TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 38)
CHƯƠNG V
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GĐPT VIỆT NAM
1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
2.MỤC ĐÍCH, CHÂM NGÔN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:
2.1. Mục đích:
2.2. Châm Ngôn:
3.SỰ LỚN MẠNH CỦA TỔ CHỨC:
4.VỊ TRÍ VÀ SỨ MẠNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
C.KẾT LUẬN
1.Xác Định Lại Vấn Đề:
2. Xác định hướng đi cho Gia Đình Phật Tử hiện nay: (…Tiếp theo kỳ trước)
“Gia Đình Phật Tử hiện diện hơn nửa thế kỷ qua đã đóng góp cho lịch sử Phật Giáo Việt Nam nhiều dấu ấn vàng son. Thế nhưng, cũng ngần ấy thời gian, GĐPT đã có bao nhiêu thay đổi để song hành cùng thời đại? Có thể nói rằng, GĐPT không thích ứng với đời sống xã hội hiện nay, nhất là về nội dung của các hoạt động GĐPT không có gì khác hơn so với những năm đầu thành lập, có chăng số lượng có thể nhiều hơn, nhưng bầu nhiệt huyết thì chắc đã nguội dần. Trên phương diện đó, về mặt tự thân, có thể nói, GĐPT đã tự đánh mất mình bởi không có những thay đổi kịp thời thích ứng với xã hội đang trên đà phát triển mau chóng. Chúng ta thật sự có hạt châu trong chéo áo nhưng chúng ta cứ loay hoay mãi chưa biết cách nào đem ra sử dụng.
Tuy nhiên, việc đầu tiên là chúng ta phải tự xây dựng cho mình một nội lực vững mạnh, tạo nguồn sinh lực mới cho hoạt động GĐPT tuy có một mục đích vô cùng tốt đẹp, song nội dung các hoạt động GĐPT đã ít nhiều khô cứng, cần có một cuộc cải tổ toàn diện. Chúng ta phải đưa vào hoạt động GĐPT một sinh khí, một nội dung cụ thể nhưng linh hoạt, một hình thức quen thuộc nhưng mới mẻ.
Trước tiên là việc đào tạo huynh trưởng. người đứng ra trực tiếp hướng dẫn đoàn sinh, phải có một kiến thức căn bản vững vàng. Giáo lý đạo Phật chính là phương tiện để phục vụ quần sanh, nên chúng ta không nên giảng dạy một cách cứng nhắc, giáo điều. Chúng ta phải gợi mở hướng ứng dụng giáo lý trên cơ sở Bát Chánh Đạo, làm cho bài học trở nên linh hoạt, uyển chuyển, thiết thực. Xưa, đối với mỗi hạng người, đức Phật tùy căn cơ hóa độ. Nay, chúng ta phải học theo phương pháp của Ngài. Thanh thiếu niên Phật tử là lớp người trẻ, có rất nhiều hoài bảo, ước vọng. Họ cũng đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời với biết bao nhiêu suy tư trăn trở. Vì thế, các anh chị huynh trưởng, người đã có ít nhiều kinh nghiệm về các lĩnh vực của cuộc sống, lại sở hữu một vốn giáo lý căn bản, là người thích hợp nhất để hướng dẫn cho các em vào đời. GĐPT có thể có những cuộc thảo luận về tâm lý giới tính, tình yêu, hôn nhân, nghề nghiệp cho các em đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu. Các anh chị huynh trưởng là những người anh, người chị thân tình và đáng tin cậy nhất để các em thố lộ tâm tình, hướng dẫn các em vào đời theo đúng con đường Bát Chánh. Dĩ nhiên, các em đoàn sinh cũng phải được trang bị một vốn giáo lý nhất định. Các GĐPT phải kết hợp với chư Tăng cố vấn giáo hạnh để đảm đương công việc này.
Để sinh hoạt GĐPT hấp dẫn được bạn trẻ, chúng ta cần phải tạo được một nguồn nội lực thật sự. Nội lực đó chính là sự thực hành các phép tu, đặc biệt là đối với anh chị huynh trưởng, người đóng vai trò hướng dẫn trực tiếp cho các đoàn sinh. Chúng ta phải có một ngôi chùa thực sự thanh tịnh dành cho việc thiền tập. Chỉ có việc thiền định mới có thể chữa trị các căn bệnh tinh thần cho giới trẻ. Chính sức thiền định mới có khả năng đem lại sức sống linh hoạt cho bất kỳ hoạt động nào của đạo Phật. Ngôi chùa này tất nhiên phải được giáo hội quan tâm. Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh đó, bạn trẻ sẽ thực tập thanh hóa tâm dưới sự hướng dẫn của một vị thầy nhiều kinh nghiệm. Được thế, mỗi Phật tử sẽ có được một sức mạnh vô úy để đi vào đời. Phật tử đi chùa, sinh hoạt mà không tu tập thì cũng chỉ như một cái vá khuấy quanh nồi canh mà không thấm được chút ít hương vị, học mà không tu tập thì chẳng hưởng được hương vị an lạc giải thoát nào. Khi đối đầu với những bất trắc của cuộc sống họ không có khả năng để chuyển hóa, dễ dàng bị phiền não đánh gục” (*)
Về Hoạt động thanh niên, đây là một trong ba ngành của chương trình tu học và huấn luyện trong GĐPT, là phần quan trọng đào luyện về khả năng chuyên môn mà người huynh trưởng và đoàn sinh cần phải có.
Xã hội hôm nay đang trên đà phát triển, công nghệ thông tin cập nhật khắp mọi nơi, trách nhiệm của người huynh trưởng đòi hỏi phải am hiểu, phải trang bị cho mình một kiến thức căn bản đạo cũng như đời. Ngoài các hoạt động triển khai trí tuệ như: thường thức, gút, thông tin Morse, semaphore, dấu đi đường, cấp cứu, trại, thể dục …; huynh trưởng còn phải học thêm tin học phổ thông, các kỹ năng chuyên môn trong đời sống hiện tại để áp dụng vào việc hướng dẫn các môn Hoạt động thanh niên cho đoàn sinh. Từ đó, sự giáo dục của GĐPT chẳng những khỏi lỗi thời, mà còn làm cho sinh hoạt thêm hào hứng.
Về văn nghệ, đây là yếu tố giáo dục thứ ba của GĐPT, đứng sau hai môn Phật pháp và Hoạt động thanh niên. Do vậy, Phân ban GĐPT các cấp cần kết hợp với Ban Văn hóa GHPGVN các cấp phát huy nhiều chương trình văn nghệ, sáng tác nhiều bài hát mang ý nghĩa giáo dục và đạo lý Từ bi của Phật giáo, gieo vào lòng các em một tình thương cao rộng.
Xét về phương diện tổ chức, GĐPT sinh ra và lớn lên trong Hội Phật giáo nên phải chịu sự quản lý và lãnh đạo của Hội. Mọi nỗ lực hoạt động phải tuân thủ Hiến chương và Nội quy do Giáo hội đề ra. Mặt khác, đoàn viên GĐPT cũng là công dân trong một nước nên phải chấp hành theo luật pháp do Nhà nước quy định.
Xét về phương diện hình thức, hay nói rõ hơn là đồng phục, huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, đoàn kỳ, v.v…Đây là vấn đề mang nét đặc thù của GĐPT. Huynh trưởng Tâm Duệ phát biểu về vấn đề này như sau:
“GĐPT là một đội ngũ trẻ, có quy củ, có tổ chức nên có đồng phục riêng đã được quy định để vừa phù hợp với đường lối tu học vừa hòa nhập vào nguồn sống trẻ có tổ chức của toàn thế giới. Nếu đồng phục được may đúng với quy định thì chắc chắn vẫn giữa được cái nhìn thẩm mỹ , nghiêm trang đối với mọi người. Hãy hình dung các huynh trưởng mặc đồng phục quần soọc, tay áo đến sát cùi chỏ, lai quần chấm mí đầu gối, nếu ống quần quá ngắn sẽ mất đi tính thẩm mỹ và trang nghiêm. Còn huynh trưởng mặc quần dài thì trang phục chẳng khác chi công nhân viên điện lực. Bởi vậy không nên quy chụp rằng mặc áo tay ngắn, mang quần soọc, đội nón rộng vành là mất đi nét thẩm mỹ và không trang nghiêm trong lễ lượt của Giáo hội các cấp. Vấn đề còn lại là quy định hình thức dài ngắn của tay áo, ống quần và quy định sử dụng chiếc nón rộng vành khi dự lễ: nếu dự lễ ngoài trời thì đội nón, nếu dự lễ trong chánh điện thì nón đeo bên vai trái (**)
Vấn đề chính trong việc xác định lại hướng đi là phần nội dung, tức là làm cho GĐPT mới lại. Với thời gian dài, từ khi thành lập cho đến nay, bản chất và sức sống của GĐPT ngày một hao mòn khô cạn. Nếu nó được chỉnh lý đôi phần tiểu tiết một cách thông minh, sáng tạo thì sẽ phù hợp với thời đại hiện tại hơn.
“Cũng như bất cứ một thực tại sinh động nào, tổ chức GĐPT cần được làm mới lại để ó thể khôi phục và phát triển sức sống của nó. Nếu chúng ta không có những nỗ lực để làm mới lại tổ chức GĐPT thì trong tương lai tổ chức này sẽ chỉ giữ được cái vỏ hình thức, mất đi cái sức sống mãnh liệt của những thập niên ban đầu. Chúng tôi ao ước các bạn có tâm huyết và thao thức về vận mệnh của tổ chức GĐPT có thể tìm tới với nhau trong những khóa tu học để có thể phát triển và cung cấp những chất liệu cần thiết cho sự đổi mới đó.” (***)
Nói tóm lại, xác định hướng đi cho GĐPT Việt Nam chính là cần nắm vững vị trí, sứ mạng, tổ chức và hình thức. Về vị trí, từ khi thành lập cho đến nay, tổ chức GĐPT là một tổ chức con nằm trong một tổ chức mẹ, hay nói cách khác, GĐPT luôn sinh hoạt trong lòng Giáo hội, không thể tách rời. Về sứ mạng, chúng ta phải luôn thực hiện đúng mục đích của GĐPT đề ra và làm thế nào để phát triển GĐPT. Về chương trình tu học, người đoàn viên không làm gì khác hơn là thực hành tu tập một cách uyển chuyển, tùy căn cơ để áp dụng cho thich hợp các đề tài đã học qua ba bộ môn: Phật pháp, Hoạt động thanh niên và Văn nghệ. Về tổ chức, GĐPT là một tổ chức thanh thiêu đồng niên, sinh hoạt dưới sự bảo hộ của Giáo hội. Về hình thức, đây là một tổ chức có hình thái riêng để phân biệt với các tổ chức khác, trong đó trang phục rất là quan trọng vì nó nói lên sắc thái đặc thù của GĐPT.
Chú thích :
(*) Quảng Kiến: Thử Đi Tìm Nguồn Sinh Khí Mới Cho Hoạt Động Gia Đình Phật Tử – Tuấn báo Giác Ngộ số 148 ra ngày 27/11/2002, trang 38
(**) Tâm Duệ: Suy Nghĩ Về Sắc Phục Gia Đình Phật Tử– Tuần báo Giác Ngộ số 128 ra ngày 10/7/2002, trang 27
(***) Thích Nhất Hạnh: trong Lời nói đầu của “Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 Năm Xây Dựng” Hương Quê ấn hành, California, USA, 1995.