I.Mục đích giáo dục trong GĐPT
II.Nội dung giáo dục trong GĐPT
III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT
IV. Lợi ích của giáo dục GĐPT
1) Lợi ích giáo dục GĐPT đối với sự tu tập của đoàn viên GĐPT
2) Lợi ích giáo dục GĐPT đối với gia đình, xã hội và giáo hội
Cứu cánh của nền giáo dục GĐPT là lấy Phật pháp cải tạo bản thân để góp phần cải thiện hoàn cảnh sống ngay trong hiện tại nhằm biến cuộc đời đầy đau khổ này thành một thế giới tịnh độ, trong đó mọi người đều giải thoát khỏi tham – sân – si, sống cuộc đời vô ngã vị tha và hợp với chân lý.
Như Đức Bổn Sư Thích Ca thường dạy: "Không ai làm cho ta ô nhiễm hay thanh tịnh, chỉ có ta mới có thể làm cho ta ô nhiễm hay thanh tịnh". Ý nghĩa lời dạy này nhằm nói lên khả năng tự giác ngộ của mọi người và phủ nhận sự ỷ lại vào một thần linh vô hình nào khác.
Cũng vậy, nền giáo dục GĐPT giới thiệu và hướng dẫn đoàn viên thực tập theo lời dạy của Đức Phật để mỗi người tự cải tạo bản thân vô minh của mình. Còn như kết quả giải thoát đến đâu thì còn tùy vào sự nỗ lực tinh tấn của từng người, tùy vào biệt nghiệp của người đó và tùy thuộc vào rất nhiều thắng duyên đưa đến trong cuộc đời của mỗi người.
Trong hàng đệ tử Phật gồm có hai giới: giới xuất gia và giới tại gia.
Giới xuất gia rời bỏ đời sống thế tục, vào chùa tu hành suốt đời. Chư tăng, ni tập trung tất cả thời gian cho việc tu học giáo lý và hành trì một trong những pháp môn do Phật truyền lại để mong cầu giác ngộ và giải thoát, sau đó hướng dẫn cho Phật tử tại gia cùng tu tập để họ được bớt khổ thêm vui. Cùng trên một lộ trình tu tập theo lời Phật dạy nhưng hàng xuất gia có lợi thế hơn hàng tại gia, vì vậy người xuất gia luôn đạt được kết quả hơn hẳn người tại gia. Mục tiêu tiến đến quả vị Thánh như: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán (theo PG nguyên thủy) hoặc các quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát (theo PG phát triển) là điều nằm trong khả năng của các vị xuất gia tu hành chân chánh.
Giới Phật tử tại gia vì còn sống trong gia đình với bao trách nhiệm; còn phải lăn lộn bươn chải với miếng cơm manh áo, thường xuyên bị chi phối bởi "lục dục thất tình", ít có điều kiện tu tập chuyên cần như người xuất gia. Do vậy, mục tiêu của người cư sĩ, không phải tu để làm Thánh, mà tu để làm Người tốt trong cuộc đời này, tức tu theo Nhân Thừa Phật Giáo. Đoàn viên GĐPT là những người ngồi trên cỗ xe Nhân Thừa này.
Tổ chức GĐPT, ngay từ những những ngày đầu thành lập cho đến tận bây giờ, luôn khẳng định mục đích của tổ chức là "Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Người Phật Tử Chân Chánh…" tức là những con người tốt theo tinh thần Phật Giáo.
Hiểu được như vậy, chúng ta mới đánh giá đúng nền giáo dục GĐPT tác động lên từng đoàn viên Áo Lam như thế nào, và lợi ích giáo dục của nó trong mục tiêu "cải tạo đời sống" là có hay không, và có tới mức độ nào.
Trong bài phát biểu trước hội thảo toàn quốc GĐPT tổ chức tại Đại Tòng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) vào các ngày 16-18/7/2015, Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn Giáo Chánh Phủ có nói như sau: "… Cứ mỗi buổi chiều chủ nhật hằng tuần, sinh hoạt GĐPT trên toàn quốc thu hút hàng trăm ngàn thanh thiếu nhi đến chùa, thì sẽ có biết bao bậc cha mẹ an tâm không lo sợ con cái mình lêu lổng ngoài đường phố…" Đó là một nhận xét hết sức thiết thực của một vị lãnh đạo cơ quan nhà nước về quản lý tôn giáo.
Trong tình hình đất nước ta bước vào nền kinh tế thị trường thì đời sống nhân dân ta cũng chấp nhận một sự thay đổi lớn từ cội rễ, qua đó các bậc cha mẹ ít có thời gian gần gũi con cái như trước đây, và họ giao khoán việc dạy dỗ con mình cho nhà trường, nhưng đấy là một suy nghĩ sai lầm vì các em chỉ có vài tiếng đồng hồ trong ngày ngồi ghế nhà trường và trong thời gian ở trường các em phải chạy theo chương trình nhồi nhét kiến thức rất là vất vả mà vẫn không kịp (bởi vậy thầy cô mới phải dạy thêm ở nhà). Vậy còn thì giờ đâu cho các em rèn luyện đạo đức? Hậu quả là, ngày càng xuất hiện nhiều hành vi không tốt đẹp ở lứa tuổi thanh thiếu niên như: lười học, không nghe lời mẹ cha, thích gây gổ đánh nhau, không kính trọng ông bà cha mẹ, thầy cô v.v… Đó là chưa kể đến những tội ác mà các em ngày càng phạm nhiều hơn trong phạm vi gia đình cũng như ngoài xã hội như: trộm cắp, giết người, nghiện ma túy, bán dâm…
Trước tình hình đạo đức xuống cấp nơi lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng, chúng ta thường đổ lỗi cho "mặt trái kinh tế thị trường", chẳng hóa ra trên thế giới, quốc gia nào theo kinh tế thị trường, thanh thiêu niên cũng đều hư hỏng hết sao ? Đây là câu hỏi thật khó trả lời cho ổn thỏa. (còn tiếp…)