V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT
1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều
2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều
3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam
Qua một vài nét sơ lược về cuộc đời Cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã cho chúng ta một bức phác thảo về chân dung người Phật tử chân chánh. Theo chúng tôi, người Phật tử chân chánh gồm có sáu đặc tính sau đây:
1-Đó là người đã quy y Tam Bảo, nhận Tam Bảo làm chỗ nương tựa suốt đời, dù có súng kề tai gươm kề cổ cũng không bao giờ chối bỏ thân phận người Phật tử của mình. Dù có ai đem hôn nhân ra để áp đặt, hoặc đem chức tước, danh vọng, địa vị, tiền bạc ra dụ dỗ mình cũng không bao giờ mình bỏ đạo Phật để cải sang đạo của họ. Người Phật tử chân chánh luôn thân cận, cầu học và thừa sự với những vị Tăng chân chính, đồng thời phải hộ trì và bảo vệ những vị ấy như bảo vệ của quý trong nhà.
Người Phật tử chân chánh không thân cận, cầu học, thừa sự, hộ trì và bảo vệ những kẻ giả Tăng đang lợi dụng đạo Phật như một nghề kiếm tiền, như một nơi để thỏa mãn tham vọng địa vị, quyền bính, lợi ích chính trị …
2-Đó là người đi theo Đạo Phật chân chính.
-Lấy Tứ Diệu Đế làm quan điểm sống
-Lấy Bát Chánh Đạo làm con đường tu tập
-Lấy Duyên khởi để tùy duyên và bất biến trước những đổi thay của cuộc sống
-Lấy Nhân quả – Nghiệp báo định hướng cho đời sống
-Lấy Năm Hạnh: Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi vừa làm cứu cánh vừa làm phương triện trong đời sống
-Lấy Bi – Trí – Dũng làm phương châm hành động trong mọi tình huống
-Lấy Tinh Tấn làm động năng trong mọi công việc.
-Không cầu xin nơi bất cứ thần linh nào
-Tin Niết bàn hay Địa ngục đều do chính con người tạo ra ngay nơi không gian và thời gian mà con người đang sống, chứ không ở đâu xa và cũng không phải chờ đến lúc chết mới đi về cõi ấy.
Người Phật tử chân chánh không bao giờ đồng ý với suy nghĩ "Đạo nào cũng khuyên người ăn hiền ở lành; đạo nào cũng tốt; đạo nào cũng giống đạo nào". Người Phật tử chân chánh biết rõ giá trị của đạo Phật chân chánh và cũng biết rõ thế nào là đạo Phật bị pha tạp, bị biến tướng để phục vụ cho những kẻ giả tăng kinh doanh kiếm tiền.
Người Phật tử chân chánh khẳng định: chỉ có giáo lý Phật Đà là đưa đến hạnh phúc thật sự cho con người. Ngoài ra, không có giáo lý nào, chủ thuyết nào thật sự đem lại hạnh phúc chân thật cho con người.
3-Đó là người suốt đời sống và làm việc theo tinh thần Phật Giáo. Tinh thần đó được đúc kết trong bài kệ sau đây:
Không làm các việc ác
Vâng làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Ấy lời chư Phật dạy
Những việc thiện trong bài kệ được cụ thể hóa bằng sự nghiêm trì Năm Giới của người cư sĩ Phật tử. Năm Giới gồm:
1)Không sát sanh
2)Không trộm cướp
3)Không tà dâm
4)Không vọng ngữ
5)Không uống rượu (và các chất ma túy)
Ngoài ra, người Phật tử chân chánh phải tích cực thực hành Mười Điều Thiện trong cuộc sống hằng ngày. Mười Điều Thiện gồm:
1)Tôn trọng mạng sống muôn loài
2)Thường xuyên bố thí giúp đỡ người nghèo khó
3)Sống nếp sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng
4)Nói điều chân thật
5)Nói lời hòa hợp đoàn kết
6)Nói lời chân chính
7)Nói lời hòa ái
8)Sống tri túc, giản dị
9)Sống hòa bình với mọi người
10)Siêng năng học hỏi để có trí tuệ
4-Đó là người sống theo Trung Đạo: không tham đắm cuộc đời mà cũng không chối bỏ cuộc đời. Chấp nhận lấy đau khổ từ cuộc đời để làm chất liệu cho giác ngộ giải thoát; nếu lìa bỏ cuộc đời đau khổ này để tìm sự giác ngộ thì là điều không tưởng. Như Hoa Sen chỉ mọc lên từ bùn nhơ, mà không thể sống bằng cát trắng tinh khiết. Người Phật tử chân chánh không trốn đời để đi tìm Niết Bàn, mà tự nguyện dấn thân vào đời để làm lợi ích cho đời như lời nguyện của Ngài A Nan Đà trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm:
"Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhứt chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ nê hoàn"
Tạm dịch:
"Cúi xin Đức Thế Tôn chứng minh
Con nguyện đi vào cuộc đời đau khổ này
Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật
Thì con quyết không vào Niết Bàn"
(Lời nguyện này được tổ chức GĐPT lấy làm bài kinh mở đầu nghi thức thọ cấp của huynh trưởng)
5-Đó là người suốt đời phụng sự Đạo Pháp bất cứ trong hoàn cảnh nào. Phụng sự Đạo Pháp không phải phục vụ cho một tổ chức hay một giáo hội nào. Phụng sự Đạo Pháp tức là làm mọi cách cho Chánh Pháp được lan truyền rộng rãi như nước mưa tưới vào từng lùm cây ngọn cỏ, thấm vào từng ngõ ngách cuộc đời để nhờ đó mà mọi người biết sống theo tinh thần Phật Giáo để được bớt khổ thêm vui. Đem Chánh Pháp hướng dẩn cho thanh, thiếu, đồng niên là một trong những hình thức phụng sự Đạo Pháp của huynh trưởng GĐPT.
6-Đó là người yêu nước và không tiếc xương máu phục vụ cho dân tộc mình; thà chết chứ không vì bã vinh hoa mà cam tâm làm tay sai cho ngoại bang đến dày xéo quê hương mình. Người Phật tử chân chánh luôn ý thức rằng: Phật Giáo Việt Nam luôn gắn liền với đất nước và dân tộc Việt Nam. Khi nào nước nhà độc lập tự chủ thì đạo Phật được hưng thịnh, khi nào đất nước bị nô lệ thì đạo Phật cũng suy vong theo. Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Vì vậy, người Phật tử chân chánh là người công dân mẫu mực, bất cứ trong ngành nghề nào họ cũng lấy lương tâm và đạo đức Phật Giáo ra phục vụ xã hội. Người Phật tử chân chánh, nếu là một ông quan, sẽ là một ông quan thanh liêm không tham nhũng của dân; nếu là một nhà nông sẽ không xài thuốc trừ sâu vô tội vạ, không vỗ béo gia súc bằng các chất tăng trọng làm hại sức khỏe người tiêu dùng; nếu là công nhân sẽ không làm lếu láo cho ra những sản phẩm dõm không xài được; nếu là thương nhân sẽ không đầu cơ tích trữ, không cân đong đo đếm sai để lừa gạt khách hàng v.v…
Tóm lại, người Phật tử chân chánh là:
-Một CON NGƯỜI lấy đạo Phật làm lý tưởng sống, xem Tam Bảo là tài sản trân quý nhất trên đời.
-Lấy lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca làm tư lương trong suốt lộ trình có mặt trên thế gian này;
-Lấy giáo lý Phật Đà làm chất liệu để xây dựng xã hội, tạo nên một Tịnh Độ ngay tại không gian và thời gian này;
-Sống đơn giản và có trách nhiệm để làm lợi ích cho cuộc đời này, lấy đau khổ của cõi Ta Bà làm thức ăn để trưởng thành, như Hoa Sen mọc lên từ bùn nhơ
-Suốt đời trung thành với nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và bằng bất cứ phương tiện nào;
-Đó là một công dân với lòng yêu nước nồng nàn, xem Đạo Pháp và Dân Tộc chỉ là một, không vì Đạo mà bán đứng Dân tộc cho ngoại bang.