Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 27: Ý Nghĩa Ra Đời Nội Quy Gia Đình Phật Tử – Khái Quát Các Chương, Điều (tt)

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

B-HỆ THỐNG TỔ CHỨC GĐPTVN

V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT

1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều

2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều

3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam

Kỳ 27:

Ý NGHĨA RA ĐỜI NỘI QUY GĐPT –

KHÁI QUÁT CÁC CHƯƠNG, ĐIỀU

(tiếp theo kỳ trước)

III-NỘI QUY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ NGÀY NAY

Nội quy GĐPT được thiết lập do đại hội GĐPT toàn quốc đầu tiên tại tổ đình Từ Đàm-Huế vào năm 1951. Được tu chỉnh lần thứ nhất năm 1964 trong đại hội thống nhất GĐPT ba miền tại Sài Gòn; Tu chỉnh lần thứ hai do đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc năm 1967 tại Sài Gòn; Tu chỉnh lần thứ ba do đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1973.

Sau năm 1975, do đời sống kinh tế, xã hội đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn nên sinh hoạt GĐPT bị chựng lại. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mới ra đời (1981) còn khá nhiều việc cần phải tập trung giải quyết nên vấn đề sinh hoạt GĐPT chưa được quan tâm đề cập.

Đến năm 1997, trong đại hội GHPGVN toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, vấn đề sinh hoạt GĐPT mới được đưa vào chương trình nghị sự của đại hội. Từ kết quả đại hội lần này, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được thành lập vào ngày 01/10/1998 do Quyết định số 187/QĐ-HĐTS chuẩn y thành phần sự của Ban gồm:

-HT Thích Thiện Duyên, Trưởng Ban

-HT Thích Minh Thành, Trưởng Phân ban Cư sĩ Phật tử

-TT Thích Khế Chơn, Phó Phân ban Cư sĩ PT

-Cư sĩ Nguyễn Thắng Nhu, Trưởng Phân ban GĐPT

Kể từ đó, sinh hoạt GĐPT được chính thức khôi phục trong cả nước. Việc đầu tiên của Phân ban GĐPT Trung ương là tổ chức hội nghị Huynh trưởng toàn quốc để tu chỉnh Nội quy cho phù hợp với tình hình mới.

1)Tu chỉnh lần thứ tư:

Vào các ngày 27, 28, 29/7/2001 tại tổ đình Từ Đàm -Huế, một hội nghị GĐPT toàn quốc gồm 80 đại biểu chính thức là thành phần huynh trưởng cấp Tấn và cấp Dũng Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được triệu tập để tu chỉnh Nội quy GĐPT . Lần tu chỉnh này đã cho ra đời bản Nội quy phù hợp với tình hình mới, thời đại mới của đất nước và phù hợp với Hiến chương mới của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và luật pháp Nhà nước hiện tại. Bản Nội Quy 2001 đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ký ban hành theo Quyết định số 05/QĐ/HĐTS ngày 29/01/2002.

Những đặc điểm của bản Nội quy 2001 là:

-Bản Nội quy có tất cả 7 chương và 32 điều

-Lời mở đầu: "GĐPT luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức giáo hội hợp pháp. Ngày nay, GĐPT sinh hoạt tu học trong pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước hiện hành"

-Mục đích GĐPT: "Đào luyện Thanh – Thiếu – Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh – Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội"

-Tổ chức GĐPT từ trung ương đến tỉnh, thành có sự thay đổi lớn cho phù hợp với Hiến chương GHPGVN (Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở phần sau bài viết)

NoiQuy2

2)Tu chỉnh lần thứ năm:

Trên nền tảng bản Nội quy 2001 tu chỉnh thành Nội quy hiện hành.

Từ ngày 01 đến ngày 04/8/2011, tại tổ đình Từ Đàm-Huế, hội nghị Huynh trưởng GĐPT toàn quốc đã tu chỉnh lần thứ hai và cho ra đời bản Nội quy hiện hành, được HT Thích Trí Tịnh, chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký ban hành qua Quyết định số 257/2013/QĐ-HĐTS ngày 17/7/2013.

Toàn bộ bàn Nội quy 2011 gồm có: Lời nói đầu, 07 chương và 27 điều.

-Chương I có 5 điều, quy định về danh hiệu – mục đích – châm ngôn – khẩu hiệu – điều luật

-Chương II có 7 điều, quy định về huy hiệu – phù hiệu – cấp hiệu – bài ca chánh thức – cách chào – cờ – sắc phục

-Chương III có 5 điều, quy định về thành phần – tổ chức – nhiệm vụ – liên lạc – sinh hoạt – hội họp – tài chánh

-Chương IV có 4 điều, quy định về điều kiện công nhận – gia nhập – kỷ luật – tạm ngưng – giải tán

-Chương V có 3 điều, quy định về tu học – huấn luyện

-Chương VI có 1 điều, quy định về xét cấp huynh trưởng

-Chương VII có 2 điều, quy định về tổng quát – sửa đổi – hiệu lực

Sau đây, chúng tôi xin trích lược một số điểm quan trọng được quy định tại các chương, điều của Nội quy 2011:

-Lời nói đầu: giữ nguyên như bản Nội quy 2001

Điều 1, chương I ghi rõ: GĐPT là tên gọi của tổ chức giáo dục đạo đức cho thanh, thiếu, đồng niên tin Phật, được Hội Việt Nam Phật Học khai sinh và đặt tên cho từ năm 1951.

Điều 12, chương II quy định về sắc phục, gồm:

*Đoàn phục huynh trưởng và đoàn sinh ngành Thanh nam, nữ

*Đoàn phục đoàn sinh thiếu nam, thiếu nữ

*Đoàn phục đoàn sinh đồng nam, đồng nữ

*Lễ phục dành cho huynh trưởng nam, nữ

Điều 14, chương III quy định về tổ chức:

*Cấp Trung ương: Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Trung ương

*Cấp tỉnh, thành: Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành

*Cấp cơ sở: Ban Huynh trưởng GĐPT … (tên chùa)

Mục C, điều 16, chương III quy định: GĐPT sinh hoạt, tu học thường lệ vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày Sóc-Vọng, ngày vía Phật, Bồ tát, ngày kỷ niệm chu niên

Điều 18, chương IV quy định điều kiện công nhận một GĐPT: Được Ban Hướng dẫn PB. GĐPT xem xét, chấp thuận, trình Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh, thành ban hành quyết định công nhận.

Điều 22, chương V quy định về tu học đoàn sinh:

*Đoàn sinh ngành Đồng có 4 bậc học: Mở mắt – Cánh mềm – Chân cứng – Tung bay. Mỗi bậc học 1 năm

*Đoàn sinh ngành Thiếu có 4 bậc học: Hướng thiện – Sơ thiện – Trung thiện – Chánh thiện. Mỗi bậc học 1 năm

*Đoàn sinh ngành Thanh có 4 bậc học: Hòa – Minh – Kiến – Trực. Mỗi bậc học 3 năm

*Sau mỗi bậc học có thi khảo sát, nếu trúng cách, đoàn sinh sẽ được cấp chứng chỉ trúng cách để tiếp tục học bậc trên

Điều 23, chương V quy định về huấn luyện đoàn sinh:

*Ngành Đồng có trại huấn luyện Tuyết Sơn để đào tạo đầu đàn, thứ đàn

*Ngành Thiếu có trại huấn luyện Anoma – Ni Liên để đào tạo đội trưởng, đội phó, chúng trưởng, chúng phó.

*Ngành Thanh có trại huấn luyện Tu Đạt Đa – Tỳ Xá Khư để đào tạo đội trưởng, đội phó, chúng trưởng, chúng phó.

Phụ ghi:

1) Trong Nội quy GĐPT 2011 không quy định về việc sử dụng khuôn dấu, nhưng trên thực tế, kể từ năm 2013, Ban Hướng dẫn PB.GĐPT Trung ương đã được phép sử dụng khuôn dấu riêng trong các văn bản giao dịch hành chánh đối nội và đối ngoại.

2) So sánh giữa Nội quy năm 2001 với Nội quy năm 2011, chúng ta thấy giữa 2 bản Nội quy có sự sai biệt về số lượng các điều, cụ thể:

-Nội quy 2001 có 7 chương và 32 điều

-Nội quy 2011 có 7 chương và 27 điều

Lý giải cho sự sai biệt này là vì Nội quy 2001 còn có một số điều quy định về quản lý, quyền lợi, trách nhiệm, bổn phận v.v… của huynh trưởng; Nhưng, đến Nội quy năm 2011 thì lại có thêm bản Nội quy Huynh trưởng để quy định cụ thể hơn về những vấn đề thuộc về huynh trưởng (chúng ta sẽ tìm hiểu bản Nội quy Huynh trưởng trong bài kế tiếp)

 

KẾT LUẬN

Nội quy GĐPT là sản phẩm kết tinh từ xương máu của bao thế hệ đoàn viên GĐPT từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nó nói lên tinh thần Bi – Trí Dũng của bao thế hệ đoàn viên nối tiếp nhau suốt 65 năm qua để giữ vững ngọn cờ Sen Trắng luôn phấp phới trên bầu trời Lam, làm ngọn hải đăng soi đường cho 34 con thuyền chuyên chở gần 80 vạn thủy thủ (*) trên đường vượt biển khổ để đi đến bến bờ an lạc.

Sự có mặt của bản Nội quy hiện nay còn cho thấy sức sống mãnh liệt của đoàn thể Lam viên, dù cho có muôn ngàn sóng to bão lớn, dù cho sóng vùi gió dập bao phen, dù cho có lúc tưởng chừng không còn đất sống, nhưng hàng triệu hạt giống Lam vẫn kham nhẫn nằm sâu dưới bao lớp sỏi dá cằn khô, chỉ chờ một cơn mưa nhẹ là trổi dậy với một sức mạnh tuy âm thầm mà bền bĩ, kiên cường.

Chú thích:

(*) Theo báo cáo năm 2015 của Ban Hướng dẫn PBGĐPT Trung ương: hiện nay cả nước có 34 tỉnh, thành với tổng số gần 80.000 đoàn viên GĐPT đang sinh hoạt trong lòng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang