Bản Nội Quy Trình này được xem là văn bản pháp quy nền tảng của tổ chức GĐPTVN. Qua các kỳ đại hội toàn quốc sau này, bản Nội Quy Trình này được tu chính nhiều lần để phù hợp với tình hình mới, tuy nhiên vẫn giữ được tính chất căn bản của Nội quy đầu tiên .

Sau đại hội GĐPT một tháng, vào các ngày 6, 7, 8, 9 tháng 9 năm 1951,một đại hội thống nhất Phật Giáo toàn quốc tổ chức tại chùa Từ Đàm-Huế gồm 51 đại biểu Tăng già, Cư sĩ thuộc thuộc 6 tập đoàn Phật Giáo ba miền Nam – Trung – Bắc. Từ đại hội này đã khai sinh Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm hội chủ.

Trong dịp này, huynh trưởng Tâm Phương Lê Cao Phan đại diện Ban hướng dẫn GĐPT đã đọc lời chúc mừng đại hội và kính dâng lên đại hội ca khúc Phật Giáo Việt Nam do anh sáng tác (hiện nay, ca khúc này đã được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam công nhận là Đạo Ca của PGVN)

 

 

 

2)NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN :

 

Từ khi ra đời, tổ chức GĐPT không ngừng phát triển. Sau đây là những sự kiện nổi bật trong giai đoạn 1951 – 1974 :

 

a- Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần II-1953 : Đại hội diễn ra trong 3 ngày 1, 2, 3 tháng 1 năm 1953 tại chùa Từ Đàm, Huế. Tham dự có 63 đại biểu, gồm : GĐPT miền Trung có 55 đại biểu, GĐPT miền Bắc có 7 đại biểu, GĐPT miền Nam có 1 đại biểu. Chương trình làm việc của đại hội II gồm: duyệt lại Nội Quy GĐPT năm 1951; vạch chương trình tu học; thống nhất về hình thức.

 

b- Gia Đình Phật Tử tại miền Nam : Năm 1953, anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm cùng gia đình từ Huế vào Sài Gòn sinh sống. Nhờ có uy tín khi còn hoạt động ở miền Trung, anh được cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt mời tham gia Hội và thành lập đơn vị GĐPT đầu tiên tại miền Nam, đó là GĐPT Chánh Tín. Ngoài ra, lúc bấy giờ , Giáo hội Tăng Già Nam Việt cũng thành lập một đơn vị GĐPT lấy tên Chánh Giác.

Sau đại hội GĐPT 1953, hai đơn vị Chánh Tín và Chánh Giác sát nhập thành một đơn vị lấy tên Chánh Đạo trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt, đoàn quán đặt tại chùa Phước Hòa (Sài Gòn).

Khóa huấn luyện huynh trưởng GĐPT đầu tiên tại miền Nam được tổ chức ngày 26/12/1953 tại hội quán trung ương Hội Phật Học Nam Việt (Bàn Cờ-Sài Gòn) mang tên khóa Đại Chí nhằm đào tạo đoàn trưởng cho các đơn vị GĐPT tại miền Nam. Ban huấn luyện gồm có : thầy Đức Tâm, các anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Tâm Lạc, Dương Thiện Thành, Dương Thiện Hiền …

Năm 1954, Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Phật Học Nam Việt. Anh Tống Hồ Cầm làm trưởng ban, anh Nguyễn Văn Thục làm phó ban. Việc làm đầu tiên của Ban Hướng dẫn là mở các khóa huấn luyện huynh trưởng GĐPT nhằm tiến đến thành lập các đơn vị GĐPT tại khắp Nam Việt.

Khóa A Dục I mở tại Sài Gón năm 1954; Khóa A Dục II mở tại Cần Thơ năm 1955.

Trong vài ba năm sau, các đơn vị GĐPT lần lượt được hình thành khắp các tỉnh miền Nam như :  Chánh Thiện (Biên Hòa), Chánh Minh (Gia Định), Chánh Tâm, Chánh Đẳng (Cần Thơ), Chánh Trí (Vĩnh Long), Chánh Định (Bạc Liêu), Chánh Tiến (Trà Vinh), Chánh Đức (Sa Đéc), Chánh Tín (Sóc Trăng), Chánh Huệ (Trà Ôn), Chánh Nghiêm (Thủ Đức), Chánh Dũng (Long Xuyên), Chánh Kiên, Chánh Pháp (Vũng Tàu), Chánh Quang (Bình Dương), Chánh Hòa (Cầu Kè), Chánh Quang (Rạch Giá), Chánh Thọ (chùa Vạn Thọ Sài Gòn), Chánh Nguyên (chùa Giác Nguyên Sài Gòn ), Chánh Từ (Hà Tiên), Chánh An (Thủ Thiêm Sài Gòn), Chánh Đạt (chùa Từ Nghiêm Sài Gòn) v.v…

Các GĐPT miền Nam lúc bấy giờ đều trực thuộc Hội Phật học Nam Việt và được cố vấn giáo hạnh bởi quý thầy trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mà điển hình như quý ngài : Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thanh Từ, Huyền Vi, Thiền Định… Tất cả các đơn vị đều lấy chữ Chánh đặt đầu tên vì hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt là cụ Mai Thọ Truyền pháp danh Chánh Trí và tất cả GĐPT miền Nam lúc bấy giờ đều đặt dưới sự bảo trợ của Chi Hội Phật Học Nam Việt tại các tỉnh.

 

c-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần III-1955 : Đại hội tổ chức vào các ngày 1, 2 và 3 tháng 8 năm 1955 tại Đà Lạt. Đại hội này diễn ra trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt nên không có các đại biểu GĐPT miền Bắc. Chương trình nghị sự của đại hội gồm : tu chính một vài điều trong Nội Quy; thiết lập Qui chế huynh trưởng; một số vấn đề về hình thức và huấn luyện…

Tại thời điểm này, toàn miền Nam (Từ Quảng Trị đến Cà Mau) có 17 tỉnh, thành có tổng cộng 65 đơn vị GĐPT, 416 huynh trưởng, 6,666 đoàn sinh.

 

d-Lần xét xếp cấp đầu tiên cho huynh trưởng GĐPT : vào ngày 13/3/1956, Ban trị sự Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần ra văn bản số 556/HC/TTS duyệt y danh sách huynh trưởng được xét xếp cấp gồm :

-Cấp Dũng : anh Võ Đình Cường

-Cấp Tấn : anh Nguyễn Châu, Nguyễn Xuân Quyền, Lương Hoàng Chuẩn, Lê Văn Dũng, Lê Văn Vinh, chị Hoàng Thị Kim Cúc và chị Nguyễn Thị Út

-Cấp Tín : có 34 huynh trưởng

-Cấp Tập : có 46 huynh trưởng

 

e-Gia Đình Phật Tử miền Bắc: năm 1956, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Phần di chuyển vào miền Nam, đặt trụ sở tại chùa Giác Minh và chùa Phước Hòa (lúc này Hội Phật Học Nam Việt đã dời về chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn).

Đơn vị GĐPT đầu tiên của Phật Giáo miền Bắc tại miền Nam do Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt thành lập tại chùa Kim Cương, lấy tên GĐPT Giác Minh.

Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Phần cũng thành lập hai đơn vị là GĐPT Minh Tâm và GĐPT Minh Trí tại Biên Hòa.

 

f-Xét xếp cấp lần đầu cho huynh trưởng GĐPT miền Nam: căn cứ Quyết định của chánh hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt ra ngày 15/12/1958 công bố danh sách huynh trưởng GĐPT tại miền Nam được xét cấp như sau :

-Cấp Dũng : anh Tống Hồ Cầm, pháp danh Tâm Bửu, trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Nam Việt

-Cấp Tấn : có 4 vị là: Trương Văn Trọng pháp danh Lệ Đạo; Trương Văn Sang pháp danh Lệ Tích; Phạm Văn Sắc pháp danh Như Không; Mã Thành Cưng pháp danh Minh Từ.

-Cấp Tín : có 16 vị

-Cấp Dự Tập* : có 54 vị

*Ngày nay là cấp Tập.

