Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 43: Nội Dung Giáo Dục Của Gia Đình Phật Tử (tt)

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

C – ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC GĐPT

I.Mục đích giáo dục trong GĐPT

II.Nội dung giáo dục trong GĐPT

1) Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử (Trí dục – Đức dục)

2) Kỹ năng sống (Hoạt động thanh niên) (Thể dục – Đức dục)

3)Hoạt động xã hội (Đức dục)

4) Văn nghệ (Mỹ dục)

5) Tu tập tự thân (giáo dục Tâm linh)

III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT

1) Phương pháp huân tập

2) Phương pháp lý giải

3) Phương pháp hoạt động

4) Phương pháp quán niệm

Kỳ 43:

NỘI DUNG GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Những giáo lý mà chúng tôi vừa nêu trên đây chỉ là những giáo lý căn bản, chưa thấm vào đâu so với những gì mà Bậc Thiên Nhân Sư đã thuyết giảng suốt 49 năm, lại càng không thấm vào đâu so với những gì Ngài đã giác ngộ nhưng chưa nói ra.

Bậc Đạo sư thường dạy: "Những gì ta đã nói trong 49 năm so với những gì ta giác ngộ cũng giống như nắm lá trong bàn tay so với tất cả lá trong rừng".

Ngài lại cũng thường dạy: "Ta chỉ dạy những gì cần thiết cho con người để thoát khỏi đau khổ; giáo pháp Như Lai không phải để nhàn đàm, phiếm luận cho vui"

Nói tóm lại, Phật Pháp là môn học để trang bị chánh kiến cần thiết cho đoàn viên GĐPT làm phương tiện thoát khỏi đau khổ, ví như chiếc bè giúp cho người qua sông. Tri kiến trong nền giáo dục GĐPT có chỗ khác với tri kiến của thế gian là như vậy.

II – ĐỨC DỤC:

Đạo đức trong Phật Giáo không phải là những giáo điều bất di bất dịch bắt buộc người Phật tử phải hoàn toàn tuân phục và nhắm mắt thực hành theo. Luân lý và đạo đức Phật Giáo không phải xuất phát từ nỗi khiếp sợ trước một đấng thượng đế tối cao nào, cũng không chịu bất cứ một áp lực đe dọa hay một sự dụ dỗ hứa hẹn nào từ các giáo sĩ. Mặc dù người Phật tử tại gia luôn được khuyến khích hành trì Ngũ Giới và thực hành Thập Thiện, nhưng Đạo đức Phật Giáo có được chính là bắt nguồn từ chánh kiến và chánh tư duy, nghĩa là từ sự hiểu biết chân chánh và suy nghiệm chân chánh mà phát sinh ra hành vi chân chánh (chánh nghiệp), tức đạo đức. Thí dụ:

1) Khi người đoàn viên GĐPT tiếp thu, huân tập và thấm nhuấn giáo lý Từ Bi của đạo Phật, họ sẽ trở nên người sống có tình thương và biết san sẻ những gì mình có cho những người bất hạnh chung quanh. Đi đến đâu họ cũng mang theo tình thương, sự hiền hòa… làm cho môi trường sống nơi đó được an vui.

2) Ngày nay trên thế giới, nhà tù cứ phải được xây thêm, pháp luật ngày càng được hoàn thiện và khắt khe hơn trước, song le tội ác không vì thế mà suy giảm, ngược lại còn có chiều hướng gia tăng mãnh liệt. Thực tế cho thấy hình phạt chỉ có tính răn đe chứ không giải quyết căn bản được tình hình tội phạm.

Trong khi đó, đối với người đoàn viên GĐPT, từ lúc còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành, đã được huân tập trong giáo lý Nhân Quả. Nhờ vậy, họ nhận thức một cách sâu sắc rằng: "Gieo nhân nào gặt quả nấy". Niềm tin chắc chắn vào nhân quả khiến họ làm bất cứ việc gì, nói bất cứ điều gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm hay nói. Nhờ đó, họ tránh được những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác.

3) Nếu luật Nhân quả giúp cho người đoàn viên GĐPT ngăn chặn hành vi tội lỗi nhất thời trong hiện tại, thì với giáo lý Duyên khởi, Nghiệp báo và Luân hồi có tác dụng sâu xa hơn trong việc giúp họ ngăn ngừa tội ác. Tiếp thu các giáo lý này, người đoàn viên GĐPT hiểu rằng: dù tội ác mình gây ra hôm nay có tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật thế gian, thì vẫn không thể tránh khỏi quả báo của luật nhân quả trong các đời sống sau này. Sự nắm bắt chân lý này giúp cho họ nỗ lực tránh xa những hành vi tội ác và tích cực thực hiện những việc thiện để đời sau được hưởng những quả lành do chính mình gieo nhân lành trong đời này. Vậy, nếu bảo rằng giáo lý đạo Phật có khả năng ngăn ngừa tận gốc rễ tội ác cũng không phải là nói ngoa.

4) Nói về mẫu người đạo đức Phật Giáo mà chỉ kể đến những đức tánh hiền hòa, lương thiện thôi là chưa đủ. Vì chúng ta đang nói về vai trò của người Phật tử cư sĩ đoàn viên GĐPT, chớ không phải đang nói về những hạng người tu bi quan, lánh đời, thoát tục yếm thế. Vậy, còn đức tính gì nói lên tính cách đạo đức của người đoàn viên GĐPT mà nền giáo dục GĐPT đã đào luyện cho họ? Xin thưa, đó chính là hình ảnh một vị bồ tát sống giữa chợ đời mà vẫn giữ mình trong sạch và có đầy đủ năng lực làm lợi ích cho cộng đồng.

10348298 885564054793886 8969435871976657212 n

Chúng tôi muốn nói đến các giáo lý được đặc biệt quan tâm truyền thụ trong chương trình giáo dục GĐPT, gồm: Tứ Nhiếp Pháp, Ngũ Minh, Lục Hòa và Bát Chánh Đạo.

– Tứ Nhiếp Pháp là 4 phương pháp thuyết phục quần chúng, gồm:

*Bố thí: giúp cho người của cải vật chất – giúp cho người bằng công sức và tài năng của mình – giúp cho người hiểu biết Phật pháp – giúp cho người qua cơn lo âu, sợ hãi.

*Ái ngữ: chỉ nói sự thật – chỉ nói lời đoàn kết – chỉ nói lời hòa ái – chỉ nói lời chân thật giản dị

*Lợi hành: Làm những công việc đem lợi ích cho mọi người

*Đồng sự: hòa mình với cộng đồng nơi mình đang sống

-Ngũ Minh là 5 ngành chuyên môn cần có giúp cho người huynh trưởng GĐPT phát huy năng lực làm lợi cho cộng đồng, gồm:

*Nội minh: thông thạo Phật học

*Nhân minh: thông thạo các phương pháp lý luận

*Thanh minh: thông thạo văn học, nghệ thuật, ngoại ngữ, thuyêt trình…

*Công xảo minh: sử dụng thông thạo các trang thiết bị hiện đại

*Y phương minh: thông thạo về thuốc và phương pháp chữa bệnh

-Lục Hòa là 6 phương pháp giữ gìn đoàn kết và làm cho tập thể tiến bộ, gồm:

*Thân hòa cùng ở chung

*Khẩu hòa không tranh cãi

*Ý hòa cùng dung hợp

*Kiến hòa cùng giúp nhau tiến bộ

*Giới hòa nhắc nhở nhau duy trì kỷ luật và đạo đức

*Lợi hòa cùng nhau chia sẻ công bình

-Bát chánh đạo là tám con đường chân chánh định hướng cho hàng Bồ tát thâm nhập vào đời, gồm:

*Chánh kiến: hiểu biết chân chánh

*Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh

*Chánh ngữ: lời nói chân chánh

*Chánh nghiệp: hành vi chân chánh

*Chánh mạng: nghề nghiệp chân chánh

*Chánh tinh tấn: siêng năng chân chánh

*Chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh

*Chánh định: thiền định chân chánh

Tóm lại, kết quả về mặt ĐỨC DỤC của nền giáo dục GĐPT là đào luyện đoàn viên thành người Phật tử chân chánh, tức là hình ảnh một vị Bồ tát sống giữa đời thường, đem tài năng và đức độ làm lợi ích cho cộng đồng, trong đó lợi ích to tát nhất là đưa mọi người về với Phật pháp, sống theo Phật pháp để cải tạo xã hội thành nơi tịnh độ cực lạc.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang