V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT
1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều
2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều
3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam
Mở đầu bài này, người viết xin nhắc lại mục đích tổ chức Gia Đình Phật Tử được ghi trong Nội Quy GĐPT hiện hành là: "Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật trở thành Phật tử chân chính; góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội"
Trong bài trước, chúng ta đã biết thế nào là "phụng sự đạo pháp" của người huynh trưởng GĐPT. Hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về "góp phần xây dựng xã hội" của huynh trưởng GĐPTVN.
Trước hết phải khẳng định ý nghĩa "xây dựng xã hội" ở đây hoàn toàn không phải là việc làm mang tham vọng chính trị nhằm "tranh bá đồ vương" để trở thành lực lượng "quản lý đất nước".
Việc xây dựng xã hội của người huynh trưởng GĐPT cũng không có tham vọng biến tất cả nhân dân Việt Nam thành người Phật tử; biến Phật Giáo thành "quốc giáo" như thời Đinh-Lê-Lý-Trần.
"Xây dựng xã hội" ở đây càng không có tham vọng xây dựng một xã hội mà trong đó thành phần Phật Giáo & GĐPT là những kẻ được ưu đãi về lợi lộc, quyền hành, địa vị … để trở thành giai cấp "ăn trên ngồi trước" trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Vân vân…
Nói tóm lại, người huynh trưởng GĐPTVN xây dựng xã hội không phải để biến xã hội Việt Nam trở thành "tài sản" của riêng mình; không áp đặt chủ thuyết của Phật Giáo lên mọi người; không dùng các thủ đoạn hay mánh khóe "bá đạo" để mê hoặc, dụ dỗ hay ép buộc người khác phải tuân phục hay gia nhập hàng ngũ Phật tử & GĐPT.
Huynh trưởng GĐPT xây dựng xã hội là nhắm đến mục tiêu làm sao cho đời sống xã hội tràn đầy trong sạch, thân ái, hiểu biết, chấp nhận, chia sẻ, khoan dung … Thế nhưng, đạt đến một xã hội toàn thiện như vậy là mục tiêu lý tưởng còn xa lắm, vì vậy chúng ta chấp nhận nhắm đến mục tiêu gần : tại đây và ngay lúc này, đó là chúng ta đem những điều tốt đẹp trên đây đến với bản thân, gia đình và những người chung quanh mà ta tiếp xúc hằng ngày.
Để đạt tới mục tiêu ấy, huynh trưởng GĐPT phải tự mình sống một đời sống trong sạch, nhân ái, hiểu biết, chấp nhận, chia sẻ, khoan dung… với mọi người từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, đồng thời, bằng mọi cách, khuyến khích mọi người cũng sống theo những giá trị ấy. Công việc hướng dẫn thanh, thiếu, đồng niên trong sinh hoạt GĐPT chính là một phần của công cuộc xây dựng xã hội của người huynh trưởng GĐPT.
Những giá trị tốt đẹp nêu trên không phải do hoang tưởng mà mà bịa ra. Những điều tốt đẹp ấy chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều điều tốt đẹp theo luật nhân quả mà kết thành từ lối sống phù hợp với NHỮNG CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những chân lý ấy do Đức Phật Thích Ca, bằng sự tu tập thiền quán và bằng trí tuệ siêu việt, đã phát hiện và trực tiếp truyền dạy trong 49 năm. Sau khi Đức Phật nhập diệt, những lời dạy của Ngài được các vị đệ tử kết tập và ghi lại trong tam tạng kinh điển còn lưu truyền đến ngày nay. Ý nghĩa nhân văn của giáo lý nhà Phật được những người con Phật thực hành trong hơn 2.500 năm qua trong đời sống con người đã được nhân loại trên khắp hành tinh công nhận là những giá trị tốt đẹp mang lại hòa bình an lạc cho thế giới này.(*)
Huynh trưởng GĐPT (HT.GĐPT), từ khi bắt đầu mặc chiếc áo Lam cho đến khi trưởng thành , đã tiếp thu, huân tập và thực hành hằng ngày những lời dạy của Đức Thế Tôn. Dù rằng biệt nghiệp và hoàn cảnh của từng người huynh trưởng có khác nhau, do đó kết quả tu tập hiện đời của mỗi người có cao có thấp, nhưng không thể nói rằng sự nỗ lực sống theo lời Phật dạy của các anh chị không mảy may đem lại một kết quả thiện lành nào trong cuộc sống cho bản thân và ảnh hưởng tốt đẹp đến những người thân từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội.
1)Nhân quả – Tội phước : là chân lý cốt lõi của đạo Phật. Từ chân lý này, người huynh trưởng nhận lấy tất cả trách nhiệm về những gì xảy đến trong cuộc đời mình; Từ chân lý này, người huynh trưởng không tin và thần phục vào một Thượng đế tạo ra tất cả vạn vật trong vũ trụ này; Sống theo chân lý này, người huynh trưởng luôn nỗ lực tu thiện hành thiện để thụ hưởng kết quả thiện lành do chính những việc thiện mà mình đã làm; Sống theo chân lý này, người huynh trưởng từ bỏ tất cả hành vi xấu xa để không bao giờ nhận lấy hậu quả xấu từ những hành vi đó.
Từ nếp sống theo chân lý nhân quả, HT.GĐPT góp phần hạn chế tội phạm cho xã hội, đồng thời làm gia tăng các hành vi thiện như bố thí, chia sẻ, giúp đỡ, vị tha v.v…
2)Luân hồi và nghiệp báo : huynh trưởng GDPT tin vào luân hồi và nghiệp báo. Tin rằng những gí mình phải chịu đựng hoặc những gì mình được hưởng thụ trong đời này là kết quả nghiệp báo của những việc do mình làm trong hiện tại hoặc do từ những đời trước. Sống với chân lý này, người HT.GĐPT không phiền trách hay đổ lỗi cho ai nếu chẳng may đau khổ đến với mình.; đồng thời chúng ta cũng không cầu xin nơi Thượng đế nào ban cho ta hạnh phúc.Người HT.GĐPT tin rằng nếu nỗ lực hành thiện, chúng ta có khả năng sửa đổi số mệnh từ xấu trở nên tốt đẹp hơn ngay trong hiện đời và những đời sau.
Sự khác biệt căn bản giữa người có tin vào luân hồi – nghiệp báo và người không tin luân hồi nghiệp bào là :
-Người có tin vào luân hồi nghiệp báo là người sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; khi làm bất cứ việc gì cũng suy nghĩ, cân nhắc về tội phước trước khi làm
-Người không tin luân hồi nghiệp báo là người cho rằng chỉ có hiện đời là duy nhất, vì vậy phải làm bất cứ thủ đoạn nào để thỏa mãn cho cuộc sống hiện tại của riêng mình mà không cần suy nghĩ tội phước đời sau nào hết. Một người có suy nghĩ như vậy thật là nguy hiểm cho xã hội. Đây là nguồn gốc của mọi tội lỗi trong xã hội. (Còn tiếp…)
(*) Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày lễ Vesak của Phật Giáo (tức lễ Tam Hợp, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca: đản sanh – thành đạo – nhập Niết bàn ) là ngày lễ lớn của toàn nhân loại để tôn vinh những điều tốt đẹp mà Phật Giáo đã đem đến cho nhân loại.