 

g-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần IV-1961 : đại hội diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/12/1961 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Thành phần tham dự gồm có :

-GĐPT Trung Việt : 14 huynh trưởng

-GĐPT Nam Việt : 9 huynh trưởng

-GĐPT Bắc Việt tại miền Nam : 5 huynh trưởng

-GĐPT thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt : 3 huynh trưởng

-GĐPT Phật Giáo Nam tông : 3 huynh trưởng

-Đại biểu 28 tỉnh thành

Theo báo cáo tại đại hội, từ Quảng Trị đến Cá Mau hiện có trên 1.000 đơn vị – 3.000 huynh trưởng và 60.000 đoàn sinh.

Kết quả đại hội ký này đã bầu được Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung ương toàn quốc. Đại hội thống nhất cung thỉnh TT Thích Thiện Hoa làm trưởng Ban hướng dẫn TW; bầu anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, chị Hoàng Thị Kim Cúc làm phó ban. Đại hội cũng suy cử cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là Huynh trưởng danh dự của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Trong đại hội lần này có ý kiến đề nghị thay đổi danh xưng Gia Đình Phật Tử Việt Nam  thành tên mới là Thanh niên Phật tử Việt Nam nhưng không được đại hội tán thành.

Đại hội lần này chỉ thay đổi câu chữ về mục đích GĐPT trong Nội Quy là : “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên nam nữ thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Ngoài ra, giữ nguyên các chương điều trong bản Nội Quy cũ.

 

h-Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời – 1964 : sau cuộc Cách mạng của Quân đội lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm 01/11/1963, Phật Giáo Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Từ ngày 30/12/1963 đến ngày 04/1/1964, một đại hội thống nhất Phật Giáo  miền Nam được tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn . Có trên 100 đại biểu chính thức của 11 tập đoàn PG gồm cả Bắc tông và Nam tông, Tăng già lẫn Cư sĩ. Sau 5 ngày làm việc, đại hội đã cho ra đời bản Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất  gồm có 11 chương, 36 điều.

Tại chương 4, điều 14 bản hiến chương quy định Gia Đình Phật Tử Vụ là một trong sáu Vụ của Tổng vụ Thanh Niên thuộc hệ thống tổ chức của Viện Hóa Đạo do TT Thích Thiện Minh làm Tổng vụ trưởng. Sáu vụ vừa nêu gồm : 1)GĐPT vụ- 2)Sinh viên Phật tử vụ- 3)Học sinh Phật tử vụ- 4)Thanh niên Phật tử vụ- 5)Thanh niên Phật tử Thiện chí vụ- 6)Hướng Đạo Phật tử vụ. Đứng dầu GĐPT vụ là huynh trưởng cấp Dũng Nguyên Hùng Võ Đình Cường.

 

i-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần V-1964 : đại hội được long trọng tổ chức tại trường Nữ Trung học Gia Long, Sài Gòn từ ngày 27 đến 30/6/1964 với sự tham dự của trên 200 đại biểu của 42 Tỉnh hội Trung, Nam và miền Vĩnh Nghiêm (PG Bắc Việt tại miền Nam)

Chương trình nghị sự của đại hội xoay quanh những vấn đề :

-Tu chính Nội Quy và Quy chế Huynh trưởng

-Gia Đình Phật Tử nông thôn

-Ngành nữ trong GĐPT

-Bầu Ban Hướng Dẫn Trung ương nhiệm kỳ 1964-1966 với thành phần Ban Thường trực gồm có :

+Trưởng ban : Võ Đình Cường

+Phó trưởng ban : Tống Hồ Cầm, Hoàng Thị Kim Cúc

+Tổng thư ký : Cao Chánh Hựu

+Phó tổng thư ký: Đoàn Văn Lộc, Nguyễn Xuân Quyền

+Thủ quỹ : Nguyễn Thị Bắc

-Đại hội thống nhất giải tán các BHD Phần, thay vào đó đề cử 7 huynh trưởng đại diện BHDTW tại 7 miền như sau: (7 miền này do GHPGVNTN quy định)

1.Miền Vạn Hạnh : Lương Hoàng Chuẩn

2.Miền Liễu Quán : Trần Ngọc Giao

3.Miền Khuông Việt : Nguyễn Châu

4.Miền Khánh Hòa : Mã Thành Cưng

5.Miền Huệ Quang : Nguyễn Thanh Quang

6.Miền Vĩnh Nghiêm : Nguyễn Đức Lợi

7.Miền Quảng Đức : trực thuộc BHDTW

-Báo cáo đại hội có nêu : toàn quốc có 87.044 đoàn viên (bao gồm huynh trưởng và đoàn sinh) sinh hoạt, trong đó :

-Miền Trung và Tây nguyên có 78.408 đoàn viên

-Miền Nam (các đơn vị mang tên đầu Chánh…) có 4.847 đoàn viên sinh hoạt tại 50 đơn vị Gia đình

-GĐPT Nam tông có 209 đoàn viên

-GĐPT thuộc Hội Phật Giáo Bắc Phần tại miền Nam có 3.280 đoàn viên sinh hoạt tại 15 đơn vị Gia đình

-GĐPT thuộc Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam có 300 đoàn viên sinh hoạt tại 5 đơn vị Gia đình.

 

j-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần VI – 1967 : đại hội tổ chức từ ngày 29/7 đến 01/8/1967 tại Trung tâm Văn hóa Xã hội Phật Giáo, 294 đường Công Lý, Sài Gòn (nay là thiền viện Quảng Đức, nơi đặt văn phòng 2 GHPGVN) Tham dự có 221 đại biểu chính thức từ các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Cà Mau. Chương trình nghị sự của đại hội gồm :

-Tu chính Nội quy, Quy chế huynh trưởng

-Ý thức gắn liền Đạo pháp với Dân tộc

-Bầu Ban Hướng dẫn Trung ương nhiệm kỳ 1967-1969

-Quy định về tên gọi và màu sắc phù hiệu các trại huấn luyện huynh trưởng như :

*Trại sơ cấp gọi là LỘC UYỂN , màu xanh lá mạ

*Trại cấp I gọi là  A DỤC, màu xanh nước biển

*Trại cấp II gọi là HUYỀN TRANG, màu vàng hoại sắc

*Trại cấp III gọi là VẠN HẠNH, màu nâu

Theo báo cáo tại đại hội VI, toàn quốc có 3.876 huynh trưởng và 59.249 đoàn sinh

 

k-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần VII- 1970 :   đại hội diễn ra từ ngày 25 đến 28/7/1970 tại trường trung học Bồ Đề và chùa Tỉnh Hội Bình Định. Thành phần tham dự đại hội lần này gồm : huynh trưởng đại biểu + đại diện Giáo hội và dại diện các Ban bảo trợ của 39 tỉnh thành từ Quảng Trị đến Cà Mau .

Qua báo cáo của đại hội cho thấy đến thời điểm này cả miền Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) có 780 đơn vị GĐPT với 64.900 đoàn viên. Kết quả của đại hội :

-Quy định đồng phục ngành Nữ

-Đưa môn nữ công gia ch1nh vào chương trình tu học

-Công cử BHDTW nhiệm kỳ 1970-1972 (đại hội thống nhất lưu nhiệm thành phần BHDTW nhiệm kỳ trước tiếp tục làm việc thêm nhiệm kỳ này)

-Hoàn tất việc xét duyệt tài liệu huấn luyện và tu học

 

l-Đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần VIII – 1973 : đại hội được tổ chức tại chùa Pháp Lâm, Đàng Nẵng vào các ngày 29, 30 và 31/7/1973. Đại hội quy tụ 3 thành phần: huynh trưởng, cựu huynh trưởng và ban bảo trợ thuộc 42 đoàn. Mục đích :

-Tu chỉnh Nội quy

-Tu chỉnh chương trình tu học

-Bầu BHDTW nhiệm kỳ 1973 – 1975 (Anh Võ Đình Cường tái đắc cử trưởng ban)

Báo cáo đại hội cho biết : cả nước hiện có 812 đơn vị GĐPT và 72.000 đoàn viên.

(Còn tiếp…)


Response (1)
  1. T
    Trần Văn 04/11/2017

    Đơn vị GĐPT Chánh Thiện(Biên Hòa) do anh Minh Từ – Mã Thành Cưng thành lập năm 1953

Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang